Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 18419
Tổng truy cập : 57,998

Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN

Nghiên cứu đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác hoạt động vận tải thủy nội địa phía Bắc và đề xuất áp dụng cho hành lang Việt Trì - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (15/04/2024)

Miền Bắc có trên 4.500 km sông kênh đang khai thác vận tải, trong đó Trung ương hiện quản lý 2.760,4 km. Mạng lưới sông kênh với mật độ lớn, chảy qua hầu hết các trung tâm kinh tế, đô thị, các khu công nghiệp, nối liền các cảng sông, cảng biển, thông ra biển theo nhiều cửa sông tạo thành các trục vận tải thuỷ thuận lợi. Hàng năm hoạt động vận tải thủy nội địa chiếm khoảng 20% - 23% thị phần vận chuyển và 25% - 30% thị phần luân chuyển hàng hóa của toàn khu vực phía Bắc.Mạng lưới sông Bắc bộ được hình thành bởi hai hệ thống sông chính là hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình, hai hệ thống sông này được nối với nhau bởi sông Đuống, sông Luộc, hiện có nhiều tuyến sông đang được đầu tư, khai thác vận tải thủy với mật độ lớn. Các cửa sông chính đang khai thác vận tải thủy gồm: cửa Lạch Huyện, kênh Đình Vũ - cửa Nam Triệu, cửa Lạch Tray, Văn Úc, Diêm Điền, Trà Lý, Lạch Giang, cửa Đáy, cửa sông Ka Long. Hệ thống đường thủy nội địa khu vực phía Bắc nằm ở đồng bằng sông Hồng, tập trung vào trung tâm tăng trưởng kinh tế là Hà Nội và kết nối với cảng biển cửa ngõ quốc tế Hải Phòng. Bao gồm 17 tuyến vận tải chính, trong đó có 03 hành lang vận tải: Hành lang số 1: Tuyến Quảng Ninh - Hải Phòng - Việt Trì qua sông Đuống; Hành lang số 2: Tuyến Quảng Ninh - Ninh Bình (qua sông đào Hải Phòng, sông Luộc, từ cửa Lục đến cảng Ninh Phúc dài 264 km); Hành lang số 3: Tuyến Hà Nội - Lạch Giang, dài 196 km.

Hành lang vận tải là tập hợp các tuyến vận tải hàng hóa, hành khách tập trung trên một không gian có hướng để kết nối hai hay nhiều đầu mối vận tải và liên kết với các hành lang khác, đem lại lợi ích kinh tế rõ rệt. Hành lang vận tải đơn giản nhất là một tuyến giao thông duy nhất như tuyến đường bộ, tuyến đường sắt. Hành lang vận tải phức tạp có thể là đa phương thức, liên phương thức.Hiện nay trên hành lang vận tải có đầy đủ 05 phương thức vận tải, tuy nhiên hoạt động vận tải kết nối dọc hành lang chỉ bao gồm đường bộ, đường thủy nội địa và đường sắt đối với 02 phương thức còn lại là hàng hải và hàng không đóng vai trò là đầu mối vận tải hàng hóa và hành khách trên hành lang, tạo nên các điểm thu hút, phát sinh nhu cầu vận tải lớn.

Phát triển vận tải thủy nội địa trên các hành lang vận tải từ lâu đã là mối quan tâm của Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải. Đường thủy nội địa với các lợi thế khối lượng chuyên chở lớn, chi phí vận tải đơn phương thức thấp, mức phát thải ô nhiễm môi trường thấp,... có tiềm năng khai thác rất lớn.Tại khu vực phía Bắc, nhiều dự án đã được triển khai để phát triển vận tải đường thủy nội địa tiêu biểu như Dự án phát triển giao thông vận tải khu vực Đồng bằng Bắc bộ (Dự án WB6) đã tập trung nâng cao hành lang đường thủy số 1 (Việt Trì - Quảng Ninh qua sông Đuống) và hành lang đường thủy số 3 (Hà Nội - Cửa Lạch Giang). Sau 05 năm triển khai các đề án và giải pháp, đường thủy nội địa đã có những chuyển biến rõ rệt, hàng năm đường thủy vận chuyển chiếm 20-23% về tấn và 25-30% về tấn.km trong vận tải hàng hóa của phía Bắc. Trong đó, tuyến hành lang Việt Trì – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh là một trong những tuyến có hoạt động vận tải thủy nội địa sôi động nhất trong khu vực với vai trò kết nối hệ thống cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh với toàn bộ hệ thống cảng thủy nội địa trong vùng, đặc biệt là hoạt động vận tải container và hàng hóa xuất nhập khẩu từ cảng biển Hải Phòng.Hoạt động vận tải trên hành lang Việt Trì - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh được thực hiện chủ yếu bởi các phương thức vận tải đường bộ, đường thủy nội địa và đường sắt. Mật độ vận tải trên hành lang có sự thay đổi theo từng đoạn tuyến từ Việt Trì đến Quảng Ninh, trong đó tập trung tại đoạn Hà Nội - Hải Phòng khoảng gần 60% mật độ vận tải trên hành lang. Tuy vậy, trên hành lang vận tải đường thủy nội địa đang gặp phải một số vướng mắc, bất cập chưa được giải quyết như tình trạng cảng container đường thủy nội địa khan hiếm hàng, xảy ra tình trạng mất an toàn, ùn tắc trên luồng tuyến do phương tiện va chạm với các cầu tĩnh không thấp,... Những bất cập nêu trên ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả khai thác vận tải đường thủy nội địa trên hành lang. 

