Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 44481 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN
Nghiên cứu đánh giá tình hình thực hiện và đề xuất giải pháp thúc đẩy đề án phát triển nhiên liệu sinh học ở Việt Nam (06/12/2024)
Sử dụng nhiên liệu sinh học cho các nguồn động lực nói chung và phương tiện giao thông nói riêng đã và đang là xu hướng chung của thế giới. Nhiên liệu sinh học có nguồn gốc từ động thực vật nên có khả năng tái tạo và thân thiện với môi trường. Phát triển nhiên liệu sinh học góp phần giải quyết vấn đề thiếu hụt năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Phát triển năng lượng sinh học cho phương tiện giao thông là xu hướng chung của thế giới, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu dầu mỏ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo việc làm và nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Chính phủ đã quan tâm cũng như có chính sách phát triển và ứng dụng nhiên liệu sinh học trên phương tiện giao thông qua các Quyết định 177/2007/QĐ-TTg và số 53/2012/QĐ- TTg. Đến nay chúng ta đã đạt được một số mục tiêu của Quyết định 177/2007/QĐ- TTg và số 53/2012/QĐ-TTg, tuy nhiên, bên cạnh đó đến nay cũng còn có những mục tiêu đạt chậm hoặc chưa đạt được như dự kiến. Do vậy, để phát huy các kết quả đã đạt được cũng như tiếp tục triển khai hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, hướng tới hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra, cần nghiên cứu đánh giá một cách tổng thể hiện trạng và tình hình thực hiện, qua đó làm rõ các khó khăn trở ngại và đề xuất giải pháp thúc đẩy sử dụngnăng lượng sinh học ở Việt Nam.
Năm 2021, Viện Cơ khí động lực (Đại học Bách khoa Hà Nội) được phê duyệt triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ: “Nghiên cứu đánh giá tình hình thực hiện và đề xuất giải pháp thúc đẩy đề án phát triển nhiên liệu sinh học ở Việt Nam”, đề tài do PGS.TS Phạm Hữu Tuyến làm chủ nhiệm. Đề tài được thực hiện nhằm đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp tăng hiệu quả sản xuất nhiên liệu sinh học ở Việt Nam;Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp thúc đẩy sử dụng năng lượng sinh học cho phương tiện giao thông ở Việt Nam;Đề xuất chính sách và lộ trình phù hợp cho phát triển và sử dụng nhiên liệu sinh học ở Việt Nam.
Triển khai nghiên cứu, nhóm thực hiện đã tiến hành khảo sát, phân tích đánh giá hiện trạng các nguồn nguyên liệu thông dụng cho sản xuất nhiên liệu sinh học. Ở Việt Nam nguyên liệu có thể sử dụng cho sản xuất ethanol nhiên liệu gồm sắn, ngô, mía, trong đó sản lượng sắn khá lớn có thể đáp ứng phần nào nhu cầu nguyên liệu. Trường hợp nguyên liệu trong nước không đủ, có thể nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài. Nguyên liệu cho sản xuất ethanol chịu sự thu mua cạnh tranh của nhiều ngành khác như sản xuất tinh bột, mía đường, thức ăn gia súc... nên giá thành còn cao. Nguyên liệu cho sản xuất diesel sinh học ít, khó thu mua tập trung, chưa đủ cho sản xuất quy mô thương mại, đồng thời cũng chịu sự thu mua cạnh tranh của các ngành khác nên giá thành nguyên liệu cao.Nhiên liệu sinh học cho phương tiện giao thông mà phổ biến nhất là ethanol sinh học và diesel sinh học được sản xuất chế biến từ nhiều nguyên liệu khác nhau nhưng đều có nguồn gốc từ động thực vật. Tùy vào thế mạnh về nguồn nguyên liệu, mỗi khu vực, mỗi nước sẽ phát triển loại nhiên liệu sinh học tương ứng. Thực hiện khảo sát, đánh giá hiện trạng các nguồn nguyên liệu thông dụng cho sản xuất nhiên liệu sinh học trên thế giới, qua đó thấyđược đặc thù riêng nguồn nguyên liệu ở một số nước, khu vực cũng như ở Việt Nam. Thực tế cho thấy, điều kiện địa lý, khí hậu và kinh tế ở Việt Nam đến nay phù hợp với cây nguyên liệu cho sản xuất ethanol, trong khi sản xuất biodiesel còn chưa tìm được nguồn nguyên liệu đủ lớn. Công nghệ sản xuất ethanol nhiên liệu ở Việt Nam được chuyển giao từ các nước tiên tiến, một số công nghệ cũ trước đây đã được cải tiến để nâng cao hiệu quả sản xuất, chuyển đổi linh hoạt nguyên liệu từ sắn sang ngô, các dự án đã sản xuất quy mô thương mại, cung cấp ethanol nhiên liệu phục vụ phối trộn xăng sinh học. Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu cũng đã thực hiện tính toán sơ bộ về lượng nguyên liệu cũng như khả năng sản xuất ethanol nhiên liệu đáp ứng nhu cầu phối trộn xăng sinh học trong nước khi nâng cao tỷ lệ ethanol.
