Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 23509
Tổng truy cập : 57,998

Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN

Nghiên cứu tác nhân gây đóm trắng nội tạng cá Nheo mỹ nuôi lồng và biện pháp phòng trị (19/03/2025)

Cá Nheo mỹ (Ictalurus punctatus Rafinesques, 1818) là loài cá bản địa của Châu Mỹ, hiện đang trở thành đối tượng nuôi thủy sản quan trọng tại Việt Nam, được nuôi nhiều và mang lại hiệu quả kinh tế cao ở khu vực phía Bắc. Cá Nheo mỹ lớn nhanh, thịt cá có giá trị dinh dưỡng cao, giàu khoáng và vitamin, tỉ lệ đạm trong thịt cá cao nhưng cholesterol thấp. Đây là loại cá không có xương dăm, dễ chế biến thành nhiều món ngon do đó được ưa chuộng trên thị trường.

Cá Nheo mỹ có thể được nuôi trong các hệ thống nuôi khác nhau như ao đất, lồng bè, trong bể và có thể nuôi ghép với một số đối tượng như cá chép, cá mè để tận dùng tầng nước và tăng hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, việc phát triển nuôi quá nhanh, mang tính tự phát khó kiểm soát, người nuôi thiếu hiểu biết về kỹ thuật, cơ sở hạ tầng và dịch vụ còn nhiều hạn chế. Tại các lồng nuôi trên sông, hồ chứa phát hiện thấy cá Nheo mỹ bị đốm trắng ở một số nội quan gây hoại tử nội quan tạo ra các đốm trắng trong gan, thận, lách và khi cá bị nhiễm ấu trùng sán giai đoạn Cercaria di chuyển tạo các vết loét thủng trên cơ thể cá. Tại Việt Nam, chưa có nhiều nghiên cứu xác định tác nhân gây bệnh, thông tin dịch tễ cũng như thử nghiệm phác đồ điều trị đặc hiệu cho bệnh này. Người nuôi đang lạm dụng hóa chất trong xử lý nước, không coi trọng việc phòng bệnh, tình hình bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, phương pháp chẩn đoán bệnh còn cảm quan và theo kinh nghiệm nên độ chính xác không cao từ đó dẫn tới lựa chọn phương pháp điều trị sai, tăng chi phí sản xuất và gây thiệt hại lớn.

Với mục tiêu xác định tác nhân gây bệnh đốm trắng nội tạng ở cá Nheo mỹ nuôi lồng ở các tỉnh phía bắc và đưa ra được biện pháp phòng trị bệnh đốm trắng nội tạng cho cá Nheo mỹ nuôi lồng. Năm 2020, Học viện Nông nghiệp Việt Nam được phê duyệt thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ: “Nghiên cứu tác nhân gây đóm trắng nội tạng cá Nheo mỹ nuôi lồng và biện pháp phòng trị”. Nghiên cứu này bao gồm 05 nội dung, trong đó có 04 nội dung nghiên cứu (Điều tra và thu mẫu cá Nheo mỹ nuôi lồng bị bệnh ở khu vực phía Bắc; Kiểm tra nội, ngoại ký sinh trùng ký sinh trên da, mang, gan, ruột cá Nheo mỹ nuôi lồng; Nuôi cấy, phân lập và nhận dạng vi khuẩn gây bệnh; Theo dõi phòng và trị bệnh đốm trắng nội tạng cá Nheo mỹ nuôi lồng) và 01 nội dung tổng hợp. Đối tượng nghiên cứu là các tác nhân gây bệnh được xác định từ cá Nheo mỹ; cá Nheo mỹ dùng để thử nghiệm phòng bệnh đóm trắng nội tạng khi nuôi lồng.

Triển khai đề tài, nhóm nghiên cứu đã tiến hành điều tra 270 hộ nuôi cá Nheo mỹ trong lồng tại 09 tỉnh/thành phố đại diện cho khu vực phía Bác, nơi có hệ thống nuôi cá Nheo mỹ trong lồng trên sông (05 tỉnh/thành phố: Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Phú Thọ) và trên hồ chứa (04 tỉnh gồm Hòa Bình, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La). Kết quả cho thấy đây đều là những khu vực đang còn nhiều tiềm năng phát triển nuôi cá lồng nói chung và nuôi cá Nheo mỹ trong lồng nói riêng. Tuy nhiên, nghề nuôi cá Nheo mỹ trong lồng đang gặp phải rất nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt là vấn đề dịch bệnh. Kết hợp thu ngẫu nhiên 150 mẫu cá Nheo mỹ trong quá trình điều tra để đưa về phân tích xác định nguyên nhân làm tiền đề cho công tác phòng trị.

Từ năm 2020-2021, số lồng nuôi cá Nheo mỹ tập trung có xu hướng giảm so với các năm trước, tỉ lệ nuôi cá Nheo mỹ trung bình chỉ chiếm 24,3% tổng số lồng nuôi do gặp khó khăn: nguồn giống cá Nheo mỹ không chủ động, chủ yếu nhập từ Trung Quốc được người nuôi nhập qua thương lái mà không qua kiểm dịch, dịch bệnh gia tăng, giá thức ăn tăng cao, giá cá thương phẩm thấp và thị trường tiêu thụ bấp bênh dẫn đến lợi nhuận thấp, tỉ suất lợi nhuận chỉ đạt 5,6% sau 18 tháng, số hộ bỏ lồng tăng, nghề nuôi cá Nheo mỹ đứng trước nguy cơ phát triển không bền vững.

