Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 24582
Tổng truy cập : 57,998

Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN

Luận cứ khoa học về mô hình, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện mới (05/03/2025)

Thực tiễn công cuộc đẩy mạnh CNH, HĐH của Việt Nam qua 35 năm qua đặt ra nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn cần phải tập trung giải quyết để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, bối cảnh trong nước và quốc tế cho thực hiện CNH, HĐH trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã khác so với những giai đoạn trước. Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) và cuộc CMCN lần thứ tư, quá trình chuyển đổi số đang diễn biến rất nhanh, đột phá, tác động sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu, làm thay đổi căn bản tư duy về CNH, HĐH. Sự xuất hiện và lan tỏa của các công nghệ số trong sản xuất của cuộc CMCN lần thứ tư đang làm thay đổi hoàn toàn bản chất của sản xuất chế tạo, ngày càng xóa nhòa ranh giới giữa hệ thống sản xuất vật lý và kỹ thuật số. Công nghệ sản xuất kỹ thuật số tiên tiến có thể thúc đẩy phát triển công nghiệp bao trùm và bền vững, cũng như đạt được những mục tiêu trong phát triển bền vững. Đồng thời, cuộc CMCN lần thứ tư cũng đã tạo những thay đổi lớn về tư duy và giải pháp phát triển những ngành, lĩnh vực khác thuộc nội hàm của CNH, HĐH như về: xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng; phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá lớn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái dựa trên tiến bộ KH&CN; phát triển dịch vụ dựa trên nền tảng ứng dụng những thành tựu KH&CN hiện đại, nhất là các dịch vụ có giá trị gia tăng cao; phát triển đô thị và kinh tế đô thị; vấn đề liên kết vùng trong phát triển kinh tế…

Việt Nam đang trong một giai đoạn lịch sử, đứng trước những cơ hội lớn để phát triển, vì vậy để triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Bộ Chính trị đã chỉ đạo Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp các ban, bộ, ngành Trung ương và cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách CNH, HĐH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trình Hội nghị Trung ương lần thứ sáu khóa XIII. Để có luận cứ phục vụ xây dựng Đề án trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ KH&CN đã đặt hàng Ban Kinh tế Trung ương chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu Đề tài khoa học độc lập cấp Quốc gia “Luận cứ khoa học về mô hình, chính sách CNH, HĐH trong điều kiện mới”. TS. Nguyễn Đức Hiển làm chủ nhiệm đề tài.

Chỉ số sản xuất công nghiệp giai đoạn 2011-2020.

Bên cạnh những nghiên cứu về cơ sở lý luận, kinh nghiệm trong nước và quốc tế về xây dựng và thực hiện mô hình, chính sách CNH, HĐH, nghiên cứu đã tổng kết và đánh giá một cách có hệ thống chủ trương, đường lối của Đảng về mô hình và chính sách CNH, HĐH đất nước trong giai đoạn vừa qua, từ đó phân tích và chỉ rõ sự phát triển tư duy và nhận thức của Đảng về mô hình và chính sách CNH, HĐH vừa có tính kế thừa, vừa có tính phát triển và cơ bản bám sát thực tiễn, phù hợp với đặc điểm và bối cảnh kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ. Đồng thời chỉ ra các nội dung chưa rõ trong nhận thức, tư duy lý luận về CNH, HĐH khi mà mô hình CNH, HĐH chưa được định hình rõ ràng, tính cụ thể trong các mục tiêu, yêu cầu chưa còn chưa cao; trong một số giai đoạn còn lúng túng trong việc xác định mô hình và bước đi CNH, HĐH; các vấn đề về nguồn lực, động lực, điều kiện thực hiện mô hình CNH, HĐH rút ngắn chưa được xác định rõ ràng và nhất quán, chính sách còn thiếu các định hướng cụ thể; còn tư duy chủ quan, nóng vội, duy ý chí trong xác định mục tiêu và các bước đi thực hiện CNH, HĐH. Nghiên cứu cũng tập trung tổng kết và đánh giá thực trạng mô hình, chính sách CNH, HĐH đất nước và thực trạng thể chế hóa, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách thực hiện CNH, HĐH đất nước từ đại hội III cho đến nay. Kết quả thực hiện CNH, HĐH đất nước (tập trung trong giai đoạn 2011-2020) đã được khái quát thành 6 nhóm những kết quả đạt được và 9 tồn tại. Cụ thể, tổng kết và đánh giá một cách có hệ thống chủ trương, đường lối của Đảng về mô hình và chính sách CNH, HĐH đất nước trong giai đoạn vừa qua, từ đó phân tích và chỉ rõ sự phát triển tư duy và nhận thức của Đảng về mô hình và chính sách CNH, HĐH vừa có tính kế thừa, vừa có tính phát triển và cơ bản bám sát thực tiễn, phù hợp với đặc điểm và bối cảnh kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ. Điểm nhấn đáng chú ý, nghiên cứu đã thực chứng về CNH, HĐH của Việt Nam với các kết quả nghiên cứu, phân tích định lượng từ mô hình I-O về nhóm ngành công nghiệp trong nền kinh tế. Kết quả nghiên cứu thực chứng xác định các yếu tố chính góp phần vào sự tăng trưởng của khu vực sản xuất với công nghệ trung bình và cao tại Việt Nam; kết quả nghiên cứu thực chứng về tác động của đổi mới sáng tạo, đầu tư và mở của nền kinh tế đến sự phát triển của công nghiệp Việt Nam. Từ đó làm sâu sắc hơn những nhận định, đánh giá về thực trạng quá trình thực hiện CNH, HĐH đất nước thời gian qua và khuyến nghị một số vấn đề trọng tâm làm cơ sở đề xuất cơ chế, chính sách và các giải pháp thúc đẩy CNH, HĐH đất nước thời gian tới được đề cập tới.

