Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 20379 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN
Hỗ trợ quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu tập thể “Chả cá Chày Đại Hợp - đặc sản xã Đại Hợp - huyện Kiến Thụy - thành phố Hải Phòng” (10/04/2024)
Chả cá Chày Đại Hợp là một sản phẩm đặc sản của xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy nói chung và thành phố Hải Phòng nói riêng. Sản phẩm được chế biến từ nguồn cá chày đánh bắt ngoài khơi với phương pháp chế biến truyền thống của người dân nên có được chất lượng cao, mùi vị thơm ngon và khác biệt so với sản phẩm chả cá khác, chính vì vậy có giá bán cao hơn sản phẩm chả cá khác trên thị trường từ 1,5 - 2 lần.
Sản phẩm Chả cá Chày Đại Hợp đã được bảo hộ nhãn hiệu tập thể từ năm 2019. Tuy nhiên, sau 3 năm được bảo hộ, việc quản lý và phát triển sản phẩm còn nhiều hạn chế như: chưa có các tiêu chuẩn chất lượng, đặc biệt là các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, chưa có bao bì nhãn mác và tem truy xuất nguồn gốc để giúp nhận diện và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường; hệ thống tổ chức quản lý và khai thác nhãn hiệu chưa được hình thành (ngoài chủ sở hữu là Hội nông dân xã Đại Hợp), chưa có bộ máy quản lý nhãn hiệu và chất lượng; nhãn hiệu thiếu các công cụ để quản lý, khai thác và phát triển; thị trường tiêu thụ nhỏ, chưa có kênh tiêu thụ ổn định, chủ yếu là kênh tiêu thụ truyền thống (ngoài chợ, người tiêu dùng trực tiếp, đám, lễ) dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm bấp bênh, giá bán chưa được nâng cao; nhiều cơ sở sản xuất thiếu các kiến thức về an toàn thực phẩm và kiến thức về thương hiệu, thị trường, ảnh hưởng lớn đến phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm. Từ thực tế trên, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống Nông nghiệp chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ: Hỗ trợ quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu tập thể “Chả cá Chày Đại Hợp - đặc sản xã Đại Hợp - huyện Kiến Thụy - thành phố Hải Phòng”, ThS. Nguyễn Thị Phương làm chủ nhiệm, hoàn thành vào tháng 12/2023. Việc triển khai nhiệm vụ có ý nghĩa nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng giá trị và thương hiệu sản phẩm trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho người sản xuất Chả cá Chày Đại Hợp.
Ban chủ nhiệm nhiệm vụ tiến đánh giá hiện trạng sản xuất, thị trường và quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “Chả cá chày Đại Hợp - đặc sản xã Đại Hợp - huyện Kiến Thụy - thành phố Hải Phòng”, làm cơ sở để xây dựng Quy định kỹ thuật sản xuất, phương án phát triển thị trường, hoàn thiện hệ thống quản lý và phát triển nhãn hiệu phù hợp với thực tiễn. Tại thời điểm nghiên cứu, số lượng hộ sản xuất Chả cá Chày trên địa bàn là 25 hộ, số lượng các hộ này thay đổi qua các năm và có xu hướng tăng trong những năm gần đây (năm 2019 là 10 hộ, đến 2022 là 25 hộ). Trung bình mỗi năm, mỗi hộ sản xuất khoảng 5,2 tấn Chả cá Chày để cung cấp ra thị trường, hộ cao nhất lên đến 18 tấn/năm. 50% số hộ được điều tra cho thấy sản lượng và quy mô sản xuất tăng trong các năm gần đây nhờ tiếp cận và nhu cầu ngày càng tăng của thị trường, chủ động được nguyên liệu đầu vào, thiết bị và lao động để sản xuất chả cá. 25% số hộ có sản lượng và quy mô sản xuất giảm do thiếu nhân công và nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất. 25% số hộ còn lại có sản lượng và quy mô sản xuất không thay đổi. Qua khảo sát, có 40% số hộ sản xuất Chả cá Chày hàng ngày và 60% số hộ không sản xuất hàng ngày, số ngày sản xuất trung bình/tuần/hộ là 4 ngày. Việc sản xuất Chả cá Chày đảm bảo nguyên liệu đầu vào tươi ngon, đạt khối lượng cá từ 700 - 1000g/con, khối lượng mực đạt trên 500g/con… Tuy nhiên, khảo sát cũng cho thấy, 100% các hộ chưa có chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, chưa có giấy kiểm nghiệm, phân tích chất lượng sản phẩm cũng như bao bì nhãn mác sản phẩm và truy xuất nguồn gốc. Về hiệu quả kinh tế, nghề sản xuất Chả cá Chày đã mang lại lợi nhuận từ 25-30 nghìn đồng/kg, thu nhập trung bình cho các hộ từ 10-15 triệu đồng/hộ/tháng. Có hộ lên tới trên 30 triệu đồng.
