Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 6939
Tổng truy cập : 57,998

Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN

Nghiên cứu đề xuất tiêu chuẩn đánh giá công trình xanh (03/04/2025)

Việt Nam hiện đang trong quá trình đô thị hóa với tốc độ rất nhanh. Tới năm 2050, 60% dân số sẽ sinh sống tại các thành phố. Hội đồng Công trình xanh Việt Nam đã thành lập và hoạt động tại thị trường Việt Nam từ năm 2007, Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam nhận thức sâu sắc về những cơ hội mà quá trình đô thị hóa nhanh chóng này đem đến cho sự phát triển cũng như các thử thách đối với sự bền vững do quá trình này gây ra. Giai đoạn 5-10 năm sắp tới, công trình xanh sẽ có vai trò rất quan trọng để đảm bảo Việt Nam đi theo hướng phát triển kinh tế bền vững.

Bộ tiêu chí LOTUS - hệ thống đánh giá công trình xanh do Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (một tổ chức phi chính phủ và là thành viên của Hội đồng Công trình Xanh Thế giới) là công cụ được phát triển trên nền tảng hệ thống đánh giá công trình xanh của các nước tiên tiến và được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn ngành xây dựng và điều kiện khí hậu ở Việt Nam. Năm 2014, Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam cũng đưa ra bộ tiêu chí đánh giá công trình xanh gồm: Bảo vệ môi trường và bảo tồn sinh thái; Hiệu quả sử dụng năng lượng; Hiệu quả sử dụng nước; Hiệu quả sử dụng vật liệu và Chất lượng môi trường trong nhà. Năm 2016, Hội Kiến trúc sư Việt Nam lại xây dựng chứng nhận công trình xanh theo 5 nhóm tiêu chí gồm: địa điểm bền vững; sử dụng tài nguyên, năng luợng hiệu quả; chiến lược môi trường trong nhà; kiến trúc tiên tiến, bản sắc; tính xã hội - nhân văn bền vững. Các bộ tiêu chí trên được các tổ chức, chủ đầu tư tự lựa chọn khi tham gia vào các hoạt động đăng ký, đánh giá và chứng nhận công trình xanh ở Việt Nam. Tuy nhiên do đây là hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện nên thực tế, số lượng công trình được cấp chứng chỉ công trình xanh của Việt Nam vẫn còn là con số rất khiêm tốn. Còn các bộ công cụ đánh giá công trình xanh được áp dụng tại Việt Nam chủ yếu đều sử dụng các tiêu chuẩn nước ngoài. Hiện tại chưa có tiêu chuẩn quốc gia cũng như hệ thống tiêu chí đánh giá đô thị xanh dán mác công trình xanh Việt Nam, do vậy Tổng Hội Xây dựng Việt Nam chủ trì, TS.KTS. Lê Thị Bích Thuận làm chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu đề xuất tiêu chuẩn đánh giá công trình xanh” phù hợp với điều kiện Việt Nam. Đây là nghiên cứu bước đầu làm cơ sở xây dựng các tiêu chuẩn cụ thể cho các thể loại công trình dân dụng.

Minh họa kiến trúc nhiệt đới.

Nghiên cứu cho thấy, công trình xanh tại Việt Nam đang gia tăng mạnh mẽ với con số ấn tượng theo từng năm, tác động lớn đến tiến trình phát triển theo hướng bền vững cũng như thiết lập mạng lưới công nghiệp xanh. Đây là tín hiệu tích cực thúc đẩy nền công nghiệp Việt Nam nhanh chóng, tạo được thương hiệu vươn ra thị trường toàn cầu mà vẫn đảm bảo phát triển bền vững. Những lợi ích của công trình xanh mang lại là rất lớn. Đối với xã hội, công trình xanh giúp cải thiện về sức khỏe và mang đến cảm giác hài lòng cho người sử dụng, khuyến khích hoạt động kinh doanh bền vững và tăng năng suất lao động, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế và tạo ra ý thức cộng đồng. Về môi trường, công trình xanh giúp giảm tiêu thụ năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện chất lượng không khí trong nhà, giảm lượng tiêu dùng nước, bảo vệ nguồn lực thiên nhiên…

