Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 8039
Tổng truy cập : 57,998

Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN

Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp khoa học – công nghệ, quản lý để nâng cao năng lực và phát triển bền vững các cụm cảng Hải Phòng và Quảng Ninh (22/04/2024)

Với mục tiêu xác lập được cơ sở lý luận về các yếu tố ảnh hưởng đến nâng cao năng lực và phát triển bền vững (PTBV) cảng biển; Đánh giá được thực trạng và dự báo yêu cầu nâng cao năng lực PTBV các cụm cảng Hải Phòng và Quảng Ninh với bộ cơ sở dữ liệu đầy đủ về hàng hóa (số lượng và cơ cấu), đội tàu, cơ sở hạ tầng (gồm các khu neo đậu, quay trở, luồng vào cảng, cầu tàu, hệ thống kho bãi, nhà điều hành) và trang thiết bị xếp dỡ, làm rõ được thực trạng và dự báo năng lực ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý, khai thác và bảo vệ môi trường các cụm cảng lựa chọn trong bối cảnh phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam; Đề xuất các giải pháp khoa học - công nghệ tiên tiến phục vụ xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ môi trường các cụm cảng Hải Phòng và Quảng Ninh, cụ thể: Nghiên cứu xử lý vật chất nạo vét luồng hàng hải để làm vật liệu san lấp và làm nền bãi chứa hàng hóa, giúp tránh ách tắc giao thông, từ đó nâng cao năng lực cảng biển cụm Cảng Hải Phòng; Ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao năng lực logistics cho 2 cụm cảng Hải Phòng và Quảng Ninh; Đề xuất cơ chế giải pháp về cơ chế chính sách trong quản lý, khai thác cảng (mô hình quản lý cảng); Đề xuất mô hình vận tải đa phương thức nhằm giải phóng hàng hóa qua cảng Hải Phòng và cảng Quảng Ninh.

Để đạt được những mục tiêu nêu trên không chỉ đầu tư tài chính vật chất lớn mà còn đòi hỏi đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và áp dụng những thành tựu kỹ thuật công nghệ tiên tiến trong xây dựng, quản lý, khai thác, để các cảng biển nhóm I trở thành động lực, đòn bẩy của kinh tế biển phía Bắc, góp phần nâng cao năng lực khai thác hệ thống cảng biển của cả nước. Xuất phát từ những thực tế đó, Viện nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Hàng Hải đã triển khai đề tài “Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp khoa học – công nghệ, quản lý để nâng cao năng lực và phát triển bền vững các cụm cảng Hải Phòng và Quảng Ninh” do TS. Trần Long Giang làm chủ nhiệm. Đây là đề tài Khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước thuộc chương trình “Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ phục vụ quản lý biển, hải đảo và phát triển kinh tế biển”.

Từ những kết quả nghiên cứu ứng dụng các giải pháp khoa học - công nghệ, quản lý để nâng cao năng lực và phát triển bền vững các cụm cảng Hải Phòng và Quảng Ninh, đề tài đã đạt được kết quả cụ thể như sau:

 

Việc ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng lực và phát triển bền vững cụm cảng Hải Phòng và Quảng Ninh là vấn đề thời sự cấp bách, có ý nghĩa thiết thực về nhiều mặt cho các địa phương tiếp giáp biển. Dựa vào việc phân tích có hệ thống các công trình nghiên cứu về cơ sở lý luận và đúc rút kinh nghiệm từ các chương trình, đề tài nghiêu cứu khoa học về lĩnh vực kinh tế biển và dự án nâng cao năng lực các cảng biển Chân Mây, cảng Quy Nhơn, cảng Cát Lái… Nhóm nghiên cứu đã đưa ra các mô hình trong quản lý, khai thác cảng, nâng cấp hạ tầng cảng, tái sử dụng vật chất nạo vét trong công tác duy tu các tuyến luồng hàng hải để thi công nền móng bãi chứa hàng hóa của cảng…

Vật chất nạo vét được lấy tại bãi chứa vật chất nạo vét tại khu vực Nam Đình Vũ, thành phố Hải Phòng.