Trên cơ sở khảo sát thực trạng sản xuất, thị trường và quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “Chả cá chày Đại Hợp - đặc sản xã Đại Hợp - huyện Kiến Thụy - thành phố Hải Phòng”, Ban chủ nhiệm tiến hành xây dựng và vận hành mô hình quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu tập thể này. Trong đó, xây dựng, hoàn thiện các công cụ, văn bản phục vụ cho việc quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu (quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể; quy trình cấp và thu hồi quyển sử dụng nhãn hiệu tập thể; quy định kỹ thuật sản xuất, đóng gói, bảo quản sản phẩm; hệ thống sổ sách theo dõi, kiểm tra việc quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể; sổ tay sử dụng nhãn hiệu tập thể); xây dựng và vận hành thử nghiệm mô hình sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn nhãn hiệu tập thể, trong đó chủ sở hữu nhãn hiệu là Hội Nông dân xã Đại Hợp, chủ thể sử dụng nhãn hiệu gồm các hộ gia đình là thành viên của Hội Nông dân xã Đại Hợp có hoạt động sản xuất chả cá Chày và/hoặc kinh doanh sản phẩm trong vùng bảo hộ nhãn hiệu (xã Đại Hợp) và cam kết tuân thủ quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu và các công cụ quản lý nhãn hiệu, các cơ quan phối hợp quản lý (UBND xã Đại Hợp, phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Kiến Thụy, Hội Nông dân huyện Kiến Thụy, Sở KH&CN thành phố Hải Phòng, Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thành phố Hải Phòng, Hội Nông dân thành phố Hải Phòng). Trong mô hình, việc quản lý nhãn hiệu tập thể “Chả cá Chày Đại Hợp - Đặc sản xã Đại Hợp - huyện Kiến Thụy - thành phố Hải Phòng” được tổ chức theo 3 cấp: tự quản lý (các hộ sử dụng nhãn hiệu tập thể); quản lý cơ sở (Hội Nông dân xã Đại Hợp tổ chức kiểm tra quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm, hoạt động sử dụng nhãn hiệu tập thể của các tổ chức, cá nhân được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu; cấp và thu hồi quyền sử dụng cho các tổ chức/cá nhân...); quản lý bên ngoài (do các cơ quan phối hợp quản lý thực hiện).
Dự thảo mô hình sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn nhãn hiệu tập thể "Chả cá Chày Đại Hợp - đặc sản xã Đại Hợp - huyện Kiến Thụy - thành phố Hải Phòng".
