Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 10596 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN
Nghiên cứu hoàn thiện kỹ thuật sinh sản loài Tắc kè (Gekko reevesii) tại Vườn Quốc gia Cát Bà (20/01/2025)
Do có giá trị về dược liệu và thực phẩm, Tắc kè là nguồn hàng xuất khẩu có giá trị cao sang các thị trường trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc. Hiện nay, Tắc kè đã được nuôi ở một số nước trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan. Ở Việt Nam, việc nuôi Tắc kè đã được đề cập đến từ lâu nhưng đến nay Tắc kè chỉ được nhân nuôi một cách tự phát ở một số địa phương. Nguồn giống chủ yếu được bắt ngoài tự nhiên để nuôi tăng trưởng sau đó bán ra thị trường. Do việc khai thác quá mức nên nguồn Tắc kè trong tự nhiên ngày càng cạn kiệt, đặc biệt là các vùng núi đá vôi ở miền Bắc trong đó có Vườn Quốc gia Cát Bà. Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có bất kỳ chương trình nhân nuôi Tắc kè nào phục vụ mục đích bảo tồn. Đối tượng nhân nuôi trước đây thường là loài Tắc kè phân bố ở miền Nam (Gekko gecko). Trước thực tế đó, Vườn Quốc gia Cát Bà chủ trì thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố Nghiên cứu hoàn thiện kỹ thuật sinh sản loài Tắc kè (Gekko reevesii) tại Vườn Quốc gia Cát Bà; ThS. Vũ Hồng Vân làm chủ nhiệm, thực hiện từ tháng 11/2022 đến tháng 10/2024.
Thu giống Tắc kè tại Vườn Quốc gia Cát Bà.
Triển khai đề tài, nhóm tác giả tiến hành nghiên cứu tổng quan tài liệu và những vấn đề lý thuyết có liên quan về tên gọi, đặc điểm hình thái, sinh thái học; một số nghiên cứu, kinh nghiệm nuôi sinh sản Tắc kè trong và ngoài nước. Nghiên cứu thực trạng loài Tắc kè tại Vườn Quốc gia Cát Bà, gồm: Điều tra Tắc kè trên 12 tuyến thuộc 06 khu vực (Trung tâm Vườn, Khoăn Cao, Eo Bùa, Áng Kê, Giỏ Cùng, Việt Hải). Trong quá trình điều tra đã ghi nhận được 157 cá thể Tắc kè ở 3 kiểu thảm thực vật chính (rừng nguyên sinh thường xanh mưa ẩm trên núi đá vôi; rừng thứ sinh nghèo thường xanh mưa ẩm trên núi đá vôi và rừng trồng). Tắc kè thường làm tổ ở các hốc cây, khe đá có độ tàn che 81-90%, nhiệt độ từ 20,5-29,300C với độ ẩm tương ứng là 74,6-83,3%. Phân tích ADN loài Tắc kè tại Vườn Quốc gia Cát Bà và công bố trên ngân hàng gen quốc tế.
Nghiên cứu cũng đã bổ sung thêm dẫn liệu về đặc điểm hình thái trong tự nhiên của loài Tắc kè, sự sai khác kích thước cơ thể (con đực trưởng thành lớn hơn con cái trưởng thành); đồng thời xây dựng được mối tương quan giữa các chỉ tiêu hình thái cơ thể Tắc kè (Gekko reevesii).
Bên cạnh đó, nhóm tác giả cũng dự thảo được quy trình kỹ thuật nuôi, sinh sản loài Tắc kè (Gekko reevesii) phù hợp với điều kiện tại Vườn Quốc gia Cát Bà gồm Dự thảo kỹ thuật nuôi, sinh sản Tắc kè trong nhà và Dự thảo kỹ thuật nuôi, sinh sản Tắc kè bán tự nhiên (xác định địa điểm nuôi, chuồng nuôi, kỹ thuật cho ăn và phòng trừ dịch bệnh). Nghiên cứu đã tiến hành thực nghiệm quy trình kỹ thuật nuôi, sinh sản loài Tắc kè (Gekko reevesii) tại Vườn Quốc gia Cát Bà.
