Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 7977
Tổng truy cập : 57,998

Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN

Nghiên cứu cơ sở hạ tầng, thiết bị Cảng khi khai thác tàu giảm tải ra, vào các tuyến luồng hàng hải vào Hải Phòng và khu vực cảng biển nhóm 5 (17/05/2024)

Tại Việt Nam, khai thác lợi thế từ biển còn không ít hạn chế, khó khăn, hiệu quả thấp, kinh tế biển phát triển chậm, thiếu bền vững và cơ cấu chưa hợp lý. Hoạt động khai thác cảng tại Việt Nam cho thấy, công suất và năng lực xếp dỡ ở một số nhóm cảng còn đang dư thừa so với sản lượng thông qua. Bên cạnh đó đội tàu tới cảng ngày một gia tăng về kích thước cùng với số lượng. Tuy nhiên xu hướng và thực tế cho thấy, đội tàu có kích thước lớn hơn này phần nhiều là không chở đầy tải. Đây là một khía cạnh để hệ thống cảng biển Việt Nam phát huy cơ sở hạ tầng, thiết bị sẵn có của mình nhằm gia tăng sản lượng và nâng cao công suất khai thác của mình. Các tuyến luồng và cơ sở hạ tầng cảng biển trên sông Sài Gòn, sông Cái Mép, Thị Vải, Vân Phong, thậm chí cả tuyến luồng Lạch Huyện đến kênh Hà Nam… đã cho thấy rõ điều này.

Việc nghiên cứu các biện pháp nhằm thu hút nguồn hàng, đáp ứng xu hướng kích thước của đội tàu ngày một tăng cả về kích thước, loại, số và chất lượng nhằm nâng cao năng lực hoạt động khai thác cảng cũng như để quản lý khai thác cảng hiệu quả là cần thiết. Ngoài ra, việc tạo ra một hành lang pháp lý nhà nước để quản lý hiệu quả các tuyến luồng khi khai thác đội tàu kích thước lớn hơn khi giảm tải cũng thực sự cấp thiết. Các nghiên cứu trước đó liên quan đến việc tiếp nhận và khai thác tàu giảm tải trên một số tuyến luồng hàng hải chính như: Tuyến luồng vào Cảng Sài Gòn, Cảng Hải Phòng, Cảng Cái Mép - Thị Vải mới chỉ đề cập chủ yếu việc mở rộng tuyến luồng khai thác. Do đó đề tài KH&CN cấp Bộ “Nghiên cứu cơ sở hạ tầng, thiết bị cảng khi khai thác tàu giảm tải tới các tuyến luồng hàng hải chính vào cảng Hải Phòng và Nhóm 5” đã được PGS.TS Nguyễn Bạch Dương cùng các cộng sự thuộc Cục Hàng hải Việt Nam thực hiện vào năm 2019. 

 

Tàu ra vào tuyến luồng Hải Phòng.

 

Cơ cấu cỡ tàu ra vào tuyến luồng Hải Phòng. 

Nghiên cứu tổng quan về đội tàu tới cảng biển, các đặc trưng kỹ thuật tuyến luồng, cơ sở hạ tầng, thiết bị cảng biển hiện trên một số tuyến luồng hàng hải chính vào Cảng Hải Phòng và nhóm 5 cho thấy, thương mại đường biển thế giới tiếp tục tăng trưởng, đặc biệt là khu vực Châu Á chiếm tỷ trọng lớn 42% hàng xuất và 61% hàng nhập trên toàn thế giới. Tốc độ tăng trưởng sản lượng ở Châu Á năm 2017 là 6,7% đối với hàng xuất và 9,5% với hàng nhập. Trong 50 cảng biển có sản lượng bốc xếp lớn nhất thế giới có 29 cảng biển thuộc Châu Á. Nghiên cứu cũng chỉ ra sự thay đổi lớn về cơ cấu đội tàu, sự gia tăng công suất của đội tàu biển thế giới như kích thước, chủng loại cũng như trẻ hóa đội tàu một cách nhanh chóng ảnh hưởng đáng kể đến vận tải biển, cơ sở hạ tầng cảng biển. Việt Nam có 2 cảng biển thuộc top 50 cảng lớn nhất, các thống kê của cảng vụ
các khu vực cũng cho thấy sự thay đổi của cơ cấu đội tàu đến cảng về cả loại và đặc biệt là số lượng tàu và kích thước tàu lớn hơn và tới sớm hơn so với dự báo trong quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam cũng như lớn hơn tàu thiết kế tại các cảng biển. Hải Phòng và nhóm cảng biển số 5 là 2 khu vực cảng trọng điểm lớn nhất cả nước, các bến cảng ở đây có nhiều loại, nhiều hình thức và có tuổi thọ khai thác đa dạng (có những bến cảng mới xây dựng, có những bến cảng đã xây dựng trên 100 năm). Cũng trong khu vực nghiên cứu có những bến đón tàu tới hàng trăm nghìn DWT, có những bến chỉ đón được tàu vài chục nghìn DWT, các cảng nằm chủ yếu trong sông với tuyến luồng ra vào bến cảng dài và có thể tận dụng thủy triều để điều động tàu ra vào cảng.

