Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 31562 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN
Nghiên cứu thử nghiệm sản xuất giống sò huyết Anadara granosa trong ao (28/10/2024)
Theo định hướng phát triển ngành thủy sản đến năm 2030, diện tích nuôi sò huyết là 12.870 ha và sản lượng 75.540 tấn với mục tiêu chủ động cung cấp 100% nguồn giống đảm bảo chất lượng cho nuôi thương phẩm (theo Quyết định số 3529/QĐ-BNN-TCTS). Tuy nhiên, khó khăn của người nuôi sò huyết là chất lượng giống để mô hình phát triển bền vững còn rủi ro nên còn hạn chế hiệu quả nuôi. Hiện nay, một số cơ sở thực hiện sản xuất giống sò huyết trong ao đất lót đáy bạt, qua khảo sát sơ bộ của nhóm đề tài với một số nông hộ tại xã Lý Nhơn (huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh) cho thấy, bên cạnh ưu điểm diện tích ao lớn, tận dụng được nguồn tảo có trong tự nhiên làm thức ăn cho sò huyết nên không tốn nhiều chi phí thức ăn, bên cạnh đó chất lượng nước vào mùa khô phù hợp để sản xuất giống, tuy nhiên hình thức này còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong kỹ thuật nên còn nhiều rủi ro trong sản xuất. Để loại hình sản xuất sò giống trong ao hiện nay có thể tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt hơn, sản lượng cao hơn thì cần có những nghiên cứu để xác định một số yếu tố cần thiết phù hợp với đặc điểm sinh học sinh sản và phát triển của sò huyết qua các giai đoạn. Theo đó, Trung tâm Quốc gia Giống Hải sản Nam Bộ (thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II) chủ trì thực hiện đề tài khoa học và công nghệ tiềm năng cấp bộ Nghiên cứu thử nghiệm sản xuất giống sò huyết Anadara granosa trong ao, TS. La Xuân Thảo làm chủ nhiệm, thực hiện từ tháng 01/2022 đến tháng 12/2023.
Chọn sò bố mẹ.
Nghiên cứu thực hiện điều tra 6/12 nông hộ sản xuất giống sò huyết tại huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh, chủ yếu tập trung tại xã Lý Nhơn. Giống sò huyết được sản xuất trong ao lót bạt với diện tích từ 200 - 500m2/ao, thời gian sản xuất tập trung vào mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, có bổ sung thức ăn là tảo Spirulina sp. khô và đáy cát. Kỹ thuật sản xuất dựa vào kinh nghiệm, chi phí đầu tư ở mức độ trung bình bằng vốn của nông hộ cho hiệu quả kinh tế ổn định. Tuy nhiên vẫn còn những hạn chế do phụ thuộc vào sự thay đổi thời tiết khi sản xuất ngoài trời, đặc biệt là độ mặn, nên tỷ lệ thành công trung bình là 20-25%, chưa được sự hỗ trợ kỹ thuật và nguồn vốn từ các cơ quan chuyên môn và quản lý.
Nghiên cứu cũng cho thấy, sò huyết thành thục quanh năm nhưng sò huyết thành thục tập trung từ tháng 3 đến tháng 7 ở Bến Tre và từ tháng 3 đến tháng 8 ở Cà Mau. Kích thước thành thục lần đầu là 22mm đối với sò ở Bến Tre và 21 mm đối với sò ở Cà Mau. Ban chủ nhiệm đề tài xây dựng quy trình sản xuất giống sò huyết trong ao với việc nghiên cứu các phương pháp kích thích sinh sản; từ đó thử nghiệm các điều kiện ương nuôi sò giống trong ao (xác định các điều kiện để sản xuất giống sò huyết trong ao ở giai đoạn ấu trùng trôi nổi và xác định các điều kiện ương từ ấu trùng sống đáy lên giống cấp 1) và xây dựng quy trình sản xuất giống sò huyết A. granosa trong ao làm tiền đề sản xuất giống sò huyết trong ao ở quy mô sản xuất. Trong đó, đã dự thảo được quy trình sản xuất giống sò huyết Anadara Granosa trong ao gồm 6 bước: Chuẩn bị (nguồn nước, ao lắng, ao ương, thức ăn, chất đáy); Sò bố mẹ (xác định mùa vụ sinh sản, mức độ thành thục, kích thích sinh sản, cho đẻ, tỷ lệ đẻ); Ấp trứng (số lượng trứng, tỷ lệ thụ tinh, tỷ lệ nở, mật độ ấu trùng); Ương ấu trùng trôi nổi (Veliger) đến ấu trùng điểm mắt và ấu trùng sống đáy (spat) (mật độ ương, chất đáy, chăm sóc, spat); Ương ấu trùng sống đáy (spat) đến sò giống cấp I (mật độ ương, thức ăn, sò giống cấp I) và Thu hoạch.
Sơ đồ tóm tắt quy trình sản xuất giống sò huyết Anadara Granosa trong ao.
