Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 29719 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Văn hóa - Xã hội Nông thôn
Lo ngại mất dần các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam (06/03/2017)
Môi trường sống hiện đại đang hằng ngày tác động đến đời sống văn hóa gia đình, làm nảy sinh nhiều yếu tố đáng lo ngại. Bên cạnh những điều chỉnh tích cực trong mỗi gia đình để thích nghi với nhịp sống hiện đại, không ít các giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam đang bị suy giảm, có dấu hiệu xuống cấp, xung đột giữa các thế hệ trong gia đình về phép ứng xử… dẫn đến những lo ngại về sự đánh mất chức năng giáo dục cũng như tâm lý của gia đình người Việt.
Có một thực tế đáng lo ngại hiện nay là, có nhiều gia đình phải mải mê chạy theo guồng quay của nhịp sống hiện đại, xuất hiện tình trạng thiếu kết nối giữa các thành viên, đặc biệt là những gia đình lớn có nhiều thế hệ sống chung, sự kết nối càng trở nên hiếm hoi.
Những áp lực về đời sống kinh tế, vật chất… khiến không ít bậc cha mẹ dành phần nhiều thời gian cho công việc, thiếu quan tâm, quên đi trách nhiệm giáo dục con cái của mình. Đôi khi cha mẹ tự đánh mất tấm gương sáng cho con trẻ noi theo, không giữ được các giá trị đạo đức truyền thống của gia đình. Ngược lại, hiện tượng con cái hắt hủi, ruồng rẫy, bỏ bê việc chăm sóc cha mẹ, người thân lớn tuổi không phải là điều hiếm thấy. Đau lòng hơn, không ít người cao tuổi có con cái và gia đình, nhưng khi về già vẫn phải sống cô đơn, không nơi nương tựa. Đáng lo hơn, tình yêu thương và lòng chung thủy vợ chồng ngày nay không còn được coi trọng như trước. Chuyện “ông ăn chả, bà ăn nem” không còn xa lạ ở nhiều cặp vợ chồng, dẫn đến sự phá vỡ tôn ti trật tự trong gia đình.
Trước guồng quay của cuộc sống, những bữa cơm gia đình với không khí đầm ấm, thân mật càng trở nên hiếm hoi. Quan hệ anh, chị - em trong gia đình cũng phai mờ dần, tình yêu thương, nhường nhịn và tôn trọng lẫn nhau không còn như trước. Vì lợi ích cá nhân, anh, chị, em - giành giật tài sản và kiện nhau ra tòa, thậm chí chém giết nhau chỉ vì tranh giành căn nhà, hay miếng đất mà không màng đến nghĩa máu mủ.
Theo các chuyên gia, tình trạng người lớn mải mê chạy theo lợi ích vật chất, để rồi thiếu kiến thức, phương pháp cũng như kỹ năng dạy con trẻ, khó khăn trong giáo dục con cái, “khoán trắng” việc này cho nhà trường và xã hội. Điều này, dễ dẫn đến hiện tượng gia đình đánh mất chức năng giáo dục của mình. Mặt khác, con đường dẫn đến mâu thuẫn, rạn nứt tình cảm gia đình, ly thân rồi ly hôn mỗi ngày cũng gần hơn, tác động không nhỏ đến sự phát triển tâm sinh lý của con trẻ. Tất cả những biến đổi trên đang gióng lên tiếng chuông báo động về sự suy giảm các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.
Gia đình là tế bào của xã hội, mỗi khi xã hội có những “bệnh tật” gì đều ảnh hưởng không nhỏ đến gia đình. Do đó, phải thường xuyên tìm kiếm và đấu tranh để giảm thiểu, kịp thời ngăn chặn những xu hướng biến đổi của xã hội hiện đại có tác động tiêu cực đến các giá trị văn hóa truyền thống của gia đình. Xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, trong đó chú trọng vai trò của gia đình và cộng đồng.
Văn hóa gia đình của người Việt không phải là cái gì trừu tượng, nó được thể hiện cụ thể trong nếp sống sinh hoạt, tình cảm giữa các thành viên. Đây cũng là yếu tố cốt yếu định hình nhân cách con người, trang bị cho mỗi thành viên trong gia đình bản lĩnh vững vàng khi hòa nhập với những bước tiến của đời sống xã hội, tấm lá chắn ngăn chặn sự thâm nhập của các yếu tố tiêu cực từ xã hội vào truyền thống văn hóa của mỗi gia đình. Vì thế, cần đưa nội dung giáo dục văn hóa gia đình vào chương trình các bậc đào tạo để giáo dục văn hóa gia đình ngay trong trường học.
Nguồn: Báo Văn hóa Online
- Phân loại rác thải từ nguồn: ý thức người dân là quan trọng nhất (08/12/2021)
- Người dân hạn chế di chuyển khi F0 tăng nhanh (08/12/2021)
- “Tín dụng đen online” và nỗi ám ảnh trò “khủng bố” đòi nợ (29/11/2021)
- Làng nghề bánh đa Kinh Giao - nét văn hóa đặc trưng của thành phố biển Hải Phòng (27/10/2021)
- Cần có thêm “ranh giới” để nâng cao ý thức phòng, chống dịch (06/10/2021)
- Vui mừng nhưng không chủ quan (30/09/2021)