Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 19787
Tổng truy cập : 57,998

Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN

Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn đánh giá hiện trạng môi trường phóng xạ trong nước biển và trầm tích bề mặt đáy biển (02/07/2025)

 Nghiên cứu môi trường phóng xạ tự nhiên là một yêu cầu tự thân của sự tồn tại, phát triển nhân loại. Vì vậy, đẩy mạnh công tác điều tra, nghiên cứu môi trường biển nói chung và môi trường phóng xạ biển nói riêng trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết, cấp bách, nhằm tăng cường hiểu biết về biển, phục vụ phát triển bền vững, thịnh vượng và an toàn dựa vào biển.

Ở Việt Nam công tác nghiên cứu môi trường phóng xạ và môi trường phóng xạ tự nhiên đã được bắt đầu từ thập niên 50 và phát triển mạnh từ thập niên 80 của thế kỷ trước. Định hướng chung và các phương pháp điều tra, nghiên cứu về cơ bản cũng tương tự các nước trên thế giới. Công tác điều tra cơ bản về tài nguyên - môi trường biển là một hoạt động khoa học - công nghệ. Vì vậy, cần thiết phải có một hệ thống các văn bản làm cơ sở cho việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát hoạt động điều tra; đánh giá chất lượng của các tài liệu thu thập và nghiệm thu đánh giá chất lượng các sản phẩm trong công tác điều tra cơ bản tài nguyên - môi trường biển. Tuy nhiên các tài liệu, sổ tay hướng dẫn, Quy trình, Quy phạm, Quy định, Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật đặc thù cho công tác đánh giá hiện trạng môi trường phóng xạ tự nhiên và nhân tạo trong nước biển và trầm tích đáy biển Việt Nam hầu như chưa được ban hành.

Trong thực tế ở Việt Nam công tác thành lập bản đồ phổ gamma đáy biển tỷ lệ1:500.000 (1:250.000); 1:100.000 (1:50.000) là nhiệm vụ đã được thực hiện trong nhiều năm qua trong các đề án, dự án biển, được gắn liền với công tác lập bản đồ địa chất biển, nội dung cơ bản được dựa trên các quy định hiện hành cho công tác lập bản đồ phổ gamma trên đất liền. Đến nay chưa có một quy chế riêng cho công tác thành lập bản đồ phổ gamma đáy biển ở các tỷ lệ. bên cạnh các thành tựu, mảng điều tra nghiên cứu môi trường phóng xạ tự nhiên còn các tồn tại: Chưa xác định thống nhất, đầy đủ có cơ sở khoa học và thực tế các thành phần môi trường phóng xạ tự nhiên và nhân tạo cần phải thành lập bản đồ; Chưa xác định các tỷ lệ lập bản đồ môi trường phóng xạ tự nhiên và nhân tạo thống nhất, phù hợp với hệ thống các tỷ lệ bản đồ trong nghiên cứu, điều tra cơ bản; Chưa có quy trình khoa học, thống nhất, phù hợp thực tế để lập các bản đồ môi trường phóng xạ tự nhiên và nhân tạo. Đến nay chưa có một quy chế riêng cho công tác thành lập bản đồ phổ đánh giá hiện trạng môi trường phóng xạ trong nước biển và trầm tích bề mặt đáy biển ở các tỷ lệ. Do đó Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển đã triển khai đề tài “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn đánh giá hiện trạng môi trường phóng xạ trong nước biển và trầm tích bề mặt đáy biển” do ThS. Bùi Chí Tiến làm chủ nhiệm. Đề tài triển khai với mục tiêu: Xây dựng được cơ sở khoa học đánh giá hiện trạng môi trường phóng xạ biển; Xây dựng được quy định kỹ thuật đánh giá hiện trạng môi trường phóng xạ biển (nước biển, trầm tích bề mặt đáy biển). Để đạt được mục tiêu trên, nhóm nghiên cứu thực hiện các nội dung sau: Đánh giá hiện trạng môi trường phóng xạ trong nước biển và trầm tích bề mặt đáy biển; Đánh giá hiện trạng môi trường phóng xạ trong nước biển và trầm tích bề mặt đáy biển vùng biển biển Nga Sơn đến Quảng Xương -Thanh Hóa – Vịnh Bắc Bộ;Dự thảo Quy định kỹ thuật đánh giá hiện trạng môi trường phóng xạ biển trong nước biển và trầm tích bề mặt đáy biển.

