Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 19628
Tổng truy cập : 57,998

Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN

Nghiên cứu đánh giá thực trạng, nhân giống và trồng thử nghiệm loài Lan Hài đốm (Paphiopedilum concolor Pfizer) tại Vườn Quốc gia Cát Bà (22/01/2024)

 Lan Hài đốm (Paphiopedilum concolor Pfitzer) còn có tên gọi khác là lan hài gấm, vạn điểm hài, đây là loài đặc hữu của Việt Nam. Tại Hải Phòng, Lan Hài đốm phân bố rải rác dưới tán rừng nguyên sinh cây lá rộng hoặc trong các khe nứt, hốc đá ẩm, ít đất ở các vách dựng đứng gần đỉnh núi độ cao từ 100m - 400m trong Vườn Quốc gia Cát Bà. Do phân bố trong khu vực núi cao, khó tái sinh lại bị khai thác tràn lan, quá mức đến cả cây con còn rất nhỏ nhằm xuất khẩu lậu qua biên giới, vì thế Lan Hài đốm đứng trước nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên. Trước thực trạng này, trong thời gian 02 năm từ tháng 12/2021 đến tháng 11/2023, KS. Nguyễn Văn Thịu - Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Bà cùng các cộng sự đã hoàn thành đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố "Nghiên cứu đánh giá thực trạng, nhân giống và trồng thử nghiệm loài Lan Hài đốm (Paphiopedilum concolor Pfizer) tại Vườn Quốc gia Cát Bà" nhằm bổ sung hiện trạng, vùng phân bố, xác định đặc điểm hình thái, sinh thái học, các nhân tố đe doạ đối với loài Lan Hài đốm tại Vườn Quốc gia (VQG) Cát Bà, từ đó xây dựng quy quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng và chăm sóc loài Lan Hài đốm tại vườn ươm.

Lan Hài đốm trong tự nhiên.

Qua quá trình điều tra thực địa, nhóm nghiên cứu đã xác định được thực trạng phân bố của loài trên 11 tuyến tại 05 khu vực nghiên cứu (trong tổng số 29 tuyến điều tra tại 09 khu vực) với số lượng khoảng 4.110 cây/98 bụi, tập trung chủ yếu ở sinh cảnh cây bụi, cây tái sinh trên núi đá khu vực sườn đến gần đỉnh. Độ cao phân bố từ 2m - 176m so với mực nước biển. Trên cơ sở đó, xây dựng bản đồ tuyến điều tra và bản đồ phân bố loài Lan Hài đốm tại VQG Cát Bà với tỉ lệ 1/25.000. Báo cáo đã mô tả chi tiết đặc điểm hình thái loài Lan Hài đốm tại khu vực nghiên cứu và một số đặc điểm sinh thái, sinh học của loài Lan Hài đốm. Cụ thể, đã xác định được đặc điểm rừng nơi loài Lan Hài đốm phân bố gồm: Tầng cây cao thưa thớt, không phân rõ tầng thứ, có độ tàn che trung bình khoảng 0,2, thành phần loài cây tương đối phong phú, số loài tham gia công thức tổ thành ít, hệ số tổ thành rừng rất thấp, không có loài nào đạt độ ưu thế tuyệt đối; Tầng cây tái sinh hạn chế chủ yếu là của tầng cây cao, chất lượng ở mức trung bình, chiều cao khoảng 0,6m, độ che phủ khoảng 5%; Tầng cây bụi thảm tươi rất đa dạng, cây sinh trưởng và phát triển tốt, chiều cao trung bình đạt 1m, độ che phủ khoảng 60% với loài cây ưu thế là loài Le bắc bộ (Boniatonkinensis); Thực vật ngoại tầng chủ yếu là các loài dây leo, bò, bám phủ lên đá và các loài thực vật khác có sức sống tốt, độ che phủ khoảng 20-25%. Xác định được đặc điểm thổ nhưỡng thông qua 03 phẫu diện đất thu thập đại diện cho các loại sinh cảnh có phân bố của loài tại khu vực Tùng Di, Cát Dứa và Giỏ Cùng thích hợp với điều kiện đất chua, giàu mùn và có độ phì của đất từ trung bình trở lên. Xác định được độ che phủ của loài Lan Hài đốm biến động từ 4 - 50%, độ che phủ trung bình tại khu vực nghiên cứu là 25,38%. Mức độ phong phú của loài tương đối thấp đạt 2,05. Xác định được 02 hình thức tái sinh của loài ngoài thực địa là tái sinh từ hạt và tái sinh từ chồi. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng xác định được 06 nhân tố đe dọa đến loài và sinh cảnh của loài gồm: khai thác, buôn bán thương mại, phát triển du lịch thiếu kiểm soát, cháy rừng, chăn thả gia súc và biến đổi khí hậu, trong đó cháy rừng là nhân tố đe dọa nghiêm trọng nhất đến sự tồn tại của loài Lan Hài đốm.

