Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 2294
Tổng truy cập : 57,998

Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN

Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật điều trị co cứng cơ cho bệnh nhân sau đột quỵ bằng thuốc Botulinumtoxin nhóm A với máy điện cơ (25/08/2023)

Co cứng cơ được định nghĩa là tăng trương lực của các cơ không tự chủ, xuất hiện trong khi thực hiện các vận động chủ động và thụ động. Co cứng cơ kết hợp với yếu, liệt cơ và mất các cử động chọn lọc tinh vi là những yếu tố quan trọng gây giảm hoặc mất chức năng hoạt động chi của bệnh nhân. Theo báo cáo, tại Hải Phòng mỗi năm có khoảng 4.000 bệnh nhân bị đột quỵ. Mặc dù các phương pháp điều trị đột quỵ não giai đoạn cấp đã có nhiều tiến bộ vượt bậc, tuy nhiên có đến 95% người bệnh vượt quá “giờ vàng” (quá 4,5 giờ từ khi có dấu hiệu khởi phát) và điều trị phác đồ kinh điển để lại di chứng tàn tật cao, trong đó có co cứng cơ, gây ảnh hưởng đến nhiều chức năng như vận động, sinh hoạt, gây đau đớn, loét da, biễn chứng khớp, thay đổi tâm sinh lý, mặc cảm hình thể, rối loạn giấc ngủ… Vì vậy, nghiên cứu kỹ thuật điều trị co cứng cho bệnh nhân sau đột quỵ là rất cần thiết nhằm nâng cao hiệu phục hồi của người bệnh.

Năm 2019, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng được Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt triển khai thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp thành phố “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật điều trị co cứng cơ cho bệnh nhân sau đột quỵ bằng thuốc Botulinum Toxin nhóm A với máy điện cơ tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp”. Đây là đề tài do TS. Nguyễn Thị Thu Huyền - Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp làm chủ nhiệm, được nghiệm thu năm 2021.

Nghiên cứu cho thấy, tại Việt Nam và trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu sử dụng Botulinum nhóm A trong điều trị co cứng cơ bằng đường đường tiêm, đưa trực tiếp thuốc đến cơ cần điều trị giúp giảm co cứng. Việc đưa thuốc này đến cơ cần nhiều kỹ thuật và ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả điều trị. Kỹ thuật chủ yếu là tiêm thuốc theo chẩn đoán hoặc sử dụng máy kích thích cầm tay phát ra dòng xung Burst và quan sát đáp ứng vận động của cơ để tìm cơ cần tiêm. Cả 2 phương pháp đều có nguy cơ không chọn lựa chính xác cơ hoặc chệch vị trí điểm tiêm thuốc… Nghiên cứu ứng dụng máy điện cơ sử dụng các điện cực để dẫn truyền hay phát hiện các tín hiệu điện do dây thần kinh hoặc cơ bắp phát ra và có thể sử dụng điện cực để châm trực tiếp vào cơ bắp để ghi lại hoạt động điện của cơ đó, dựa vào sự kết tập của điểm vận động cơ cho phép lựa chọn chính xác vị trí cơ có chất lượng tốt nhất để tiêm, qua đó tăng hiệu quả điều trị và tiết kiệm thuốc tiêm. 