Trong đó, thực nghiệm quy trình kỹ thuật nuôi sinh sản Tắc kè trong nhà với viêc xác định tỉ lệ ghép đực cái/chuồng nuôi sinh sản (1 đực:3 cái), tiến hành thu 44 cá thể để phục vụ nuôi trong nhà (thu bổ sung 04 cá thể trong quá trình nuôi cách ly đã bị chết) để đảm bảo số lượng nuôi Tắc kè theo mô hình là 40 cá thể (10 đực, 30 cái). Diện tích khu nuôi trong nhà là 40m2 được thiết kế 2 tầng. Ghép đôi nuôi 40 cá thể Tắc kè tại 30 chuồng. Đồng thời xây dựng được kỹ thuật chăm sóc Tắc kè với khẩu phần ăn hàng ngày theo mùa và giai đoạn tuổi, loài thức ăn ưa thích. Tiến hành các biện pháp phòng và tránh một số loại bệnh ở Tắc kè trong điều kiện nuôi trong nhà (tắc trứng, không đẻ trứng, lột da khó khăn, suy dinh dưỡng, vết thương trên cơ thể, ỉa chảy). Nghiên cứu đã thực hiện nuôi sinh sản thành công Tắc kè trong nhà, trong 2 năm đã nở được 58 cá thể có sinh trưởng, phát triển tốt; xác định được loại bệnh thường gặp trong giai đoạn này là Bại liệt.
Thực nghiệm quy trình kỹ thuật nuôi sinh sản Tắc kè bán tự nhiên với việc xác định tỉ lệ ghép đực cái 1 đực:3 cái/chuồng nuôi sinh sản, tiến hành thu 87 cá thể để phục vụ nuôi trong nhà (thu bổ sung 07 cá thể trong quá trình nuôi cách ly đã bị chết) để đảm bảo số lượng nuôi Tắc kè theo mô hình là 80 cá thể (20 đực, 60 cái). Khu nuôi Tắc kè trong điều kiện nuôi bán tự nhiên với diện tích 100m2, xung quanh khu nuôi được bao bọc bằng tường rào cao 2,5m, lưới B40, cột bê tông. Tiến hành nuôi 80 cá thể trong 20 chuồng nuôi (tỉ lệ 1 đực:3 cái). Xây dựng được kỹ thuật chăm sóc Tắc kè, khẩu phần ăn hàng ngày theo mùa và giai đoạn tuổi, loài thức ăn ưa thích, trong điều kiện nuôi sinh sản bán tự nhiên có ít bệnh hơn, chủ yếu là 02 loại bệnh: vết thương trên cơ thể và suy dinh dưỡng. Nghiên cứu đã tiến hành nuôi sinh sản thành công Tắc kè bán tự nhiên, trong 2 năm đã nở được 165 cá thể có sinh trưởng, phát triển tốt. Trong giai đoạn này có xuất hiện biến chứng là Tắc kè không đẻ trứng và đã đưa ra giải pháp phòng ngừa.
Nghiên cứu đã hoàn thiện được quy trình kỹ thuật nuôi, sinh sản Tắc kè trong nhà và bán tự nhiên phù hợp với điều kiện tại Cát Bà và đề xuất được một số giải pháp bảo tồn, duy trì, phát triển nguồn gen giống Tắc kè tại Vườn Quốc gia Cát Bà, như: Giải pháp bảo tồn ngoài tự nhiên (Giải pháp giảm thiểu các mối đe dọa, giải pháp về bảo tồn; Nâng cao ý thức và sinh kế cho người dân; Hoàn thiện hệ thống quản lý địa phương); Giải pháp phát triển nguồn gen giống Tắc kè tại Vườn Quốc gia Cát Bà (Cơ sở vật chất; Giải pháp về kinh tế xã hội; Xây dựng quy trình nuôi sinh sản phù hợp với điều kiện tại Cát Bà; Nghiên cứu và phát triển các loại thức ăn cho Tắc kè; Đào tạo nhân lực và thông tin tuyên truyền trong lĩnh vực nhân nuôi; Dự kiến tái thả Tắc kè sinh sản được thêm từ kết quả nghiên cứu của đề tài về tự nhiên).
Thành công của đề tài góp phần bảo tồn hiệu quả các nguồn gen bản địa quý hiếm góp phần bảo vệ môi trường, vừa mở ra định hướng khai thác và phát triển bền vững nguồn tài nguyên sinh vật trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu dự án tại Trung tâm Thông tin, Thống kê khoa học và công nghệ Hải Phòng./.
- Đánh giá thực trạng tật khúc xạ và đề xuất các giải pháp can thiệp ở học sinh trung... (13/01/2025)
- Nghiên cứu hoàn thiện quy trình nuôi trồng Rong nho (Caulerpa lemilifera J. Agarth)... (10/01/2025)
- Nghiên cứu chế tạo hạt vật liệu micro hợp kim crôm-niken ứng dụng phun phủ phục hồi... (20/01/2025)
- Nghiên cứu xây dựng quy trình tạo hợp chất mới có hoạt tính kháng sinh... (03/01/2025)
- Hỗ trợ ứng dụng công nghệ số để thiết lập tối ưu hóa, hiện đại hóa... (02/01/2025)