Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 30654
Tổng truy cập : 57,998

Văn hóa - Xã hội Nông thôn

Một vài phong tục ngày tết cổ truyền Việt Nam (16/01/2017)

      Chơi hoa

          Không khí Tết thực sự bắt đầu từ rằm tháng chạp trở đi. Mọi người ai cũng muốn thu xếp công việc, tranh thủ thời gian đi chợ hoa vài lần để ngắm và chọn cho gia đình mình cây đào (miền Bắc), cây mai vàng (miền Nam) hay cây quất xum xuê quả vàng thật ưng ý để chơi tết. Không chỉ có đào phai, đào bích, mai vàng, quất; tết còn tràn ngập các loài hoa: dơn, violet, thủy tiên, hải đường, cúc… vài năm trở lại đây người Việt còn trưng cả một số loài hoa nhập khẩu như: tulip, lan, mẫu đơn, hồng trà…

Giao thừa - Tống cựu nghinh tân

          Tập tục “tống cựu nghinh tân” thường được chuẩn bị từ sau khi tiễn ông Táo về trời. Mọi nhà thu dọn thật sạch sẽ từ trong nhà ra ngoài ngõ, sơn sửa nhà cửa, lau chùi bàn ghế, sửa soạn thức ăn; tống tiễn những khó khăn vất vả năm cũ và giành chỗ cho những may mắn tốt đẹp sắp đến trong năm mới.Nhiều gia đình nhắc nhở, dặn dò con cháu từ phút giao thừa trở đi không cãi cọ nhau, không vứt rác bừa bãi, không nghịch ngợm, trách phạt nhau… Đối với hàng xóm láng giềng, trong năm cũ có điều gì không hay không phải đều xí xóa hết. Tất cả mọi người dù là quen hay lạ, sau phút giao thừa đều niềm nở, vui vẻ và chúc nhau những điều tốt lành.

Khai bút đầu năm

 

          Tục khai bút không phải là một nghi lễ bắt buộc trong ngày Tết, nhưng từ bao lâu nay, nó vẫn được mọi người đề cập đến nhiều trong cuộc sống, nhất là những ngày đầu năm. Không nhất thiết phải khai bút vào ngay sau giao thừa, mà có thể chọn một ngày hay một giờ thích hợp nào đó để làm việc này, từ ngày mồng một Tết cho đến những ngày sau đó. Khai bút đại cát – người xưa thường viết như thế khi đưa những nét chữ đầu tiên của năm, với ý nghĩa là khai bút để gặp những điều tốt lành, đồng thời thể hiện sự tôn trọng chữ nghĩa, đề cao sự học.

Hái lộc, xông nhà, chúc tết, mừng tuổi

          Ai cũng hy vọng một năm mới tài lộc dồi dào, làm ăn thịnh vượng, mạnh khỏe, thành đạt hơn năm cũ. Lộc tự nhiên đến càng sớm càng tốt, nhưng nhiều nhà chủ tự đi hái lộc (chỉ là một cành non ở đình chùa, chốn nghiêm trang về nhà), tự mình xông nhà hoặc dặn trước người “hợp tuổi” mà mình thích đến xông nhà chúc tết.

          Sau giao thừa có tục mừng tuổi, chúc tết. Con cháu mừng tuổi ông bà, cha mẹ. Ông bà, cha mẹ cũng chuẩn bị một ít tiền để mừng tuổi cho con cháu trong nhà và con cháu hàng xóm láng giềng, bạn bè thân thích, đồng thời chúc nhau những lời tốt đẹp.

          Quanh năm làm ăn vất vả ít có điều kiện qua lại hỏi thăm nhau, nhân ngày lễ tết đến chúc mừng nhau, gắn bó tình cảm. Nhiều nhà, hễ đến chúc tết nhất thiết phải nâng ly rượu, nếm vài món thức ăn chủ nhà mới vui lòng. Năm mới bị từ chối sợ bị “giông cả năm”.

Kiêng không quét nhà đổ rác 3 ngày tết

          Tích cũ kể rằng, xưa có người lái buôn tên là Ân Minh được Thủy thần cho một con hầu tên là Như Nguyệt, đem về nhà được vài năm thì giàu lên. Một hôm nhân ngày mồng một tết, Ân Minh đánh nó, nó chui vào đống rác mà biến mất, từ đó nhà họ Ân lại nghèo đi. Kể từ đó tục kiêng không hót rác ngày tết ra đời. Đến nay nhiều gia đình vẫn theo tục này.

Lễ mừng thọ

          Ở các nước Tây Âu, thường mừng thọ vào dịp kỷ niệm sinh nhật, ở nước ta, ngày xưa ít ai nhớ chính xác ngày sinh tháng đẻ. Vì thế vào dịp đầu xuân thường tổ chức mừng thọ lục tuần, thất tuần, bát tuần… tính theo tuổi mụ. Ngày tết cũng là dịp gia đình, con cháu xum họp càng phù hợp hơn cho việc tổ chức lễ mừng thọ.

Nguồn: Tổng hợp từ Internet