Phân bố cảng biển trên tuyến luồng Hải Phòng.

Trong thời gian qua, luồng Hải Phòng đã tiếp nhận thành công, an toàn cho nhiều tàu trọng tải lớn ra/vào cảng, tuy nhiên chưa có nghiên cứu nào đưa ra được giải pháp đồng bộ cũng như đánh giá cỡ tàu tối đa giảm tải và các điều kiện cho phép điều động tàu để tận dụng điều kiện cơ sở hạ tầng, thiết bị cảng và tiềm năng sẵn có. Khu vực cảng biển Hải Phòng đã có 36 doanh nghiệp khai thác cảng với tổng chiều dài cầu cảng hơn 10.500m: Khu bến Hoàng Diệu (11 bến) đã có 5 bến tiếp nhận được tàu đến 30.000 ÷ 40.000 DWT giảm tải, 02 bến đang nghiên cứu tiếp nhận tàu 50.000 DWT giảm tải. Khu bến Đình Vũ (5 bến) đã có 02 bến tiếp nhận được tàu 40.000 DWT giảm tải, 03 bến đang tiếp tục nghiên cứu tiếp nhận tàu 55.000 DWT giảm tải. Thực tế cũng cho thấy trên các tuyến luồng chính nhóm 5, tàu có trọng tải và kích thước lớn hơn so với tàu thiết kế tới cảng và dự báo cỡ tàu ra vào cảng biển nhóm 5 đã ra vào khu vực này với tốc độ số lượng tăng tới 54,4% tính từ năm 2014-2018, tỷ lệ các tàu có trọng tải lớn hơn chiếm từ 28% năm 2014 đến 45% năm 2018 đối với tuyến luồng biển Hồ Chí Minh. Số lượng tàu vào ra trong những năm gần đây (2015-2018) đến cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu tăng bình quân năm 23,3%, riêng năm 2018 tăng 40% so với 2017. Đội tàu có kích thước lớn hơn so với điều kiện tuyến luồng và cơ sở hạ tầng cảng biển ngày càng đông, số lượng tàu có trọng tải trên 80.000 DWT chiếm tới 14% tổng số và tiếp tục tăng. Hệ thống trang thiết bị bốc xếp của một số bến cảng đã được trang bị theo hướng hiện đại như hệ thống cẩu giàn QC chuyên dụng bốc xếp container tại bến cảng Chùa Vẽ, Đình Vũ, CMIT; cần trục chân đế chạy trên ray, xe nâng hàng, đầu kéo, rơ-mooc,… và hệ thống phần mềm quản lí, khai thác cảng hiện đại. Hơn nữa một số bến cảng có thể tiếp nhận tàu có trọng tải lớn hơn (giảm tải khi vào bến) đến 2-3 lần so với tàu thiết kế.

