Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 47292
Tổng truy cập : 57,998

Văn hóa - Xã hội Nông thôn

Khai thác, sử dụng thiết chế văn hóa cấp thôn: Khắc phục tình trạng “cửa đóng, then cài” (23/06/2020)

           Nhà văn hóa thôn, tổ dân phố là thiết chế văn hóa cơ sở, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ về văn hóa ngày càng phong phú của người dân. Song, hiện nay, phần lớn nhà văn hóa chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả cao. Nhiều nơi vẫn “cửa đóng, then cài”, nên dẫn đến tình trạng sử dụng nhà văn hóa không hoạt động đúng mục đích, công năng.

Hiện nay, phần lớn nhà văn hóa mới có “phần xác” nhưng thiếu “phần hồn”, chủ yếu hoạt động vào một số ngày lễ, tết, dịp hè và họp bàn công việc của thôn, xã…. Trong khi đó, kinh phí phục vụ hoạt động nhà văn hóa thôn, tổ dân phố chủ yếu bằng nguồn xã hội hóa do nhân dân đóng góp, hoặc tài trợ của các cơ quan, xí nghiệp trên địa bàn thôn, xã. Từ thực tế này dẫn đến một số nơi cho cá nhân, câu lạc bộ thuê, mượn nhà văn hóa làm nơi tập yoga, chơi thể thao, tổ chức các đám cưới… để có kinh phí trang trải tiền điện, nước, bảo vệ và hoạt động văn hóa, văn nghệ của người dân địa phương. Thực tế đó đòi hỏi công tác xây dựng thiết chế văn hóa cấp thôn cần được chú trọng hơn.

Thời gian gần đây, việc xây dựng, phát triển các thiết chế văn hóa, nhất là ở ngoại thành được thành phố, các địa phương quan tâm đầu tư khang trang khi gắn với xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh việc từng bước đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, văn hóa, văn nghệ, thể thao của người dân địa phương, một số nơi, hoạt động của nhà văn hóa hiệu quả chưa cao.

Phó trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa - Thể thao) Nguyễn Thị Kim Chung thông tin: Tháng 6-2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dự kiến tổ chức hội nghị bàn luận, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong hoạt động của thiết chế văn hóa cơ sở. Đây là cơ hội để các tỉnh, thành phố, trong đó có Hải Phòng, chia sẻ vướng mắc, đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn thiện quy định về quản lý, khai thác hoạt động của thiết chế văn hóa cấp thôn từ vị trí, chức năng, cơ cấu tổ chức, phương thức quản lý, tổ chức hoạt động, bồi dưỡng chuyên môn cho bộ phận quản lý hoạt động của nhà văn hóa, tạo cơ chế để bộ phận này phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, huy động nguồn kinh phí xã hội hóa nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức hoạt động phục vụ nhân dân, tránh cảnh hoạt động cầm chừng, xây rồi để đó hoặc thậm chí trở thành điểm cho thuê mặt bằng sử dụng vào mục đích khác.

Hiện nay, toàn thành phố có 1.511 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao đang sinh hoạt tại các nhà văn hóa thôn. Để khắc phục tình trạng “cửa đóng, then cài”, các địa phương khắc phục khó khăn, quan tâm, phát huy những hạt nhân văn hóa, văn nghệ ngay tại cơ sở để gây dựng phong trào, đáp ứng nhu cầu tinh thần của người dân địa phương.

Nguồn: Báo Hải Phòng