Nhóm nghiên cứu đã hệ thống hóa các kết quả nghiên cứu, điều tra, bổ sung và đánh giá tổng hợp các điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng khu vực nghiên cứu và lượng hàng thông qua các cảng khu vực Hải Phòng và Quảng Ninh. Về tổng thể cả thành phố Hải Phòng và Quảng Ninh hiện đang sở hữu khá nhiều ưu thế nổi trội để phát triển cảng biển. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng khu vực Hải Phòng và Quảng Ninh ngày càng tăng nhanh. Trong khi đó tình trạng tắc nghẽn hàng hóa tại các cảng tập trung ở một số cảng chính vẫn chưa được giải quyết triệt để chủ yếu do hạ tầng cảng và chưa có sự liên kết giữa các cảng biển. Hiện nay, sự phát triển thiếu bền vững của các cảng biển là tình trạng mất cân đối trong cơ cấu đầu tư các cảng biển, chúng ta có rất nhiều cảng biển trải dài từ Bắc đến Nam, thậm chí có địa phương có rất nhiều cảng biển như Hải Phòng nhưng đa phần lại là cảng có quy mô vừa và nhỏ, các  cảng biển nước sâu, cảng đầu mối, cảng trung chuyển tầm cỡ khu vực và quốc tế vẫn còn thiếu. Biểu hiện của sự thiếu bền vững đó là các thủ tục quản lý, điều phối, điều tiết toàn bộ hoạt động quản lý, đầu tư kinh doanh khai thác cảng biển do rất nhiều cơ quan tham gia dẫn đến mô hình quản lý chồng chéo, hiệu quả không cao; trong khi trình độ công nghệ, phương tiện, trang bị xếp dỡ nâng hạ tại hầu hết các cảng biển lại lạc hậu, năng suất xếp dỡ đạt thấp so với khu vực và thế giới; hệ thống hạ tầng giao thông kết nối cảng biển tại một số địa phương còn bất cập dẫn đến thường xuyên ách tắc. Do đó việc phát triển bền vững cảng biển là hết  sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Nhóm nghiên cứu cũng đã chỉ ra được các yếu tố chủ yếu được xem là có nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển cảng biển nói chung và cảng Hải Phòng, Quảng Ninh nói riêng đó là: Cần xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ trong hoạt động cảng biển. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng cảng biển hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ sẽ giúp xếp dỡ hàng hóa, giải phóng tàu hàng nhanh  chóng… nâng cao hiệu quả hoạt động các dịch vụ cảng biển; Có cơ chế quản lý, khai thác dịch vụ cảng biển; Thu hút và sử dụng vốn đầu tư trong lĩnh vực cảng biển hiệu quả. Cảng biển nói chung và dịch vụ cảng biển nói riêng cần nguồn vốn rất lớn, do đó việc thu hút và sử dụng nguồn vốn hiệu quả là công việc khó khăn nhưng nếu làm tốt sẽ nhanh chóng thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ cảng biển, phát huy tốt tiềm năng kinh tế biển của đất nước.

Từ phân tích điểm mạnh, điểm yếu của cụm cảng Hải Phòng, Quảng Ninh để nâng cao năng lực và phát triển bền vững cụm cảng Hải Phòng - Quảng Ninh cần đáp ứng các yêu cầu sau: Huy động vốn đầu tư phát triển cảng biển; Sử dụng hiệu quả vốn đầu tư phát triển cảng biển; Phát triển đồng bộ giữa cảng biển và luồng vào cảng; Tăng cường đầu tư cho hệ thống giao thông kết nối cảng; Hiện đại hóa trang thiết bị phục vụ cảng; Tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực quản lý khai thác cảng; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Đầu tư phát triển cảng biển phải gắn kết chặt chẽ với bảo vệ môi trường; Phát triển các trung tâm logistics trong vùng hấp dẫn của cảng biển để nâng cao giá trị cảng biển.