Qua kiểm tra nội, ngoại ký sinh trùng ký sinh trên 150 mẫu cá Nheo mỹ thu thập được, kết quả cho thấy ở cả hệ thống nuôi trên sông và trên hồ chứa, cá Nheo mỹ đều nhiễm các loại ký sinh trùng (trùng bánh xe, sán lá, trùng quả dưa, rận cá) với tỉ lệ nhiễm và cường độ khác nhau. Có 59,7% mẫu cá Nheo mỹ bị bệnh đốm trắng nội tạng, trong đó cá Nheo mỹ nuôi lồng trên sông nhiễm (78,7%) nhiều hơn trên hồ chứa (6,2%), gan là cơ quan đích xuất hiện các đốm trắng chiếm đến 82,8% mẫu nhiễm. Bằng phương pháp quan sát mô tả hình thái và giám định bằng sinh học phân tử xác định được tác nhân chính gây bệnh là ấu trùng sán lá Dollfustrema bagarii. Đã xác định được tác nhân gây ra các đốm trắng trong nội tạng cá Nheo mỹ là ấu trùng metacercariae của sán lá Dollfustrema bagarii thông qua làm tiêu bản xác định hình thái theo khóa phân loại và giải trình tự gen 28S rDNA (1261bp). Các triệu chứng, bệnh tích đại thể và bệnh tích vi thể của bệnh đốm trắng nội tạng được tổng hợp lại thành dấu hiệu đặc trưng để nhận biết bệnh. Cá Nheo mỹ bị bệnh đốm trắng nội tạng có biểu hiện lở loét khu vực miệng, đầu và xương nắp mang, đôi khi bắt gặp những lỗ thủng có thể xuyên tới ruột. Tỉ lệ này đạt 29,3% số cá được kiểm tra. Ngoài lở loét, còn xuất hiện các vết hoạt tử, thối mang với tỉ lệ 20,7% và lồi mắt nhẹ, xuất huyết với tỉ lệ 10,3%. Một số mẫu có cặn bã hữu cơ bám ở răng, miệng cá chiếm 12,1%. Lỗ hậu môn, gốc vây có xuất huyết nhẹ chiếm 32,8% số cá được kiểm tra.

Nhóm nghiên cứu cũng đã xác định được các vi khuẩn gây bệnh khác đóng vai trò là tác nhân cơ hội đã thâm nhập vào cơ thể cá và có ảnh hưởng trầm trọng hơn các triệu chứng bệnh cũng như gây khó khăn trong việc nhận biết và điều trị bệnh. Thông qua nuôi cấp phân lập, thử phản ứng sinh hóa và giám định bằng sinh học phân tử, nhóm nghiên cứu đã xác định được các loài vi khuẩn Aeromonas spp., Edwardsiella ictaluri, Flavobacterium columnare. Từ đó làm kháng sinh đồ để đưa ra cơ sở cho bố trí thí nghiệm điều trị bệnh khi có dấu hiệu bội nhiễm vi khuẩn.

Theo dõi công tác phòng bệnh được thực hiện tại 06 lồng nuôi tại 2 tỉnh Bắc Ninh và Yên Bái. Kết quả cho thấy sử dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh trên cá Nheo mỹ nuôi lồng. Bên cạnh đó, phác đồ Praziquantel (20 mg/kg cá/ngày trong 03 ngày), Ivermectin (0,25 mg/kg cá/ngày trong 3 ngày) cho ăn định kỳ 01 đợt/tháng đã giảm tỉ lệ nhiễm và cường độ nhiễm.

Công tác phòng bệnh luôn được đặt lên hàng đầu, người nuôi thực hiện các biện pháp phòng bệnh tổng hợp sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh trên đàn cá nuôi. Theo dõi điều trị bệnh với 12 lồng nuôi cá Nheo mỹ bị nhiễm bệnh đốm trắng nội tạng tại 4 địa điểm khác nhau để điều trị sớm làm giảm tỉ lệ nhiễm và cường độ nhiễm. Liều dùng Praziquantel (40-50 mg/kg cá/ngày trong 3 ngày), Ivermectin (0,3 mg/kg cá/ngày trong 3 ngày) hiệu quả trong điều trị bệnh đốm trắng nội tạng trên cá Nheo mỹ. Chăm sóc phục hồi cho cá sau khi điều trị bệnh bằng các loại thuốc bổ gan có thành phần sorbitol, inositol và vitamin tổng hợp mang lại hiệu quả cao.

Đưa ra các khuyến cáo cho người nuôi về phòng và điều trị bệnh đốm trắng nội tạng cá Nheo mỹ. Trong đó nhấn mạnh, cần nghiên cứu mới và chuyên sâu về các thông tin dịch tễ của bệnh, đặc biệt là vòng đời của loài ấu trùng sán lá ký sinh nội tạng cá Nheo mỹ (Dollfustrema bagarii) này. Từ đó làm cơ sở để có thêm những nghiên cứu về việc phòng bệnh bằng các biện pháp an toàn sinh học. Cần có thêm thử nghiệm với số lượng lồng, số lượng cá lớn hơn, với các địa điểm khác nhau để có đánh giá chung về hiệu quả sử dụng thuốc để phòng bệnh nói chung cho đối tượng nuôi này, từ đó có thể mở rộng ứng dụng cho các mô hình nuôi khác phổ biến hiện nay.

 

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu tại Trung tâm Thông tin, Thống kê khoa học và công nghệ Hải Phòng hoặc Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia./.