Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 22897
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học - Y dược

Giấy thử đơn giản phát hiện ra kháng sinh giả hoặc không đạt chuẩn (07/09/2018)

Thuốc kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn đã cứu sống hàng triệu người trên thế giới kể từ khi được phát hiện vào đầu thế kỷ 20. Hiện nay, khi mua thuốc theo đơn tại phòng khám bác sỹ hoặc hiệu thuốc, thì hầu hết chúng ta đều cho rằng các loại thuốc thường được kê này là thật và có chất lượng tốt.

 

Một thử nghiệm đơn giản, dùng giấy có thể nhanh chóng xác định kháng sinh giả hoặc không đạt chuẩn. Ảnh: John Eisele / Đại học bang Colorado.

 

Nhưng trong thế giới đang phát triển, việc sản xuất và phân phối các loại thuốc không đạt chuẩn, không phù hợp rất phổ biến. Tổ chức Y tế thế giới ước tính có tới 10% các loại thuốc trên toàn thế giới có thể là giả với 50% trong số đó là kháng sinh. Kháng sinh giả hoặc pha loãng không chỉ gây nguy hiểm cho bệnh nhân, mà còn có thể góp phần vào thực trạng kháng kháng sinh trên diện rộng.

 

Phòng thí nghiệm của trường Đại học Colorado đang sử dụng phương pháp đơn giản, giá rẻ để xác định thuốc kháng sinh giả và không đạt chuẩn, là giải pháp thiết thực cho vấn đề rất thực tế. Các nhà nghiên cứu đã tạo ra loại giấy thử có thể phát hiện nhanh mẫu kháng sinh có tác dụng phù hợp hoặc pha loãng với các chất độn như baking soda hay không. Tương tự như cơ chế xét nghiệm mang thai tại nhà, băng giấy biến đổi thành màu đặc biệt nếu kháng sinh là giả. Đây là thử nghiệm hóa học dựa vào giấy thử mới nhất do trong phòng thí nghiệm của GS. Chuck Henry thực hiện. 

 

Đây là cách vi khuẩn hoạt động: Vi khuẩn trong tự nhiên sản sinh một loại enzyme có khả năng kháng kháng sinh bằng cách liên kết hóa học với các phần của phân tử kháng sinh. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng loại enzyme có tên là beta-lactamase để thiết bị có thể phát hiện sự hiện diện của thuốc kháng sinh trong một mẫu nhất định.

 

Trong thử nghiệm, người sử dụng hòa tan kháng sinh trong nước và thêm dung dịch vào thiết bị giấy thử cỡ nhỏ. Giấy thử chứa một phân tử có tên là nitrocefin thay đổi màu sắc khi phản ứng với enzyme. Trong trường hợp này, kháng sinh và nitrocefin trên giấy thử tìm cách liên kết với enzyme trong khu vực cần phát hiện.

 

Với liều lượng kháng sinh thật, giấy thử ít thay đổi màu sắc, bởi kháng sinh vượt trội hơn nitrocefin và liên kết thành công với enzyme beta-lactamase. Nhưng đối với loại kháng sinh giả hoặc chất lượng kém, giấy thử chuyển sang màu đỏ vì thay vào đó, enzyme phản ứng với nitrocefin. Trước mắt, màu vàng có nghĩa là tốt (kháng sinh có tác dụng mạnh phù hợp); màu đỏ có nghĩa là xấu (kháng sinh bị pha loãng).

 

Thiết bị này cũng bao gồm chỉ dấu pH để xác định xem mẫu kháng sinh có tính axit hay tính kiềm. Thông tin bổ sung này có thể tiếp tục cảnh báo người dùng về việc một mẫu là kháng sinh giả chứa các thành phần độn hay không, có thể gây trở ngại cho thử nghiệm chính.

 

Thử nghiệm đơn giản này chỉ diễn ra trong khoảng 15 phút và có thể được sử dụng bởi một người chưa được đào tạo. Các phương pháp truyền thống để kiểm tra độ tinh khiết của thuốc dựa vào thiết bị phân tích cồng kềnh, đắt tiền trong phòng thí nghiệm, bao gồm khối phổ, khiến cho các nước đang phát triển gặp khó khăn hoặc không thể sử dụng dễ dàng.

 

Để đảm bảo tính khả dụng của thiết bị, các nhà nghiên cứu đã thực hiện thử nghiệm với năm người dùng không quen với thiết bị. Tất cả đều xác định thành công 29 trong số 32 mẫu kháng sinh là thật hoặc giả.

 

Xét nghiệm này có hiệu quả đối với một loạt kháng sinh beta-lactam phổ rộng, nhưng cần được điều chỉnh. Mẫu kháng sinh được xác định nhầm bởi người dùng chưa được đào tạo, là axít acetylsalicylic thường được gọi là aspirin bởi nó không chuyển sang màu đỏ như các mẫu thuốc giả khác, vì độ pH của axit này làm mất ổn định phản ứng. Khả năng phân biệt chính xác hơn các hóa chất cụ thể đó sẽ là chủ đề của việc tối ưu hóa trong tương lai của thử nghiệm mới.

 

Nguồn: N.T.T (NASATI)/www.vista.gov.vn

Cập nhật: 05/9/2018