Nghiên cứu kỹ thuật điều trị co cứng cơ cho bệnh nhân sau đột quỵ não bằng thuốc Botulinum Toxin nhóm A bằng các phương pháp sinh lý thần kinh điện cơ EMG, phản xạ H có vai trò rất quan trọng giúp đánh giá đúng vị trí tổn thương, chất lượng vị trí cơ tổn thương, từ đó xác định vị trí tiêm thuốc cho phù hợp giúp nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân. Từ quá trình điều trị cho 30 bệnh nhân bị co cứng cơ sau đột quỵ não tại Khoa Nội thần kinh bằng thuốc Botulinum Toxin nhóm A kết hợp với máy điện cơ. Đánh giá tại thời điểm 1 và 3 tháng điều trị cho bệnh nhân bị co cứng cơ sau đột qụy não so với lúc vào viện, khi sử dụng 3 tiêu chí: 1- mức độ đau theo thang điểm đau (VAS); 2- triệu chứng co cứng cơ vùng chi ở mức độ vừa hoặc nặng (bậc 1+, 2 và 3) theo phân loại Ashworth cải biên (MAS) và 3- mức độ độc lập trong sinh hoạt hằng ngày theo thang điểm Barthel đều cho thấy sự phục hồi rất khả quan. Đặc biệt không thấy tình trạng giảm hoặc mất chức năng vận động do đánh giá sai vị trí tiêm. Liều lượng thuốc tiêm giảm trong khi số vị trí tiêm/1 cơ tăng lên đáng kể so với khuyến cáo của Bộ Y tế (liều lượng tiêm theo Huber M. và Heck G năm 2002).

TS. Nguyễn Thị Thu Huyền và các cộng sự đã nghiên cứu, xây dựng thành công quy trình kỹ thuật điều trị, xuất bản tài liệu hướng dẫn và tiến hành đào tạo chuyên môn cho các bác sĩ, điều dưỡng tại Khoa Nội thần kinh. Các bước thực hiện quy trình ứng dụng ghi điện cơ và xác định chọn vị trí tiêm vào cơ qua máy điện cơ bao gồm:

- Kiểm tra và khám xét người bệnh lần cuối trước khi tiến hành thủ thuật, xác định các cơ co cứng cần điều trị;

- Kiểm tra dấu hiệu sinh tồn: mạch, huyết áp, nhịp thở;

- Thực hiện kỹ thuật (30-40 phút): (1) Bác sĩ chuẩn bị máy điện cơ; (2) Điều dưỡng chuẩn bị thuốc: pha loãng thuốc Botulinum toxine nhóm A với dung dịch Natriclorua 0,9%; (3) Kỹ thuật pha loãng thuốc: sử dụng dung dịch nước muối sinh lý Natriclorua 0,9% để pha loãng. Thuốc được pha với 1 ml NaCl 0,9% (tương đương 50 UI Dysport/0,1 ml); (4) Sát khuẩn tại chỗ tiêm bằng cồn 70 độ; (5) Dùng máy điện cơ xác định cơ cần tiêm: khảo sát chất lượng cơ tiêm (thăm dò điện sinh lý nhóm cơ tiêm, đánh giá chất lượng cơ, lựa chọn điểm vận động…); (6) Sau khi xác định chính xác điểm vậ động của cơ cần tiêm, tiến hành tiêm; (7) Liều lượng tiêm và số vị trí tiêm tùy thuốc vào khối lượng cơ được tiêm, chất lượng cơ được tiêm, mức độ co cứng, số lượng cơ được tiêm, thể trạng và cân nặng bệnh nhân. Tổng liều mỗi lần tiêm là 1000 UI Dysport.

Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật điều trị co cứng cơ cho bệnh nhân sau đột quỵ bằng thuốc Botulinum toxine nhóm A với máy điện cơ cho thấy hiệu quả giảm co cứng cơ và tiết kiệm thuốc Botulinum toxine nhóm A tốt hơn, không có hiện trượng giạm hoặc mất chứng năng vận động do đánh giá sai vị trí tiêm. Nhóm nghiên cứu đã đưa ra khuyến nghị nên triển khai kỹ thuật điều trị co cứng cơ cho bệnh nhân sau đột quỵ bằng thuốc Botulinum Toxin nhóm A với máy điện cơ tại cơ sở y tế có đủ điều kiện là bác sĩ chuyên khoa được đào tạo kỹ thuật và máy điện cơ. Cần nghiên cứu thêm thời gian để đánh giá hiệu quả giảm co cơ dài hơn so với tiêm muộn và thời gian trung bình cần tiêm nhắc lại, từ đó sẽ tính được hiệu quả kinh tế nhiều hơn của việc tiêm sớm. 

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài tại Trung tâm Thông tin, Thống kê khoa học và công nghệ Hải Phòng./.