Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 29070 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN
Nghiên cứu thiết kế và xây dựng trục tích hợp (Enterprise Bus - ESB) trên mạng truyền số liệu chuyên dùng thành phố Hải Phòng (20/08/2024)
Với sự phát triển của kinh tế xã hội, hầu hết các địa phương trên cả nước đều tiến hành xây dựng các ứng dụng để hướng tới xây dựng Chính quyền điện tử. Việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trên tất cả các lĩnh vực đã góp phần tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và quản trị doanh nghiệp. Tuy CNTT được ứng dụng nhiều trong các cơ quan nhà nước nhưng mang tính rời rạc, không liên kết thành một hệ thống, văn bản điện tử không được truyền thông suốt giữa các cơ quan nhà nước, dữ liệu không được chia sẻ và khai thác chung, dẫn đến hiệu quả sử dụng còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu ứng dụng CNTT của thành phố. Tại mỗi sở, ban, ngành đều có hệ thống CNTT và website riêng, cung cấp thông tin về quản lý nhà nước một cách độc lập đối với các đơn vị khác. Mỗi hệ thống lại có cấu hình khác nhau, do những nhà phát triển, tích hợp khác nhau thực hiện. Các đơn vị sử dụng các giải pháp phần mềm của các nhà cung cấp khác nhau ví dụ như Công ty Cổ phần BKAV, Công ty Cổ phần Công nghệ tin học EFY, Công ty AG, Công ty VSS, VNPT Hải Phòng, Trung tâm thông tin truyền thông, Trung tâm Công nghệ phần mềm Hải Phòng, Trung tâm thông tin - tin học thuộc Văn phòng UBND thành phố. Các giải pháp được phát triển trên các nền tảng khác nhau như .NET, Java... Thành phố chưa ban hành các tiêu chuẩn kết nối liên thông do đó các phần mềm này chưa thể trao đổi dữ liệu với nhau. Các dịch vụ công cũng được tạo ra trên những nền tảng (plaform) khác nhau với ngôn ngữ lập trình đa dạng, do vậy mặc dù một số dịch vụ công trực tuyến đã được triển khai ở mức độ 3, 4 nhưng chưa được kết nối với hệ thống một cửa. Hồ sơ được gửi lên hệ thống một cửa và hồ sơ được gửi từ dịch vụ công trực tuyến trên cổng thông tin điện tử là hai định dạng dữ liệu khác nhau, chưa được đồng bộ hóa, gây ra nhiều bất tiện cho người nộp hồ sơ.
Để giải quyết những tồn tại đó mà không phải bỏ hoàn toàn các ứng dụng đã có, cần xây dựng một hệ thống trục tích hợp trên mạng truyền số liệu chuyên dùng. Hệ thống này sẽ giúp các hệ thống CNTT khác nhau có thể hiểu được nhau, có thể trao đổi, truyền nhận dữ liệu với nhau. Trước thực tế đó, ThS. Nguyễn Trung Nghĩa cùng các cộng sự thuộc Trung tâm Công nghệ phần mềm (Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng) thực hiện đề tài Nghiên cứu thiết kế và xây dựng trục tích hợp (Enterprise Bus - ESB) trên mạng truyền số liệu chuyên dùng thành phố Hải Phòng, được tư vấn đánh giá, nghiệm thu tại Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng.
Triển khai đề tài, Ban chủ nhiệm tiến hành nghiên cứu tổng quan về trục tích hợp, gồm: tổng hợp, hệ thống hóa về các cơ sở pháp lý, chủ trương của chính phủ và thành phố; hiện trạng ứng dụng CNTT; hiện trạng mạng truyền số liệu chuyên dùng (TSLCD) thành phố Hải Phòng. Từ đó nghiên cứu về yêu cầu và giải pháp đối với trục tích hợp tại Hải Phòng, như: phương thức, tiêu chuẩn xác định và định danh các thành phần kết nối vào trục tích hợp; về định dạng dữ liệu, định dạng thông báo được luân chuyển trên trục tích hợp; phương thức mã hóa, bảo mật và toàn vẹn dữ liệu trên trục tích hợp; phương thức định tuyến dữ liệu và thông báo của trục tích hợp; giao thức dùng để kết nối vào trục tích hợp phù hợp với trục kết nối thành phố Hải Phòng. Sau khi nghiên cứu tổng quan, các phương thức và tiêu chuẩn trục kết nối, Ban chủ nhiệm đề tài xây dựng trục tích hợp với việc phân tích thiết kế hệ thống trục tích hợp phù hợp yêu cầu của Hải Phòng; xây dựng bộ tiêu chuẩn kết nối; nghiên cứu đề xuất hệ thống phần cứng; xây dựng lộ trình tích hợp và tài liệu hướng dẫn kết nối.
Mô tả kiến trúc hệ thống trục tích hợp.
