Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 2235
Tổng truy cập : 57,998

Văn hóa - Xã hội Nông thôn

Làng Trà Phương xưa và nay (28/04/2021)

            Trà Phương là mảnh đất giàu giá trị văn hóa, lịch sử. Dấu ấn đậm nét nhất gắn liền với Vương triều nhà Mạc  giai đoạn 1527- 1593. Câu đồng dao "Cổ Trai Đế vương, Trà Phương Công chúa" được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Đây là niềm tự hào của người dân làng Trà về vị Hoàng hậu sau được tấn phong Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn- người làng Trà Phương. Người dân tự hào về vùng quê con gái nổi tiếng đẹp người đẹp nết.

Trà Phương là một ngôi làng cổ nho nhỏ hiền hòa nằm giữa hai làng Quế Lâm, Phương Đôi- trung tâm của xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng ngày nay.

Qua bao biến thiên của lịch sử, người làng Trà Phương đã bảo vệ, giữ gìn, thờ cúng 2 pho tượng của vua Mạc Đăng Dung và hoàng hậu Vũ Thị Ngọc Toàn - sau này được tấn phong làm Thái Hoàng Thái hậu. Người làng Trà nổi tiếng với những nghệ sĩ dân gian hát đúm, hát cửa đình từ lễ hội này, truyền lại ở thế kỉ XX như nghệ nhân Ngô Duy Thẫn, Nguyễn Thị Ngữ. 

Với truyền thống uống nước nhớ nguồn, người Trà Phương luôn ghi nhớ công lao của các bậc tiên hiền đã có công mở làng, lập đất, phù trợ cho dân làng. Các vị Thành hoàng làng đang được dân làng thờ cúng tại nhà truyền thống của làng, cùng với việc thờ cúng các anh hùng liệt sĩ, những người con của làng Trà đã hi sinh trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ Quốc.

Như bao làng quê Việt Nam, ngôi chùa của làng được xây dựng từ rất sớm. Chùa Trà Phương có tên chữ là Thiên Phúc tự. Ngôi chùa cổ kính có lịch sử từ thời nhà Lý, thế kỉ XI với tên gọi Chùa bà Đanh, dấu vết ở bến đò phía tây nam của làng. Dân làng Trà còn truyền tụng câu chuyện thuở hàn vi, khi bị kẻ thù truy sát, vua Mạc Đăng Dung đã lánh nạn ở chùa này.

Dựng lên nghiệp đế vương, nhà vua nhà Mạc nhớ ơn xưa, ban chiếu cho mở mang, xây dựng đổi tên thành Thiên Phúc tự. Sau đó Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn cùng 25 Thân vương, Công chúa, Quận công nhà Mạc góp công trùng tu, tôn tạo. Việc này được ghi lại trên tấm bia đá tại Chùa có tên Tu tạo bà Đanh tự, khắc vào năm 1562, Thuần Phúc sơ niên, đời vua Mạc Mậu Hợp.

Trà Phương, mảnh đất thấm máu của 17 cán bộ chiến sĩ Công an xung phong trong trận càn của giặc Pháp vào cuối năm 1947, quê hương của người liệt sĩ đầu tiên của Thành ủy Hải Phòng hi sinh năm 1951 tại chiến khu Việt Bắc. Trà Phương cũng là nơi đội dân quân tự vệ trên núi Chè bắn rơi máy bay AD6 của Mỹ trong kháng chiến chống Mỹ. Và bao người con của làng Trà đã ra đi mãi mãi không trở về, đã hi sinh một phần thân thể trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, để quê hương bình yên, giàu đẹp hôm nay.

Làng Trà trong nhịp sống hiện đại của công cuộc xây dựng nông thôn mới hôm nay vẫn giữ được sự bình yên và trân trọng những dấu tích lịch sử đã làm nên đời sống văn hóa, đời sống tinh thần của quê hương. Những ngôi trường của các cấp học náo nức niềm vui của các em thơ. Nhà văn hóa thôn rộn ràng mỗi chiều bởi sinh hoạt văn nghệ, thể thao cộng đồng. Phong trào xây dựng nông thôn mới ở Trà Phương đã góp phần làm nên những con đường bừng sáng khi đêm xuống đã tạo nên nét lung linh của làng quê.

Dù đi đến đâu, những người con của làng Trà vẫn đăm đắm nhớ về quê hương như nhắc nhở rằng, từ xa xưa, nơi đó, những người làng Trà đã đến, dựng làng mới trong nỗi nhớ quê.Trà Phương, quê hương yêu dấu của bao thế hệ người dân nơi đây, đã trở thành kỉ niệm, là nỗi nhớ, niềm thương với những người xa quê, là niềm vui khi được trở về làng./.

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng