Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 47212 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN
Nghiên cứu luận cứ và phát triển Hải Phòng trở thành trung tâm khoa học và công nghệ vùng Duyên hải Bắc Bộ (02/07/2024)
Đây là tên đề án do Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn chủ trì thực hiện từ năm 2016-2019, ThS. Đặng Trần Kiên - Giám đốc Trung tâm làm chủ nhiệm. Việc triển khai đề án nhằm thực hiện Nghị quyết số 32-NQ/TW, Kết luận số 72-KL/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ thành phố và Chương trình hành động số 37-CTr/TU, ngày 21/12/2015 Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch kèm theo Quyết định số 2846/QĐ-UBND về thực hiện Chương trình hành động số 37-CTr/TU, trong đó Sở Khoa học và Công nghệ được giao nhiệm vụ xây dựng Đề án "Nghiên cứu luận cứ khoa học xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành trung tâm khoa học và công nghệ vùng duyên hải Bắc Bộ".
Hải Phòng là đô thị loại 1, trung tâm cấp quốc gia, là một trong 5 thành phố trực thuộc trung ương. Đồng thời, Hải Phòng cũng là thành phố ven biển, thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cách thủ đô Hà Nội 102 km. Vị trí của Hải Phòng ở trung tâm của vùng duyên hải Bắc bộ (DHBB), có vai trò rất quan trọng về kinh tế, chính trị, an ninh và quốc phòng, nằm trên nhiều trục đường giao thông đường bộ, đường sắt và đường biển quan trọng của cả nước và quốc tế, có cảng biển, sân bay và mạng lưới giao thông khá đồng bộ. Các quốc lộ 5, quốc lộ 10, đường sắt, các tuyến đường biển là những mạch máu chính gắn kết quan hệ toàn diện của Hải Phòng với các tỉnh khác trong cả nước và quốc tế. Vị trí địa lý đã tạo cho Hải Phòng những lợi thế về phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ và đặc biệt là phát triển kinh tế biển.
Ngoài tiềm năng về kinh tế, Hải Phòng còn có tiềm lực về khoa học và công nghệ (KH&CN) khá mạnh trong khu vực DHBB. Cho đến nay, trên địa bàn thành phố Hải Phòng có gần 70 tổ chức KH&CN (trong đó có 8 đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn thành phố) và 20 trường đại học, cao đẳng. Toàn thành phố có 4.900 cán bộ KH&CN làm việc trong các trường đại học, cao đẳng và các tổ chức KH&CN, trong đó có 248 tiến sĩ, 1706 thạc sĩ, và 2946 cán bộ có trình độ đại học.
Với tiềm lực KH&CN như vậy, trong những năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã có những đóng góp thiết thực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Khoa học xã hội và nhân văn đã cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chiến lược và chính sách phát triển của thành phố; góp phần cung cấp các luận cứ khoa học, đề xuất các mô hình, giải pháp phục vụ xây dựng, đổi mới và nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách và cơ chế quản lý của các cấp, các ngành.
Hải Phòng phát triển dựa trên nền tảng KH&CN.
Lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ gắn bó chặt chẽ với sản xuất và đời sống, lấy nghiên cứu ứng dụng là chính, đồng thời tập trung vào một số lĩnh vực trọng điểm, từng bước góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, nhất là trong các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, chăm sóc sức khỏe nhân dân và bảo vệ môi trường.
Mặt bằng về trình độ công nghệ sản xuất đã được nâng lên, góp phần nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa chủ yếu. Nhiều chỉ tiêu quan trọng tác động lớn đến trình độ công nghệ đã được cải thiện và cao hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước. Tỷ trọng vốn đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất, đổi mới thiết bị công nghệ ở các doanh nghiệp tăng nhanh. Tỷ trọng công nghệ, thiết bị tiến tiến trong các dự án đầu tư chiếm trên 60%, có một số lĩnh vực đến 90%. Nhiều thiết bị, công nghệ được đầu tư chủ yếu có xuất xứ từ các nước phát triển, tỷ lệ thiết bị điều khiển tự động và bán tự động ngày càng tăng. Chỉ tiêu năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) của thành phố được cải thiện, đóng góp vào GDP thành phố tương đối khá, giai đoạn 2011 - 2015 đạt bình quân 27%.
Từ những lợi thế có được cho thấy, ở một số lĩnh vực, trong đó có KH&CN, Hải Phòng đã thể hiện vai trò đầu tàu so với các tỉnh trong vùng; bước đầu cũng đã có sự hỗ trợ đến các tỉnh như đào tạo nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe, các hoạt động nghiên cứu về biển…; sự phát triển của Hải Phòng kéo theo sự phát triển chung của cả vùng DHBB. Song, xét trên bình diện chung, vai trò của Hải Phòng trong vùng, khu vực còn chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế. Mặc dù có những tiềm lực nhất định, nhưng nhiều năm qua Hải Phòng chưa tổng hợp, kết nối được các nguồn lực để trở thành trung tâm của vùng. Việc liên kết trên các mặt giữa Hải Phòng với các địa phương trong vùng DHBB, cũng như vai trò dẫn dắt, lan tỏa và ảnh hưởng đến các địa phương còn hạn chế. Xuất phát từ thực tế đó, xây dựng và phát triển Hải Phòng về nhiều mặt có ý nghĩa quan trọng đối với vùng DHBB, cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và cả nước.
