Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 31474
Tổng truy cập : 57,998

Văn hóa - Xã hội Nông thôn

Gìn giữ nét đẹp văn hóa làng quê trong xây dựng nông thôn mới (14/05/2015)

Gìn giữ nét đẹp văn hóa làng không chỉ giữ lại những gì mà ông, cha ta đã dày công vun đắp, mà còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ.

 

Điều dễ nhận thấy ở các làng quê trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) là bộ mặt nông thôn đã có nhiều đổi mới, không chỉ trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng mà còn trong nền nếp, lối sống của người dân. Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại cũng ít nhiều ảnh hưởng tới việc gìn giữ những nét đẹp văn hóa xưa...

Mỗi người dân sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn khi nhắc đến các làng quê là gợi nhớ những hình ảnh quen thuộc của cây đa, bến nước, sân đình. Đó là một trong những nét riêng biệt khác hẳn với cảnh phố xá nhộn nhịp. Chính vì vậy nhiều người dân dù xa quê đến mấy chục năm nhưng những hình ảnh đó luôn gợi nhớ nhiều kỷ niệm trong họ. Và mỗi khi có điều kiện họ lại sắp xếp thời gian để về quê...

Thế nhưng trong quá trình xây dựng NTM, cơ sở hạ tầng (của từng hộ gia đình và cả cộng đồng) được đầu tư theo hướng hiện đại đã kéo theo nhiều hệ luỵ khiến người ta quên đi việc giữ gìn nét đẹp văn hóa làng quê từ xa xưa. Hậu quả là nhiều giếng, ao làng bị lấp, cây đa không còn, hàng rào râm bụt cũng biến mất. Thay vào đó là những khối bê tông đang dần bao kín làng; những nếp nhà truyền thống, nhà cổ... ngày càng vắng bóng. 

Mặt trái của quá trình đô thị hoá cùng những tác động xấu của kinh tế thị trường đã và đang dần đánh mất đi nhiều giá trị văn hoá tốt đẹp. Sự phát triển, tăng tốc đến chóng mặt của thông tin đại chúng, internet, sóng truyền hình, di dộng... mang theo sự ô hợp của văn hoá ngoại lai, lối sống thực dụng... đã tác động, tiêm nhiễm và đầu độc tâm hồn của một bộ phận giới trẻ nông thôn. Mặt trái của quá trình đô thị hoá khiến nhiều vùng quê rơi vào thế lưỡng nan, bị kẹt giữa cái cũ và cái mới đang giao tranh quyết liệt. Trong khi nhận thức, tầm nhìn cũng như chủ trương, kế hoạch, biện pháp thực thi của một số cán bộ lãnh đạo, quản lý ở địa phương luôn đi sau so với thực tiễn phát triển.

Đằng sau những ngôi nhà cao tầng, biệt thự ở vùng quê "đô thị hoá" là sự nhộn nhịp, pha tạp, ồn ào của xe cộ, quán xá và trang phục sặc sỡ... Tiềm ẩn bên trong đó là những vấn đề nhức nhối về văn hóa ứng xử, đạo đức, lối sống đang có nguy cơ bị xuống cấp trầm trọng. Trong khi chúng ta chưa có chế tài đủ mạnh để xử phạt, răn đe thì thói quen tuỳ tiện một cách thái quá, chuộng hình thức, hư danh, ngại nghĩ, ngại làm, thu vén cho lợi ích cá nhân của một số cán bộ địa phương cứ nảy nở, lan tràn, khiến cho nhiều vùng quê phát triển “lệch chuẩn”, tạm bợ, lộn xộn...

Gìn giữ nét đẹp văn hóa làng không chỉ giữ lại những gì mà ông, cha ta đã dày công vun đắp, mà qua đó còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ những nét văn hóa truyền thống của quê hương cũng như giữ lại hồn cốt cho làng quê Việt. Vì vậy cùng với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, mỗi người dân cũng cần phải có ý thức và trách nhiệm cao đối với việc giữ gìn nét đẹp văn hóa làng quê.

Nguồn: PV tổng hợp