Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 19034 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN
Nghiên cứu phát triển bền vững dịch vụ logistics khu vực thành phố Hải Phòng đáp ứng tiêu chí đô thị cảng biển xanh giai đoạn 2020 đến 2030, tầm nhìn 2045 (17/04/2024)
Vận tải hàng hóa đóng một vai trò rất quan trọng trong sự phát triển ổn định và lâu dài của các thành phố. Tuy nhiên, vận tải hàng hóa những năm gần đây phải đối mặt với rất nhiều thách thức như: mức độ ùn tắc giao thông cao, tác động xấu đến môi trường, mức tiêu thụ năng lượng nhiều... Chính vì vậy, một trong những mục tiêu quan trọng của logistics thành phố là làm sao thiết lập được một hệ thống giao thông vận tải đô thị hiệu quả, an toàn và thân thiện với môi trường trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại với mục đích nhằm giảm bớt các tác động xấu tới môi trường, xã hội đồng thời giúp cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics gia tăng được khối lượng hàng hóa vận chuyển với chất lượng phục vụ ngày càng được cải thiện và chi phí, thời gian vận chuyển ngày càng giảm.
Với thành phố Cảng như Hải Phòng, việc Nghiên cứu phát triển bền vững dịch vụ logistics khu vực thành phố Hải Phòng đáp ứng tiêu chí đô thị cảng biển xanh giai đoạn 2020 đến 2030, tầm nhìn 2045 là cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh thành phố đang triển khai thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trước thực tế đó, ThS. Nguyễn Ngọc Hà cùng cộng sự thuộc Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam đã thực hiện đề tài này, hoàn thành báo cáo kết quả năm 2021.
Mô hình quản lý chuỗi cung ứng xanh theo Sarkis (1999) và Bearing Point (2008).
Nghiên cứu đã đưa ra các nguyên tắc phát triển bền vững dịch vụ logistics theo tiêu chí đô thị cảng biển xanh gồm: Thực hiện và duy trì các hoạt động kinh doanh có đạo đức và một hệ thống tổ chức quản lý hợp lý; Trong quá trình ra quyết định cần cân nhắc đến phát triển bền vững; Tôn trọng các quyền cơ bản của con người, tôn trọng văn hoá, phong tục tập quán và các giá trị tinh thần của người lao động và những người liên quan đến các hoạt động của ngành/lĩnh vực liên quan; Hướng tới sự nâng cao không ngừng sức khoẻ và an toàn của đội ngũ nhân viên; Cải thiện liên tục các hoạt động của ngành liên quan đến môi trường; Đóng góp vào việc bảo tồn sự đa dạng của hệ sinh thái và đưa ra các biện pháp phối hợp cho các khu vực đang được sử dụng vào mục đích kinh tế; Tạo điều kiện và khuyến khích tính trách nhiệm trong việc thiết kế, sử dụng, tái sử dụng, loại bỏ các phương tiện, thiết bị, sản phẩm của ngành một cách có trách nhiệm; Đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội, thể chế của cộng đồng dân cư ở khu vực hoạt động. Bên cạnh các tiêu chí về kinh tế liên quan tới mức tăng trưởng, mức đóng góp vào ngân sách, các tiêu chí về xã hội gồm: mức độ sử dụng nguồn lực, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, bình đẳng giới, bình đẳng và tự do trong kinh doanh, thu nhập, ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ; hay các tiêu chí về môi trường gồm: chỉ tiêu bảo vệ môi trường, đầu tư chi phí cho bảo vệ môi trường, đào tạo huấn luyện về bảo vệ môi trường, hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, bộ máy tổ chức bảo vệ môi trường cũng được nhóm nghiên cứu xác định.
Khung phân tích về tác động của cơ sở hạ tầng logistics đến thực hiện chuỗi cung ứng xanh của doanh nghiệp.