Bên cạnh những nghiên cứu về cơ sở lý luận vùng, liên kết vùng và trung tâm KH&CN vùng; vùng DHBB và trung tâm KH&CN vùng DHBB, nghiên cứu khẳng định: Hải Phòng là địa phương đầu tàu, đặc biệt quan trọng, có vai trò dẫn dắt trong quá trình phát triển kinh tế của vùng DHBB trong giai đoạn hiện nay. Nghiên cứu cũng làm rõ thực trạng hoạt động và phát triển tiềm lực KH&CN Hải Phòng dưới góc độ trung tâm vùng với các hoạt động: nghiên cứu, ứng dụng KH&CN; đổi mới công nghệ; sở hữu trí tuệ và sáng kiến, sáng tạo; tiêu chuẩn đo lường chất lượng; phát triển thị trường KH&CN. Nghiên cứu thực trạng hoạt động và phát triển tiềm lực KH&CN các tỉnh trong vùng; kinh nghiệm của Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng trong xây dựng trung tâm KH&CN vùng; từ đó xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành trung tâm KH&CN vùng DHBB trên cơ sở xác định những yêu cầu đặt ra đối với Hải Phòng.
Theo đó, 4 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển hoạt động KH&CN gồm: (1) Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả của hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, gắn bó chặt chẽ với sản xuất và đời sống; góp phần quan trọng tạo ra sự chuyển biến rõ rệt về năng suất, chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế thành phố, ưu tiên các lĩnh vực, nhiệm vụ tạo đột phá trong phát triển, góp phần đổi mới mô hình và nâng cao chất lượng tăng trưởng; các lĩnh vực, nhiệm vụ mang tính liên kết vùng, phục vụ phát triển nhiều địa phương trong Vùng. (2) Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ; thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN. Phát triển các tổ chức trung gian, tạo môi trường thuận lợi để đưa Hải Phòng trở thành trung tâm giới thiệu, trình diễn, tư vấn, môi giới, hỗ trợ chuyển giao công nghệ và thiết bị của Vùng. (3) Đẩy mạnh hoạt động năng suất, chất lượng và sở hữu trí tuệ. (4) Đẩy mạnh hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đưa Hải Phòng trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Vùng.
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển tiềm lực KH&CN, nhóm nghiên cứu đề xuất:
Một là, về nhân lực KH&CN, cần xây dựng, tổ chức thực hiện và quản lý tốt quy hoạch phát triển nhân lực KH&CN của thành phố trong tình hình mới, trong đó chú trọng quy hoạch đội ngũ cán bộ KH&CN có trình độ cao, chuyên gia giỏi, cán bộ KH&CN đầu đàn. Xây dựng, triển khai thực hiện Đề án đào tạo cán bộ KH&CN có trình độ cao, chuyên gia KH&CN trong các lĩnh vực được xác định là trọng điểm phát triển của thành phố, lĩnh vực có khả năng liên kết vùng cao: KH&CN biển, các lĩnh vực công nghệ cốt lõi của cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Ban hành cơ chế, chính sách thu hút chuyên gia, cán bộ KH&CN trong nước và quốc tế, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài tham gia các dự án KH&CN và làm việc tại các trường đại học, các cơ sở nghiên cứu khoa học trên địa bàn thành phố.
Hai là, về tổ chức KH&CN, rà soát, sắp xếp lại hệ thống tổ chức KH&CN của thành phố; tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các tổ chức KH&CN công lập theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương. Tập trung đầu tư, nâng cao năng lực hoạt động cho các tổ chức KH&CN trong các lĩnh vực trọng điểm, có lợi thế của thành phố như: các tổ chức KH&CN chuyên ngành về biển, kinh tế biển, môi trường, công nghệ thông tin,… Quan tâm tập trung chỉ đạo và triển khai các dự án có tính chiến lược, trọng điểm, lâu dài đối với sự phát triển của thành phố. Phối hợp với các Bộ, các cơ quan liên quan của Trung ương tăng cường tiềm lực KH&CN cho các tổ chức KH&CN của Trung ương đóng trên địa bàn; tăng cường huy động sự tham gia của các đơn vị này vào hoạt động KH&CN của thành phố, nhất là đối với các nhiệm vụ có ảnh hưởng tới nhiều địa phương.
Ba là, về tài chính cho KH&CN, đảm bảo tỷ lệ 2% ngân sách chi hàng năm cho hoạt động KH&CN. Tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng KH&CN của thành phố có kết nối với các địa phương khác trong vùng, đảm bảo triển khai các hoạt động, các nhiệm vụ KH&CN mang tầm vùng, quốc gia và khu vực. Chú trọng đầu tư phát triển tăng cường năng lực, xây dựng một số tổ chức KH&CN mạnh trong các lĩnh vực trọng điểm có lợi thế, các lĩnh vực mang tính dẫn dắt hoặc lan toả cao. Đẩy mạnh đa dạng hoá các nguồn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước cho phát triển khoa học và công nghệ. Với tư cách là trung tâm KH&CN vùng, Hải Phòng cần và phải thu hút được sự quan tâm đầu tư của Trung ương, sự liên kết cùng phát triển của các địa phương trong vùng. Chủ động xây dựng các dự án kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước cho phát triển KH&CN, nhất là trong xây dựng hạ tầng các khu công nghệ cao.
Bốn là, về thông tin KH&CN, xây dựng profile và đẩy mạnh công tác xây dựng nguồn lực thông tin phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và liên kết phát triển với các địa phương trong vùng, đặc biệt là các cơ sở dữ liệu, các hệ tri thức số hoá. Tích cực tham gia, khai thác có hiệu quả các mạng thông tin quốc gia và quốc tế. Triển khai các dịch vụ thông tin có giá trị gia tăng cao phục vụ cho công tác lãnh đạo điều hành, quản lý, cho hoạt động nghiên cứu, triển khai (tổng quan, tổng luận, thông tin dự báo, thông tin tư vấn, thư mục chuyên đề,...); các dịch vụ thông tức thời, các hệ thống thông tin tự phục vụ. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến tri thức KH&CN, phục vụ nâng cao dân trí, xây dựng xã hội văn hoá, văn minh, xây dựng nông thôn mới. Liên kết với các tổ chức thông tin KH&CN trong toàn vùng tiến tới thành lập mạng thông tin KH&CN vùng DHBB mà nòng cốt là mạng thông tin KH&CN Hải Phòng hiện đang hoạt động tương đối tốt để hỗ trợ, chia sẻ thông tin, khắc phục tình trạng trùng lặp, gây lãng phí nguồn lực trong hoạt động thông tin KH&CN.
Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng đề xuất 4 nhiệm vụ, giải pháp bổ sung khác để xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành trung tâm KH&CN vùng DHBB: (1) Kiến nghị với Trung ương, sớm ban hành các văn bản có liên quan các các mô hình trung tâm tăng trưởng như về vị trí pháp lý, tiêu chí nhận dạng cũng như cơ chế hỗ trợ cho các địa phương được xác định là Trung tâm vùng (trong đó có Hải Phòng), để Hải Phòng có được hỗ trợ về nguồn lực để đầu tư cho hoạt động KH&CN, đặc biệt là cơ chế chính sách khác biệt nhằm tạo được sự hấp dẫn thu hút đầu tư và sự tham gia các nhà khoa học đầu ngành cùng với thành phố triển khai các định hướng ưu tiên trong hoạt động KH&CN. (2) Đẩy mạnh việc kết nối với các Bộ, ngành Trung ương (liên kết dọc) trong việc phối hợp triển khai thu hút các nguồn lực theo lĩnh vực để xây dựng hạ tầng, tăng cường năng lực và triển khai hoạt động, nhất là các nhiệm vụ mang tính vùng cao. (3) Phối hợp với các tỉnh trong vùng xây dựng và triển khai các chương trình nghiên cứu KH&CN chung cho Vùng nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng, đặc biệt là phát triển kinh tế biển (liên kết ngang). (4) Chủ động mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm trong hợp tác trong và ngoài nước về KH&CN; tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của các nước, các tổ chức quốc tế và Trung ương trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng; đào tạo; nghiên cứu ứng dụng KH&CN, chia sẻ thông tin, chuyên gia, đổi mới công nghệ, hướng vào giải quyết các mục tiêu ưu tiên của thành phố và của vùng.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ./.
- Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế xác lập hệ thống tiêu chí, chỉ số đánh giá, giám sát... (30/10/2024)
- Nghiên cứu thử nghiệm sản xuất giống sò huyết Anadara granosa trong ao (28/10/2024)
- Quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường vùng nuôi trồng thủy sản tại một số tỉnh... (25/10/2024)
- Nghiên cứu xây dựng bộ công cụ số hóa đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo cho doanh... (23/10/2024)
- Một số giải pháp chính sách thực hiện chiến lược kinh tế biển xanh trong xây dựng... (21/10/2024)
- Nghiên cứu phát triển kỹ thuật PCR đa mồi (multiplex PCR) để phát hiện nhanh một... (18/10/2024)