Ở Việt Nam hiện chỉ có xăng sinh học E5RON92 được phối chế và phân phối và sử dụng rộng rãi trên thị trường. Kết quả khảo sát, đánh giá hiện trạng quá trình phối chế và phân phối xăng sinh học E5RON92 nhận thấy: Hệ thống phối chế và phân phối xăng sinh học cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất và tiêu thụ khi thay thế xăng khoáng RON95 bằng xăng sinh học E5RON95 và/hoặc nâng cao tỷ lệ ethanol trong xăng sinh học lên E10. Với mức tiêu thụ xăng sinh học E5RON92 còn thấp như hiện nay, hai nhà máy ethanol nhiên liệu đang hoạt động đủ cung cấp ethanol nhiên liệu (thậm chí dư) phục vụ phối trộn. Khi tăng tỷ lệ sử dụng ethanol phối trộn xăng sinh học, cần bảo dưỡng, nâng cấp và vận hành trở lại các nhà sản xuất ethanol đang tạm dừng hiện nay. Nếu cả 6 nhà máy cồn ethanol cùng hoạt động sẽ cung cấp được khoảng 500.000m3 ethanol/năm. Nếu nhu cầu ethanol cao hơn nữa, cần nâng công suất các nhà máy hoặc xây dựng thêm nhà máy ethanol mới. Bên cạnh đó, ngoài nguồn cung nội địa, một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cũng đã nhập khẩu cồn nhiên liệu E100 để chủ động nguồn cồn E100 phục vụ phối trộn xăng E5RON92. Do đó, nguồn cung ethanol nhiên liệu E100 phục vụ phối trộn xăng E5RON92 hiện nay hoặc khi nâng cao tỷ lệ phối trộn nhìn chung có thể được bảo đảm. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy khi tồn tại song song xăng khoáng và xăng sinh học, nhà nước cần có thêm chính sách hỗ trợ các đơn vị phối trộn, phân phối để khuyến khích hoạt động phân phối; chính sách ưu đãi về giá đối với xăng sinh học để hỗ trợ, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng. Hiện nay, một bộ phận người tiêu dùng vẫn chưa được thông tin đầy đủ cũng như chưa thực sự dễ dàng tiếp cận xăng sinh học. Mặc dù đã có nhiều hoạt động được triển khai, tuy nhiên cần đẩy mạnh thực hiện nhiều hơn nữa các chương trình truyền thông phổ biến thông tin về xăng sinh học tới người tiêu dùng, đồng thời các cửa hàng phân phối xăng dầu cần tạo điều kiện để người tiêu dùng có thể tiếp cận xăng sinh học dễ dàng thuận tiện hơn.
Kết quả nghiên cứutrong và ngoài nướcđánh giá ảnh hưởng của xăng sinh học tới tính năng kỹ thuật, phát thải và độ bền của động cơđều chỉ ra sự phù hợp của xăng sinh học có tỷ lệ cồn ethanol tới 10%, thậm chí cao hơn khi sử dụng trên phương tiện đang lưu hành, giúp cải thiện tính năng kỹ thuật và giảm phát thải từ động cơ và không gây ảnh hưởng tới các chi tiết trong động cơ. Quá trình vận hành, bảo dưỡng phương tiện sử dụng xăng sinh học có tỷ lệ ethanol tới 10% tương tự như đối với phương tiện sử dụng xăng khoáng và cần tuân thủ theo quy định của nhà sản xuất. Tuy nhiên, thực tế còn có tâm lý e ngại của người tiêu dùng khi sử dụng xăng sinh học trên phương tiện. Để khắc phục, cần nhiều hơn những hoạt động truyền thông một cách rộng rãi và có chiều sâu về xăng sinh học tới người tiêu dùng. Bên cạnh đó, một bất cập là thị trường trong nước hiện nay chỉ lưu hành xăng E5RON92, chưa có xăng E5RON95 để sử dụng phù hợp với phương tiện yêu cầu nhiên liệu xăng có trị số Octan là 95. Do vậy, việc lưu hành xăng E5RON95 là cần thiết để phù hợp với yêu cầu kỹ thuật của phương tiện, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, đồng thời qua đó, người tiêu dùng có thể đánh giá chính xác hơn khi so sánh với xăng khoáng RON95 (đánh giá trên cơ sở cùng trị số RON).