Cùng với những bài học kinh nghiệm trong nước (thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng) và ngoài nước (Singapore, Nhật Bản, Thái Lan) về phát triển thành phố cảng biển với mũi nhọn là dịch vụ logistics gắn liền với với hướng phát triển bền vững xanh, đề tài cũng nghiên cứu, đánh giá thực trạng hoạt động của dịch vụ logistics tại Cảng Hải Phòng và gắn sự phát triển của đô thị cảng biển Hải Phòng trong giai đoạn 2015-2020. Nghiên cứu cho thấy, theo tiêu chí kinh tế, quy mô, trình độ phát triển kinh tế của Cảng Hải Phòng ngày càng lớn mạnh. Cảng Hải Phòng có hệ thống hạ tầng truyền thông và công nghệ thông tin phát triển, được hỗ trợ bởi một trong những trung tâm đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao thuận lợi cho sự phát triển dịch vụ logistics cảng biển; đồng thời được hỗ trợ bởi nhiều khu công nghiệp và các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa xuất nhập khẩu lớn, đặc biệt là các cơ sở có vốn nước ngoài. Về tiêu chí xã hội, mức độ đóng góp của cảng biển Hải Phòng trong những năm qua đối với thành phố không ổn định và chưa tương xứng với tiềm năng. Hoạt động đầu tư khai thác cảng biển Hải Phòng đã góp phần tạo ra nhiều việc làm mới, trên cơ sở đó đã góp phần quan trọng trong công tác ổn định an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân trên địa bàn. Số việc làm mới được tạo ra luôn có sự tăng trưởng qua các năm, điều này chứng tỏ hiệu quả đầu tư của cảng biển Hải Phòng. Mức đầu tư cho khoa học và công nghệ chủ yếu là chi phí mua sắm hệ thống phần mềm công nghệ thông tin phục vụ cho quản lý và điều hành sản xuất chứ chưa có đầu tư cho nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, cảng biển Hải Phòng cũng đóng góp vào việc thúc đẩy sản xuất, giao thương hàng hóa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, khu vực và góp phần tăng cường, củng cố được tiềm lực quốc phòng an ninh. Xét về tiêu chí môi trường, các cảng biển Hải Phòng có mức chi phí đầu tư cho công tác đảm bảo môi trường còn khá khiêm tốn. Về cơ bản các cảng đều tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đều đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường hay đề án bảo vệ môi trường được cơ quan chức năng phê duyệt theo đúng quy định và lập hồ sơ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại nộp về Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng và đã được Sở Tài nguyên Môi trường Hải Phòng cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại cho các đơn vị. Tuy nhiên, một số cảng triển khai công tác quản lý bảo vệ môi trường hiệu quả chưa cao, còn mang tính hình thức, đối phó với quy định và thiếu tính tự giác trong thực hiện các quy định về quản lý và bảo vệ môi trường. Về thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, hiện nay nhiều cảng biển Hải Phòng đã và đang triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường, tuy nhiên còn một số cảng vẫn chưa thực hiện tốt công tác này. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về môi trường còn hạn chế…
Trước những thực trạng trên, Ban chủ nhiệm đề tài xây dựng mô hình phát triển bền vững dịch vụ logistics thành phố Hải Phòng theo hướng đô thị cảng biển xanh với việc xác định xu thế phát triển của các thành phố cảng biển liên quan tới thương mại hàng hải, sự phát triển của năng lực đội tàu thế giới; xác định nguyên lý xây dựng mô hình tại thành phố Hải Phòng và đề xuất xây dựng mô hình với nguyên lý và các cấu thành hoạt động gồm: Xây dựng, điều chỉnh, cập nhật thường xuyên bộ tiêu chí đối với hàng hóa trong và ngoài thành phố tiếp cận với Cảng Hải Phòng; Thiết lập các vệ tinh “ĐIỂM DỪNG” nhằm gom hệ thống hàng lẻ hoặc hàng của các đơn vị không đạt yêu cầu, trong đó “ĐIỂM DỪNG” sử dụng phương tiện đạt yêu cầu theo bộ tiêu chí và tại các điểm vệ tinh dùng các giải pháp nhằm giảm lượng phương tiện chạy rỗng một chiều. Để thiết lập được mô hình tổng quát trên, nhóm nghiên cứu chỉ ra cần có các chuỗi cung ứng xanh, hệ thống thông tin logistics xanh, hệ giao thông xanh hợp nhất, hệ điều hành và giám sát logistics xanh. Để triển khai thực hiện mô hình vào thực tiễn, cần triển khai các nhóm giải pháp về: nhân lực, công nghệ, thu hút vốn đầu tư, cơ chế chính sách và các nhóm giải pháp khác (khuyến khích phát triển logistics ở các doanh nghiệp có tiềm lực mạnh, tăng cường liên doanh, liên kết trong hoạt động logistics).
Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra được lợi thế của hoạt động logistics của thành phố có cảng biển cùng bộ tiêu chí phát triển bền vững theo tiêu chí xanh cùng một số giải pháp thực tiễn để Bộ Giao thông vận tải, thành phố Hải Phòng thúc đẩy hoạt động bền vững hoạt động dịch vụ Logistics nhằm tác động tích cực đến kinh tế-xã hội cảng cửa ngõ khu vực phía Bắc.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài tại Trung tâm Thông tin, Thống kê KH&CN Hải Phòng hoặc Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia./.
- Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế xác lập hệ thống tiêu chí, chỉ số đánh giá, giám sát... (30/10/2024)
- Nghiên cứu thử nghiệm sản xuất giống sò huyết Anadara granosa trong ao (28/10/2024)
- Quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường vùng nuôi trồng thủy sản tại một số tỉnh... (25/10/2024)
- Nghiên cứu xây dựng bộ công cụ số hóa đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo cho doanh... (23/10/2024)
- Một số giải pháp chính sách thực hiện chiến lược kinh tế biển xanh trong xây dựng... (21/10/2024)
- Nghiên cứu phát triển kỹ thuật PCR đa mồi (multiplex PCR) để phát hiện nhanh một... (18/10/2024)