Nghiên cứu đề xuất mô hình, chính sách CNH, HĐH đối với Việt Nam trong điều kiện mới giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Theo đó, mô hình CNH, HĐH của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được khái quát thành 1 nền tảng (khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo) - 2 chuyển đổi (chuyển đổi số, chuyển đổi xanh) - 4 hiện đại hóa (tự động hóa, thông minh hóa, xanh hóa, dịch vụ hóa các ngành công nghiệp) - 4 đột phá chiến lược (hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và chuyển đổi số) - 5 kiên trì (kiên trì đổi mới; kiên trì ổn kinh tế vĩ mô; kiên trì hội nhập quốc tế; kiên trì nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường; kiên trì phát triển bền vững). Các chính sách CNH, HĐH đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045d được đề xuất gồm: Chính sách về phát triển không gian công nghiệp; Chính sách phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp nền tảng, công nghiệp mũi nhọn; Chính sách công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn; Chính sách công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn; Chính sách phát triển KHCN&ĐMST phục vụ CNH, HĐH; Chính sách phát triển doanh nghiệp; Chính sách quản lý, bảo vệ tài nguyên môi trường gắn với quá trình phục vụ CNH, HĐH đất nước; Chính sách đô thị hóa, phát triển đô thị và kinh tế đô thị gắn với CNH, HĐH; Nghiên cứu, đề xuất chính sách phát triển kinh tế biển; Nghiên cứu, đề xuất chính sách liên kết vùng, phát triển vùng kinh tế, khu kinh tế trong quá trình CNH, HĐH; Chính sách phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cụm liên kết công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin; Chính sách tài chính đầu tư thúc đẩy CNH, HĐH; Nghiên cứu, đề xuất chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất thông minh, phát triển kinh tế số, các mô hình kinh doanh mới; Nghiên cứu, đề xuất chính sách hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn trong lĩnh vực công nghiệp; Chính sách thúc đẩy quá trình học tập và bắt kịp trong thực hiện CNH, HĐH.

Kiến nghị về lộ trình, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu thực hiện mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định giai đoạn 2021-2030 tập trung cốt lõi thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của cuộc CMCN lần thứ tư để tạo ra các bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; thực hiện chuyển đổi số toàn dân, toàn diện, thực chất, hiệu quả; đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, từng bước làm chủ được thiết kế, công nghệ nền, công nghệ lõi của một số ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên; cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số, phát triển các loại dịch vụ mới có tính liên ngành và giá trị gia tăng cao, đẩy nhanh dịch vụ hóa các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Giai đoạn 2031-2045, tập trung nâng cao chất lượng công nghiệp hóa và đẩy mạnh hiện đại hóa toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế và đời sống xã hội.Nghiên cứu cũng xác định nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu thực hiện mô hình CNH, HĐH đến năm 2030, tầm nhín đến năm 2045, gồm: Hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi cho CNH, HĐH đất nước; Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, tự lực, tự cường, nâng cao năng lực ngành xây dựng; Đẩy nhanh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, tiếp tục cơ cấu lại ngành dịch vụ dựa trên nền tảng KHCN&ĐMST; Phát triển KHCN&ĐMST và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong tình hình mới; Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy đô thị hóa nhanh và bền vững gắn kết chặt chẽ và tạo động lực cho đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước; Phát triển các thành phần kinh tế nhằm thúc đẩy CNH, HĐH; Đổi mới chính sách tài chính, tín dụng thúc đẩy CNH, HĐH đất nước nhanh, bền vững; Quản lý sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả đi đôi với bảo vệ và phát triển thị trường trong nước; Phát huy giá trị văn hóa, bản lĩnh con người Việt Nam, xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, lực lượng doanh nhân xung kích, đi đầu trong CNH, HĐH đất nước. 

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu tại Trung tâm Thông tin, Thống kê khoa học và công nghệ Hải Phòng./.