Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 5175 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN
Giải pháp tăng cường công tác thực hành, tiết kiệm chống lãng phí trong quản lý sử dụng tài sản công (08/11/2024)
Tài sản công được hiểu là “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.”
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Tại Việt Nam và nước ngoài hiện nay chưa có công trình nghiên cứu trực tiếp và chuyên sâu về giải pháp tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công. Một số công trình khoa học ở trong nước nghiên cứu có liên quan đến nội dung đánh giá về chính sách pháp lý, thanh tra, kiểm tra,... về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nói chung. Tuy nhiên, về cơ bản kết quả nghiên cứu thực nghiệm về thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công chưa cụ thể và không còn phù hợp với thực tiễn tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Với mục tiêu nghiên cứu lý luận và đánh giá thực trạng công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công. Nghiên cứu đề xuất các giải pháp để tăng cường công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công trong thời gian tới tại Việt Nam. Năm 2022, Thanh tra Bộ Tài chính chủ trì và triển khai nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp Bộ: “Giải pháp tăng cường công tác thực hành, tiết kiệm chống lãng phí trong quản lý sử dụng tài sản công” do CN. Nguyễn Thanh Bình làm chủ nhiệm.
Triển khai đề tài, nhóm nghiên cứu đã làm rõ những vấn đề lý luận về tiết kiệm, chống lãng phí và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công. Hệ thống hóa và đưa ra các khái niệm về tiết kiệm, lãng phí, tài sản công nói chung và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý sử dụng tài sản công nói riêng. Đề tài xác định các tiêu chí đánh giá hiệu quả của thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý sử dụng tài sản công như: Tiêu chí đánh giá việc lãnh đạo, chỉ đạo; Tiêu chí đánh giá việc tổ chức thực hiện; Tiêu chí đánh giá công tác phát hiện và xử lý hành vi lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công.
Nhóm tác giả đề tài tiến hành tổng hợp kinh nghiệm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công ở một số quốc gia có nền kinh tế phát triển như: Mỹ, Nhật Bản, Malaysia…nhằm chỉ ra bài học kinh nghiệm góp phần tiết kiệm chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công cho Việt Nam cụ thể là: (1) Xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ, thống nhất về tài sản công để tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý, sử dụng tài sản công; có tiêu chí cụ thể để đánh giá hiệu quả quản lý tài sản công, đo lường hiệu suất sử dụng của tài sản; (2) Sử dụng cơ chế thị trường để nâng cao hiệu quả và tiết kiệm chi phí quản lý tài sản công; (3) Phân cấp các cơ quan quản lý tài sản công được tổ chức phù hợp với mô hình quản lý, có năng lực đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ và được phân định trách nhiệm rõ ràng; (4) Hệ thống thông tin, báo cáo, dữ liệu về tài sản công được xây dựng đảm bảo cho việc quản lý có hiệu quả, tăng cường trách nhiệm giải trình và tính minh bạch trong quản lý tài sản công; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tài sản công hiệu quả, tiết kiệm; (5) Nâng cao vai trò của kiểm soát, kiểm toán và công tác thanh tra, kiểm tra đối với việc quản lý, sử dụng tài sản công; (6) Hoàn thiện cơ sở pháp lý về bảo hiểm tài sản công đối với rủi ro bão, lũ, lụt.
Qua đánh giá thực trạng công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công ở Việt Nam giai đoạn 2016-2021 của Bộ Tài chính. Trong đó, đi vào rà soát tổng thể hệ thống cơ chế chính sách, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công tại Việt Nam về các mặt: Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mua sắm, sử dụng phương tiện đi lại và phương tiện, thiết bị làm việc của cơ quan, tổ chức thuộc Bộ Tài chính; Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ và công trình phúc lợi công cộng và kết quả thanh tra, kiểm tra, giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công giai đoạn 2016 -2021 của Bộ Tài chính. Nhóm nghiên cứu tiến hành phân tích thực trạng, đánh giá kết quả đạt được, làm rõ những bất cập, hạn chế tồn tại và nguyên nhân đối với hệ thống chính sách, cũng như những khó khăn, thách thức trong công tác quản lý và thực hiện chính sách thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công của các bộ, ngành, địa phương.
