Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 44212
Tổng truy cập : 57,998

Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN

Nghiên cứu chọn tạo giống lạc có hàm lượng dầu cao (10/12/2024)

Đây là tên đề tài cấp bộ được Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu thực hiện triển khai và do TS. Lê Công Nông làm chủ nhiệm. Đề tài được triển khai nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết về vấn đề bổ sung và cung ứng cho nông dân sản xuất giống lạc có năng suất và hàm lượng dầu cao ở các tỉnh phía Nam và phía Bắc, bổ sung mới vào bộ giống lạc hiện đang sản xuất, phù hợp với điều kiện canh tác vùng, tăng lợi thế về giá trị cây lạc; tăng lợi thế cạnh tranh với các cây trồng khác trong vùng.

Lạc (Arachis hypogaea L.) là cây trồng nhiệt đới có nguồn gốc từ châu Mỹ, cây công nghiệp ngắn ngày, cây thực phẩm và cây có dầu quan trọng. Lạc được trồng rộng rãi ở tất cả các vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới và ôn đới trên thế giới. Hạt lạc giàu protein, chất béo, khoáng chất, vitamin do đó được trồng chủ yếu để lấy dầu ở hầu hết các quốc gia. Trong dầu lạc chứa hàm lượng calo rất lớn vì thế nó được xem là loại  thực phẩm bổ sung năng lượng rất tốt. Dầu lạc nguyên chất chứa nhiều chất chống oxy hóa và khoáng chất nên rất cần thiết để bổ sung vào cơ thể. Chất resveratrol trong dầu lạc giúp chống lại bệnh tim, bệnh thần kinh, bệnh Alzheimer và các bệnh nhiễm virus. Là một nguồn giàu canxi vì thế tác dụng của dầu lạc rất có ích cho những người bị viêm đau khớp xương. Ngoài ra, dầu lạc có chứa acid linoleic là tiền thân của prostaglandins - thực hiện các chức năng co giãn mạch máu. Trong dầu lạc rất giàu acid béo không bão hòa trong đó acid oleic (C18:1) chiếm tỷ lệ 35 – 69%, loại acid béo tốt và cần cho sự phát triển của cơ thể, giúp giảm mức độ cholesterol xấu và ngăn ngừa bệnh tim và bệnh mạch vành.

Xuất phát từ những thực tế trên nhóm nghiên cứu triển khai đề tài đã đạt được kết quả như sau: Nghiên cứu chọn tạo giống lạc có hàm lượng dầu cao >50%; Nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật gieo trồng giống lạc mới; Xây dựng mô hình sản xuất giống lạc mới, cụ thể:

(1) Nghiên cứu chọn tạo giống lạc có hàm lượng dầu cao >50%: Đánh giá tập đoàn 50 mẫu dòng/giống tại phía Nam đã tuyển chọn được vật liệu 5 giống bố và 4 giống mẹ tiến hành lai hữu tính và qua đánh giá, chọn lọc - so sánh xác định được 4 dòng lạc lai triển vọng gồm L1904-30, L1915-41, L1917-47, L1904-32 có hàm lượng dầu >50%. Từ đó tiếp tục tiến hành khảo nghiệm diện hẹp, diện rộng và chọn được dòng lạc VD11 (đặt tên từ dòng L1904-32) có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt, thích nghi với vùng sinh thái, năng suất đạt từ 3,51 – 3,81 tấn/ha, cao hơn giống lạc đối chứng ở các địa phương 19,0% - 23,3%, hàm lượng dầu đạt trung bình 54,47% phù hợp đưa vào sản xuất tại các tỉnh Tây Ninh, Long An và Bình Thuận. Đánh giá tập đoàn 60 mẫu dòng/giống ở phía Bắc chọn được 5 giống lạc xử lý đột biến và quá trình chọn lọc, đánh giá, so sánh xác định được 6 dòng lạc đột biến triển vọng có hàm lượng dầu >50% gồm L14-180/2, L27-220/2, L27-250/3, L29-200/4, SL-220/2 và TQV74-250/1. Từ đó tiến hành khảo nghiệm diện hẹp, diện rộng và chọn được dòng lạc LDT3 (đặt tên từ dòng L27-220/2) có đặc điểm hình thái, sinh trưởng phát triển tốt, số quả 3 hạt chiếm tỷ lệ cao >80%, năng suất thực thu đạt 3,65 – 3,92 tấn/ha, vượt giống đối chứng L14 từ 12,0 – 17,7%, hàm lượng dầu đạt 51,19% phù hợp để đưa vào sản xuất tại các tỉnh thành Vĩnh Phúc, Nghệ An, thành phố Hà Nội.

