Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 48024 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN
Nghiên cứu đánh giá sức tải môi trường khu vực khu công nghiệp Đình Vũ đối với khả năng tiếp nhận các dự án hóa chất, hóa dầu (06/09/2024)
Tính đến thời điểm 2017, tại khu công nghiệp Đình Vũ có hơn 60 doanh nghiệp thuộc các ngành hóa dầu, khí hóa lỏng, thép, lốp xe, kỹ thuật và logistics đang hoạt động. Tuy nhiên, một số sự cố môi trường đã xảy ra tại khu vực khu công nghiệp Đình Vũ đã đặt ra các vấn đề về khả năng tiếp nhận các chất thải của môi trường (nước, không khí, chất thải rắn), từ các nhà máy hóa chất, hóa dầu trong khu công nghiệp Đình Vũ. Trước tình hình đó, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã phê duyệt nhiệm vụ “Nghiên cứu đánh giá sức tải môi trường khu vực khu công nghiệp Đình Vũ đối với khả năng tiếp nhận các dự án hóa chất, hóa dầu”. Kết quả nghiên cứu của đề tài được đánh giá tại Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng.
Nghiên cứu hiện trạng môi trường khu vực khu công nghiệp Đình Vũ giai đoạn 2016-2017 cho thấy, theo báo cáo giam sát môi trường về chất lượng không khí, phần lớn các chỉ tiêu quan trắc nằm trong giới hạn cho phép theo QCVN 05:2013/BTNMT. Một số kết quả quan trắc không khí xung quanh khu vực nhà máy Brigestone sản xuất lốp cao su có hiện tượng ô nhiễm bụi vào đợt quan trắc tháng 9/2016, nồng độ bụi cao nhất lên tới 0,564 mg/m3 và vượt QCVN 1,88 lần. Tương tự, không khí xung quanh khu vực nhà máy thép Dongbu có dấu hiệu ô nhiễm bụi, NO2, SO2 ở một số khu vực (khu vực cổng, khu phía Tây và phía Nam của nhà máy). Còn theo số liệu quan trắc trong tháng 01/2018, tại các khu vực quan trắc chưa thấy có sự ô nhiễm về môi trường không khí xung quanh: Nồng độ CO dao động từ 2,69 - 3,38 mg/m3 và thấp hơn QCVN từ 8,87 - 11,15 lần; nồng độ SO2 đều nhỏ hơn 0,0023 mg/m3 và thấp hơn QCVN trên 152 lần; nồng độ NO2 dao động từ 0,006 - 0,026 mg/m3 và thấp hơn QCVN từ 7,7 - 33,3 lần; nồng độ TSP dao động từ 0,22 - 0,26 mg/m3 và thấp hơn QCVN từ 1,15 - 1,36 lần;nồng độ các hơi axit vàhydrocacbon đều nằm trong giới hạn cho phép của QCVN.
Hệ thống đường ống dẫn tại khu công nghiệp Đình Vũ.
Đánh giá hiện trạng chất lượng nước ven bờ thông qua 15 mẫu nước biển tầng mặt phân bố từ trong sông Bạch Đằng ra ngoài khu vực Đình Vũ đến Cát Hải được thu vào tháng 1 năm 2018. Về các yếu tố thủy lý, thủy hóa, nhiệt độ nước biển tầng mặt khu vực Đình Vũ trong đợt khảo sát tháng 1/2018 dao động từ 18,6 - 19,5oC, trung bình 18,7oC, chênh lệch nhiệt độ giữa các điểm khảo sát không đáng kể. pH nước biển tầng mặt của Đình Vũ trong đợt khảo sát tháng 1/2018 dao động 7,82 - 8,19, trung bình 7,97 độ pH, nước mang tính chất kiềm yếu. Giá trị pH này nằm trong giới hạn cho phép theo QCVN 10:2015/BTNMT. Các trạm trong sông có pH thấp hơn các trạm cửa sông phản ánh đúng đặc trưng của khối nước có sự pha trộn giữa nước lục địa và nước biển. Độ muối trong nước biển tầng mặt khu vực Đình