Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 7953
Tổng truy cập : 57,998

Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN

Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao năng lực vận tải thủy nội địa, áp dụng cho hành lang số 1 Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội (05/04/2024)

Tại khu vực miền Bắc, hơn 90% sản lượng luân chuyển hàng hóa thông qua phương thức vận tải bộ. Thực tế này đã tạo áp lực lên tuyến Quốc lộ 5, quốc lộ 5B và quốc lộ 18 - kết nối các khu công nghiệp với hệ thống cảng biển tại Hải Phòng. Thống kê cho thấy, lượng hàng container vận chuyển bằng phương tiện thủy ở phía Bắc đang tăng trưởng tích cực. Từ thực tế này, các nhà sản xuất, doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần lựa chọn phương thức vận chuyển mới ưu việt hơn để đảm bảo được chuỗi cung ứng cũng như kế hoạch xuất nhập khẩu. Hiện nay, ưu điểm, lợi thế và tiềm năng của vận tải thủy nội địa là rất lớn, tuy vậy để các chủ hàng hóa tin dùng vận tải thủy thì phương thức này cần phải đáp ứng được nhu cầu vận chuyển rút ngắn thời gian, đa dạng, chi phí hợp lý, đảm bảo an toàn nổi bật hơn so với các cách vận chuyển khác. Bên cạnh đó, cũng phải cung cấp cách thức để chủ hàng hóa được tham gia một phần vào quá trình quản lý, giám sát, định vị tàu vận tải nội địa trên hành lang vận tải thủy. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, để giải quyết vấn đề trên thì cần phải có hệ thống liên thông dữ liệu giữa bốn nhóm đối tượng là cảng thủy nội địa, doanh nghiệp, doanh nghiệp logistics, chủ hàng hóa với nhau. Trước thực tế này, nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Hàng hải Việt Nam thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao năng lực vận tải thủy nội địa, áp dụng cho hành lang số 1 Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội, hoàn thành báo cáo trong năm 2023.

Mục tiêu của đề tài là khảo sát thu thập thông tin tình hình, thực trạng vận tải nói chung và vận tải thủy nội địa hành lang số 1: Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội, đặc biệt vấn đề vận tải container trên các phương tiện vận tải thuỷ; đề xuất giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin bằng cách sử dụng các kỹ thuật công nghệ hiện đại: điện toán đám mây, các thuật toán trí tuệ nhân tạo nhằm xây dựng phần mềm giúp cảng thuỷ nội địa và doanh nghiệp, phương tiện vận tải thuỷ nội địa quản lý, điều hành, giám sát hoạt động khai thác, vận tải thủy, tính toán an toàn khi sắp xếp container trên phương tiện vận tải thuỷ nhằm giảm thiểu rủi ro, tai nạn trong quá trình bốc/xếp, vận tải container, đảm bảo tính an toàn,… giảm chi phí khai thác, vận hành, nâng cao năng lực vận tải thủy nội địa nói chung, tuyến vận tải thủy nội địa hành lang số 1: Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội nói riêng.

Vị trí 03 tuyến vận tải đường thủy nội địa chính khu vực phía Bắc.

