Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 17360
Tổng truy cập : 57,998

Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN

Hoàn thiện quy trình công nghệ nuôi ốc hương thương phẩm trong hệ thống tuần hoàn (23/04/2025)

Ốc hương (Babylonia areolata) là loài động vật thân mềm sống ở biển nhiệt đới, có giá trị dinh dưỡng cao, thịt thơm ngon, được nhiều người ưa chuộng. Nhờ thành công trong sản xuất giống và nuôi thương phẩm trong điều kiện nhân tạo mà sản lượng ốc hương nuôi đã tăng rất nhanh trong những năm vừa qua, góp phần quan trọng trong việc giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người nuôi. Những năm gần đây, nghề nuôi ốc hương đã phát triển nhanh và mạnh ở nhiều tỉnh trong cả nước, trở thành nghề nuôi thủy sản quan trọng khu vực ven biển miền Trung và một số tỉnh miền Bắc, miền Nam.

Tiềm năng phát triển nghề nuôi ốc hương ở nước ta là rất lớn, nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu cao, cung không đủ cầu. Tuy nhiên, công nghệ nuôi ốc hương hiện nay còn lạc hậu, phụ thuộc vào thiên nhiên, năng suất và hiệu quả thấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cho đến nay, chưa có nhiều công trình nghiên cứu một cách đầy đủ hệ thống để có giải pháp đồng bộ giúp cho nghề nuôi ốc hương phát triển ổn định, bền vững và hiệu quả. Vấn đề đặt ra là cần có giải pháp thúc đẩy nghề nuôi theo hướng công nghiệp, hiện đại, kiểm soát môi trường, dịch bệnh, sử dụng thức ăn công nghiệp, hạn chế sử dụng kháng, sinh hóa chất, năng suất cao, sản lượng lớn, sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng cho nhu cầu xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu cao về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao cho Trung tâm Tư vấn, sản xuất, dịch vụ và chuyển giao công nghệ thủy sản - Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III chủ trì thực hiện Dự án “Hoàn thiện quy trình công nghệ nuôi ốc hương thương phẩm trong hệ thống tuần hoàn”, ThS. Hoàng Văn Duật làm chủ nhiệm dự án.

A diagram of a flowchart

AI-generated content may be incorrect.

Sơ đồ quy trình công nghệ nuôi ốc hương trong RAS.

Triển khai dự án, nhóm nghiên cứu hoàn thiện thiết kế và xây dựng hệ thống công trình nuôi; hoàn thiện công thức và sản xuất thức ăn; hoàn thiện quy trình công nghệ nuôi ốc hương trong RAS; xây dựng mô hình, đào tạo tập huấn và đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường. Dự án đã hoàn thiện hệ thống công trình và cơ sở khoa học tối ưu cho nuôi ốc hương thương phẩm trong RAS, với tổng diện tích nuôi 1.000 m2; năng suất 12 kg/m2/vụ, sản lượng ≥12 tấn/vụ, bao gồm: bản vẽ thiết kế chi tiết, dữ liệu khoa học, trang thiết bị, quy trình quản lý và vận hành hệ thống. Nghiên cứu cũng xây dựng được 1 công thức thức ăn cho nuôi ốc hương trong hệ thống tuần hoàn với hàm lượng protein ≥ 40%, lipid trong khoảng từ 7 - 9%, độ ẩm 8 - 9%; FCR 1,25 - 1,4, độ bền trong nước đạt 96,5% sau 45 phút. Quy trình sản xuất thức ăn đã được hoàn thiện. Sản phẩm thức ăn dạng viên hình trụ tròn, đường kính dao động từ 2 - 4 mm tùy thuộc vào kích cỡ ốc hương nuôi cho phép ốc hương sử dụng trực tiếp mà không bị rã trong môi trường nước, giảm ô nhiễm thứ cấp do thức ăn thừa cũng như giảm thiểu lượng thức ăn sử dụng. Quy trình sản xuất thức ăn cho ốc hương đơn giản, dễ thực hiện, các loại nguyên liệu thức ăn dễ tìm kiếm, nguồn cung cấp dồi dào, đảm bảo đáp ứng nhu cầu sản xuất thức ăn cho ốc hương.

Hệ thống thiết bị và quy trình công nghệ nuôi thương phẩm ốc hương trong hệ thống tuần hoàn sử dụng thức ăn công nghiệp đảm bảo đồng bộ, vận hành ổn định. Hệ thống có khả năng tự làm sạch môi trường đáy và nước trong quá trình nuôi, phù hợp cho nuôi ốc hương và các đối tượng thủy sản sống đáy khác trong hệ thống tuần hoàn. Kiểu đáy 1 tầng 2 lớp (san hô và cát), dòng nước tuần hoàn liên tục chảy ngược từ dưới đáy bể đi lên, xuyên qua lớp san hô và lớp cát phân tán đều khắp toàn bộ mặt đáy bể nuôi có khả năng tự động làm sạch môi trường đáy nuôi. Giúp hạn chế quá trình cào đáy, xịt rửa đáy, tiết kiệm nhân công, nước. Mặt khác, làm không làm xáo trộn toàn bộ lớp cát đáy, không tác động mạnh trực tiếp đến toàn bộ ốc hương, không làm trầy xước tổn thương lớp vỏ. Từ đó, ốc hương ít bị nhiễm bệnh, ăn đều, lớn tốt, hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình sản xuất thức ăn với tổng vốn đầu tư 6.340,6 triệu đồng. Dây chuyền công suất 200 kg/giờ, 500 tấn sản phẩm/năm. Giá thành thức ăn là 35,1 triệu đồng/tấn. Giá bán sản phẩm thức ăn là 40,4 triệu đồng/tấn. Tổng lợi nhuận thu được là 2.055,1 triệu đồng, lợi nhuận/vốn đầu tư 32,4%. Thời gian hoàn vốn là 37 tháng (3,09 năm). Mô hình nuôi ốc hương đợt 1 và đợt 2 cho các chỉ tiêu tổng lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận, lợi nhuận biên và lợi nhuận/vốn đầu tư lần lượt đạt 216,7 - 320,6 triệu đồng, 12,9 - 19,7%, 11,4 - 16,4% và 15,1 - 23,1%. Mô hình ốc hương trong hệ thống tuần hoàn có chi phí đầu tư cao. Tuy nhiên với 1.000 m2 diện tích nuôi, hiệu quả kinh tế đạt được là khá cao, công nghệ nuôi có tỷ lệ thành công lên đến 100%, dễ dàng kiểm soát quá trình nuôi, giảm thiểu dịch bệnh, vấn đề mà nghề nuôi ốc hương truyền thống đang gặp nhiều khó khăn, nâng cao lòng tin của các nhà đầu tư, góp phần phát triển nghề nuôi ốc hương theo hướng công nghiệp hiện đại, bền vững. Dự án cũng đã tổ chức đào tạo cán bộ kỹ thuật thiết kế lắp đặt và quản lý vận hành hệ thống RAS cho 10 cán bộ kỹ thuật; 5 cán bộ của dự án cũng được tham gia khóa đào tạo về phân tích, kiểm nghiệm chất lượng môi trường nước và chất lượng thức ăn tại Trung tâm thí nghiệm thực hành - Trường Đại học Nha Trang.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu tại Trung tâm Thông tin và Truyền thông Hải Phòng./.