Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 8845
Tổng truy cập : 57,998

Văn hóa - Xã hội Nông thôn

Giữ phần hồn của đình làng (29/08/2017)

           “Cây đa, bến nước, sân đình” - đó là hình ảnh thân quen, gắn bó với tâm hồn của mọi người dân Việt, là nơi chứng kiến những sinh hoạt, lề thói và mọi đổi thay trong đời sống xã hội của làng quê Việt Nam qua bao thế kỷ.

Đình làng là kiến trúc nổi bật trên mặt đất lớn nhất của làng xã Việt thời cổ xưa. Đình làng là một sáng tác đặc biệt của nền kiến trúc dân gian Việt Nam trong quá khứ. Nơi đời và đạo hòa nhập để tạo nên một bản trường ca phi hoa, phi ấn, phi cả tôn giáo ngoại lai.

Việc bảo tồn kiến trúc đình làng Việt đang bị xem nhẹ trong công cuộc hiện đại hóa và toàn cầu hóa. Cộng đồng dân quê cũng biến đổi rõ rệt qua vài thế hệ và ngôi đình làng vốn là trung tâm hành chính - tín ngưỡng sinh hoạt cộng đồng, dần dà mất đi vị trí mà nó từng chiếm giữ.

Ở nhiều vùng quê, đình tồn tại heo hắt, chẳng mấy khi được tu bổ, thậm chí cả với những ngôi đình đã được xếp hạng di tích quốc gia. Nhiều ngôi đình với kiến trúc đặc biệt cũng bị thời gian tàn phá, đến mức không còn là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh của nhân dân, trở thành nơi bị bỏ hoang.

Các đình làng Việt, với lịch sử vài trăm năm, hầu hết đều đang xuống cấp và trùng tu. Nhưng việc trùng tu một di tích ngoài việc cần kinh phí rất lớn, đòi hỏi một đội ngũ kiến trúc sư chuyên nghiệp, có trình độ tay nghề cao, có hiểu biết về lịch sử, văn hóa, kiến trúc cũng vô cùng cần thiết. Để khi làm mới, làm đẹp cho đình làng mà không đánh mất giá trị cốt lõi của di tích.

Ở ta, việc này chưa được quan tâm đúng mức, nên thời gian cả chục năm qua, tồn tại phổ biến câu chuyện tu bổ tôn tạo đình cổ sai nguyên tắc, đánh tụt niên đại, làm hỏng các cấu kiện, mảng chạm, những thứ được xem như “nghệ thuật điêu khắc”.

Tiến sĩ - Kiến trúc sư Hoàng Đạo Cương cho rằng, không gian di sản đình làng mới chủ yếu được nhắc đến với tư cách là nơi thờ tự các vị thành hoàng làng, anh hùng chống giặc ngoại xâm, các vị tổ nghề; nơi gìn giữ những tinh hoa kiến trúc, điêu khắc của dân tộc. Trong khi đó, chức năng cơ bản nhất là quy tụ và gắn kết các thành viên trong cộng đồng của đình làng chưa được bàn nhiều. Việc trùng tu chỉ có thể gia cố lại phần xác trong khi đã mất đi phần hồn liệu có thể tồn tại được bao lâu?

Bởi vậy, để làm sống lại không gian đình làng, chúng ta không chỉ gìn giữ các di sản tích kiến trúc đình làng, mà còn phải gìn giữ mối tương quan của con người với di sản đó. Thay vì chỉ tu bổ đình, chúng ta lên xây dựng cả cảnh quan xung quanh và phục hồi công năng của đình là nơi gắn kết cộng đồng, nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh của ngôi làng.

 

Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam