Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 47959 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN
Nghiên cứu xây dựng mô hình sản xuất luá nếp cái hoa vàng thương phẩm theo tiêu chuẩn VietGap tại xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng (24/09/2024)
Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho lúa tại Việt Nam (Vietnamese Good Agricultural Practices for Rice, gọi tắt là VietGAP lúa) là những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, phơi sấy, đóng gói bảo đảm an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm lúa gạo; đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khoẻ người sản xuất và người tiêu dùng; bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm. VietGAP là một quy trình áp dụng tự nguyện, có mục đích hướng dẫn các nhà sản xuất nâng cao chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn, nâng cao hiệu quả, ngăn ngừa hoặc giảm tối đa những nguy cơ tiềm ẩn về hóa học, sinh học và vật lý có thể xảy ra trong suốt quá trình sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản, vận chuyển. Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt tại Việt Nam (VietGAP) bao gồm 4 nhóm tiêu chí: Đảm bảo an toàn thực phẩm; Bảo vệ môi trường; Bảo đảm sức khỏe cho người lao động và phúc lợi xã hội; Bảo đảm chất lượng sản phẩm.
Để đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của địa phương, xây dựng được mô hình sản xuất lúa nếp cái hoa vàng thương phẩm theo VietGAP. Năm 2016, Trường Đại học Hải Phòng đã tiến hành thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình sản xuất lúa nếp cái hoa vàng thương phẩm theo VietGAP tại xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng” nhằm giúp người dân cải tiến, thực hiện các phương thức quản lý, canh tác tiến bộ theo VietGAP để tạo ra sản phẩm chất lượng, có thương hiệu uy tín, từ đó nâng cao lợi nhuận và chuỗi giá trị cho người sản xuất.
Triển khai nghiên cứu, Ban chủ nhiệm đã tiến hành khảo sát thu thập thông tin thứ cấp qua các phương tiện thông tin đại chúng: thu thập thông tin, các tài liệu, sách báo, internet với 30 tài liệu; thu thập số liệu thứ cấp, hệ thống hóa số liệu; điều tra khảo sát thực tế 100 phiếu điều tra về hiện trạng sản xuất lúa nếp cái hoa vàng tại địa phương; khảo sát cơ sở hạ tầng có liên quan đến vấn đề nghiên cứu, phân tích chất lượng nước tưới, đất trồng lúa trong năm 2016 và 2017 phục vụ đề tài và đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng cấp Giấy chứng nhận Số 1730a/2016/NNPTNT-HP ngày 23/12/2016 có hiệu lực đến 22/12/2018 và Giấy chứng nhận Số 11h/2017/NNPTNT-HP ngày 5/1/2011 có hiệu lực đến 05/01/2020. Tham quan mô hình sản xuất nếp cái hoa vàng tại tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Hải Dương làm cơ sở để tiến hành nghiên cứu, triển khai đề tài.
Ruộng mô hình sản xuất nếp cái hoa vàng.
Kết quả nghiên cứu, đề tài đã xây dựng và hoàn thiện qui trình sản xuất lúa Nếp cái hoa vàng theo tiêu chuẩn VietGAP bao gồm: (1) Đánh giá và lựa chọn vùng sản xuất: Vùng sản xuất lúa theo VietGAP phải phù hợp với quy hoạch sản xuất của địa phương; được khảo sát, đánh giá sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật, qui định hiện hành của nhà nước về các mối nguy gây ô nhiễm hóa học, sinh học, vật lý. Đối với xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng đã nằm trong quy hoạch vùng sản xuất lúa đặc sản và có chứng nhận về nhãn hiệu chứng nhận “Đại Thắng- Tiên Lãng”, và không có nguy cơ gây ô nhiễm từ các khu vực sản xuất công nghiệp; (2) Quản lý đất và nước tưới: Tiến hành lấy mẫu đất, mẫu nước và đem phân tích trước khi vào vụ sản xuất; các mẫu đất, nước phải đảm bảo theo qui định hiện hành, nếu chưa đủ yêu cầu cần có giải pháp khắc phục kịp thời; (3) Giống lúa: áp dụng kỹ thuật áp dụng ngâm, ủ hạt giống, gieo và chăm sóc mạ; kỹ thuật canh