Vũ dao động từ < 1‰ đến 10‰. Các trạm trong sông bị ngọt hóa, độ muối thấp dưới 1‰, càng ra xa phía cửa sông và ngoài biển, độ muối càng cao nhưng chỉ đạt 10‰. Do thời điểm lấy mẫu là kỳ nước kém nên thủy triều bị hạn chế, nước có độ muối thấp. Độ đục nước biển khu vực Đình Vũ trong đợt khảo sát tháng 1/2018 dao động từ 5,2 - 31,3 FTU, trung bình 12,5 FTU. Nhìn chung, các điểm trong sông có độ đục trong nước cao, càng ra phía ngoài độ đục càng giảm. Hàm lượng chất rắn lơ lửng TSS trong nước biển khu công nghiệp Đình Vũ dao động từ 35,78 - 65,11 mg/l. So với giới hạn cho phép theo QCVN 10 - MT:2015/BTNMT đối với nước bãi tắm và nuôi trồng thuỷ sản là 50mg/l, hàm lượng TSS nằm trong tiêu chuẩn cho phép trừ trạm B3 (trong sông) vượt tiêu chuẩn 1,3 lần. Để đánh giá mức độ ô nhễm chất hữu cơ trong nước, thường sử dụng các chỉ tiêu nồng độ ô-xy hòa tan, nhu cầu ô-xy sinh hóa (BOD5), nhu cầu ô-xy hóa học (COD). Nghiên cứu cho thấy, cần lưu ý tại trạm B3 - trong sông Bạch Đằng có nồng độ ô-xy hòa tan thấp nhất, tiệm cận với giới hạn cho phép. Các muối dinh dưỡng khoáng của nitơ và phospho trong nước biển ven bờ Đình Vũ được quan trắc bao gồm amoni và phosphate. Đây là hai chỉ tiêu được quy định trong QCVN 10:2015/BTNMT. Kết quả quan trắc các chỉ tiêu này cho thấy, so với giới hạn theo QCVN 10:2015/BTNMT, hàm lượng amoni đã vượt tiêu chuẩn tại tất cả các trạm thu mẫu từ 1,1 - 1,3 lần; hàm lượng phosphat trong nước biển khu công nghiệp Đình Vũ vẫn nằm trong giới hạn cho phép theo QCVN 10:2015/BTNMT (200 µg/l), nhưng theo Tiêu chuẩn của Asean (45µg/l) thì nước biển khu vực bị ô nhiễm phoshat ở hầu hết các điểm quan trắc với giá trị lớn hơn giới hạn cho phép 1,4 lần. Về các chất ô nhiễm, theo QCVN 10:2015/BTNMT, hàm lượng dầu đã vượt tiêu chuẩn cho phép tại trạm B6, B8; hàm lượng xianua, phenol vẫn nằm trong giới hạn cho phép; có dấu hiệu ô nhiễm sắt tại trạm B3 - trạm trong sông với giá trị lớn hơn giới hạn cho phép. Về hiện trạng chất lượng trầm tích, nghiên cứu cho thấy, phía khu vực Minh Đức có khả năng tích luỹ nhiều chất ô nhiễm hơn phía ngoài cửa sông do các chất ô nhiễm chủ yếu được tích luỹ trong các hạt keo sét. Hàm lượng nitơ tổng số trong trầm tích Đình Vũ nằm trong khoảng từ 276,79 - 836,62 mg/kg, so sánh với tiêu chuẩn môi trường của Canada (550 mg/kg), trầm tích ở khu vực Đình Vũ có giá trị N-T cao hơn tiêu chuẩn này ở một số trạm thu mẫu T1, T7 và T14. Hàm lượng phospho tổng số trong trầm tích Đình Vũ nằm trong khoảng từ 129,91 - 429,42 mg/kg. Theo tiêu chuẩn môi trường trầm tích Canada (600mg/kg) thì trầm tích khu vực nghiên cứu có giá trị P-T nhỏ hơn giá trị này. Về hàm lượng các kim loại nặng, nếu so sánh với giới hạn cho phép trong trầm tích nước ngọt thì khu vực Đình Vũ bị ô nhiễm bởi sắt trung bình 1,3 lần. Hàm lượng tổng PCBs dao động từ 0,005 đến 0,102 µg/kg khô, thấp hơn giới hạn cho phép theo quy chuẩn QCVN 43:2017/BTNMT (189 µg/kg khô) nhiều lần...
Vị trí thu mẫu không khí và mẫu nước biển, trầm tích.
