Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 33300 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Văn hóa - Xã hội Nông thôn
Giỗ tổ Hùng Vương - nét đẹp văn hóa Việt Nam (06/05/2015)
Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là một ngày lễ lớn của Việt Nam. Đây là ngày hội truyền thống của dân tộc nhằm tưởng nhớ đến công ơn các vua Hùng đã có công dựng nước. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã được công nhận là Ngày Quốc lễ của Việt Nam, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trông cây” như một tinh thần văn hóa Việt Nam. Hằng năm cứ đến ngày 10/3 âm lịch, mỗi người dân của Việt Nam lại hướng về với đất Tổ, về với cội nguồn dân tộc.
Giỗ tổ Hùng Vương đã trở thành phong tục truyền thống, một nét đẹp văn hoá lâu đời ở nước ta. Đó là ngày hội toàn quốc, toàn dân. Trong tâm thức dân gian Việt Nam, lễ giỗ tổ Hùng Vương mang tính thiêng liêng cao cả nhất. Bởi vậy, hàng năm, lễ hội luôn được tổ chức long trọng theo nghi thức đại lễ quốc gia, với sự hành hương “trở về cội nguồn dân tộc” của hàng chục vạn người từ khắp các nơi trong nước và kiều bào sống ở nước ngoài. Hội đền Hùng kéo dài từ mùng 8 đến ngày 11 tháng 3 âm lịch, trong đó mùng 10 là chính hội. Lễ hội diễn ra tại đền Hùng, Phú Thọ.
Cũng như mọi lễ hội khác ở đồng bằng Bắc Bộ, lễ hội đền Hùng gồm có 2 phần: phần lễ và phần hội.
Theo nghi thức truyền thống, phần tế lễ được cử hành rất trọng thể mang tính quốc lễ. Lễ vật dâng cúng là “lễ tam sinh" (1 lợn, 1 dê và 1 bò), bánh chưng, bánh dày và xôi nhiều màu, nhạc khí là trống đồng cổ. Sau một hồi trống đồng vang lên, các vị chức sắc vào tế lễ dưới sự điều khiển của chủ lễ, tiếp đến là các bô lão thuộc làng, xã sở tại quanh khu vực đền Hùng. Sau cùng là nhân dân và du khách hành hương vào tế lễ trong các đền thờ, nơi tưởng niệm các vua Hùng.
Phần hội gồm các hoạt động như: thi kiệu giữa các làng xung quanh, hát xoan, hát ca trù. Xung quanh khu vực dưới chân núi Hùng còn có các trò diễn và trò chơi dân gian cổ truyền, sôi động, được nhiều người tham dự như: ném côn, chơi đu, vật, chọi gà, đánh cờ người…
Ngày 02/4/2007, Quốc hội Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch). Kể từ đây, ngày 10/3 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày lễ lớn - QUỐC LỄ, mang ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc.
Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc đó, ngày 6/12/2012, tại kỳ họp lần thứ 7 - Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra ở Paris (Pháp), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức thông qua quyết định công nhận tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ (Việt Nam) là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
P.V tổng hợp
- Phân loại rác thải từ nguồn: ý thức người dân là quan trọng nhất (08/12/2021)
- Người dân hạn chế di chuyển khi F0 tăng nhanh (08/12/2021)
- “Tín dụng đen online” và nỗi ám ảnh trò “khủng bố” đòi nợ (29/11/2021)
- Làng nghề bánh đa Kinh Giao - nét văn hóa đặc trưng của thành phố biển Hải Phòng (27/10/2021)
- Cần có thêm “ranh giới” để nâng cao ý thức phòng, chống dịch (06/10/2021)
- Vui mừng nhưng không chủ quan (30/09/2021)