tác và chăm sóc lúa; (4) Kỹ thuật sử dụng phân bón: Lượng phân bón: 550 kg phân vi sinh Azotobacterin + 415 kg vôi bột + 388 kg NPK (L1:17-12-5) +55 kg NPK (L2: 15-4-18) + 194 kg Lân supe + 105 kg kali clorua dùng trên 1 ha. Ngoài ra có thể sử dụng các loại phân bón phức hợp NPK thương phẩm khác như phân bón Quế Lâm, Ninh Bình nhưng cần tính toán lượng phân nguyên chất có trong phân để dùng số lượng phù hợp trên lúa nếp cái hoa vàng. Kỹ thuật bón bao gồm bón lót, bón thúc đợt 1 sau cấy 10-15 ngày và bón thúc đợt 2 sau cấy 40-45 ngày; (5) Kỹ thuật điều tiết nước: Lần 1, từ khi cấy đến sau khi bón phân thúc đẻ nhánh 7-15 ngày, kết hợp làm cỏ, trừ cỏ. Giữ nước trên mặt ruộng khoảng 4 - 5 cm; Lần 2, thời kỳ cuối đẻ nhánh (cổ lá trùng nhau): tháo nước để nẻ mặt ruộng từ 3 - 5 ngày; Lần 3, thời kỳ làm đòng đến chín sữa, cần duy trì mực nước ruộng từ 5 - 10 cm; Lần 4, thời kỳ lúa đỏ đuôi, tháo kiệt nước cho lúa cứng cây; (6) Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật: Áp dụng các nguyên tắc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong phòng trừ sâu bệnh và dịch dại trên lúa bao gồm sâu đục thân 2 chấm, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, bệnh đạo ôn gây hại lá và cổ bông, bệnh khô vằn, phòng trừ chuột hại, xử lý cỏ dại, xử lý ốc bươi vàng…;(7) Thu hoạch và xử lý sau thu hoạch: Trước khi thu hoạch 3 - 5 ngày tiến hành lấy mẫu sản phẩm lúa để đem phân tích chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng dinh dưỡng. Tiến hành thu hoạch khi lúa chín 85 - 90% (sau trỗ khoảng 28 - 30 ngày) thời gian thu hoạch tốt nhất, đảm bảo thời gian cách ly sau khi phun thuốc bảo vệ thực vật. Chọn ngày nắng ráo để thu hoạch, sau khi thu hoạch đem tuốt lấy hạt, áp dụng biện pháp phơi dày, phơi đống, luống. Sau khi thóc đã được phơi khô, làm sạch (quạt sạch trấu, hạt lép) và đóng bao bảo quản nơi khô ráo. Bao đóng gói thóc phải được đánh mã số theo qui định; (8) Người lao động: Phải được tập huấn về An toàn lao động, vệ sinh cá nhân trong quá trình sản xuất và đào tạo về quy trình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP; (9) Ghi chép, lưu trữ hồ sơ, truy nguyên nguồn gốc và thu hồi sản phẩm; (10) Kiểm tra nội bộ: Tổ chức và cá nhân sản xuất lúa theo VietGAP phải tiến hành kiểm tra, đánh giá nội bộ ít nhất một lần trong mỗi vụ sản xuất thường vào cuối vụ. Việc kiểm tra phải được thực hiện theo Bảng chỉ tiêu kiểm tra và phương pháp đánh giá của Quy trình VietGAP; (11) Khiếu nại và giải quyết khiếu nại: Trong trường hợp có khiếu nại, tổ chức và cá nhân sản xuất lúa theo VietGAP phải có trách nhiệm giải quyết theo quy định của pháp luật; lưu đơn khiếu nại và kết quả giải quyết vào hồ sơ.
Quy trình kỹ thuật được áp dụng cho việc sản xuất lúa nếp chất lượng cao trong vụ mùa trên địa bàn xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng và các địa phương có điều kiện tương đồng. Kết quả xây dựng mô hình thực nghiệm sản xuất nếp cái hoa vàng thương phẩm theo VietGAP qui mô 1000 m2 trong vụ mùa năm 2016 tại thôn Giang Khẩu, xã Đại Thắng: Cây lúa trong mô hình thực nghiệm so với sản xuất đại trà: có thời gian sinh trưởng ngắn hơn 2 ngày; chiều cao thấp hơn 2 cm; Các yếu tố cấu thành năng suất lúa của ruộng mô hình cao hơn ruộng của nông dân từ 3,0-9,0 % tùy theo các chỉ tiêu. Năng suất lý thuyết ruộng mô hình cao hơn so với sản xuất đại trà tới 17,2% và năng suất thực thu ở ruộng mô hình cao hơn ruộng đối chứng là 7%; Các chỉ tiêu về chất lượng cảm quan và chất lượng dinh dưỡng, an toàn thực phẩm được đảm bảo theo đúng qui định của Bộ Y tế; Các chỉ tiêu về chống đổ và chống chịu sâu bệnh của cây lúa trong mô hình đều hơn so với Sản xuất đại trà; Hiệu quả kinh tế của mô hình thực nghiệm có tổng thu cao hơn so với sản xuất đại trà là 18,7%; có lợi nhuận cao hơn là 5,1 lần và giảm chi phí khi sản xuất 1 kg thóc là 16,0 %.
