Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 31338 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN
Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa phù hợp cho chế biến bún, mỳ khô, bánh tại các tỉnh phía Bắc (29/06/2025)
Với mục tiêu chọn tạo và phát triển được giống lúa ngắn ngày, năng suất cao, chống chịu tốt với một số loại sâu bệnh hại chính, phù hợp cho chế biến bún, mỳ khô, bánh cho các tỉnh phía Bắc. Từ tháng 01/2019 đến tháng 06/2024, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã triển khai nghiên cứu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ: Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa phù hợp cho chế biến bún, mỳ khô, bánh tại các tỉnh phía Bắc, nhiệm vụ được thực hiện nhằm chọn tạo 01 giống lúa được công nhận giống mới: thời gian sinh trưởng ≤ 115 ngày trong vụ Mùa; năng suất ≥ 7,0 tấn/ha trong vụ Xuân, ≥ 6,0 tấn/ha trong vụ Mùa; nhiễm rầy nâu, đạo ôn, bạc lá điểm ≤ 5; chống đổ điểm 1 - 3; hàm lượng amylose ≥ 24%; hàm lượng tinh bột ≥ 65%; độ bền thể gel mềm đến trung bình; nhiệt độ hóa hồ trung bình; xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác cho giống lúa mới phù hợp với điều kiện canh tác tại các tỉnh phía Bắc; xây dựng 08 điểm thử nghiệm giống lúa mới quy mô 02 ha/điểm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất đại trà tối thiểu 10%.
Triển khai đề tài, nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân tích và đánh giá tình hình lúa gạo đang được sử dụng cho chế biến tại các tỉnh phía Bắc thông qua kết quả điều tra và phân tích một số chỉ tiêu chất lượng của các mẫu gạo thu thập được sử dụng cho chế biến tại các điểm điều tra.Tại các tỉnh phía Bắc hiện nay có tới hàng trăm làng nghề sản xuất bún, mỳ, bánh,... ước tính lượng gạo tiêu thụ được sử dụng cho chế biến lên đến hàng triệu tấn/năm. Trong khi đó một số loại gạo dùng trong chế biến bún, mỳ chủ yếu là: CR203, DT10, Mộc Tuyền, VN10, Khang dân 18, C70, 13/2 (IR17494), Q5 đã và đang được sử dụng, hiện vẫn chưa có giống lúa nào thay thế cho nhóm giống trên...Tuy nhiên, với bộ giống hiện tại đã bộc lộ khá nhiều nhược điểm như: nhiễm sâu bệnh và năng suất không ổn định. Việc nghiên cứu, chọn tạo và phát triển các giống lúa mới ngắn ngày, năng suất cao, chống chịu tốt với một số sâu, bệnh hại chính, phù hợp làm nguyên liệu và nâng cao năng suất, chất lượng trong chế biến bún, mỳ khô, bánh, … Đã tiến hành điều tra 450 hộ sản xuất tại các làng nghề sản xuất bún, mỳ khô, bánh và các vùng có truyền thống sản xuất lúa nước thuộc các tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh, Thái Bình, Thái Nguyên, Nghệ An. Thu thập và phân tích được 15 mẫu gạo sử dụng cho chế biến tại các điểm điều tra. Từ đó, đánh giá và phân tích tình hình lúa gạo đang được sử dụng cho chế biến tại các tỉnh phía Bắc.
Kết quả nghiên cứu đã:
- Đánh giá đặc điểm sinh trưởng, phát triển, năng suất của 900 vật liệu khởi đầu và xác định được 90 vật liệu phục vụ lai tạo và xử lý đột biến. Thời gian sinh trưởng của các mẫu giống biến động từ 98-170 ngày trong vụ Xuân và từ 85-145 ngày trong vụ Mùa. Chiều cao cây từ 90-120cm, mức độ nhiễm sâu bệnh hại chính trên đồng ruộng của các giống lúa vật liệu đều ở mức thấp (điểm 0-3). Năng suất thực vụ Xuân biến động từ 52,1-74,48 tạ/ha, vụ Mùa dao động từ 43,93-65,62 tạ/ha.
- Tạo ra được nguồn vật liệu khởi đầu phong phú phục vụ cho quá trình chọn tạo giống lúa mới thông qua các phương pháp khác nhau. Trong đó, lai tạo được 145 tổ hợp lai hữu tính; xử lý đột biến 40 mẫu giống với 5 công thức chiếu xạ. Đề tài đã đánh giá 145 con lai F1 và 200 quần thể thế hệ M1.
- Xây dựng và đánh giá vườn dòng với quy mô hàng nghìn dòng/năm, chọn lọc được 79 dòng triển vọng từ nguồn vật liệu kế thừa và 45 dòng triển vọng từ nguồn vật liệu được tạo mới. So sánh các dòng, giống triển vọng (từ 20-30 dòng/năm), kết quả chọn được 19 dòng triển vọng dựa vào đặc điểm sinh trưởng, năng suất tính kháng sâu bệnh và chất lượng đáp ứng mục tiêu.