(2) Nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật gieo trồng giống lạc mới:

Giống lạc VD11 được đưa vào khảo nghiệm thời điểm gieo trồng trong vụ Đông Xuân 2022 - 2023 tại các tỉnh Long An, Tây Ninh, Bình Thuận. Kết quả ghi nhận tổng hợp một số đặc điểm sinh trưởng và phát triển của các nghiệm thức thí nghiệm. Thời gian ra hoa: Các nghiệm thức khảo nghiệm có TGRH dao động từ 22 – 28 ngày sau gieo tại Long An, Tây Ninh và Bình Thuận, sự chênh lệch về thời gian ra hoa giữa các nghiệm thức khảo nghiệm không nhiều. Thời gian sinh trưởng: Kết quả ghi nhận TGST dao động từ 89 - 96 ngày, ở cả 3 tỉnh ở nghiệm thức gieo muộn nhất (ĐX4) có thời gian sinh trưởng dài hơn so với các nghiệm thức còn lại (ĐX1, ĐX2, ĐX3). Thí nghiệm tại 3 tỉnh Tây Ninh, Long An và Bình Thuận đối với giống lạc VD11 cho thấy: Giống lạc VD11 nhiễm bệnh đốm đen, đốm nâu cấp 3 - 5, các nghiệm thức gieo muộn ĐX3, ĐX4 mức độ nhiễm bệnh hại trên lá cao hơn (cấp 5), đối với bệnh gỉ sắt nghiệm thức gieo muộn nhất ở cả 3 tỉnh có cấp bệnh cao nhất (cấp 3). Đối với các bệnh héo xanh, thối đen cổ rễ, thối trắng thân do nấm và thối quả mức độ bệnh ở các nghiệm thức ĐX1, ĐX2 có tỷ lệ thấp hơn nghiệm thức ĐX3, ĐX4. Chiều cao cây: Chiều cao cây của giống lạc VD11 thí nghiệm ở các nghiệm thức  dao động từ 37,1 - 44,3 cm tại Bình Thuận, các nghiệm thức thí nghiệm ở Bình Thuận có chiều cao cây thấp hơn so với chiều cao cây ở các nghiệm thức này khi gieo trồng tại Long An và Tây Ninh. Ở 3 địa điểm thí nghiệm cho thấy ở nghiệm thức gieo muộn (ĐX4) ghi nhận có chiều cây đạt cao hơn so với các nghiệm thức còn lại.  Số quả chắc/cây: Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa các nghiệm thức khảo nghiệm về chỉ tiêu số quả chắc/cây, số quả chắc dao động từ 13,8 - 26,0 quả ở 3 tỉnh, trong đó số quả cao nhất ở nghiệm thức 2 (ĐX 2) ở ba địa điểm Long An, Tây Ninh và Bình Thuận đạt từ 18,2 - 26,0 quả. Ở nghiệm thức gieo muộn (ĐX4) số quả chắc/cây thấp nhất từ 13,8 - 18,0 - 19,5 quả tại 3 điểm thí nghiệm lần lượt là Bình Thuận, Long An và Tây Ninh. Khối lượng 100 hạt: Các nghiệm thức thí nghiệm có khối lượng 100 hạt đạt mức trung bình dao động từ 43,8 - 47,1 gam. Ở Long An và Bình Thuận cao nhất ở nghiệm thức ĐX2, Tây Ninh nghiệm thức ĐX1 đạt cao nhất. Tỷ lệ nhân (%) và tỷ lệ hạt chắc (%): Đối với 2 chỉ tiêu này trong vụ Đông Xuân cho thấy sự khác biệt về tỷ lệ nhân, tỷ lệ hạt chắc giữa các nghiệm thức thí nghiệm có ý nghĩa về mặt thống kê. Trong đó, kết quả ghi nhận tỷ lệ nhân và tỷ lệ hạt chắc đạt cao nhất ở các nghiệm thức thí nghiệm ĐX1, ĐX2, ĐX3 khác biệt có ý nghĩa so với nghiệm thức ĐX 4 có tỷ lệ nhân và tỷ lệ hạt chắc thấp nhất, đều này phù hợp diễn biến thời tiết cuối vụ không thuận lợi cho cây lạc.

 