Hiện tại, Việt Nam cũng đã áp dụng bộ tiêu chí của một số tổ chức và quốc gia để đánh giá công trình xanh. Tuy nhiên mỗi một tiêu chuẩn/ tiêu chí trên cần phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật được quy định trong các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia hiện hành. Việc dựa vào các hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia sẽ giúp các tổ chức, các nhân dễ dàng áp dụng và thực hiện. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy cần phải hoàn thiện và nâng cấp hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn nhằm hỗ trợ thực hiện thiết kế, thi công và vận hành công trình xanh, trước hết cần xây dựng khung tiêu chuẩn đánh giá công trình xanh phù hợp với điều kiện Việt Nam, làm cơ sở để quản lý trong quá trình thiết kế, xây dựng và vận hành công trình, thúc đẩy hoạt động đầu tư, chứng nhận công trình xanh. Khung tiêu chí, tiêu chuẩn công trình xanh cần dựa trên các tiêu chí, tiêu chuẩn chung của Thế giới, phản ánh nội dung tại Điều 10, Khoản 4 của Luật Xây dựng, phù hợp với các quy định trong hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia hiện hành.

Hoạt động xây dựng là một trong những hoạt động có ảnh hưởng nhất của con người đến tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Trong quá trình xây dựng công trình, các yếu tố chính ảnh hưởng đến môi trường , bao gồm: Sử dụng năng lượng (ví dụ: điện); Phát thải khí nhà kính (ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu); Sử dụng nước và thoát nước; Vật liệu xây dựng (sử dụng tài nguyên); Chất thải từ việc xây dựng và phá dỡ tòa nhà; Sử dụng đất và tác động đến thiên nhiên; Môi trường trong nhà và sức khỏe (đối với con người). Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, các tòa nhà chiếm 40% năng lượng sử dụng, 38% phát thải khí nhà kính, 12% lượng nước sinh hoạt và 20% các chất thải rắn. Vì vậy, để phát triển bền vững, phải phát triển mạnh mẽ các công trình xanh. Khi phát triển công trình xanh, phải thực hiện chính sách tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường. Việc xây dựng khung tiêu chuẩn đánh giá công trình xanh nhằm thúc đẩy sự phát triển của các công trình xanh. Việc xóa bỏ ranh giới với môi trường tự nhiên trong các công trình xanh còn giúp nâng cao cảnh quan, tạo sự thoải mái và làm tăng chỉ số hạnh phúc cho cư dân. Môi trường sinh thái với không khí trong lành giữa những đô thị lớn sầm uất luôn là điều kiện sống lý tưởng để bảo vệ sức khỏe, tăng tuổi thọ và tạo cuộc sống bền vững. Riêng với chủ đầu tư và các nhà phát triển dự án, công trình xanh đã đáp ứng tốt nhu cầu về thương hiệu, nâng cao năng suất và nhận thức môi trường cho khách hàng, mang lại cuộc sống lành mạnh và hạnh phúc hơn cho cộng đồng.

Ở Việt Nam, khung thể chể chế và chính sách đếu hướng tới vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các công trình xây dựng. Tuy nhiên, chưa có một chế tài cụ thể cho việc khuyến khích các công trình được xây dựng theo mô hình kiến trúc xanh, cũng như các hướng dẫn chi tiết và đồng bộ. Bản thân công trình vốn đã không được sự “hưởng ứng” từ phía các nhà đầu tư (vì suất đầu tư ban đầu khá cao) lại không được khuyến khích và quảng bá một cách thiết thực từ các nhà quản lý xây dựng, từ chính quyền đô thị. Vì thế trong thực tế, các công trình “nhà ở thông minh”, “công trình tiết kiệm năng lượng”… vẫn tồn tại dưới dạng một số dự án đơn lẻ chưa được giới thiệu hay quảng bá để thành mô hình có thể tham khảo để học tập và rút kinh nghiệm . Vì vậy nghiên cứu đề xuất khung tiêu chuẩn đánh giá công trình xanh phù hợp với điều kiện của Việt Nam gồm: địa điểm xây dựng bền vững: bảo vệ môi trường, bảo tồn sinh thái; tiết kiệm năng lượng và sử dụng hiệu quả năng lượng; tiết kiệm nước và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước; Tiết kiệm vật liệu và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên; chất lượng môi trường bên trong nhà và Vận hành; từ đó làm cơ sở để xây dựng các tiêu chuẩn cụ thể khi đánh giá công trình xanh cho từng loại công trình dân dụng (nhà ở và công trình công cộng). 

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu tại Trung tâm Thông tin và Truyền thông Hải Phòng./.