Mô hình quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “Chả cá chày Đại Hợp - đặc sản xã Đại Hợp - huyện Kiến Thụy - thành phố Hải Phòng” được vận hành thử nghiệm với 02 hộ tham gia, đảm bảo các tiêu chí: Có sản xuất kinh doanh sản phẩm chả cá Chày Đại Hợp, đảm bảo chất lượng, uy tín; Có nhu cầu sử dụng và đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Chả cá Chày Đại Hợp - đặc sản xã Đại Hợp - huyện Kiến Thụy - thành phố Hải Phòng”; Có giấy đăng ký kinh doanh; Cơ sở có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; Ưu tiên cơ sở đã có chứng nhận OCOP hoặc đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá phân loại OCOP. Các hộ tham gia được hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho sản phẩm và cấp quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể; hỗ trợ áp dụng công nghệ đóng gói hút chân không, hệ thống nhận diện, truy xuất nguồn gốc (QR code) tại các cơ sở; tổ chức quản lý, kiểm soát nhãn hiệu tập thể và chất lượng sản phẩm.
Đánh giá thực địa tại cơ sở sản xuất Chả cá Chày Đại Hợp.
Trao giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể cho một số cơ sở sản xuất Chả cá Chày Đại Hợp.
Qua vận hành thử nghiệm, mô hình sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn nhãn hiệu tập thể “Chả cá Chày Đại Hợp - đặc sản xã Đại Hợp - huyện Kiến Thụy - thành phố Hải Phòng”, Ban chủ nhiệm nhận thấy, để hoàn thiện mô hình, cần tăng cường tập huấn nâng cao năng lực cho hộ sản xuất Chả cá Chày Đại Hợp về kỹ thuật sản xuất, ghi chép sổ sách, khai thác nhãn hiệu tập thể để nâng cao khả năng tự kiểm soát, kiểm soát chéo giữa các hộ; chủ sở hữu nhãn hiệu và các cơ sở sản xuất cần phải xây dựng được kế hoạch sản xuất và marketing sản phẩm, đấy mạnh truyền thông, quảng bá sản phẩm để nhiều tác nhân thương mại cũng như người tiêu dùng biết đến sản phẩm, giúp cho việc mở rộng thị trường, nâng cao danh tiếng và giá trị sản phẩm.
Để phát triển thị trường cho sản phẩm Chả cá Chày Đại Hợp mang nhãn hiệu tập thể, Ban chủ nhiệm đã thực hiện hỗ trợ xây dựng và sản xuất các công cụ nhận diện và quảng bá sản phẩm; xây dựng phương án phát triển thị trường cho sản phẩm. Nhiệm vụ cũng tiến hành tăng cường, nâng cao năng lực cho các tác nhân tham gia mô hình với việc tổ chức 8 lớp tập huấn cho 160 lượt học viên về quản lý, khai thác và sử dụng nhãn hiệu tập thể và quy định sản xuất, đóng gói, bảo quản sản phẩm, kỹ năng phát triển thị trường, an toàn thực phẩm.
Việc triển khai nhiệm vụ giúp các hộ tham gia mô hình cải thiện chất lượng, an toàn thực phẩm, bao bì của sản phẩm; tiếp cận với các kênh hàng cao cấp đã giúp sản phẩm ngày càng có chỗ đứng trên thị trường, giá bán tăng hơn 4% và tăng lợi nhuận cho sản xuất Chả cá Chày Đại Hợp từ 28.000 đồng/kg lên 35.000 đồng/kg (tăng 25%) so với khi chưa sử dụng nhãn hiệu tập thể.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ tại Trung tâm Thông tin, Thống kê KH&CN Hải Phòng./.
- Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế xác lập hệ thống tiêu chí, chỉ số đánh giá, giám sát... (30/10/2024)
- Nghiên cứu thử nghiệm sản xuất giống sò huyết Anadara granosa trong ao (28/10/2024)
- Quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường vùng nuôi trồng thủy sản tại một số tỉnh... (25/10/2024)
- Nghiên cứu xây dựng bộ công cụ số hóa đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo cho doanh... (23/10/2024)
- Một số giải pháp chính sách thực hiện chiến lược kinh tế biển xanh trong xây dựng... (21/10/2024)
- Nghiên cứu phát triển kỹ thuật PCR đa mồi (multiplex PCR) để phát hiện nhanh một... (18/10/2024)