Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 29593
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học - Y dược

Nghiên cứu mới: 'Cholesterol tốt' không có lợi như người ta tưởng (06/10/2023)

Một nghiên cứu vừa được công bố cho thấy cholesterol “tốt” (HDL) có thể không lành mạnh như các chuyên gia từng nghĩ. Ngược lại, chất này có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng lẫn ở người già.

Những người có mức cholesterol HDL cao (thấp nhất là 65 mg/dL) có nguy cơ mắc chứng lẫn cao hơn 15% so với người khác. (Nguồn: KTBS)

Một nghiên cứu, với kết quả vừa được công bố hôm 5/10 trên Tạp chí Neurology, đã cho thấy rằng lipoprotein mật độ cao (còn gọi là cholesterol HDL) không mang tới nhiều ích lợi. Ngược lại, chất này có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng lẫn ở người lớn tuổi.

Tác giả chính của nghiên cứu, ông Erin Ferguson, một nghiên cứu sinh Tiến sỹ Dịch tễ học tại Đại học California ở San Francisco, cho biết: “Mối quan hệ giữa cholesterol HDL và chứng lẫn phức tạp hơn chúng ta tưởng. Trong khi mức độ ảnh hưởng của mối quan hệ này còn khá nhỏ, nhưng nó vẫn rất quan trọng."

Nghiên cứu được hỗ trợ bởi Viện Lão hóa Quốc gia và Viện Y tế Quốc gia Mỹ, được thực hiện trên hơn 184.000 người trưởng thành với độ tuổi trung bình là 70. Trong số này, không ai mắc chứng lẫn khi nghiên cứu bắt đầu.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng kết hợp hoạt động khảo sát và hồ sơ điện tử từ chương trình sức khỏe Kaiser Permanente Bắc California để theo dõi mức cholesterol, những thay đổi sức khỏe và đặc biệt là liệu có ai bị mắc chứng lẫn trong khoảng 13 năm kể từ khi nghiên cứu bắt đầu hay không. Kết quả, nhóm thấy có 25.000 người bị lẫn hoặc mất trí nhớ.

Những người tham gia nghiên cứu được chia thành ba nhóm, dựa trên mức cholesterol HDL của họ. Từng người cũng được tinh chỉnh đánh giá, sau khi tính tới các yếu tố khác có thể gây ra bệnh lẫn như huyết áp cao, bệnh tim mạch, tiểu đường và tần suất uống rượu của một người.

Kết quả cho thấy mức cholesterol HDL trung bình trong nghiên cứu là 53,7 mg/dL, tức vẫn nằm trong phạm vi khuyến nghị là khoảng 40 mg/dL ở nam và 50 mg/dL ở nữ. Nhưng những người có mức cholesterol HDL cao hơn ngưỡng này có khả năng mắc chứng lẫn cao hơn.

Cụ thể, những người có mức cholesterol HDL cao (thấp nhất là 65 mg/dL) có nguy cơ mắc chứng lẫn cao hơn 15% so với người khác. Nhưng tình hình không khá hơn với những người có cholesterol HDL thấp.

Những người có mức cholesterol HDL từ 11 đến 41 mg/dL vẫn có nguy cơ bị lẫn cao hơn 7% so với nhóm ở giữa - những người có mức cholesterol HDL vừa phải.

Kết quả nghiên cứu cho thấy có mối quan hệ tương ứng giữa lượng cholesterol HDL và chứng lẫn. Tuy nhiên nhóm nghiên cứu không chứng minh được rằng mức độ cholesterol HDL cao hay thấp trực tiếp gây ra tình trạng lẫn. Nhóm cũng không tìm thấy bất kỳ mối liên hệ nào giữa cholesterol LDL và nguy cơ bị bệnh lẫn.

Tiến sỹ Howard Weintraub, Giám đốc Lâm sàng của Trung tâm Phòng ngừa Bệnh tim mạch tại Đại học New York, cho biết ông rất ngạc nhiên trước phát hiện này.

“Khi một người có mức cholesterol ở ngưỡng 90 hoặc 100 mg/dL, thường người này sẽ có nguy cơ mắc bệnh liên quan tới tim mạch, chứ không phải bệnh lẫn," ông cho biết.

Các chuyên gia từ lâu đã hiểu rằng không phải tất cả cholesterol HDL đều giống nhau. Cách thức cơ thể sử dụng cholesterol này như thế nào và việc nó được lưu trữ ở đâu - ví dụ trong não hoặc những nơi khác trong cơ thể - có thể tạo nên sự khác biệt.

Theo các chuyên gia, những thói quen lành mạnh, bao gồm việc tập thể dục thường xuyên, cho phép cholesterol HDL biến đổi thành hạt HDL.

Chuyên gia nội tiết Hussein Yassine nói rằng sự biến đổi này cho phép HDL thực hiện một số hoạt động quan trọng, bao gồm việc loại "gỡ" cholesterol LDL khỏi động mạch và vận chuyển nó đến gan, nơi nó bị thải khỏi cơ thể.

“Chức năng có lợi thực sự nằm ở các hạt (HDL) chứ không phải ở bản thân cholesterol này," ông nói. “Chỉ tăng mức cholesterol HDL không làm tăng chức năng của nó.”

Tệ hơn, mức cholesterol HDL cao có thể làm cứng tĩnh mạch và động mạch. Tác động rất có hại này của cholesterol HDL lên hệ thống tim mạch có thể là lý do cholesterol HDL cao gây ra nguy cơ suy giảm nhận thức. Đột quỵ là một trong những nguy cơ hàng đầu gây ra chứng mất trí nhớ.

Cần biết rằng cholesterol HDL trong não hoạt động theo một cách khác biệt. “Nó hoạt động theo những quy luật khác nhau, không giống với cholesterol toàn thân," Yassine nói.

Cholesterol toàn thân là từ chỉ cholesterol được lưu trữ ở những nơi khác trong cơ thể, nằm ngoài não.

Theo ông, việc có quá nhiều cholesterol HDL trong não có thể gây viêm, khiến não sản sinh ra amyloid và những chất lắng đọng bất thường, gây tổn thương các cơ quan và mô.

Một nghiên cứu khác gần đây đã thiết lập mối liên hệ giữa các gene liên quan đến mức cholesterol HDL cao và những gene khiến ai đó mắc chứng mất trí nhớ.

Các nghiên cứu này chỉ ra thực tế rằng cholesterol HDL rất phức tạp và là một lĩnh vực nghiên cứu cần được hiểu rõ hơn.

Theo Weintraub, vẫn chưa có đủ bằng chứng cho thấy cholesterol HDL đóng vai trò lớn trong việc gây tình trạng sa sút trí tuệ.

“Nghiên cứu mới có thể khiến ta nghĩ rằng cholesterol HDL có thể là một yếu tố rủi ro, kể cả khi chúng ta đã ở giai đoạn cuối đời," Ferguson nói. “Nhưng theo tôi, mọi người không cần phải quá lo lắng về nó"./.

Nguồn: TTXVN/Vietnam+

Ngày cập nhật: 6/10/2023

https://www.vietnamplus.vn/nghien-cuu-moi-cholesterol-tot-khong-co-loi-nhu-nguoi-ta-tuong-post900619.vnp