Một góc bản đồ phóng xạ tỷ lệ 1:1.000.000.

(1). Đánh giá hiện trạng môi trường phóng xạ trong nước biển và trầm tích bề mặt đáy biển:

Các kết quả đo đạc phổ gamma ngoài thực địa được xem như việc áp dụng một phương pháp phân tích nhanh trong địa hoá tìm kiếm khoáng sản, đã thu được các kết quả nhất định. Các thiết bị được cải tiến (CP68-03) hoặc (GA-12) đáp ứng được yêu cầu đo phổ gamma đáy biển. Đồng thời với một thời gian không dài đã đo phổ gamma và luận giải các kết quả nghiên cứu. Tuy nhiên, để công tác đo phổ gamma phục vụ công tác tìm kiếm khoáng sản, giám định chất lượng môi trường nhất là khi điều tra ở tỷ lệ lớn chúng ta nên có cụm máy đo phổ gamma liên tục. Như vậy đến hiện nay chưa có công trình nào điều tra, đánh giá hiện trạng môi trường phóng xạ biển để thành lập bộ bản đồ môi trường phóng xạ biển phục vụ cho các ngành kinh tế liên quan với định hướng phát triển kinh tế biển và quản lý điều tra khoáng sản biển.

Ở Việt Nam hiện nay các nghiên cứu, các công trình, dự án chủ yếu tạp trung điều tra, khảo sát,  đánh giá hiện trạng, chưa có hoặc chưa đề cập trong bất cứ công trình nào nghiên cứu nào về cơ sở lý thuyết về chất phóng xạ trong môi trường biển. Không chỉ vậy các nghiên cứu trên thế giới cũng chỉ mang tính chất tham khảo và sử dụng cục bộ với đặc điểm môi trường, điều kiện tự nhiên, điều kiện thực tế của từng khu vực.

Công tác nghiên cứu môi trường phóng xạ bước đầu đã đạt được một số thành tựu nhất định, nhưng còn một số hạn chế, tồn tại sau: Về phương pháp nghiên cứu, mạng lưới điều tra: nhìn chung không đồng bộ và chưa thống nhất trong các đề tài, đề án nghiên cứu. Các nhiệm vụ chỉ xác định một thành phần hoặc một số thành phần phóng xạ, chưa đánh giá tổng thể, đầy đủ các chỉ tiêu môi trường phóng xạ tự nhiên và nhân tạo của khu vực. Mạng lưới đo vẽ, lấy mẫu cũng chưa thống nhất; cùng tỷ lệ đo vẽ, nhiều phương pháp hoặc mạng lưới quá thưa, hoặc quá dày không phù hợp với tỷ lệ nghiên cứu, dẫn đến độ tin cậy kết quả chưa cao. Các quy trình, quy phạm chưa được quy định; Chưa có sự thống nhất các mức liều tương đương trong việc phân chia các vùng ô nhiễm dẫn đến cùng là vùng “không an toàn” nhưng mức liều rất khác nhau;Chưa có quy trình kỹ thuật để hướng dẫn thống nhất phương pháp đánh giá hiện trạng môi trường phóng xạ biển.

(2). Đánh giá hiện trạng môi trường phóng xạ trong nước biển và trầm tích bề mặt đáy biển vùng biển biển Vịnh Bắc Bộ

Vịnh Bắc Bộ Việt Nam là nơi tiếp nhận mọi nguồn chất thải từ các hoạt động nhân sinh trong lục địa (công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, khai thác khoáng sản...). Mặt khác, các thành tạo trầm tích trong vùng lại thuận lợi cho việc tàng trữ các độc tố, do vậy môi trường trầm tích vùng ven biển Việt Nam bị ô nhiễm bởi các nguyên tố kim loại nặng như Cu, Pb, Zn, Hg và có nguy ô nhiễm As, Sb. Ngoài ra còn ô nhiễm bởi hoá chất thuốc bảo vệ thực vật đặc biệt là vùng biển ven bờ đồng bằng Sông Hồng. Ngoài ra tại một số vùng cửa sông (sông Hồng, sông Thái Bình...) trầm tích biển còn bị ô nhiễm bởi dầu, rác thải rắn, than (Quảng Ninh)... Sự ô nhiễm môi trường trầm tích tại các nơi đó đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển ven bờ.Cũng như môi trường trầm tích, môi trường nước biển ven bờ Việt Nam cũng đang bị ô nhiễm bởi các nguyên tố kim loại như Cu, Pb, Zn, As, Cd, Hg, Sb, đặc biệt là tại các khu vực cửa sông (Bạch Đằng, Ba Lạt, Ninh Cơ, cửa Đáy, cửa Gianh...). Do nước biển đới ven bờ lưu thông tương đối tốt nên tiềm năng ô nhiễm môi trường nước bởi dầu, hoá chất TBVTV và rác thải nhẹ hơn trong trầm tích.