Theo đó, các tác giả đề tài thiết kế hệ thống trục tích hợp với các chức năng: Quản lý các đơn vị trên hệ thống; Định dạng chuẩn dữ liệu; Cung cấp các phương thức xác thực kết nối LDAP, AD, Oauth, OpenID; Cung cấp các chức năng mã hóa, giải mã dữ liệu khi truyền nhận; Cung cấp các chức năng tổng hợp, báo cáo, thống kê số liệu về tiến độ giải quyết hồ sơ; Kết nối và công bố số liệu lên Cổng thông tin điện tử thành phố và Cổng thông tin điện tử Chính phủ; Kết nối các ứng dụng thông qua các gia thức SAOP, Webservice,... bằng hệ thống các API; Kết nối đến nhiều CSDL khác nhau như MS SQL, MySQL, Oracle,…và Tích hợp các danh mục dùng chung thống nhất trong hệ thống. Bộ tiêu chuẩn kết nối các phần mềm trong hệ thống Chính phủ điện tử thành phố Hải Phòng gồm: tiêu chuẩn trao đổi dữ liệu, tiêu chuẩn định dạng về dữ liệu, tiêu chuẩn mã hóa dữ liệu, tiêu chuẩn kết nối. Việc xây dựng phần mềm trục tích hợp trên mạng truyền số liệu chuyên dùng tại thành phố Hải Phòng được thực hiện với việc lựa chọn ngôn ngữ lập trình, giới thiệu Drupal và các giải pháp thực hiện; xác định các yêu cầu về vận hành hệ thống (phần mềm, phần cứng và nhân lực quản trị).
Nghiên cứu cũng tiến hành kiểm tra và thử nghiệm tích hợp hệ thống với các phần mềm trong cơ quan nhà nước. Việc kết nối đã được thực hiện thành công đảm bảo gói tin được chuyển đi và đến đúng địa chỉ, đảm bảo tính phù hợp và tính chính xác. Kết nối thành công với dịch vụ Bưu chính công ích của Bưu điện Việt Nam (VNPost) đảm bảo cho người dân, doanh nghiệp hoàn toàn có thể sử dụng dịch vụ này của Bưu điện Việt Nam để gửi và nhận hồ sơ dịch vụ hành chính công trực tuyến. Trục kết nối ESB Hải Phòng đã được thử nghiệm tích hợp kết nối thành công phần mềm Quản lý văn bản của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng với trục văn bản của văn phòng Chính phủ giúp cho việc gửi và nhận văn bản từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng với văn phòng Chính phủ được dễ dàng, nhanh chóng. Đồng thời trục ESB Hải Phòng đã kết nối phần mềm Một cửa điện tử của các cơ quan đơn vị tại thành phố Hải Phòng là Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Du lịch, quận Đồ Sơn, quận Ngô Quyền và quận Hồng Bàng với dịch vụ Bưu chính công ích của Bưu điện Việt Nam (VNPost) thành công giúp cho người dân và doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ này của Bưu điện để gửi, nhận kết quả và thanh toán phí hồ sơ dịch vụ hành chính công đến các cơ quan đơn vị ngay tại nhà.
Đánh giá hiệu quả thử nghiệm, nhóm nghiên cứu kết luận, trục ESB Hải Phòng được thử nghiệm kết nối các phần mềm một cửa điện tử của các đơn vị khác nhau; không phụ thuộc vào giao thức kết nối mà phần mềm ở các đơn vị đó đang sử dụng; không phụ thuộc vào định dạng dữ liệu truyền tải và đảm bảo khả năng mở rộng quy mô khi cần thiết. Việc triển khai phần mềm đảm bảo việc liên thông dữ liệu giữa các đơn vị hành chính trên địa bàn thành phố, cho phép các đơn vị thực hiện tiếp nhận và xử lý thủ tục hành chính công được tiếp nhận trực tuyến từ Cổng dịch vụ công thành phố và đồng thời công khai tiến độ giải quyết thủ tục hành chính công của đơn vị mình lên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, giúp việc cập nhật thông tin, tiến độ xử lý giải quyết hồ sơ của các cơ quan trên địa bàn thành phố Hải Phòng được dễ dàng và nhanh chóng, cải thiện chỉ số cải cách hành chính của thành phố. Trong quá trình thử nghiệm, hệ thống không phát sinh lỗi chức năng nào khi kết nối, vì vậy không cần chỉnh sửa phần mềm sau kết nối thử nghiệm. Với thành công trên, nhóm nghiên cứu cũng xây dựng lộ trình tích hợp các ứng dụng trong cơ quan nhà nước trên địa bàn thành phố.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ./.
- Nghiên cứu đánh giá vai trò của chính quyền điện tử trong cải thiện môi... (24/12/2024)
- Vai trò, giá trị của tôn giáo trong xây dựng khối đạ đoàn kết dân tộc (11/12/2024)
- Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thử nghiệm thiết bị thông minh trong giữ phương tiện... (11/12/2024)
- Nghiên cứu chọn tạo giống lạc có hàm lượng dầu cao (10/12/2024)
- Nghiên cứu các giải pháp phát triển nguồn nhân lực phục vụ chiến lược biển Việt Nam (09/12/2024)
- Nghiên cứu đánh giá tình hình thực hiện và đề xuất giải pháp thúc đẩy đề án phát... (06/12/2024)