 Giống lạc VD11 tiếp tục được đưa vào khảo nghiệm thời điểm gieo trồng trong vụ thứ hai (vụ Hè Thu 2023) tại các tỉnh Long An, Tây Ninh, Bình Thuận. Kết quả ghi nhận một số đặc điểm sinh trưởng và phát triển của các nghiệm thức thí nghiệm. Thời gian ra hoa: Các nghiệm thức khảo nghiệm vụ Hè Thu có TGRH dao động từ 24 - 30 ngày sau gieo tại Long An, Tây Ninh và Bình Thuận, các nghiệm thức khảo nghiệm có thời gian ra hoa muộn hơn so với vụ Đông Xuân. Thời gian sinh trưởng: Kết quả ghi nhận TGST dao động từ 88 - 93 ngày, giống lạc này có thời gian sinh trưởng ghi nhận thuộc nhóm ngắn ngày, tại Bình Thuận ghi nhận giống lạc VD11 có thời gian sinh trưởng ngắn hơn từ 2 - 3 ngày so với Long An và Tây Ninh. Số cành cấp 1: Các nghiệm thức khảo nghiệm dao động từ 5,2 - 6,9 cành, ở 3 địa điểm cho thấy giống lạc VD11 khảo nghiệm ghi nhận, số cành cấp 1 cao hơn vụ Đông Xuân. năng suất (tấn/ha) của các nghiệm thức khảo nghiệm tại Long An đạt từ 3,22 - 3,65 tấn/ha, tại Tây Ninh đạt từ 3,23 - 3,85 tấn/ha và tại Bình Thuận đạt từ 3,13 - 3,55 tấn/ha. Trong đó ghi nhận năng suất ở các nghiệm thức HT1, HT2 có xu hướng tăng và bắt đầu giảm ở các nghiệm thức HT3 và HT4. Như vậy, trong vụ Hè Thu 2023 thời điểm gieo được xác định thích hợp nhất là HT1, HT2 tương ứng các thời điểm gieo từ 02/5 đến 18/5. Tuy nhiên, kết quả ghi nhận ở cả 3 địa điểm cho thấy ở các nghiệm thức khảo nghiệm đạt năng suất thấp hơn vụ Đông Xuân 2022-2023, do vụ Hè Thu ở khu vực phía Nam thời tiết không thuận lợi mưa nhiều ảnh hưởng đến năng suất lạc.

Đặc điểm của giống lạc LDT3.

Nhóm nghiên cứu đã xây dựng biện pháp kỹ thuật canh tác cho giống lạc LDT3 thời điểm gieo thích hợp ở vụ Xuân từ 10/02 - 20/02 - vụ Hè Thu từ 01/6 - 30/6, mật độ 35 cây/m2  (gieo 1 hạt/hốc) và công thức phân bón 50 kg N/ha : 90 kg P2O5/ha: 75kg P2O5/ha: 75 kg K2O/ha cho canh tác tại 3 tỉnh thành Vĩnh Phúc, Nghệ An và Hà Nội đạt năng suất cao và hiệu quả kinh tế nhất.

(3). Xây dựng được 3 mô hình sản xuất giống lạc VD11 ở 3 tỉnh phía Nam (Long An, Tây Ninh và Bình Thuận) với quy mô diện tích 15ha (5ha/mô hình) năng suất đạt 3,54 - 3,71 tấn/ha, cao hơn so với mô hình giống lạc phổ biến tại địa phương (2,83 - 3,10 tấn/ha), đạt hiệu quả kinh tế hơn và phù hợp với điều kiện nông hộ. Lợi nhuận từ việc canh tác giống lạc VD11 đạt 62.922.000 - 76.942.000 đồng/ha/vụ, cao hơn so với giống đối chứng canh tác theo quy trình tại địa phương từ 20.213.000 - 21.983.000 đồng/ha/vụ. Nhìn chung, tỷ suất lợi nhuận theo tổng thu và tổng chi của mô hình VD11 tại 3 tỉnh đều cao hơn so với mô hình đối chứng 0,60 - 0,65 lần (TSLN theo tổng chi) và 1,51 - 1,85 lần (TSLN theo tổng thu). Như vậy, ở cả 3 mô hình, giống lạc VD11 đều cho thấy khả năng sinh trưởng phát triển tốt, thích hợp với điều kiện đất đai và thời tiết tại các tỉnh Long An, Tây Ninh và Bình Thuận, năng suất và hàm lượng dầu của giống lạc đều vượt trội so với giống địa phương đang được sử dụng, việc sử dụng giống lạc mới canh tác đã làm tăng năng suất và hiệu quả sản xuất lạc. 

Xây dựng 3 mô hình sản xuất giống lạc LDT3 ở 3 tỉnh thành phía Bắc (Hà Nội, Vĩnh Phúc và Nghệ An) đạt năng suất thực thu từ 3,60 - 3,70 tấn/ha, vượt giống đối chứng L14 (3,10 - 3,25 tấn/ha), lợi nhuận đạt từ 70.825.000 - 73.825.000 đồng/ha/vụ, cao hơn so với giống đối chứng canh tác theo quy trình tại địa phương từ 12.000.000 - 15.000.000 đồng/ha/vụ. Ở cả 3 mô hình, giống lạc LDT3 đều cho thấy khả năng sinh trưởng phát triển tốt, thích hợp với điều kiện đất đai và thời tiết tại tỉnh Nghệ An, Vĩnh Phúc và thành phố Hà Nội, năng suất và hàm lượng dầu của giống lạc đều vượt trội so với giống L14 đang được sử dụng, việc sử dụng giống lạc mới canh tác đã làm tăng năng suất thu hoạch và hiệu quả sản xuất lạc. 

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu tại Trung tâm Thông tin,Thống kê Khoa học và Công nghệ./.