Ngoài các tai biến địa môi trường (ô nhiễm môi trường và nguy cơ ô nhiễm) Vịnh Bắc Bộ còn là vùng nhạy cảm với các tai biến địa chất đặc biệt là các tai biến sau: động đất, nứt đất (Móng Cái- Hải Phòng, Hải Phòng - Nga Sơn); hoạt động nâng hạ làm biến động luồng lạch (Móng Cái - Hải Phòng, Đèo Ngang Quảng Trị); xói lở - bồi tụ (Hải Hậu); sập lở, đổ lở (Đảo Cát Bà); cát di động, cát chảy (Quảng Bình, Quảng Trị); bão, lũ lụt và nước dâng do bão (toàn vùng nhất là Móng Cái -Hải Phòng, Hải PhòngThanh Hoá); nhiễm mặn (châu thổ Sông Hồng); dâng cao mực nước biển (toàn dải đất thấp ven biển).

Dựa vào đặc điểm phân bố, sự khác nhau về thành phần trầm tích, đặc điểm cấu trúc địa chất, nguồn cung cấp vật liệu trầm tích... có thể phân chia trầm tích đáy Vịnh Bắc Bộ theo 5 vùng khác nhau: Vùng 1: Vùng biển nông ven bờ vùng Quảng Ninh - Hải Phòng có giới hạn đường bờ từ Móng Cái đến Đồ Sơn; Vùng 2: Vùng biển nông ven bờ vùng tiền châu thổ Sông Hồng có giới hạn đường bờ từ Đồ Sơn đến Nga Sơn; Vùng 3: Vùng biển nông ven bờ vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh có giới hạn đường bờ từ Nga Sơn đến Đèo Ngang; Vùng 4: Vùng biển nông ven bờ vùng Quảng Bình - Quảng Trị có giới hạn đường bờ từ Đèo Ngang đến Cửa Tùng; Vùng 5: vùng trung tâm Vịnh Bắc Bộ có giới hạn từ độ sâu 50 m nước phía Nam Tây Nam đảo Bạch Long Vỹ kéo dài về phía Đông Nam của Vịnh Bắc Bộ tới đường phân ranh giới Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam - Trung Quốc.

Nguyên tố kali Kết quả thống kê cho thấy, hàm lượng nguyên tố kali ngoài thực địa dao động từ 0,01% đến 2,64%, hàm lượng phông 0,74%, độ lệch chuẩn 0,42%, hàm lượng nguyên tố kali trong phòng dao động từ 0,36% đến 2,77%, hàm lượng phông là 1,86%, độ lệch chuẩn là 0,44. Trong thành phần trầm tích tầng mặt, kết quả đã xác định được sự giảm dần hàm lượng của kali theo sự tăng lên của độ hạt trầm tích. Hàm lượng phông của kali thay đổi từ 0,94% (trường bùn), 0,69% (trường bùn cát), 0,58% (trường cát bùn), 0,46% (trường cát bùn sạn). Kết quả phân tích mẫu trong phòng cũng cho quy luật biến đổi hàm lượng tương tự như kết quả đo ngoài thực địa nhưng có hàm lượng cao hơn so với giá trị đo ngoài thực địa: thay đổi từ 2,03% (trường bùn), 1,92% (trường bùn cát), 1,60% (trường cát bùn), 1,38% (cát bùn sạn) (bảng 4.24). Như vậy ta có thể thấy qui luật phân bố của kali trong các trường trầm tích bùn là nhiều, thường gần các cửa sông lớn và có hàm lượng cao hơn các trong các trường trầm tích có độ hạt lớn.

