Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 28908 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Văn hóa - Xã hội Nông thôn
Kinh nghiệm ở những xã “trắng” ma túy (04/08/2015)
Đại Hợp (Tứ Kỳ) là một trong hơn 28 xã “trắng” ma túy trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Đây là xã thuần nông nên tình hình phát triển kinh tế - xã hội không có nhiều nét nổi bật như các địa phương khác. Nhưng chính điều này cũng là một điểm thuận lợi trong quản lý, phát hiện các đối tượng nghiện ma túy trên địa bàn.
Xác định tuyên truyền là khâu quan trọng nhất, xã đã dựa vào đoàn thể tại các thôn và thông qua các dòng họ, tổ liên gia; thông qua hệ thống loa truyền thanh để vận động nhân dân tham gia phòng chống ma túy. Xã coi việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” là trách nhiệm của các thôn, các tổ chức, đoàn thể. Lực lượng công an xã đã tích cực tham mưu cho đảng ủy, chính quyền xã tổ chức cho nhân dân ký cam kết không tàng trữ, buôn bán, sử dụng ma túy, xây dựng địa bàn không tệ nạn xã hội, trong đó có tệ nạn ma túy. Do là vùng quê thuần nông nên nếp sinh hoạt làng xã xưa ở Đại Hợp vẫn được người dân duy trì, công an xã đã tích cực vận động các gia đình, dòng họ tuyên truyền, vận động con cháu mình không sử dụng, buôn bán ma túy.
Nhờ vậy, trong nhiều năm qua, ở xã Đại Hợp không phát hiện trường hợp nghiện, không có các tụ điểm buôn bán, tàng trữ trái phép chất ma túy.
Cũng như Đại Hợp, xã Minh Tân (Nam Sách) nhiều năm liền giữ vững danh hiệu xã “trắng” ma túy. Để có kết quả đó, xã luôn coi trọng công tác tuyên truyền. Hằng năm, công an xã chủ động tham mưu cho UBND xã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phòng chống tệ nạn ma túy. Công an xã phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể, nhất là Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh để tuyên truyền tác hại của ma túy và các biện pháp phòng ngừa. Đặc biệt, công an xã thường xuyên rà soát địa bàn, nắm chắc từng đối tượng có biểu hiện bất thường; quản lý chặt chẽ tình hình di biến động nhân khẩu; phát động sâu rộng trong nhân dân phong trào tố giác, phát giác tội phạm, bài trừ tệ nạn ma túy thông qua các hình thức như cung cấp thông tin, gửi đơn thư tố giác các đối tượng có biểu hiện nghi vấn. Xã đã xây dựng các mô hình tổ liên gia, dòng họ tự quản. Công an xã phối hợp với dân quân tự vệ tổ chức tuần tra, canh gác ban đêm, nhất là các địa bàn giáp ranh…
Tuy nhiên, những xã “trắng” ma túy như Đại Hợp, Minh Tân hiện nay không nhiều. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, năm 2012, toàn tỉnh còn 60 xã "trắng" ma túy. Đến cuối năm 2014, con số này giảm xuống chỉ còn 28 xã.
Điều này cho thấy, việc giữ vững được danh hiệu xã “trắng” ma túy đối với các địa phương không hề đơn giản, không thể dựa hoàn toàn vào công an xã mà cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Các ngành chuyên môn cần thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho người dân thông qua nhiều hình thức để giúp họ hiểu rõ tác hại của ma túy cũng như phương thức, thủ đoạn của tội phạm ma túy nhằm phát hiện, tố giác tội phạm tới các cơ quan chức năng.
Và yếu tố đặc biệt quan trọng quyết định việc giữ vững, nhân rộng xã “trắng” ma túy là sự đồng thuận cao từ phía người dân, là vai trò của các gia đình trong việc giáo dục con, em chấp hành tốt nội quy, quy định của pháp luật, tránh xa các tệ nạn xã hội.
Nguồn: Báo Hải Dương
- Phân loại rác thải từ nguồn: ý thức người dân là quan trọng nhất (08/12/2021)
- Người dân hạn chế di chuyển khi F0 tăng nhanh (08/12/2021)
- “Tín dụng đen online” và nỗi ám ảnh trò “khủng bố” đòi nợ (29/11/2021)
- Làng nghề bánh đa Kinh Giao - nét văn hóa đặc trưng của thành phố biển Hải Phòng (27/10/2021)
- Cần có thêm “ranh giới” để nâng cao ý thức phòng, chống dịch (06/10/2021)
- Vui mừng nhưng không chủ quan (30/09/2021)