Theo nghiên cứu, hành lang vận tải thủy số 1 là cầu nối giữa Hà Nội và thành phố cửa ngõ Hải Phòng, Quảng Ninh, phạm vi phục vụ các tỉnh/thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội. Trên hành lang này có 3 phương thức vận tải: đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt. Hành lang Việt Trì - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh là một trong những tuyến có hoạt động vận tải thủy nội địa lớn nhất khu vực phía Bắc với thị phần chiếm khoảng 18,1%. Tuy nhiên, trên hành lang còn nhiều bất cập về hạ tầng, chính sách, hệ thống trang thiết bị xếp dỡ container tại các bến thủy nội địa chưa hình thành... dẫn đến tiềm năng khai thác đường thủy nội địa trên hành lang bị hạn chế.
Về luồng tuyến, luồng chạy tàu trên các tuyến chính ở khu vực phía Bắc đối với các tuyến chính khu vực đồng bằng có độ sâu từ 2,5 m đến 3,5 m, đảm bảo cho phương tiện trọng tải (400-1.000) tấn hoạt động, các tuyến kết nối có độ sâu 1,8-2,5 m đáp ứng cho tàu có trọng tải (100-200) tấn, các hành lang đường thủy nội địa được cải tạo theo dự án WB5, WB6, sau khi cải tạo nâng cấp xong đảm bảo cấp kỹ thuật. Đường thủy nội địa khu vực phía Bắc thường xuyên chịu sự tác động tiêu cực của hiện tượng mưa, lũ dẫn đến tình trạng bồi lắng, gây khan cạn cục bộ ở một số vị trí ngay sau mùa lũ. Một số tuyến có bán kính cong nhỏ, bề rộng luồng hẹp và có nhiều vật chướng ngại, nhiều công trình vượt sông chưa bảo đảm yêu cầu theo cấp kỹ thuật, do vậy cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động vận tải. Hạn chế trong việc kết nối đường thủy nội địa và đường biển chính là sự không đồng bộ giữa năng lực khai thác cảng thủy nội địa và cảng biển cả về trang thiết bị bốc dỡ, vấn đề kho bãi. Ngoài ra, việc bố trí các vị trí neo đậu phục vụ phương tiện tại cảng biển không phải lúc nào cũng thuận lợi, đặc biệt ở các cảng biển miền Bắc. Các điều kiện về luồng tuyến không thuận lợi (khan cạn, dòng chảy, địa hình, chiều cao tĩnh không cầu qua sông ...) cũng như việc chậm đầu tư các cảng bốc dỡ hàng container, như cảng container Phù Đổng cũng làm việc kết nối vận tải container đường thủy từ cảng Hải Phòng đến khu vực Hà Nội và các tỉnh phía Bắc chưa triển khai thực hiện được. Tại thời điểm nghiên cứu, tuyến hành lang vận tải thủy số 1 có tổng chiều dài 254,5 km, nối Quảng Ninh với Việt Trì và chạy qua Hải Phòng, Phả Lại và Hà Nội. Tuyến này đã được cải tạo nâng cấp luồng theo dự án phát triển giao thông vận tải khu vực đồng bằng Bắc Bộ, đạt tiêu chuẩn luồng cấp II. Để vận tải hàng hóa từ cảng Lạch Huyện - Hải Phòng đi Việt Trì theo tuyến hành lang 1 có thể đi theo 2 đường sau: Đường 1: Cảng Lạch Huyện - kênh Hà Nam; sông Bạch Đằng; sông Cấm - sông Kinh Thầy - sông Đuống - sông Hồng. Đường 2: Cảng Lạch Huyện - sông Chanh - sông Đá Bạch, sông Bạch Đằng - sông Phi Liệt - sông Kinh Thầy - sông Đuống - sông Hồng.  Trên địa bàn thành phố Hải Phòng có 16 tuyến đường thủy nội địa, do Cục đường thủy nội địa Việt Nam quản lý với tổng chiều dài 410,3 km; đoạn qua địa bàn thành phố Hải Phòng có tổng chiều dài 300,5 km và có 8 luồng hàng hải với tổng chiều dài 91,4 km do Cục Hàng hải quản lý. Hàng hoá vận chuyển container ở khu vực phía Bắc hầu hết có liên quan đến hoạt động vận chuyển đường biển (bao gồm cả hàng xuất nhập khẩu, quá cảnh và nội địa), trong đó 94,5% tương đương 2,85 triệu TEUs thông qua cảng biển Hải Phòng, còn lại chỉ có 5,45% tương đương 153 ngàn TEUs thông qua cảng Cái Lân…
 

Trên cơ sở các nghiên cứu về thực trạng, tiềm năng vận tải thủy nội địa hành lang số 1: Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội, nhóm nghiên cứu đã ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển hệ thống thông minh theo dõi, quản lý đội tàu vận tải thuỷ nội địa: lập kế hoạch hoạt động đội tàu vận tải thủy nội địa, kế hoạch bốc/xếp cho các phương tiện bốc/xếp, định vị tàu vận tải thuỷ nội địa. Việc lập kế hoạch xếp container lên tàu cần xác định cách thức để đưa container từ bãi lên tàu, đảm bảo tính ổn định tàu, sức chứa của tàu đáp ứng nhằm giảm thiểu thời gian cập cảng và số lần phải xếp lại hàng trên tàu. Vấn đề di chuyển các khối hoặc được biết đến với tên gọi vấn đề di chuyển các container với mục đích tìm ra thứ tự truy xuất tối ưu của các container theo các tiêu chí ưu tiên có sẵn để giảm thiểu tổng số lần di chuyển của container. Xây dựng hệ thống đảm bảo kết nối liên thông, cung cấp cách thức để bốn nhóm đối tượng là cảng thủy nội địa, doanh nghiệp, doanh nghiệp logistics, chủ hàng hóa được tham gia vào quá trình quản lý, giám sát, định vị tàu vận tải nội địa trên hành lang vận tải thủy.

 

Nhằm nâng cao năng lực vận tải thủy nội địa, áp dụng cho hành lang số 1  Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội, nhóm nghiên cứu đề xuất các chính sách, giải pháp gồm: Khuyến nghị về nâng cầu, cắt cong các tuyến và cải tạo hệ thống báo hiệu trên tuyến; giải pháp tăng cường vận tải container (quy hoạch phát triển các cảng container; nâng cao năng lực đội tàu); giải pháp tăng cường hiệu quả kinh tế - xã hội của hoạt động vận tải container (quản lý, xây dựng và khai thác cơ sở hạ tầng gồm cảng và luồng tuyến; quản lý các dịch vụ vận tải, dịch vụ kho vận, logistic; xây dựng, thực hiện các cơ chế chính sách nhằm phát triển vận tải container bằng đường thủy nội địa trên hành lang…); giải pháp tổ chức, quản lý (phương pháp quản lý vận tải container; xây dựng kế hoạch và lộ trình phát triển vận tải container trên tuyến); giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực (đối với cán bộ quản lý nhà nước; đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải container). 

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài tại Trung tâm Thông tin, Thống kê KH&CN Hải Phòng hoặc Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia./.