Kinh nghiệm của một số nước trên thế giới trong phát triển nhiên liệu sinh học cho thấy, định hướng và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đóng vai trò động lực và quyết định đến sản xuất và ứng dụng thành công nhiên liệu sinh học, đặc biệt trong giai đoạn phát triển ban đầu của công nghiệp nhiên liệu sinh học. Các chính sách hỗ trợ, khuyến khích cần được thực hiện đồng bộ và xuyên suốt tất các khâu phát triển nguồn nguyên liệu, sản xuất, phối chế, phân phối và tiêu dùng. Nhiên liệu sinh học là nhiên liệu bền vững, giảm phát thải khí nhà kính trong toàn bộ vòng đời, trong khi nhiên liệu khoáng đang cạn kiệt và phát thải nhiều khí nhà kính. Do vậy cần có chính sách ưu đãi phù hợp đối với nhiên liệu sinh học trong tương quan đối với nhiên liệu khoáng, góp phần thúc đẩy sản xuất sử dụng. Hiện nay phần lớn nhiên liệu sinh học vẫn thuộc thế hệ thứ nhất, tuy nhiên xu hướng của thế giới là phát triển các loại nhiên liệu sinh học tiên tiến được sản xuất từ nguồn nguyên liệu không phải thực phẩm, không ảnh hưởng tới an ninh lương thực, có năng suất và sản lượng lớn.
Một số khó khăn tồn tại trong phát triển nhiên liệu sinh học ở Việt Nam, tập trung đối với xăng sinh học, qua đó đề xuất các giải pháp đối với Cơ quan quản lý, đơn vị sản xuất, phối chế, phân phối xăng dầu, đơn vị sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy và các đơn vị nghiên cứu. Điều chỉnh lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống đối với xăng sinh học được đề xuất theo hai kịch bản trên cơ sở kế thừa kinh nghiệm áp dụng đối với xăng E5RON92, hiện trạng thực tế hiện nay cũng như một số giả định tiêu thụ xăng trong thời gian tới. Đối với diesel sinh học, do chưa có đủ điều kiện để xây dựng lộ trình nên trước tiên cần triển khai thực hiện mạnh mẽ hơn các giải pháp đã nêu trong Quyết định 177/2007/QĐ-TTg. Sau đó, trên cơ sở kết quả đạt được, thực hiện nghiên cứu xây dựng lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn diesel sinh học.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu đã kiến nghị các cơ quan quản lý xem xét triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển nhiên liệu sinh học và lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn xăng sinh học đề xuất nhằm góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường, đáp ứng mục tiêu đặt ra trong Quyết định 177/2007/QĐ-TTg, Quyết định 53/2012/QĐ-TTg và Quyết định 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.Bên cạnh đó, để đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 như Chính phủ đã cam kết trong thời gian gần đây, cần tăng cường hỗ trợ khuyến khích các nghiên cứu, xây dựng và thực hiện các lộ trình ứng dụng đa dạng hóa các nguồn năng lượng sạch khác như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, nhiên liệu hydro.... đối với tất cả các ngành, các lĩnh vực trong xã hội.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu tại Trung tâm Thông tin, Thống kê khoa học và công nghệ Hải Phòng hoặc Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia../.
- Vai trò, giá trị của tôn giáo trong xây dựng khối đạ đoàn kết dân tộc (11/12/2024)
- Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thử nghiệm thiết bị thông minh trong giữ phương tiện... (11/12/2024)
- Nghiên cứu chọn tạo giống lạc có hàm lượng dầu cao (10/12/2024)
- Nghiên cứu các giải pháp phát triển nguồn nhân lực phục vụ chiến lược biển Việt Nam (09/12/2024)
- Nghiên cứu, xây dựng công nghệ trích xuất tự động thông tin bề mặt vùng ảnh hưởng... (06/12/2024)