Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 10573 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN
Nghiên cứu hoàn thiện quy trình nuôi trồng Rong nho (Caulerpa lemilifera J. Agarth) thương phẩm tại Hải Phòng (10/01/2025)
Rong Nho (Caulerpa lentillifera J. Agardh, 1873) còn gọi là trứng cá hồi xanh (green caviar) được sử dụng làm thức ăn truyền thống ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines… dưới dạng rau xanh hoặc salad. Trong rong Nho có chứa protein (7,4%), lipid (1,2%), khoáng, vi lượng cần thiết cho cơ thể (sát, iod, calcium…, cùng nhiều vitamin như A, C. Rong Nho có nhiều tác dung trong phòng chống các bệnh (như: bưới cổ, thiếu máu, suy dinh dưỡng, thấp khớp và cao huyết áp…); giúp nhuận trường, kháng khuẩn đường ruột, hấp thụ các kim loại độc hai trong cơ thể và thải qua đường bài tiết. Đặc biệt, hiện nay rong Nho còn được sử dụng làm mỹ phẩm tự nhiên làm đẹp da. Chất Cauleparine có trong rong Nho kích thích ăn ngon miệng, có tác dụng diệt khuẩn và gây tê nhẹ giúp bảo vệ đường tiêu hoá, làm sạch các lỗ chân lông và bề mặt da, chống lão hoá, chống béo phì…
Do có giá trị kinh tế cao (giá trị ở thị trường Nhật Bản khoảng 60 USD/kg rong tươi) và nhu cầu tăng nhanh trong những năm gần đây nên rong Nho được nghiên cứu và trồng làm thương phẩm tại Nhật Bản và các nước Đông Nam Á, nhiều nhất là ở Philippines. Tại Việt Nam, rong Nho được Viện Hải dương học Nha Trang di nhập và nghiên cứu khả năng nuôi trồng tại Khánh Hoà từ năm 2004 - 2005. Còn tại Hải Phòng, sự mất đi của các loài rong biển chẳng những làm giảm giá trị đa dạng sinh học mà còn làm giảm khả năng cải tạo và bảo vệ chất lượng nước biển trong khu vực. Giải pháp cho vấn đề nêu trên là việc phải phục hồi nguồn lợi rong biển để góp phần cải tạo chất lượng nước biển phục vụ nuôi các đối tượng khác và phát triển du lịch, trong đó rong Nho là đối tượng có tính khả thi cao tại các vùng biển Hải Phòng. Trước thực tế đó, Viện Tài nguyên và Môi trường biển chủ trì thực hiện đề tài Nghiên cứu hoàn thiện quy trình nuôi trồng Rong nho (Caulerpa lemilifera J. Agarth) thương phẩm tại Hải Phòng, PGS.TS. Đàm Đức Tiến làm chủ nhiệm.
Nghiên cứu đã dự thảo quy trình trồng rong Nho tại Hải Phòng gồm các bước: Lựa chọn và vận chuyển giống rong Nho từ Khánh Hoà; Lựa chọn điểm điểm và hình thức nuôi phù hợp; Lựa chọn mật độ giống và độ sâu phù hợp; Theo dõi và chăm sóc rong Nho; Thu hoạch và đánh giá ảnh hưởng các yếu tố đến sự phát triển của rong Nho thương phẩm. Nghiên cứu đã di nhập rong Nho được từ Công ty THHH Blus tại Khánh Hoà. Nghiên cứu cho thấy, chất lượng môi trường nước biển tại khu vực quan trắc của vùng biển Cát Bà và Bạch Long Vĩ đều đạt quy chuẩn của Việt Nam, độ mặn đều đạt trên 22‰ cho thấy rong Nho hoàn toàn có thể sinh sống và trồng được ở 02 khu vực này.
Quy trình trồng rong Nho bằng giàn nổi.
Quy trình trồng rong Nho thương phẩm bằng ao đất/bể xi măng.
Nghiên cứu cũng tiến hành thử nghiệm quy trình trồng rong Nho tại Hải Phòng với việc trồng trong giàn nổi nuôi thủy sản tại Cát Bà. Kết quả cho thấy nhiệt độ ổn định và không có sự khác biệt quá lớn giữa các độ sâu khi nuôi trồng rong Nho. Kết quả này cũng là phù hợp do đây vẫn là nước tầng mặt, hơn nữa nước thường xuyên được xáo trộn bởi dòng hải lưu và tác động thuỷ triều. Tại thời điểm ngày thứ 10, tỉ lệ sống giữa các nghiệm thức là có khác biệt rõ ràng giữa độ sâu 110 cm so với 80 cm và 50 cm, tỉ lệ sống này là khá thấp trung bình chỉ khoảng 40%. Sự chênh lệch tỉ lệ sống giữa mật độ 800 g/m2 và 1.200 g/m2 là không quá lớn, mật độ 800 g/m2 là thích hợp, vừa đảm bảo tỉ lệ sống vừa có tính hiệu quả kinh tế. Tốc độ tăng trưởng của rong Nho ở các mật độ khác nhau tại 3 thời điểm 10, 20 và 30 ngày không có sự sai khác đáng kể nhưng tại thời điểm 20 ngày sau trồng, tốc độ tăng trưởng ổn định trong khoảng 2,2 đến 2,37 %/ngày với yêu cầu về điều kiện và chất lượng môi trường trồng rong Nho.