Qua kết quả phân tích độ hạt và thành lập bản đồ phân chia các trường trầm tích cho thấy khu vực đới ven bờ nơi có sự tập trung của nhiều cửa sông, lạch (từ 0 ~17m nước). Nhìn chung các trầm tích độ hạt phân bố có quy luật, gần bờ là hạt thô (cát, cát bùn...) xa bờ là hạt mịn (bùn cát, bùn, bột và sét). Quy luật biến đổi trầm tích tầng mặt có xu hướng thay đổi chung từ gần bờ đến xa bờ: kích thước hạt trung bình có xu hướng giảm dần từ gần bờ ra xa bờ. Giá trị độ chọn lọc có xu hướng biến đổi ngược so với độ lệch. Điều này cho thấy rằng các thành tạo trầm tích có độ chọn lọc tăng khi độ lệch giảm phản ánh phần lớn thành phần trầm tích đều tập trung xung quanh giá trị trung bình của chúng và ngược lại.

(3). Dự thảo Quy định kỹ thuật đánh giá hiện trạng môi trường phóng xạ biển trong nước biển và trầm tích bề mặt đáy biển:

Nhóm nghiên cứu đã dự thảo quy trình thông qua các bước như sau:

- Báo cáo thông tin công tác Thành lập bản đồ hiện trạng môi trường phóng xạ trong nước biển và trầm tích bề mặt đáy biển: áo cáo kết quả công tác Thành lập bản đồ hiện trạng môi trường phóng xạ trong nước biển và trầm tích bề mặt đáy biển bao gồm báo cáo thuyết minh, các bản đồ và các phụ lục; Nội dung báo cáo thuyết minh kết quả thực hiện theo quy định hiện hành về lập đề tài, dự án, báo cáo điều tra cơ bản địa chất tài nguyên khoáng sản. Phải tuân thủ bố cục theo phụ lục ban hành theo Quy định này; Riêng ở tỷ lệ 1:100.000 và 1:50.000 báo cáo cần thể hiện tính chuyên sâu hơn đó là: các số liệu đưa ra cụ thể hơn và độ chính xác cao hơn, thể hiện nghiên cứu sâu hơn về mặt chuyên môn như có những đánh giá cụ thể hơn về chất lượng cũng như chi tiết hoá nội dung nghiên cứu; Các phụ bản đi kèm báo cáo.

- Yêu cầu nội dung của bản đồ hiện trạng môi trường phóng xạ trong nước biển và trầm tích bề mặt đáy biển: Bản đồ tài liệu thực tế thể hiện các nội dung sau: Các hành trình đo phổ gamma, số hiệu các điểm khảo sát được mô tả hoặc sử dụng tài liệu, các ký hiệu điểm khảo sát, các biểu hiện đứt gẫy...; Ranh giới các khu vực điều tra chi tiết, số hiệu và tên gọi của chúng, các vùng có triển vọng khoáng sản ở nghiên cứu trước đó; Các số liệu thu thập được biểu diễn lên bản đồ tài liệu thực tế dưới dạng hàm lượng và cường độ gamma tổng tại các điểm khảo sát.

- Hình thức thể hiện báo cáo, bản đồ hiện trạng môi trường phóng xạ trong nước biển và trầm tích bề mặt đáy biển: Báo cáo thuyết minh Bản đồ hiện trạng môi trường phóng xạ trong nước biển và trầm tích bề mặt đáy biển, bản đồ phổ gamma đáy biển, các phụ lục và các bản đồ đi cùng, các số liệu nguyên thuỷ phải được tin học hoá và được lưu giữ dưới dạng bản in, bản số và các phương tiện lưu giữ thông tin theo hệ thống thống nhất, bảo đảm thuận lợi cho khai thác sử dụng. Các tài liệu phải được quản lý bằng hệ thống thông tin địa lý (GIS); Đối với báo cáo thông tin: đây là báo cáo bước địa chất, thực hiện một phần khối lượng trong đề tài, dự án. Nội dung của báo cáo thông tin thể hiện được các kết quả chính chủ yếu ở dạng hiện trạng tài liệu hiện có; ối với báo cáo tổng kết: đây là báo cáo kết thúc Đề tài, Dự án điều tra hiện trạng môi trường phóng xạ trong nước biển và trầm tích bề mặt đáy biển. Nội dung của báo cáo tổng kết là các kết quả tổng hợp của toàn đề tài, dự án.

 

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu dự án tại Trung tâm Thông tin và Truyền thông Hải Phòng./.