Lan Hài đốm được nhân giống và trồng tại VQG Cát Bà.

Nghiên cứu cũng đã dự thảo được 02 quy trình nhân giống, trồng và chăm sóc Lan Hài đốm là: Quy trình nhân giống và trồng thử nghiệm và Quy trình trồng, chăm sóc loài Lan Hài đốm. Quy trình nhân giống và trồng thử nghiệm loài Lan Hài tại vườn ươm tiến hành theo 03 bước: Thu thập cây giống Lan Hài đốm ngoài tự nhiên bằng phương pháp tách chiết các chồi từ bụi cây mẹ khoẻ mạnh, sinh trưởng tốt; Trồng cây con vào giá thể sau khi tách chồi; Trồng cây ra khay trong vườn ươm. Đối với Quy trình trồng và chăm sau loài Lan Hài đốm tại vườn ươm sẽ được tiến hành theo các bước: Gỡ cây con sau khi đã nhân giống khỏi khay cũ; Trồng vào giá thể thích hợp; Trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây con tại vườn ươm.

Trong quá trình xây dựng dự thảo 02 quy trình nhân giống, trồng và chăm sóc Lan Hài đốm phục vụ nghiên cứu tại vườn ươm, nhóm nghiên cứu đã nhân giống thành công loài Lan Hài đốm bằng phương pháp tách chồi. Nghiên cứu cũng xác định được thời vụ thích hợp nhất để tách chồi là vào vụ hè với tỷ lệ sống đạt 88,9%, sau 3 tháng các chỉ tiêu sinh trưởng số chồi mới trung bình, số rễ mới trung bình tương ứng đạt 2,63 chồi, 3,33 rễ. Giá thể thích hợp nhất để nhân giống loài Lan Hài đốm là mùn + xỉ than + xơ dừa (tỷ lệ 2:1:1) cho tỷ lệ sống đạt 87,08%, hệ số nhân chồi sau 3 tháng là 2,08 chồi. Chế phẩm có hiệu quả kích thích khả năng bật chồi tốt nhất ở loài Lan Hài đốm Atonik 1.8 DD cho hệ số nhân chồi là 2,92 chồi, tỷ lệ sống đạt 86,7%. Loại cây giống thích hợp nhất để tách chồi là cây giống có 03 đôi lá cho tỷ lệ sống đạt 88,9% với hệ số nhân chồi là 1,36 chồi. Loại phân bón thích hợp là Growmore (20:20:20), tưới 7-10 ngày/lần giai đoạn cây trưởng thành; phun chế phẩm FJ 5-30-30, nồng độ 200ppm, tưới 1 lần/tuần giai đoạn cây chuẩn bị ra hoa và nuôi hoa, che sáng là 60-70%. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, đề tài đã hoàn thiện và đề xuất được quy trình nhân giống, trồng và chăm sóc loài Lan Hài đốm tại vườn ươm.

Đề tài có ý nghĩa thực tiễn trong việc phục vụ cho công tác bảo tồn, khai thác và sử dụng một cách có hiệu quả nguồn gen Lan Hài bản địa của Việt Nam nói chung và tại VQG Cát Bà nói riêng. 

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài tại Trung tâm Thông tin, Thống kê khoa học và công nghệ Hải Phòng./.