Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 2004
Tổng truy cập : 57,998

Văn hóa - Xã hội Nông thôn

Họp mặt gia đình: Nét văn hóa cần lưu giữ (31/03/2014)

Họp mặt gia đình là nét đẹp văn hóa của biết bao thế hệ người Việt. Thế nhưng cuộc sống hiện đại với bộn bề công việc khiến nét đẹp ấy đang dần mai một, cho dù khẩu hiệu xây dựng “Gia đình văn hóa” chưa bao giờ được nhắc nhiều như hiện nay.

Nói đến gia đình là nói đến một mối quan hệ cố kết, bền chặt, có những cái chung không một tổ chức nào có được, đó là chung nhà, chung cả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống.

 Thế nhưng, ngoài những cái chung thiêng liêng ấy, nhiều thành viên trong gia đình khi đi học, đi làm sẽ có sự tiếp nhận kiến thức và thông tin khác nhau. Vì vậy việc họp mặt gia đình thường xuyên sẽ là cách để ông bà, cha mẹ nắm bắt kịp thời tâm lý cũng như sự phát triển từ đầu đến cuối của con trẻ, để có sự định hướng về nhận thức và hành vi, góp phần trong việc hình thành nhân cách của trẻ, nhất là trong giai đoạn đầu đời. Mặt khác, đây cũng là một trong những hoạt động để duy trì nền nếp gia phong, giúp người trẻ có ý thức giữ gìn, vun đắp truyền thống gia đình; đồng thời biết lắng nghe người lớn góp ý và truyền đạt kinh nghiệm, qua đó khắc phục khó khăn, sửa đổi những lỗi lầm phạm phải.

 Tất nhiên, cùng với việc tiếp thu ý kiến, người trẻ cũng có thể bày tỏ quan điểm, suy nghĩ của mình về một vấn đề nào đó cũng như chia sẻ một dự định, kế hoạch trong tương lai và thuyết phục ông bà, cha mẹ, anh chị em trong gia đình ủng hộ…

 Tùy vào nội dung sẽ thông qua mà buổi họp gia đình có thể nghiêm túc hoặc cởi mở, nhưng có một điều chắc chắn là, sau những buổi họp mặt này, các thành viên sẽ càng hiểu và thương yêu nhau hơn.

Một nét đẹp văn hóa như thế cần phải được giữ gìn và phát huy. Thế nhưng ngày nay, chẳng mấy gia đình còn duy trì được nét sinh hoạt văn hóa đó trừ khi có sự kiện trọng đại như gia đình có đám hiếu, hỷ. Có nhiều nguyên nhân, song cuộc sống hiện đại với bộn bề công việc khiến mỗi người không còn có nhiều thời gian dành cho gia đình.

 Và cũng vì lý do công việc mà nhiều người buộc lòng phải đi làm ăn xa, năm thì mười họa mới về thăm nhà. Chưa kể nếu có ở nhà thì tâm lý thích ra ở riêng cũng khiến không còn mấy gia đình có 4 hay 3 thế hệ cùng chung sống.

Thế nên, đến việc muốn tổ chức một bữa cơm gia đình đoàn tụ còn khó, nói gì đến họp gia đình thường xuyên. Trong khi đó, xã hội càng phát triển càng nảy sinh nhiều tiêu cực, nếu mối quan hệ trong gia đình không thường xuyên được xây dựng, thì tình cảm cũng sẽ dần trở nên xa cách bởi sự tác động của những mối quan hệ bên ngoài.

 Đến lúc đó, ông bà, cha mẹ không những không giúp con cháu định hình nhân cách, mà mọi hành động của trẻ cũng không thể quản lý, kiểm soát được. Một khi trẻ có suy nghĩ lệch lạc và việc làm sai trái mà không được người lớn nhắc nhở, phân tích điều hay lẽ phải kịp thời, thì đó là nguyên nhân đẩy họ đi hết từ sai lầm này đến sai lầm khác. Đến khi tổ chức họp mặt gia đình để tìm hướng giải quyết thì đã quá muộn. Điều này lý giải vì sao xã hội ngày càng có nhiều tội phạm ở lứa tuổi còn trẻ.

 Giữa lúc phong trào xây dựng “Làng văn hóa” mà nòng cốt là xây dựng “Gia đình văn hóa” đang được thực hiện rầm rộ, thì văn hóa họp gia đình càng cần được gìn giữ.

Nguồn: Văn hóa và Đời sống