Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 11098
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học - Y dược

Giảm nồng độ cholesterol trong máu xuống bằng mức của trẻ sơ sinh giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch (03/01/2017)

Việc giảm nồng độ cholesterol trong máu xuống bằng mức của một em bé mới sinh giúp làm giảm đáng kể nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Đó là kết luận của một nghiên cứu mới được thực hiện bởi các nhà khoa học đến từ trường Cao đẳng Imperial London, Anh. Báo cáo kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Circulation.

Mặc dù các nghiên cứu trước đây đã chứng minh mối liên quan chặt chẽ giữa việc giảm nồng độ cholesterol với giảm nguy cơ mắc bệnh nhồi máu cơ tim, bằng chứng mới đây đã đặt ra câu hỏi rằng: liệu nồng độ cholesterol ở mức rất thấp thực sự có lợi hay không?

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu thu thập được từ hơn 5.000 người tham gia thử nghiệm nhằm mục đích hạ nồng độ cholesterol trong máu xuống mức thấp.

Những nghiên cứu này đã sử dụng một liệu pháp mới để có thể làm giảm cholesterol tới mức thấp hơn nhiều so với trước đây.

Nhóm nghiên cứu muốn đánh giá mức độ an toàn của việc hạ nồng độ cholesterol xuống mức càng thấp càng tốt, và liệu rằng mức độ đó có lợi hơn so với mức đạt được khi bệnh nhân sử dụng các loại thuốc hiện có.

Các nhà khoa học phát hiện ra rằng: việc giảm nồng độ cholesterol trong máu đến mức thấp nhất có thể, cụ thể là bằng mức của một đứa trẻ mới sinh giúp làm giảm 1/3 nguy cơ đau tim, đột quỵ hay bệnh tim mạch nguy hiểm, gây tử vong.

GS. Kausik Ray đến từ Trường Y tế Công cộng tại Imperial đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu cho biết: "Nồng độ cholesterol trong máu ở mức rất thấp có lợi hay gây hại từ lâu đã là chủ đề gây nhiều tranh cãi. Nghiên cứu mới cho thấy: chỉ số cholesterol thấp không chỉ an toàn mà nó còn góp phần làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch, đau tim và đột quỵ".

Theo đó, các chuyên gia đã thực hiện thử nghiệm nhằm kiểm tra mức độ Lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL). Đây được coi là cholesterol "xấu" vì nó là nguyên nhân gây tắc nghẽn động mạch.

LDL là chất vận chuyển cholesterol chính trong máu tới các tế bào, tuy nhiên, nếu có quá nhiều LDL trong hệ tuần hoàn, nó có thể tích tụ lại ở các thành động mạch và tạo ra những mảng xơ vữa làm bít tắc động mạch.

Lời khuyên của các chuyên gia y tế là: nồng độ LDL trong máu tốt nhất nên ở mức 100mg/dL hoặc thậm chí là thấp hơn, dưới 70mg/dL. Chỉ số này có thể dao động ở mức khác nhau tùy thuộc vào nguy cơ mắc bệnh tim mạch của mỗi người.

Nhóm nghiên cứu đã phân tích dữ liệu thu thập từ 10 nghiên cứu với số lượng 5.000 bệnh nhân tham gia thử nghiệm. Hầu hết số bệnh nhân này mắc các bệnh về tim mạch, đặc biệt, một số bệnh nhân mắc chứng xơ vữa động mạch hoặc nằm trong nhóm có nguy cơ rất cao mắc bệnh mạch vành do thành động mạch ngày càng dày lên.

Tuổi trung bình của các bệnh nhân tham gia thử nghiệm là 60 tuổi. Họ được giám sát chặt chẽ trong khoảng thời gian là 3 tháng và 2 năm. Tất cả trong số họ trước đây đều đã từng được chẩn đoán là có hàm lượng cholesterol trong máu ở mức cao, nhiều người trong số này ở trong tình trạng thừa cân.

Chỉ số cholesterol trung bình của bệnh nhân đạt khoảng 125 mg/dL, đây cũng được coi là chỉ số thường thấy ở bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh tim hoặc đột quỵ.

Hầu hết bệnh nhân được yêu cầu điều trị bằng liệu pháp statin giúp làm giảm cholesterol, tuy nhiên, chỉ hơn một nửa trong số này được đề nghị tiêm thêm một loại thuốc bổ sung có tên gọi là thuốc tiêm praluent (alirocumab), đây là loại thuốc hạ cholesterol đầu tiên được phê chuẩn trong nhóm thuốc mới.

Thuốc này được sử dụng trong trường hợp cần thiết, khi nồng độ cholesterol trong máu bệnh nhân chưa đạt mức đủ thấp sau khi đã trải qua liệu pháp statin.

Một số bệnh nhân sau khi được điều trị bằng liệu pháp satin có mức giảm cholesterol chưa đạt yêu cầu, nguyên nhân có thể là vì cơ thể họ mang một gen bị lỗi.

Hiệu ứng kết hợp giữa sử dụng các loại thuốc mới và liệu pháp statin trong các thử nghiệm thể hiện ở kết quả là một số bệnh nhân có chỉ số cholesterol ở mức rất thấp - thấp hơn 50mg/dL. Chỉ số này tương đương chỉ số của một đứa bé mới được sinh ra và chỉ có thể đạt được ở độ tuổi trưởng thành nhờ sử dụng thuốc, những thay đổi về lối sống hay tập thể dục đều được cho là không thể giúp làm giảm nồng độ cholesterol ở mức thấp như vậy.

Nghiên cứu chỉ ra rằng: chỉ số cholesterol ở mức thấp giúp làm giảm tỉ lệ mắc bệnh đau tim, đột quỵ, đau thắt ngực hoặc thậm chí là giảm nguy cơ tử vong do mắc các bệnh tim mạch, cụ thể là: nếu LDL cholesterol giảm đi 39mg/dL thì nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch cũng giảm đi 24%.

GS. Ray nhấn mạnh: "Nghiên cứu của chúng tôi không những chứng minh được rằng LDL cholesterol là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh về tim mà còn cho thấy việc giảm LDL cholesterol ở người lớn xuống đến mức rất thấp (mức tương đương với một đứa trẻ mới sinh) trên thực tế lại rất an toàn và có lợi".

Ông cho biết thêm là nhóm nghiên cứu trong tương lai cần phải tiếp tục tiến hành thu thập nhiều dữ liệu phục vụ những nghiên cứu mang tính lâu dài nhằm xem xét những lợi ích của việc giảm nồng độ cholesterol trong máu mang lại. Bên cạnh đó, ông cũng khẳng định: “Chúng tôi cần phải chờ đợi cho đến khi các thử nghiệm này được phân tích kỹ lưỡng và thấu đáo trước khi đưa ra đánh giá đầy đủ về những lợi ích của thuốc alirocumab".

Nghiên cứu được tài trợ bởi Công ty Dược phẩm Sanofi và Regeneron.

 

Nguồn: www.vista.gov.vn (Theo: http://www3.imperial.ac.uk)