Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 26180 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Khoa học - Y dược
Insulin dạng nhỏ giọt dùng đường uống không gây đau đớn cho bệnh nhân tiểu đường (26/06/2024)
Số người mắc bệnh tiểu đường tiếp tục gia tăng, với 11,7 triệu người Canada mắc bệnh tiểu đường hoặc tiền tiểu đường. Tại UBC, các nhà khoa học đã tạo ra được một phương pháp truyền thuốc không gây đau đớn cho bệnh nhân, giúp người mắc bệnh tiểu đường có thể kiểm soát bệnh và duy trì sức khỏe dễ dàng hơn.
Hình ảnh Tiến sĩ Shyh-Dar Li và Tiến sĩ Jiamin Wu. Nguồn: UBC Pharmaceutical Sciences/Justin Ohata
Các nhà nghiên cứu tại Li Lab đã phát triển được insulin dạng giọt đường uống có khả năng thay thế phương pháp tiêm truyền insulin. Chỉ việc đặt dưới lưỡi, nó sẽ được cơ thể hấp thụ nhanh chóng và hiệu quả. Loại thuốc nhỏ giọt này chứa hỗn hợp insulin và peptide thâm nhập tế bào (CPP) độc đáo do Tiến sĩ Shyh-Dar Li và các đồng nghiệp phát triển.
Tác giả chính của nghiên cứu, Shyh-Dar Li, giáo sư tiến sĩ về khoa học dược phẩm cho biết: Insulin là một phân tử phức tạp. Ở dạng thuốc viên, nó dễ dàng bị phá hủy trong dạ dày. Insulin cũng cần phải có sẵn nhanh chóng trong máu, nhưng vì là một phân tử lớn nên nó không thể tự mình đi xuyên qua các tế bào một cách dễ dàng. Peptide có nguồn gốc từ phụ phẩm từ cá. Nó là thành phần mở ra con đường cho insulin đi qua.
Các xét nghiệm tiền lâm sàng cho thấy insulin chứa peptide đi vào máu một cách hiệu quả, trong khi không có peptide, insulin bị kẹt ở niêm mạc bên trong miệng.
Tiến sĩ Jiamin Wu, tiến sĩ tại phòng thí nghiệm của Li, cho biết: "Hãy coi nó như một bản hướng dẫn giúp insulin di chuyển được qua một mê cung để có thể vào máu nhanh chóng. Hướng dẫn này sẽ tìm ra những đường đi tốt nhất, giúp insulin dễ dàng đến nơi cần đến hơn".
Hai phiên bản của peptide đã được mô tả trong các bài báo gần đây trên Tạp chí Journal of Controlled Release. Nhóm UBC đang nỗ lực cấp phép công nghệ này cho các đối tác thương mại.
Những người khỏe mạnh lấy insulin tự nhiên từ tuyến tụy để điều chỉnh lượng glucose sau bữa ăn. Bệnh nhân tiểu đường không thể sản xuất đủ insulin và cần lấy phải từ nguồn bên ngoài. Khi lượng glucose không được kiểm soát sẽ gây nguy hiểm, vì vậy bệnh nhân tiểu đường phải theo dõi lượng đường trong máu và dùng insulin để hạ thấp lượng đường này khi cần thiết. Mặc dù tiêm truyền là cách nhanh nhất để đưa insulin vào máu nhưng bệnh nhân thường cần ít nhất ba đến bốn mũi tiêm mỗi ngày, điều này gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của họ. Việc tuân thủ chế độ này là một thách thức và theo thời gian, điều này có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như tổn thương mắt, thận và thần kinh, và có khả năng dẫn đến phải cắt cụt chi.
Tiến sĩ Li cho biết: “Phòng thí nghiệm của tôi đã nghiên cứu các giải pháp thay thế insulin mà không cần kim tiêm trong suốt ba năm qua. Chúng tôi đã thử dùng thuốc xịt mũi trước khi dùng thuốc dạng nhỏ giọt. Loại thuốc này rất dễ dàng sử dụng và thuận tiện cho bệnh nhân. Hy vọng rằng thuốc nhỏ miệng này sẽ mở ra một khả năng mới cho bệnh nhân tiểu đường-giúp họ uống thuốc và điều chỉnh lượng đường trong máu dễ dàng hơn để có thể duy trì sức khỏe lâu dài”.
Hai sản phẩm insulin dạng hít (Exubera, Afrezza) đã được phê duyệt trước đó nhưng hiệu quả chưa tối ưu và làm tăng nguy cơ phát triển ung thư phổi. Những sản phẩm này đã bị thu hồi. Tiến sĩ Li đặt mục tiêu đạt được việc cung cấp insulin nhanh chóng, không gây đau đớn và không có tác dụng phụ đáng kể. Công nghệ không dùng kim tiêm mới dự kiến sẽ làm giảm nguy cơ lây nhiễm chéo, đau khi chích kim tiêm, nhiễm trùng.
P.T.T (NASATI), theo https://Medicalxpress.com/6/2024
Ngày cập nhật : 25/06/2024
https://www.vista.gov.vn/vi/news/cac-linh-vuc-khoa-hoc-va-cong-nghe/insulin-dang-nho-giot-dung-duong-uong-khong-gay-dau-don-cho-benh-nhan-tieu-duong-8836.html
- Omega-3 và Omega-6 có thể làm giảm nguy cơ ung thư (06/01/2025)
- Thuốc giảm cân và thuốc tiểu đường phổ biến có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer (03/01/2025)
- Phẫu thuật robot có thể thay đổi thế hệ bác sĩ tương lai (25/12/2024)
- Mất thính giác liên quan đến nguy cơ cao mắc bệnh Parkinson ở cựu chiến binh (16/12/2024)
- Liệu pháp gen biến đổi chất béo có hại thành Omega-3 có lợi (09/12/2024)
- Sợi chỉ điện sử dụng chuyển động cơ để làm lành nhanh vết thương (02/12/2024)