Nghiên cứu tải lượng phát thải khí, lỏng, rắn của các nhà máy trong khu vực khu công nghiệp Đình Vũ cho thấy, tổng lượng bụi mỗi năm do khu công nghiệp Đình Vũ thải vào không khí khoảng từ 159,5 tấn (kịch bản thấp) đến 9454,9 tấn (kịch bản cao), trong đó lượng bụi PM10 khoảng từ 89,32 tấn/năm đến 5294,7 tấn/năm. Kết quả tính toán cho thấy, nhà máy DAP đóng góp một lượng khí thải đáng kể vào không khí của khu vực, cụ thể: đối với tải lượng bụi, nhà máy DAP đóng góp từ trên 30% đến 58% lượng bụi ở tất cả các kịch bản. Đối với NOx, nhà máy DAP đóng góp từ trên 20% đến 65% khối lượng ở tất cả các kịch bản. Đối với SO2, nhà máy DAP đóng góp từ trên 20% đến 40% khối lượng ở tất cả các kịch bản. Nhà máy sản xuất thạch cao tấm Knauf cũng đóng góp một lượng khí thải lớn, tiếp đến là các nhà máy sản xuất thép. Riêng lượng Hydrocarbon và VOC chủ yếu đến từ nhà máy Tamada - sản xuất bồn chứa kim loại (phun sơn), nhà máy Proconco (do đốt dầu). Khi nhà máy Xơ sợi Dầu khí Pvtex đi vào hoạt động ổn định cũng chỉ làm tăng lượng khí thải do đốt nồi hơi, chủ yếu chứa CO. Về tải lượng nước thải, nước thải của khu vực các nguồn thải chính là: Trạm xử lý nước thải của Khu công nghiệp Đình Vũ; Nhà máy Shin - Etsu; Khu công nghiệp Minh Phương; Nhà máy DAP; Nhà máy Xử lý chất thải rắn Tràng Cát. Nhưng trên thực tế, việc kiểm soát xả thải của các nhà máy là khó. Vì vậy, nghiên cứu đã tính toán lượng thải của khu vực trên cơ sở 06 kịch bản khác nhau. Về tải lượng chất thải rắn, theo thống kê chưa đầy đủ, lượng chất thải rắn từ hoạt động sản xuất của các nhà máy đã tạo ra khoảng gần 2,1 nghìn tấn chất thải rắn/ngày, trong đó nổi bật là bãi thạch cao của nhà máy DAP - 2054 tấn/ngày nhưng chưa có biện pháp xử lý; nhà máy sản xuất thạch cao tấm Đình Vũ - 14,3 tấn/ngày, nhà máy sản xuất lốp xe Bridgestone - 28,6 tấn/ngày. Lượng chất thải rắn sản xuất này được các nhà máy ký hợp đồng với Công ty Môi trường Đô thị Hải Phòng và một số công ty khác như Công ty TNHH Đại Thắng thu gom, xử lý định kỳ. Khối lượng chất thải nguy hại khoảng của riêng khu công nghiệp Đình Vũ khoảng 26.056 kg/năm, chưa tính chất thải nguy hại của nhà máy DAP.
Nghiên cứu cũng đã mô phỏng lan truyền ô nhiễm không khí và ô nhiễm nước trong khu vực khu công nghiệp Đình Vũ, đồng thời đánh giá sức tải môi trường khu vực khu công nghiệp Đình Vũ và khả năng tiếp nhận chất thải. Theo đó, về sức tải của thủy vực, so với các giá trị chất lượng nước được quy định trong quy chuẩn Việt Nam, khu vực này có thể tiếp nhận được 394,88 tấn BOD/ngày; 1387,76 tấn COD /ngày; 17,28 tấn phosphate/ngày; 630,80 tấn TSS/ngày; 11,35 tấn dầu mỡ khoáng/ngày; 59,11 tấn Zn/ngày; 5,87 tấn Pb/ngày; 23,59 tấn Fe/ngày và 12,29 tấn Cr/ngày. Đặc biệt, khu vực không còn khả năng tiếp nhận amoni trong khi mỗi ngày có khoảng 9,93 - 18,65 tấn amoni được đưa vào môi trường biển. Khả năng đạt tải đối với các thông số là BOD đạt 4,82% đến 14,70% khả năng tải; COD đạt 7,62% đến 12,42% khả năng tải; phosphat đạt 5,18% đến 19,25% khả năng tải; TSS đạt 39,33% đến 73,11% khả năng tải, sắt đạt 128,3% khả năng tải.
Cùng với việc nghiên cứu nguy cơ, sự cố của các nhà máy hóa chất, hóa dầu và phương án phòng tránh, đề tài cũng đánh giá khả năng tiếp nhận các dự án hóa chất, hóa dầu của khu vực ở mức thấp đến dưới mức trung bình. Trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp: không nên đầu tư các dự án hóa chất, hóa dầu có liên quan đến các sản phẩm hóa chất ở mức nguy hiểm, rủi ro cao tới môi trường và hạn chế đầu tư các nhà máy liên quan đến sản xuất phân bón, sản xuất sơn, sản xuất đất hiếm, sản xuất và tồn trữ các loại hóa chất.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài tại Trung tâm Thông tin, Thống kê KH&CN Hải Phòng./.
- Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế xác lập hệ thống tiêu chí, chỉ số đánh giá, giám sát... (30/10/2024)
- Nghiên cứu thử nghiệm sản xuất giống sò huyết Anadara granosa trong ao (28/10/2024)
- Quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường vùng nuôi trồng thủy sản tại một số tỉnh... (25/10/2024)
- Nghiên cứu xây dựng bộ công cụ số hóa đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo cho doanh... (23/10/2024)
- Một số giải pháp chính sách thực hiện chiến lược kinh tế biển xanh trong xây dựng... (21/10/2024)
- Nghiên cứu phát triển kỹ thuật PCR đa mồi (multiplex PCR) để phát hiện nhanh một... (18/10/2024)