Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 30323
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học - Y dược

Nghiên cứu ứng dụng một số kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị một số bệnh cơ quan tiêu hóa (25/08/2016)

Từ tháng 6/2011 đến tháng 10/2014, nhóm nghiên cứu tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 do GS.TS. Mai Hồng Bàng dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng một số kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị một số bệnh cơ quan tiêu hóa”.

Y học hạt nhân trong lĩnh vực chẩn đoán bệnh bằng cách sử dụng các đồng vị phóng xạ với kỹ thuật đánh dấu hay chỉ điểm phóng xạ đã được ứng dụng từ lâu, hiện đang phát triển mạnh, có vai trò quan trọng trong hầu hết các chuyên khoa như tim mạch, thần kinh, tiết niệu, ung thư và tiêu hóa. Đặc biệt một số ứng dụng của y học hạt nhân cho phép chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh lý cơ quan tiêu hóa và gan mật mà các phương pháp chẩn đoán thông thường khác còn hạn chế.

Kỹ thuật tiên tiến chụp xạ hình SPECT sử dụng đồng vị phóng xạ Tc-99m, là một phương pháp mới, có giá trị cao trong chẩn đoán một số bệnh lý ống tiêu hóa và gan, cụ thể như: Bệnh trào ngược dạ dày thực quản có độ nhạy từ 75-100%. Ưu điểm của phương pháp là vừa phát hiện trào ngược, vừa định lượng dịch trào ngược, bổ sung chẩn đoán những trường hợp lâm sàng không điển hình và 60% số trường hợp không có tổn thương thực quản trên nội soi. Trong bệnh u mạch máu trong gan có giá trị dự báo dương tính cao gần 100%. Phương pháp này đã được coi là chỉ định hàng đầu, là tiêu chuần vàng trong chẩn đoán u mạch máu trong gan tại các nước có nền y học hạt nhân phát triển… Ngoài ra, đặt stent kim loại tự động giãn nở trong điều trị bệnh hẹp thực quản và đường mật tụy do các khôi u ác tính là một kỹ thuật tiên tiến có độ an toàn cao, tỷ lệ biến chứng thấp, tái lưu thông ống tiêu hóa cùng như đường mật trong 100% trường hợp. Trong bệnh ung thư thực quản không còn chỉ định phẫu thuật, kỹ thuật đạt tỷ lệ thành công là 95,1%, hều hết các trường hợp đều cải thiện triệu chứng nuốt khó, tỷ lệ biến chứng dao động từ 6,3 đến 13%. 

Cải thiện mạch trong điều trị u mạch máu gan kích thước lớn là một kỹ thuật tiên tiến, an toàn kỹ thuật cao, tỷ lệ biến chứng thấp, hiệu quả giảm kích thước u cao hơn so với phẫu thuật cắt gan. Kỹ thuật này có hiệu quả cao ngay cả trong trường hợp xử trí cấp cứu u mạch trong gan vỡ gây biến chứng chảy máu. Từ thực tế trên, nhóm nghiên cứu đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng một số kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị một số bệnh cơ quan tiêu hóa” nhằm xây dựng chỉ định, quy trình thực hiện một số kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị một số bệnh cơ quan tiêu hóa, cũng như đánh giá hiệu quả các quy trình đã được xây dựng trên người bệnh.

Đề tài đã xây dựng thành công:

- Quy trình chụp xạ hình trong chẩn đoán bệnh trào ngược dạ dày thực phẩm

- Quy trình chụp xạ hình trong chẩn đoán chảy máu đường tiêu hóa thấp

- Quy trình chụp xạ hình trong chẩn đoán u mạch máu trong gan

- Quy trình chụp xạ hình trong chẩn đoán bệnh lý túi mật và đường mật

- Quy trình đặt stent điều trị hẹp tắc thực quản

- Quy trình đặt stent điều trị hẹp tắc đường mật tụy

- Quy trình can thiệp mạch trong điều trị u máu thể hang trong gan

Nghiên cứu ứng dụng thành công 7 kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị một số bệnh cơ quan tiêu hóa.

Về mặt xã hội, việc ứng dụng thành công 7 quy trình kỹ thuật tiên tiến chẩn đoán và điều trị một số bệnh cơ quan tiêu hóa đã cho thấy, chuyên ngành tiêu hóa đã theo kịp các bước tiến bộ về KH&CN của các nước trong khu vực cũng như trên thế giới. Kết quả nghiên cứu đã cải thiện rõ rệt chất lượng chẩn đoán bệnh cũng như chất lượng điều trị một số bệnh nặng và hay gặp của cơ quan tiêu hóa tại các bệnh viện.

Về mặt kinh tế, việc ứng dụng thành công 7 quy trình kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị một số bệnh của cơ quan tiêu hóa đã giúp nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân tại các khoa Nội - Ngoại tiêu hóa, dự phòng được biến chứng, giảm thời gian nằm điều trị, kéo dài cuộc sống và cải thiện chất lượng cuộc sống nhiều ca bệnh hiểm nghèo.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 11419/2015) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

 

Nguồn: www.vista.gov.vn