Kết quả sản xuất giống sò huyết trong ao ở quy mô sản xuất cho thấy, phương pháp kích thích sò sinh sản bằng sốc nhiệt kết hợp thay đổi độ ẩm bằng cách phơi dưới bóng râm kết hợp dòng chảy cho kết quả sinh sản hiệu quả với thời gian hiệu ứng 126,67 ± 20,82 phút; tỷ lệ sò sinh sản 82,67 ± 2,52%; sức sinh sản thực tế 2.111.903 ± 540,64 trứng/ cá thể; tỷ lệ thụ tinh của trứng 83,00 ± 2,00%; tỷ lệ nở 81,30 ± 1,53; tỷ lệ sò bố mẹ tử vong sau kích thích sinh sản 72 giờ là 20,67 ± 1,15%. Việc sản xuất giống sò huyết trong ao thực hiện trong điều kiện kích thích sò sinh sản bằng sốc nhiệt kết hợp thay đổi độ ẩm; giai đoạn ấu trùng Veliger đến giai đoạn sống đáy (spat) trong ao, sử dụng chất đáy là cát mịn (0,05 - 0,25 mm), mật độ ấu trùng Veliger là 1.000 con/l có bổ sung 0,2g Spirulina sp.khô/m3/lần, bổ sung 2 lần/ngày lúc 8 giờ sáng và 3 giờ chiều. Giai đoạn sống đáy (spat) đến con giống cấp I, lượng thức ăn bổ sung là 50 tế bào Chlorella sp./ml/lần hoặc 0,5g Spirulina sp./m2/lần, cho ăn hai lần hàng ngày vào lúc 8 giờ sáng và 3 giờ chiều ở mật độ ương 10.000 spat/m2. Kết quả sản xuất, tỷ lệ sò sinh sản đạt 82,67%, tỷ lệ thụ tinh của trứng đạt 83%, tỷ lệ nở 81,3%. Từ ấu trùng chữ D (Veliger) đến ấu trùng điểm mắt có tỷ lệ sống và tăng trưởng lần lượt là 31,22% và 2,96%/ngày. Từ ấu trùng chữ D (Veliger) đến giai đoạn đáp đáy (Spat) có tỷ lệ sống là 2,93% và tốc độ tăng trưởng là 3,72%/ngày. Từ spat đến sò giống cấp I có tỷ lệ sống và tăng trưởng lần lượt là 23,5% và 3,44%/ngày. Sản xuất giống sò huyết trong ao ở quy mô sản xuất được thực hiện 6 đợt từ tháng 1 đến tháng 12 năm 2023 cho tỷ lệ sản xuất thành công 66,67% (4/6); tủ suất lợi nhuận khi thành công dao động từ 38,96-97,86%; tỷ lệ sinh sản 53,4 - 87,4%; tỷ lệ thụ tinh của trứng 43,0 - 86,0%; tỷ lệ nở đạt 41,0 - 83,8%. Bên cạnh đó, tỷ lệ sống và tăng trưởng của ấu trùng chữ D (Veliger) đến ấu trùng điểm mắt lần lượt là 0 - 31,8% và 0 - 4,79%/ngày; tỷ lệ sống và tăng trưởng của ấu trùng điểm mắt - spat lần lượt là 0 - 9,5% và 0 - 5,67%/ngày; tỷ lệ sống và tăng trưởng của Veiger- spat lần lượt là 0 - 3,1% và 0 - 6,16%/ngày; tỷ lệ sống và tăng trưởng của spat - sò giống cấp I lần lượt là 0 - 25,96% và 0 - 5,00%/ngày. Số lượng sò giống cấp I nghiệm thu là 2.500.000 con với kích thước 1,5 - 2,0mm.
Từ kết quả nghiên cứu trên, Ban chủ nhiệm đề tài kiến nghị cần tiếp tục nghiên cứu kỹ thuật phù hợp trong điều kiện sản xuất giống sò huyết trong ao nhằm chủ động sản xuất trong điều kiện khí hậu biến đổi ngày càng tăng theo hướng tiêu cực như hiện nay, đồng thời mở rộng nghiên cứu điều kiện sản xuất ở các địa phương khác ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long- nơi có điều kiện tự nhiên để phát triển nghề nuôi sò huyết.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài tại Trung tâm Thông tin, Thống kê KH&CN Hải Phòng./.
- Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế xác lập hệ thống tiêu chí, chỉ số đánh giá, giám sát... (30/10/2024)
- Quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường vùng nuôi trồng thủy sản tại một số tỉnh... (25/10/2024)
- Nghiên cứu xây dựng bộ công cụ số hóa đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo cho doanh... (23/10/2024)
- Một số giải pháp chính sách thực hiện chiến lược kinh tế biển xanh trong xây dựng... (21/10/2024)
- Nghiên cứu phát triển kỹ thuật PCR đa mồi (multiplex PCR) để phát hiện nhanh một... (18/10/2024)