Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 6992
Tổng truy cập : 57,998

Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN

Lồng ghép của biến đổi khí hậu vào quy hoạch phát triển kinh tế xã hội các khu kinh tế ven biển đồng bằng sông Hồng (thí điểm khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải – Hải Phòng) (19/04/2024)

Biến đổi khí hậu đã và đang tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế-xã hội và môi trường toàn cầu và là một trong những vấn đề phải đối phó. Thời gian qua nhiều nơi trên thế giới đã phải chịu nhiều thiên tai nguy hiểm như bão lớn, nắng nóng dữ dội, lũ lụt, hạn hán và khí hậu khắc nghiệt gây thiệt hại lớn về tính mạng con người và vật chất. Trong một thế giới ấm lên rõ rệt như hiện nay và việc xuất hiện ngày càng nhiều các hiện tượng thiên tai đặc biệt nguy hiểm với tần suất, quy mô và cường độ ngày càng khó lường, thì những nghiên cứu về biến đổi khí hậu càng cần được đẩy mạnh. Những nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng nguyên nhân của biến đổi khí hậu chính là các hoạt động của con người tác động lên hệ thống khí hậu làm cho khí hậu biến đổi. Vì vậy, con người cần phải có những hành động thiết thực để ngăn chặn những biến đổi đó bằng chính những hoạt động phù hợp.

Khu kinh tế (KKT) ven biển được Đảng và Nhà nước ta xác định là mô hình phát triển mới có tính đột phá cho phát triển kinh tế vùng, hỗ trợ những vùng, lãnh thổ có điều kiện khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa kinh tế và chính trị để phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Đồng thời huy động tối đa nguồn nội lực, tìm kiếm và áp dụng những thể chế và chính sách kinh tế mới để chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, kết hợp phát triển kinh tế với giữ vững an ninh, quốc phòng. Các KKT đã bước đầu đạt được những kết quả quan trọng góp phần phát triển kinh tế đất nước. Tuy các KKT ven biển được thành lập nhanh, song tiến triển chậm, hiệu quả chưa cao. Ngoài ra, với vị trí các KKT nằm ven biển nên dễ chịu ảnh hưởng và tác động của các tai biến như: bão, nước biển dâng, hạn hán, lũ lụt, động đất, sóng thần, xói lở và bồi tụ … Ảnh hưởng của các tai biến sẽ ngày càng tồi tệ do biến đổi khí hậu. Các tai biến thiên nhiên xảy ra tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội khu vực KKT ven biển như giao thông, cơ sở hạ tầng, con người, hoạt động sản xuất kinh doanh của các ngành kinh tế như du lịch, công nghiệp, nông nghiệp, ngư nghiệp. Với mục tiêu chung là lồng ghép được tác động biến đổi khí hậu tới môi trường tự nhiên, kinh tế xã hội vào việc quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển đồng bằng sông Hồng, thí điểm khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải nhằm phát triển bền vững, Hội địa chất biển Việt Nam đã triển khai đề tài“Lồng ghép của biến đổi khí hậu vào quy hoạch phát triển kinh tế xã hội các khu kinh tế ven biển đồng bằng sông Hồng (thí điểm khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải – Hải Phòng)” do ThS. Ngô Thị Ngọc Bích làm chủ nhiệm.