Nhằm phát hiện, đánh giá các bất cập trong khai thác hoạt động vận tải thủy nội địa từ đó đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách nhằm khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng và tăng hiệu quả vận tải thủy nội địa trên hành lang trênhành lang Việt Trì – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Năm 2020, Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải thuộc Bộ Giao thông Vận tải đã thực hiện đề tài cấp Bộ Nghiên cứu đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác hoạt động vận tải thủy nội địa phía Bắc và đề xuất áp dụng cho hành lang Việt Trì – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh”.

Nhóm tác giả thực hiện đã tập trung nghiên cứu các giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc đẩy mạnh phát triển vận tải thủy nội địa trên hành lang Việt Trì - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh góp phần giảm chi phí, thời gian vận tải, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong khu vực; phát hiện, đánh giá các bất cập trong khai thác hoạt động vận tải thủy nội địa trên hành lang Việt Trì - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; và đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách nhằm khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng và tăng hiệu quả vận tải thủy nội địa trên hành lang Việt Trì - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Kết quả nghiên cứu, Đề tài đã đánh giá được cơ bản hiện trạng và các tồn tại, bất cập trong hoạt động vận tải thủy nội địa trên hành lang Việt Trì - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, là hành lang có sản lượng vận tải thủy nội địa lớn nhất trong khu vực phía Bắc, đồng thời cũng điển hình cho hoạt động vận tải thủy nội địa phía Bắc. Từ đó rút ra được các bài học kinh nghiệm áp dụng cho hoạt động vận tải thủy nội địa trên hành lang Việt Trì - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Trong đó nhấn mạnh đến việc cần: Nâng cao thị phần vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa trong hoạt động đưa/rút hàng khỏi cảng biển, đặc biệt là vận tải container tại cảng Hải Phòng. Nguồn hàng tại cảng Hải Phòng chủ yếu là container, do vậy cần tập trung phát triển mặt hàng container thay vì hàng rời như hiện nay; Hỗ trợ các doanh nghiệp nhanh chóng chuyển đổi đoàn phương tiện theo hướng hiện đại hóa, tăng tải trọng phù hợp với điều kiện khai thác nhằm nâng cao chất lượng vận tải, rút ngắn thời gian vận chuyển, tăng tính cạnh tranh với phương thức vận tải đường bộ. Trong trường hợp của phương tiện đường thủy nội địa trên hành lang, cần bổ sung đội tàu container đường thủy nội địa, với điều kiện tiên quyết là đã giải quyết xong các nút thắt về kết cấu hạ tầng; Phát triển hệ thống các khu công nghiệp, cụm công nghiệp dọc theo hành lang vận tải thủy nội địa, đồng thời bố trí quỹ đất hợp lý để đầu tư xây dựng cảng, bến thủy nội địa đảm bảo khả năng tiếp cận thuận lợi; Xây dựng các chính sách ưu đãi liên quan đến thuế, phí, hỗ trợ lãi suất, trợ giá v.v... đối với các doanh nghiệp đầu tư, khai thác hạ tầng đường thủy nội địa và kinh doanh hoạt động vận tải thủy nội địa.

Trên cơ sở nhận diện, đánh giá các tồn tại, bất cập, cùng với đó là dự báo nhu cầu vận tải hàng hóa trên hành lang, phân tích xu thế chuyển đổi cơ cấu hàng hóa của khu vực phía Bắc (tỷ lệ container hóa ngày càng tăng, các luồng vận tải tập trung chủ yếu vào khu vực cảng biển Hải Phòng) cũng như lợi thế trong phát triển vận tải hành khách kết hợp du lịch. Nhóm nghiên cứu đã có những đề xuất giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả khai thác của hoạt động vận tải thủy khu vực phía Bắc nói chung và cho hành lang Việt Trì - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh nói riêng. Đối với hoạt động vận tải hành khách bằng đường thủy nội địa, mặc dù sản lượng vận tải dự kiến không cao, tuy nhiên với định hướng liên kết chặt chẽ với ngành du lịch trong phát triển các tuyến vận tải thủy nội địa trên hành lang sẽ từng bước hình thành hành lang du lịch đường thủy nội địa kết nối các địa phương trong vùng, nâng cao giá trị của các khu vực ven sông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố trong khu vực.

Các nội dung nghiên cứu của Đề tài vừa đảm bảo hàm lượng khoa học, vừa đáp ứng yêu cầu ứng dụng trong thực tiễn, một số kết quả trong quá trình nghiên cứu của Đề tài cũng đã được cụ thể hóa trong nội dung quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng như phương án phát triển giao thông vận tải trong quy hoạch tỉnh của một số địa phương trong khu vực.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Đề tài, nhóm nghiên cứu đề xuất Bộ Giao thông vận tải, các tỉnh, thành phố trên hành lang vận tải Việt Trì - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh tiếp tục áp dụng, triển khai mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa, đặc biệt các giải pháp về phát triển kết cấu hạ tầng và kết nối các phương thức vận tải nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động vận tải container và hành khách trên hành lang, từ đó mở rộng phạm vi áp dụng và hiệu quả trên toàn khu vực phía Bắc. 

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài tại Trung tâm Thông tin, Thống kê KH&CN Hải Phòng hoặc Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia./.