Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 15246
Tổng truy cập : 57,998

Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN

Nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất chế phẩm sinh học từ cây sở, cây dầu giun và cây nghể răm để phòng trừ một số côn trùng gây hại trên cây chanh dây (18/04/2025)

Theo Cục Bảo vệ Thực vật – Bộ Nông nghiệp và PTNT trong 5 năm trở lại đây sản lượng và kim ngạch xuất khẩu chanh dây Việt Nam đã tăng 300 % và chanh dây nằm trong top 10 cây ăn quả của Việt Nam có giá trị xuất khẩu cao nhất năm 2021, sản lượng xuất khẩu chanh dây của Việt Nam chỉ đứng sau Brazil, Peru và Ecuador. Với giá trị kinh tế cao, người dân đã từng có phong trào chặt bỏ cà phê chuyển đổi sang trồng chanh dây với hy vọng tăng thu nhập. Bên cạnh với sự phát triển nhanh diện tích chanh dây, sự phát triển sâu bệnh và sâu hại vượt tầm kiểm soát đã tàn phá nhiều vườn chanh dây và nhiều nông dân đã hoàn toàn bất lực trước sâu hại và dịch bệnh trên cây chanh dây. Từ chỗ chặt cà phê ồ ạt trồng chanh dây với hy vọng thu lãi cao thì hiện nay nhiều nhà vườn đang làm theo hướng ngược lại: chặt bỏ chanh dây để trồng lại cà phê dù tiềm năng tiêu thụ và xuất khẩu chanh dây vẫn rất lớn nếu đáp ứng được tiêu chí chất lượng và an toàn thực phẩm.

Canh tác chanh dây đang đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là sự tấn công tàn phá bởi côn trùng gây hại như: rầy mềm, rệp sáp, bọ xít muỗi, bọ trĩ, ruồi đục quả, bọ phấn,… Đây là những đối tượng gây hại chính ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng chanh dây. Ngoài việc chích hút làm suy kiệt cây thì nhiều côn trùng là vector truyền bệnh gây lây nhiễm bệnh cho chanh dây trong đó có bệnh khảm trái nguy hiểm do virus Passion Fruit Woodiness (PFW) gây ra. Do việc trồng chanh dây mang tính tự phát không quy hoạch thành vùng chuyên canh, các vườn chanh dây thường được trồng xen kẽ với các diện tích trồng các cây trồng khác vì vậy chỉ mấy ngày sau mỗi lần phun thuốc thì côn trùng gây hại lại tràn sang từ các vườn trồng cây trồng khác, bắt buộc người nông dân phải phun thuốc liên tục gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và ô nhiễm nông sản đến mức không thể xuất khẩu. Mặt khác, việc sử dụng liên tục thuốc hóa học gây nên hiện tượng côn trùng kháng thuốc, bắt buộc phải tăng liều lượng liên tục.

Trong khi đầu ra cho chanh dây ở thị trường trong nước rất bấp bênh thì nhu cầu chanh dây phục vụ xuất khẩu, đặc biệt là chanh dây trồng theo phương thức canh tác hữu cơ không đủ đáp ứng nhu cầu đầu ra. Ước tính thị trường xuất khẩu chanh dây tăng ít nhất 30 %/năm. Nhu cầu thế giới đối với chanh dây tươi là hàng trăm nghìn tấn quả/năm, với nước ép chanh dây cô đặc khoảng trên 30.000 tấn/năm. Để tham gia vào thị trường này, chanh dây Việt Nam bắt buộc phải đảm bảo quy trình canh tác khắt khe, hạn chế tối đa thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Đặc biệt đối với nhóm chanh dây hữu cơ thì việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tiêu diệt côn trùng là không cho phép. Sử dụng chế phẩm sinh học an toàn, thân thiện với môi trường là giải pháp tối ưu để hướng tới nghề trồng chanh dây phục vụ xuất khẩu. Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu để khuyến cáo đưa vào sử dụng một sản phẩm trừ sâu sinh học có nguồn gốc từ các chiết xuất sinh học an toàn thay thế cho thuốc hóa học độc hại là một hướng đi tích cực đóng góp cho sự phát triển của vùng chanh dây.

Xuất phát từ thực trạng trên, Viện Ứng dụng công nghệ chủ trì thực hiện nhiệm vụ, Kỹ sư Nguyễn Thị Liên làm chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất chế phẩm sinh học từ cây Sở, cây Dầu giun và cây Nghể răm để phòng trừ một số côn trùng gây hại trên cây Chanh dây”.

A close-up of a flower and fruit

AI-generated content may be incorrect.

Chanh dây (Passiflora edulis).