Nhóm nghiên cứu đánh giá được đặc điểm về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, môi trường, tai biến thiên nhiên và đặc điểm kinh tế xã hội tại vùng ven biển đồng bằng sông Hồng và khu nghiên cứu điểm KKT Đình Vũ - Cát Hải. Các KKT nằm trong vùng có địa hình tương đối bằng phẳng, KKT Đình Vũ - Cát Hải nằm trong khu vực cận kề và đan xen với đồng bằng có những phần nổi cao và một diện tích đáng kể đồi núi. Khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, có 4 mùa tương đối rõ rệt. Mạng lưới sông ngòi với mật độ trung bình từ 0,6 - 0,8 km/1km²; độ dốc khá nhỏ, chảy chủ yếu theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Thủy triều với tính chất triều toàn nhật điển hình nhất. KKT Đình Vũ - Cát Hải nằm trong khu vực có thủy triều, nhật triều đều biên độ lớn điển hình. Tài nguyên thiên nhiên đa dạng và phong phú với 2 loại tài nguyên sinh vật và phi sinh vật. Tài nguyên sinh vật vùng Đồng bằng sông Hồng có 75 loài thực vật ngập mặn, 330 loài rong biển, 6 loài cỏ biển, 340 loài thực vật phù du; 236 loài động vật phù du, 2092 loài động vật đáy, 199 loài san hô, 1198 loài cá biển. Vùng Hải Phòng có: 36 loài thực vật ngập mặn, trên 200 loài thực vật phù du, 149 loài rong biển, 188 loài san hô cứng, 751 loài động vật đáy, 340 loài cá biển, 112 loài chim biển. Ngoài ra, còn các tài nguyên phi sinh vật như đất, nước, khoáng sản (sa khoáng titan - zircon; đá vôi xây dựng; đá vôi ốp lát; thuỷ ngân; phosphorit; silic hoạt tính; sét, …). Vùng nghiên cứu cũng là nơi có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt tiềm năng thủy triều tại vùng biển Quảng Ninh - Hải Phòng.

Môi trường tại vùng nghiên cứu đã có dấu hiệu ô nhiễm do các hoạt động xây dựng tại các KKT và các hoạt động dân sinh. Vùng đồng bằng sông Hồng, lượng bụi trong không khí tăng cao do áp lực từ các hoạt động xây dựng; môi trường nước có dấu hiệu ô nhiễm các chất dinh dưỡng, chất hữu cơ, và tổng Coliform và E. coli ở hầu hết sông suối, một số điểm ô nhiễm nặng như ở sau cống Luồn và cống Cái Tắt; môi trường trầm tích có dấu hiệu ô nhiễm Cu, Zn, Pb, Hg, As và nguy cơ ô nhiễm B, I và rác. Tại KKT Đình Vũ – Cát Hải, nồng độ bụi trong không khí đều đạt giá trị cao từ 0,2 - 0,3mg/m3 thậm chí xung quanh khu công nghiệp Vsip có những điểm >0,3 mg/m3; môi trường nước có các vành dị thường các nguyên tố kim loại (Cu, Zn, As và NO3 tập trung ở khu vực gần đảo Cát Bà và Cát Hải, khu vực ô nhiễm và nguy cơ ô nhiễm Pb nằm rải rác ở giữa đảo Đình Vũ và đảo Cát Hải, tại cửa Bạch Đằng và cửa Nam Triệu thì có dấu hiệu của hiện tượng ô nhiễm dầu thải; Môi trường trầm tích có những điểm bị ô nhiễm một số kim loại nặng như Zn và Cu ở khu vực xa bờ, nguy cơ ô nhiễm nguyên tố As, Hg, B và I, dị thường phổ gamma của các nguyên tố kali, uran và thori.

Tai biến thiên nhiên gồm tai biến khí hậu và tai biến địa chất tai biến khí hậu gồm bão và áp thấp nhiệt đới, lũ lụt, nước biển dâng, hạn hán và xâm nhập mặn. Tai biến địa chất gồm động đất, sóng thần, xói lở và bồi tụ.

Nhóm nghiên cứu cũng đã đánh giá dự báo được các biến động về điều kiện tự nhiên, tài nguyên môi trường, và mức độ tổn thương kinh tế xã hội và cộng đồng dân cư tại KKT Đình Vũ – Cát Hải theo kịch bản RCP6.0 cho năm 2030.

Bản đồ quy hoạch kinh tế - xã hội KKT Đình Vũ – Cát Hải do tác động của BĐKH theo kịch bản RCP 6.0 năm 2030.

Điều kiện tự nhiên tại vùng nghiên cứu sẽ có sự thay đổi về mùa, lượng mưa, dòng chảy, diện tích đất ngập nước, xâm nhập mặn gia tăng. Sự biến thiên nhiệt độ khá mạnh, cực trị nhiệt độ cao, khoảng cách nhiệt độ giữa những ngày nóng và ngày lạnh nhất gia tăng. Lượng mưa tăng khoảng 2,3% mùa mưa và -2% trong mùa khô nhưng lượng mưa lại không được dàn trải đều. Dòng chảy thay đổi dẫn đến biến động đường bờ. Hướng phân bố trầm tích sẽ thay đổi theo xu hướng giật lùi. Diện tích đất bị ngập nước đối với vùng Đình Vũ – Cát Hải dự đoán khoảng dưới 1%, diện tích vùng đất bị xâm nhập mặn khoảng 2%.