Thử nghiệm quy trình trồng rong Nho trong ao đất tại Bạch Long Vĩ cho thấy, nhiệt độ môi trường nước hoàn toàn phù hợp với sự phát triển của rong Nho. Tuy nhiên, thời điểm thử nghiệm là tháng 5 nên nhiệt độ môi trường chưa quá cao. Khi nhiệt độ tăng cao, cần thường xuyên thay nước và tăng cường che nắng bằng hệ thống lưới che nắng hai lớp. Độ sâu 110cm là độ sâu có ưu điểm nhất trong việc trồng rong Nho trong hệ thống ao đất tại Bạch Long Vĩ, vừa hạn chế sự phát triển của các loài rong Lục địch hại lại giúp cho giảm bớt sự tác động bất lợi của nhiệt độ khi cường độ ánh sáng lớn. Về chiều dài thể quả cho thấy, chiều dài tốt nhất rong Nho đạt được là 7,63cm vào ngày thứ 30 tại độ sâu 110cm. Qua kết quả thử nghiệm đánh giá các yếu tố ảnh hưởng bằng các nghiệm thức được thực hiện tại hai hình thức nuôi, đề tài đi đến lựa chọn độ sâu cho việc nuôi rong Nho là 80cm cho hình thức nuôi giàn nổi tại Cát Bà và 110cm cho hình thức nuôi ao đất tại Bạch Long Vĩ. Đối với mật độ rong Nho giống, nghiên cứu lựa chọn 800 g/m2 vừa đảm bảo về khả năng sinh trưởng và phát triển và tiết kiệm chi phí.
Nghiên cứu cũng tiến hành thực nghiệm quy trình trồng rong Nho tại Hải Phòng. Kết quả thực nghiệm cho thấy, đối với hình thức trồng giàn nổi, tốc độ tăng trưởng của rong Nho tăng lên từ ngày thứ 20 (2,43 %/ngày) và có chiều hướng ổn định trong thời gian sau đó với mức tăng trưởng trung bình trên 3%/ngày. Năng suất thu được là 1,873 kg thể quả/m2 và rong Nho thương phẩm (kích thước >5 cm) đạt trên 70,79 % tổng số thể quả (thân đứng) vào ngày thứ 40. Đặc biệt, có tới gần 9% tỉ lệ rong có chiều dài trên 8 cm. Đối với hình thức trồng ao đất, tốc độ tăng trưởng của rong Nho đạt 2,37%/ngày vào ngày thứ 20 và 2,47 vào ngày thứ 40, nhưng giảm xuống 0,93%/ngày vào các ngày thứ 40 và 60. Nguyên nhân là do chưa kiểm soát được độ mặn trong ao đất khi trời mưa. Năng suất thể quả thu được 1,605 kg/m2 vào ngày thứ 20, và đạt 1,52 kg/m2 vào ngày thứ 40. Tỉ lệ rong Nho thành phẩm có kích thước thể quả lớn hơn 5cm so với tổng số thể quả đạt 65,35% ngày thứ 20; 70,27% ngày thứ 40 và 55,4% ngày thứ 60.
Kết quả đánh giá chất lượng và an toàn thực phẩm của rong Nho thành phẩm tại Hải Phòng cho thấy, rong Nho thành phẩm đạt các chỉ tiêu về cảm quan, các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ Y tế và các chỉ tiêu theo quy định hiện hành đối với rong Nho thương phẩm. Nghiên cứu cũng xây dựng được quy trình trồng rong Nho hoàn thiện phù hợp với điều kiện tự nhiên với hai hình thức trồng rong Nho thích hợp với đặc điểm khu vực biển đảo Hải Phòng.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu tại Trung tâm Thông tin, Thống kê khoa học và công nghệ Hải Phòng./.
- Đánh giá thực trạng tật khúc xạ và đề xuất các giải pháp can thiệp ở học sinh trung... (13/01/2025)
- Nghiên cứu chế tạo hạt vật liệu micro hợp kim crôm-niken ứng dụng phun phủ phục hồi... (20/01/2025)
- Nghiên cứu hoàn thiện kỹ thuật sinh sản loài Tắc kè (Gekko reevesii) tại Vườn Quốc... (20/01/2025)
- Nghiên cứu xây dựng quy trình tạo hợp chất mới có hoạt tính kháng sinh... (03/01/2025)
- Hỗ trợ ứng dụng công nghệ số để thiết lập tối ưu hóa, hiện đại hóa... (02/01/2025)