Bên cạnh nghiên cứu hoạt tính sinh học và chiết xuất từ 03 loại cây trên, nhóm tác giả nghiên cứu ảnh hưởng của nồng độ dung môi và thời gian tách chiết đến hàm lượng saponin triterpenoid thu được từ bột bã dầu hạt Sở; xác định tỷ lệ nguyên liệu nước và thời gian tách chiết tinh dầu thích hợp ở cây Dầu giun; xác định tỷ lệ nguyên liệu nước và thời gian tách chiết tinh dầu thích hợp ở cây Nghể răm; đánh giá khả năng tiêu diệt một số côn trùng chính gây hại trên cây Chanh dây của các chiết xuất thu nhận được trong điều kiện phòng thí nghiệm; nghiên cứu ảnh hưởng của một số phụ gia đến hoạt tính của chế phẩm, xây dựng quy trình sản xuất chế phẩm sinh học với quy mô pilot 20L/mẻ; đánh giá hiệu lực của chế phẩm sinh học trong việc tiêu diệt rầy mềm (Aphis gossipii), bọ phấn trắng (Bemisia tabaci) trong điều kiện nhà màng; đánh giá hiệu lực của chế phẩm sinh học trong việc tiêu diệt một số côn trùng mục tiêu trên cây chanh dây ngoài đồng ruộng và xây dựng mô hình thử nghiệm chế phẩm sinh học quy mô 500m2 để phòng trừ rầy mềm (Aphis gossypii), bọ phấn trắng (Bemisia tabaci) trên cây Chanh dây.

Các kết quả nghiên cứu đã xác định được nồng độ EtOH 80%, thời gian ngâm chiết 96 giờ, cao chiết được bảo quản trong lọ kín ở nhiệt độ 4oC, nguyên liệu chưng cất tinh dầu thích hợp nhất là 1:5 ở thời gian 1 giờ, chưng cất ở tỷ lệ nguyên liệu: nước (1: 5) trong thời gian 1 giờ là những thông số cố định cho các thí nghiệm tiếp theo. Kết quả nghiên cứu cũng đã xây dựng được quy trình sản xuất chế phẩm sinh học dạng nhũ dầu (EC) với nồng độ tinh dầu cây Dầu giun 0,4%, cao chiết bột bã dầu sở 0,15 % và Tween 80 ở 0,075%. Chế phẩm sinh học đạt hàm lượng saponin tổng 19,0%; hàm lượng saponin triterpenoid 6,67%; hàm lượng Ascaridol 39,30%; hàm lượng Terpineol 39,46%, bảo quản sau 9 tháng. Kết quả thử nghiệm chế phẩm sinh học ở điều kiện nhà màng cho thấy chế phẩm sinh học có hiệu lực tiêu diệt rầy mềm và bọ phấn trắng cao, nồng độ sử dụng tối thiểu phun là 7,5 mL/L. Hiệu quả tiêu diệt rầy mềm của chế phẩm sinh học trên cây Chanh dây trong điều kiện ngoài đồng ở nồng độ 10 mL/L được chọn là nồng độ thích hợp cho việc phòng trừ rầy mềm đạt trên 70%, có hiệu lực cao hơn thuốc Bonide Neem Oil 1,55 lần và duy trì đến 7 ngày sau phun. Hiệu quả tiêu diệt bọ phấn trắng của chế phẩm sinh học trên cây Chanh dây trong điều kiện ngoài đồng ở nồng độ 11,25 mL/L được chọn là nồng độ thích hợp cho việc phòng trừ bọ phấn trắng đạt trên 70 %, có hiệu lực cao hơn thuốc Bonide Neem Oil 1,79 lần và có hiệu lực duy trì đến 7 ngày sau phun. Mô hình sử dụng chế phẩm sinh học tiêu diệt rầy mềm đạt hiệu quả kinh tế của chế phẩm sinh học cao hơn với đối chứng 112.582.560 đồng/ha, cao hơn thuốc Actara 25WG 752.560 đồng/ha và cao hơn thuốc Voliam Tarro 063SC 38.317.560 đồng/ha. Mô hình sử dụng chế phẩm sinh học tiêu diệt bọ phấn trắng đạt hiệu quả kinh tế của chế phẩm sinh học cao hơn với đối chứng 174.707.900 đồng/ha, cao hơn thuốc Actara 25WG 607.900 đồng/ha và cao hơn thuốc Voliam Tarro 063SC 39.602.900 đồng/ha.

Với kết quả nghiên cứu trên, nhóm tác giả đề xuất phân tích đánh giá dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong quả để so sánh thuốc có đạt yêu cầu cách ly, đồng thời tiếp tục thử nghiệm chế phẩm sinh học đối với các loài côn trùng gây hại khác trên cây chanh dây.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu tại Trung tâm Thông tin và Truyền thông Hải Phòng./.