Tài nguyên thiên nhiên chịu ảnh hưởng nhiều bởi biến đổi khí hậu là các tài nguyên sinh vật gồm các nguồn lợi về thủy, hải sản. Nhiệt độ tăng khoảng 0,6-0,90C nhưng sự biến thiên nhiệt độ khá mạnh, cực trị nhiệt độ cao dẫn đến thay đổi hệ sinh thái gây bệnh truyền nhiễm, suy giảm sản lượng thủy hải sản.

Về môi trường, sự di chuyển của các chất dinh dưỡng, chất hữu cơ, kim loại nặng trong môi trường nước, trầm tích vùng nghiên cứu khá phức tạp và phụ thuộc chặt chẽ vào các chế độ thủy động lực trong khu vực như sông, dòng chảy, thủy triều. Sự dịch chuyển này khác nhau giữa mùa đông và mùa hè do chế dộ dòng chảy trong vùng nghiên cứu khác nhau. Khu vực đảo Cát Bà, mùa Hè, dòng chảy hướng Đông Bắc, mùa Đông dòng chảy hướng Tây Nam. Khu vực cửa Nam Triệu, các hướng dòng chảy Nam – Tây Nam, Tây Nam chiếm ưu thế hơn. Ở khu vực ven bờ Đồ Sơn - Lạch Tray, dòng chảy xuống hướng Đông, Đông Nam, dòng chảy lên hướng Bắc, Tây Bắc. Nhìn chung, kịch bản môi trường nước, trầm tích cho năm 2030 KKT Đình Vũ Cát Hải, chất hữu cơ, kim loại nặng, nguyên tố phóng xạ đều có xu hướng dịch chuyển chủ yếu theo hướng Nam và Đông nam.

Về kinh tế - xã hội của KKT Đình Vũ – Cát Hải, có thể thấy rằng đảo Cát Hải là nơi có hệ thống kinh tế - xã hội bị tổn thương nặng nề nhất. Đảo Vũ Yên và các xã thuộc huyện Thủy Nguyên là những khu vực chịu tổn thương cấp độ trung bình.

Từ đánh giá thực trạng nhóm nghiên cứu đã đề xuất được các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và lồng ghép các giải pháp vào quy hoạch kinh tế xã hội KKT Đình Vũ Cát Hải theo kịch bản RCP 6.0 năm 2030 cụ thể: Giải pháp giảm nhẹ biến đổi khí hậu vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội bao gồm nội dung: Đối với các cấp chính quyền; Đối với các nhà khoa học; đối với các doanh nghiệp; đối với người dân; Giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội gồm: Khung chính sách quy hoạch vùng hợp lý, khoa học; Thành lập Ban điều phối phát triển vùng; Tăng cường tổ chức các hội thảo tập huấn nâng cao năng lực về lồng ghép nội dung biến đổi khí hậu trong quy hoạch chiến lược vùng tại các địa phương; Huy động các nguồn lực cho nghiên cứu và nâng cao năng lực quy hoạch vùng nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu …

 Kết quả của đề  tài sẽ cung cập bộ tư liệu có tính tổng hợp và cập nhật cao về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, môi trường, kinh tế xã hội và đánh giá được biến động điều kiện tự nhiên, tổn thương kinh tế xã hội và cộng đồng dân cư do biến đổi khí hậu được thể hiện trong hệ thống bản đồ tỷ lệ 1/500.000, 1/50.000. Hơn nữa việc gắn liền nghiên cứu biến đổi khí hậu và tác động của chúng gây ảnh hưởng đến các KKT ven biển và lồng ghép chúng vào quy hoạch là biểu hiện của tính mới và độc đáo của Đề tài. Các kết quả trên đã góp phần định hướng quy hoạch kinh tế xã hội phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu đang diễn ra hiện nay. 

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài tại Trung tâm Thông tin, Thống kê KH&CN Hải Phòng hoặc Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia./.