Về sử dụng các loại phụ gia để gia cố vật chất nạo vét, nhóm nghiên cứu đã chứng minh thực thế sử dụng một số phụ gia hóa học nhập khẩu như DZ33, RRP, SA40/LS44… cũng như các phụ gia sản xuất trong nước như TS, DHD101 để xử lý vật chất nạo vét luồng hàng, việc sử dụng vật chất nạo vét sau khi xử lý để làm nền móng công trình bãi chứa hàng hóa là hoàn toàn khả thi. Sau quá trình khảo sát, nghiên cứu và phân tích tính chất cơ lý của vật chất nạo vét trong duy tu các tuyến luồng hàng hải nhóm nghiên cứu đã thu được kết quả như sau: Vật chất nạo vét luồng hàng hải Hải Phòng, Quảng Ninh chủ yếu là các loại cát, bùn cát, bùn sét lẫn tạp chất hữu cơ không đáng kể; Trên cơ sở thành phần hạt, thành phần khoáng và các chỉ tiêu cơ lý của vật chất nạo vét trên một số tuyến luồng chính khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh. Với sự phát triển của công nghệ và vật liệu xây dựng hiện nay, hoàn toàn có thể sử dụng vật chất nạo vét trong duy tu các luồng hàng hải để làm vật liệu san lấp và bãi chứa hàng hóa đạt yêu cầu theo TCVN 9436-2012 và TCVN 20379-2014 bằng cách gia cố vật chất nạo vét với xi măng và phụ gia hóa cứng đất sản xuất trong và ngoài nước; Tận dụng chất thải nạo vét trong hoạt động duy tu các tuyến luồng hàng hải giúp tiết kiệm được chi phí đầu tư hạ tầng giao thông, đặc biệt là tình trạng cát tự nhiên hiện nay đang khan hiếm, góp phần bảo vệ môi trường biển và giúp đảm bảo phát triển kinh tế biển một cách bền vững. Một số loại phụ gia dùng để gia cố vật chất nạo vét luồng hàng hải làm nền đường giao thông nông thôn, đồng thời cũng đã lựa chọn cấp phối phù hợp để làm công trình thử nghiệm mô hình bãi chứa hàng hóa 50m2, kết quả thí nghiệm hiện trường cho thấy cường độ chịu nén của vật chất nạo vét luồng Lạch Huyện lấy tại bãi chứa khu vực Nam Đình Vũ sau khi được gia cố với 6% xi măng và phụ gia hóa cứng đất đạt cường độ chịu nén trung bình 2,08MPa, mô đun đàn hồi trung bình 395,71 MPa và cường độ chịu ép chế 0,46MPa sau thời gian bảo dưỡng 07 ngày đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật để làm nền các công trình giao thông theo quy định của TCVN 10379:2014 và TCVN 10380:2014.

Thiết bị xếp dỡ container tại các cảng đường thủy nội địa.

Công tác bảo vệ môi trường, phòng ngừa và ứng phó sự cố tại các cảng biển khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh có những thuận lợi về mặt nhận thức và nâng cao trong xu thế mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế, ứng dụng công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên, nhiều hạn chế cần khắc phục để đảm bảo công tác quản lý được thực hiện tốt như: cơ sở hạ tầng yếu kém, thiếu nguồn nhân lực, thiếu các hướng dẫn chuyên ngành, mô hình quản lý về cảng biển chưa phù hợp, nguồn tài chính hạn hẹp. Do vậy, nhóm nghiên cứu đã đề xuất các giải pháp cụ thể như: Xây dựng mô hình quản lý về cảng biển phù hợp với điều kiện của Việt Nam; Phát triển mô hình cảng biển xanh; Tăng cường năng lực và cơ sở vật chất; Rà soát, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật; Nâng cao năng lực quản lý về an toàn và môi trường; Đa dạng hóa nguồn đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường tại cảng biển; Thiết lập vùng biển nhạy cảm; Tham gia đầy đủ các công ước quốc tế sẽ nâng cao hiệu quả quản lý môi trường và phòng ngừa sự cố tại các cảng biển khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh nói riêng và hệ thống cảng biển Việt Nam nói chung.

Đề tài đã xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu của cảng biển khu vực Hải Phòng và Quảng Ninh từ năm 2010-2019 để xây dựng mô hình dự báo sản lượng thông qua cảng biển khu vực Hải Phòng và Quảng Ninh, mô hình SARIMA dự báo hồi quy tích hợp theo chuỗi thời gian có xét đến xu hướng theo mùa cho năm 2019. Mô hình này giúp cho người dùng có thể dễ dàng dự báo lưu lượng hàng hóa thông qua cảng với chuỗi số liệu theo thời gian mà họ có sẵn. Đây là một công cụ hỗ trợ hữu ích và tiện dụng cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý và các đơn vị vận hành khai thác tại cụm cảng khu vực Hải Phòng và Quảng Ninh nói riêng và các cảng biển Việt Nam nói chung. 

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài tại Trung tâm Thông tin, Thống kê KH&CN Hải Phòng hoặc Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia./.