Kết quả nghiên cứu đã đưa ra định hướng cho công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công giai đoạn 2021-2030, gồm:
- Thứ nhất, đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại từng cơ quan, tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao quản lý, khai thác, sử dụng tài sản công.
- Thứ hai, chú trọng hoàn thiện pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật liên quan đến tài sản công, đặc biệt là pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, đấu thầu, quản lý vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; bịt kín những sơ hở, bất cập để không thể lợi dụng việc quản lý, sử dụng tài sản công để tham nhũng, trục lợi.
- Thứ ba, đổi mới công tác quản lý, sử dụng tài sản công theo hướng chặt chẽ, chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch, rõ trách nhiệm, khắc phục triệt để cơ chế “xin - cho”. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị tăng cường quản lý tài sản công được giao phù hợp với cơ chế quản lý kinh tế, tài chính, quản lý tài sản công của Nhà nước và đặc thù hoạt động, cơ chế quản lý tài chính của mình.
- Thứ tư, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công.
- Thứ năm, chủ động hợp tác có hiệu quả với các quốc gia và tổ chức quốc tế; tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm quản lý của nước ngoài trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công.
Từ đó, đề xuất một số giải pháp hoàn thiện quản lý nhà nước phù hợp với điều kiện Việt Nam trong thời gian tới, đó là:
Hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Hoàn thiện quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; Hoàn thiện các chính sách, pháp luật khác có liên quan đến tài sản công.
Tăng cường công tác tổ chức, thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như: Tăng cường tuyên truyền, tập huấn dưới các hình thức, đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và trong việc quản lý, sử dụng tài sản công; Tăng cường công tác quản lý nhà nước của Bộ Tài chính trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với quản lý, sử dụng tài sản công; Đổi mới phương thức quản lý tài sản công; Tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài sản công tại Bộ Tài chính; Xây dựng, ban hành tiêu chí đánh giá thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công.
Nâng cao năng lực, phẩm chất đội ngũ cán bộ trong cơ quan quản lý tài sản công: Hoàn thiện, kiện toàn bộ máy cơ quan thực hiện thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong quản lý tài sản công; đào tạo, nâng cao chất lượng cho cán bộ, công chức; phân công rõ ràng trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị; gắn kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức, đơn vị; đưa kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là tiêu chí đánh giá trong công tác thi đua, khen thưởng và bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tiến độ thực hiện công tác mua sắm tài sản; Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, việc tuân thủ quy định của pháp luật trong việc mua sắm tập trung, việc thực hiện Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; Tăng số lượng, quy mô, chất lượng, phạm vi, tổ chức thanh tra chuyên đề, chuyên sâu về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí về quản lý, sử dụng tài sản công; Tăng cường công tác giám sát của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể quần chúng thực hiện giám sát việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Đầu tư công nghệ nhằm tăng hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công: Xây dựng và đưa vào vận hành Hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công để thực hiện các giao dịch bán, chuyển nhượng, cho thuê quyền khai thác tài sản công và các giao dịch khác về tài sản công giữa nhà nước và các tổ chức, cá nhân (trừ phần đấu thầu khi đầu tư xây dựng, mua sắm, thuê tài sản đã thực hiện trên Hệ thống đấu thầu qua mạng); Thực hiện nâng cấp Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công và các Cơ sở dữ liệu về tài sản công chuyên ngành để từng bước cập nhật, quản lý đủ thông tin về các loại tài sản công theo quy định của pháp luật; Xây dựng hệ thống, cơ chế báo cáo đầy đủ và thường xuyên về việc phát hiện, xử lý tham nhũng và các hành vi bất hợp pháp; Đồng bộ, kết nối hệ thống phần mềm quản lý của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính.
Việc thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp này sẽ mang lại những biến đổi tích cực trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công. Do thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là vấn đề lớn, phạm vi rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu dự án tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ./.
- Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá chất lượng quản lý trường hợp đối với... (15/11/2024)
- Nghiên cứu đề xuất giải pháp phát triển sản xuất sản phẩm công nghiệp... (13/11/2024)
- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) nhận diện khuôn mặt và thử nghiệm,... (11/11/2024)
- Nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho dự báo, cảnh báo chất lượng môi trường không... (06/11/2024)
- Nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để diễn toán dòng chảy phục vụ phân bổ... (04/11/2024)