- Công nhận lưu hành 01 giống lúa phù hợp cho chế biến tại các tỉnh phía Bắc là Gia Lộc 601 và xây dựng 01 quy trình kỹ thuật canh tác cho giống lúa Gia Lộc 601 phù hợp canh tác tại các tỉnh phía Bắc.Giống lúa Gia Lộc 601 có phản ứng nhiễm vừa với nguồn rầy nâu thu thập tại Bắc Giang đại diện cho vùng Trung du miền núi phía Bắc (cấp 5/9); có phản ứng nhiễm với nguồn rầy nâu thu thập tại Nam Định và Thừa Thiên Huế đại diện cho vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Bắc trung bộ (cấp 7/9). Giống lúa Gia Lộc 601 có khả năng đẻ nhánh khá, dạng cây gọn, bộ lá đứng, cứng, chống đổ trung bình, khả năng chịu thâm canh và chống chịu sâu bệnh khá nên trong điều kiện thâm canh ngoài sản xuất tại các tỉnh phía Bắc, giống nên được cấy với mật độ 40-45 khóm/m2, 3-4 dảnh/khóm, trên nền phân bón 1 tấn phân HCVS + 90-110 kg N + 100 kg P2O5 + 90 kg K2O trong vụ Xuân và cấy với mật độ 40-45 khóm/m2, 3-4 dảnh/khóm 1 tấn phân HCVS +90 kg N + 100 kg P2O5 + 90 kg K2O trong vụ Mùa sẽ cho năng suất cao.
- Chọn lọc được 02 dòng có triển vọng là Gia Lộc 95 và Gia Lộc 100: thời gian sinh trưởng ≤ 115 ngày trong vụ Mùa; năng suất ≥ 7,0 tấn/ha trong vụ Xuân; ≥ 6,0 tấn/ha trong vụ Mùa; nhiễm rầy nâu, đạo ôn, bạc lá điểm ≤ 5; chống đổ điểm 1 - 3; hàm lượng amylose ≥ 24%; hàm lượng tinh bột ≥ 65%; độ bền thể gel mềm đến trung bình; nhiệt độ hóa hồ trung bình.
- Xây dựng 8 điểm thử nghiệm đối với giống lúa Gia Lộc 601 tại Nghệ An, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hải Dương, quy mô 02 ha/điểm. Kết quả cho thấy: Giống lúa Gia Lộc 601 có sức sinh trưởng tốt, thời gian sinh trưởng từ 131-134 ngày trong vụ Xuân và 100-103 ngày trong vụ Mùa, chiều dài bông 26-29 cm, dạng hạt thon dài, hạt thóc vàng sáng, 6-8 bông/khóm, 175-186 hạt/bông, tỷ lệ hạt lép thấp 9,5 - 11,7%; Năng suất của giống đạt từ 70,21-70,87 tạ/ha trong vụ Xuân (năng suất vượt đối chứng Khang Dân 18 từ 5,73 - 6,26%) và từ 60,00-63,00 tạ/ha trong vụ Mùa (năng suất vượt đối chứng Khang Dân 18 từ 2,92 – 8,25%); Tại các điểm khảo nghiệm, giống lúa Gia Lộc 601 cho hiệu quả kinh tế vượt đối chứng Khang dân 18 từ 17,71 - 20,88% trong vụ Xuân và từ 11,42-19,64 trong vụ Mùa.
- Để kiểm chứng chất lượng chế biến mỳ của giống lúa Gia Lộc 601, đề tài đã tiến hành đánh giá bằng cảm quan về chất lượng chế biến mỳ gạo tại 3 làng nghề: Làng Lộ Cương, Phường Tứ Minh, Thành phố Hải Dương; Làng Hội Yên, Chi Lăng Nam, Thanh Miện, Hải Dương và làng nghề ở Thái Thịnh, Kinh Môn. Kết quả đánh giá các chỉ tiêu cảm quan khác như độ trắng, bóng, độ dai và độ ngon cũng cho thấy: sợi mỳ làm từ gạo của giống lúa Gia Lộc 601 có độ trắng, độ bóng và độ dai tốt hơn giống Q5 và KD18. Do vậy khi sử dụng gạo Gia Lộc 601 để chế biến mỳ sẽ hoàn toàn không phải dùng đến các chất tạo gel, chất tẩy, phèn chua hay hàn the để tăng độ dai, độ trắng... Mỳ gạo GL601 sau khi nấu ăn sẽ cho sợi mỳ mềm, dai, không bị tở, vữa, nước mỳ trong và ngon hơn; đặc biệt là đảm bảo được an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. Sản phẩm mì gạo được sản xuất tại 3 làng nghề trên đều là sản phẩm an toàn, sử dụng nguyên liệu gạo Gia Lộc 601 và phát miễn phí cho các làng nghề trong tỉnh, các vùng lân cận. “Mì gạo - Gia Lộc 601” sử dụng làm sản phẩm dùng thử, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng. Tiếp nhận thông tin phản hồi từ người tiêu dùng và các làng nghề sản xuất, phân tích những ưu, nhược điểm của mì làm từ nguyên liệu gạo Gia Lộc 601 từ đó hình thành dần vùng sử dụng nguyên liệu gạo Gia Lộc 601.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu dự án tại Trung tâm Thông tin và Truyền thông Hải Phòng hoặc Cục Thông tin, Thống kê.
- Nghiên cứu chọn lọc, khai thác phát triển và đánh giá tiềm năng di truyền nguồn... (29/06/2025)
- Nghiên cứu hiện trạng, nhu cầu, đề xuất và áp dụng thử mô hình xây dựng, sử dụng... (27/06/2025)
- Sản xuất thử nghiệm máy kéo 04 bánh công suất đến 50Hp mang thương hiệu Việt Nam (25/06/2025)
- Nghiên cứu hoàn thiện hệ thống chính sách phát huy vai trò đội ngũ trí... (24/06/2025)
- Nghiên cứu dự báo tình trạng giao thông theo thời gian tại các nút giao... (22/06/2025)