Nghiên cứu cũng chỉ ra, khi đội tàu đến cảng có sự thay đổi về cơ cấu kích thước, tàu có trọng tải lớn ngày càng nhiều thay thế cho các tàu nhỏ hơn đến cảng, trong khi tuyến luồng, hệ thống cơ sở hạ tầng và thiết bị cảng đã có thì việc nghiên cứu để đón và đáp ứng chúng đặt ra một loạt các vần đề về pháp lý, an toàn, rủi ro,… Thực tế đặt ra cho cơ quan quản lý nhà nước, chủ cảng và các bên có liên quan phải xem xét trên quan điểm khai thác cảng hiệu quả (cảng với trang thiết bị hiện đại, hiệu suất làm việc của cơ sở hạ tầng, trang thiết bị ở cảng cao tương ứng với chi phí đầu tư hợp lý) để tránh lãng phí và đôi khi hạn chế không thể cải tạo, xây dựng mới, đầu tư mới trong một thời điểm nhất định, hoặc dẫn đến khách hàng không lựa chọn cảng làm tăng giá trị sản phẩm không cần thiết, giảm GDP cho nhà nước. Với tiềm năng đường thủy và hàng hải lớn, tuyến luồng trên 2 khu vực nghiên cứu là cảng biển Hải Phòng và cảng biển nhóm 5 có thể tiếp nhận được tàu có kích thước lớn giảm tải ra vào. Đề tài cũng nghiên cứu sâu hình dáng tàu phù hợp với từng loại tàu và xây dựng bảng tra, công thức, đồ thị xác định đặc trưng của tàu một cách đầy đủ, ảnh hưởng của chúng đến đặc trưng của bến, đánh giá sự ảnh hưởng của chúng đến lực tác động lên kết cấu bến và nội lực kết cấu bến. Một số nghiên cứu sự ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0 cho thiết bị cảng như tự động hóa, số hóa và xây dựng cảng thông minh cũng được nhóm nghiên cứu đề xuất. Bằng cách nghiên cứu tổng quan về các tiêu chí quy hoạch, quản lý khai thác và xem xét đánh giá các cảng biển có sản lượng thông qua, có lợi nhuận lớn từ khai thác cảng trên thế giới, nhóm tác giả đã nghiên cứu xây dựng một số tiêu chí để đánh giá cơ sở hạ tầng và thiết bị cảng biển cho khai thác cảng hiệu quả nhằm chỉ ra tiềm năng cơ sở hạ tầng, thiết bị chưa được khai thác hết, sự cần thiết nâng cao năng lực khai thác, khai thác hiệu quả cho các cảng biển thuộc Hải Phòng và nhóm 5 qua việc đón tàu giảm trong tương lai.

Từ các nghiên cứu trên, đề tài đánh giá cơ sở hạ tầng và thiết bị của một số cảng biển khi tiếp nhận đội tàu kích thước lớn giảm tải trên một số tuyến hàng hải chính vào Cảng Hải Phòng và nhóm 5. Nghiên cứu nhận định, tuyến luồng và một số cảng biển trên tuyến hoàn toàn có khả năng đáp ứng tàu giảm tải có trọng tải lớn hơn có thể tới hơn 3 lần so với thiết kế. Ngoài ra cũng cho thấy các cảng biển vẫn còn khả năng dư thừa công suất, có thể tăng và cải thiện năng lực khai thác và hoàn toàn có thể đáp ứng kích thước của tàu giảm tải có trọng tải lớn hơn đến cảng, đáp ứng xu thế chung đội tàu thế giới đã và đang đến Việt Nam. Có thể dự báo cỡ tàu giảm tải lớn nhất mà cảng có thể khai trên các tuyến luồng nghiên cứu một cách nhanh chóng nhờ các bảng tra và đồ thị đã lập sẵn cho các loại tàu chính trên thế giới hiện nay và tương lai. Sản phẩm nghiên cứu của đề tài cũng bao gồm dự thảo “Quy trình quản lý kỹ thuật cảng biển đáp ứng tàu giảm tải trên một số tuyến luồng hàng hải chính vào cảng Hải Phòng và nhóm 5”. Đây là cơ sở khoa học, là căn cứ để Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng Hải, Đơn vị Cảng và Các cơ quan liên quan đánh giá và chấp thuận nhằm tận dụng, khai thác tối đa, nâng cao năng lực và khai thác hiệu quả các cơ sở cảng biển. 

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài tại Trung tâm Thông tin, Thống kê KH&CN Hải Phòng hoặc Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia./.