Trên cơ sở sản xuất thực nghiệm, nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện qui trình sản xuất nếp cái hoa vàng thương phẩm theo VietGAP đảm bảo khoa học, phù hợp với thực tiễn địa phương. Quy trình được áp dụng vào mô hình sản xuất lúa Nếp cái hoa vàng thương phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP qui mô 05 ha trong vụ mùa năm 2017 tại xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng:Cây lúa trong mô hình thực nghiệm so với sản xuất đại trà: có thời gian sinh trưởng ngắn hơn 3 ngày; chiều cao thấp hơn 2,1 cm; Các yếu tố cấu thành năng suất lúa của ruộng mô hình cao hơn ruộng của nông dân từ 3,5-9,8 % tùy theo các chỉ tiêu. Năng suất lý thuyết ruộng mô hình cao hơn so với sản xuất đại trà tới 20,5 % và năng suất thực thu ở ruộng mô hình cao hơn ruộng sản xuất đại trà là 21,36 %; Các chỉ tiêu về chất lượng cảm quan và chất lượng dinh dưỡng, an toàn thực phẩm được đảm bảo theo đúng qui định của Bộ Y tế; Các chỉ tiêu về chống đổ và chống chịu sâu bệnh của cây lúa trong mô hình sản xuất đều hơn so với sản xuất đại trà; Nâng cao thu nhập cho người sản xuất: trong đó trong đó tổng thu mô hình sản xuất cao hơn sản xuất đại trà là 16.232,8 nghìn đồng/ha tương đương 25,15%; Giá bán thóc trong mô hình sản xuất được Hợp tác xã Nông nghiệp thu mua cao hơn của người dân là 500 đ/kg. Lợi nhuận mô hình sản xuất cao hơn sản xuất đại trà là 7.142,2 nghìn đồng/ha, tương đương 5,77 lần; Thiết lập hồ sơ đăng ký theo quy định của Tổ chức chứng nhận VietGAP được chỉ định: Ký hợp đồng chứng nhận VietGAP; Làm việc cùng đoàn đánh giá của tổ chức chứng nhận, thực hiện các hành động khắc phục phù hợp theo khuyến cáo của đoàn; Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Thắng và các thành viên trong tổ sản xuất có trụ sở tại xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng, sản xuất tại thôn Giang Khẩu, xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng, trên qui mô 5 ha, với sản lượng dự kiến 27,5 tấn được cấp Giấy chứng nhận VietGAP. Nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện mô hình sản xuất lúa Nếp cái hoa vàng thương phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP tại xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng: Đã mua sắm được các vật tư nông nghiệp, máy móc, thiết bị đúng các thông số kỹ thuật và đảm bảo đầy đủ hồ sơ mua sắm theo đúng quy định hiện hành;Thành lập được Tổ sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP tại địa phương; đồng thời tổ chức các lớp tập huấn qui trình sản xuất cho 277 lượt cán bộ quản lý, kỹ thuật và nông dân trong mô hình, với 100% cán bộ kỹ thuật của địa phương tham gia mô hình được đào tạo nắm vững và làm chủ được quy trình sản xuất và quản lý nội bộ theo VietGAP; Người nông dân tham gia mô hình nắm vững được quy trình sản xuất.
Kết quả hạch toán hiệu quả kinh tế ở mô hình sản xuất và nông dân cho thấy như sau:Năng suất thực thu mô hình sản xuất có năng suất cao hơn sản xuất đại trà là 861,8 kg/ha, tương đương 21,36%;Tổng thu mô hình sản xuất cao hơn sản xuất đại trà là 16.232,8 nghìn đồng/ha tương đương 25,15%; Giá bán thóc trong mô hình sản xuất được Hợp tác xã Nông nghiệp thu mua cao hơn của người dân là 500 đ/kg. Lợi nhuận mô hình sản xuấtcao hơn sản xuất đại trà là 7.142,2 nghìn đồng/ha, tương đương 5,77 lần. Chi phí sản xuất mô hình sản xuất thấp hơn sản xuất đại trà là 900 đồng/kg tương đương 6,0%.
Mô hình sản xuất lúa nếp cái hoa vàng thương phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng có thể áp dụng để mở rộng diện tích sản xuất tại xã Đại Thắng lên đến 250 ha, ngoài ra có thể chuyển giao và áp dụng trong các trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc các doanh nghiệp nơi có đủ điều kiện.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài tại Trung tâm Thông tin, Thống kê KH&CN Hải Phòng./.
- Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế xác lập hệ thống tiêu chí, chỉ số đánh giá, giám sát... (30/10/2024)
- Nghiên cứu thử nghiệm sản xuất giống sò huyết Anadara granosa trong ao (28/10/2024)
- Quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường vùng nuôi trồng thủy sản tại một số tỉnh... (25/10/2024)
- Nghiên cứu xây dựng bộ công cụ số hóa đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo cho doanh... (23/10/2024)
- Một số giải pháp chính sách thực hiện chiến lược kinh tế biển xanh trong xây dựng... (21/10/2024)
- Nghiên cứu phát triển kỹ thuật PCR đa mồi (multiplex PCR) để phát hiện nhanh một... (18/10/2024)