Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 44984
Tổng truy cập : 57,998

Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN

Nghiên cứu xác định các chỉ số và phương thức đo lường đánh giá tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực công ở Việt Nam (05/12/2024)

Việt Nam đang đẩy mạnh chiến lược chuyển đổi số quốc gia để phát triển đất nước. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” ngày 03/6/2020 và Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan thường trực để triển khai chiến lược. Để thúc đẩy chuyển đổi số ở Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông hàng năm công bố bảng xếp hạng đánh giá chuyển đổi số (DTI - Digital Transformation Index) gồm 3 cấp: chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh, chỉ số chuyển đổi số cấp bộ và chỉ số chuyển đổi số cấp quốc gia. Qua 3 năm thực hiện từ 2020, 2021, 2022, bộ chỉ số DTI đã chứng tỏ tầm quan trọng trong thức đẩy chuyển đổi số ở các Bộ, ngành và địa phương. Tuy vậy, sau 3 năm triển khai thì xuất hiện nhu cầu cần có các nghiên cứu cập nhật các bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số trên thế giới. Đồng thời, nhu cầu quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông cần có đánh giá tình hình thực tiễn, phân tích điểm hạn chế của bộ chỉ số DTI hiện hành và đề xuất một số giải pháp nâng cao chỉ số xếp hạng đánh giá chuyển đổi số (DTI) cho một số Bộ, ngành, địa phương.

Đề tài “Nghiên cứu xác định các chỉ số và phương thức đo lường đánh giá tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực công ở Việt Nam” được Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông chủ trì thực hiện nhằm rà soát, phân tích điểm hạn chế của bộ chỉ số DTI hiện hành và đề xuất một số giải pháp nâng cao chỉ số xếp hạng DTI cho một số Bộ, ngành, địa phương.

Bên cạnh những nghiên cứu tổng quan về chuyển đổi số trong lĩnh vực công trên thế giới, nghiên cứu việc sử dụng các phương pháp nghiên cứu định lượng và định tính để phân tích dữ liệu, Ban chủ nhiệm đề tài cũng tiến hành nghiên cứu xác định các chỉ số và phương thức đo lường đánh giá chuyển đổi số trong lĩnh vực công.

Nghiên cứu, phân tích, khảo sát tình hình quốc tế về chuyển đổi số trong lĩnh vực công tại một số nước trên thế giới cho thấy, hầu hết các quốc gia đều đang ưu tiên thúc đẩy và tăng tốc độ chuyển đổi số. Bảng xếp hạng EGDI cho 193 nước thành viên Liên hợp quốc chỉ ra các quốc gia dẫn đầu gồm có: Đan Mạch, Phần Lan, Hàn Quốc, New Zealand, Iceland, Thụy Điển, Úc, Estonia, Hà Lan và Hoa Kỳ dẫn đầu top 10 về chính phủ điện tử. Các quốc gia Châu Âu cũng có tốc độ chuyển đổi số khá nhanh. Trung Quốc cũng đang trở thành một trong những quốc gia chuyển đổi số nhanh và mạnh mẽ nhất trên thế giới. Một trong các yếu tố giúp các quốc gia dẫn đầu trong chuyển đổi số là quyết tâm của nguyên thủ quốc gia, chiến lược rõ ràng và thực thi quyết liệt hiệu quả. Tầm nhìn quốc gia có cam kết đổi mới kỹ thuật số với kế hoạch rõ ràng để đạt được sự trưởng thành về kỹ thuật số trong các cơ quan chính phủ và các bên liên quan giúp đạt được những cải tiến trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Nhóm tác giả cũng tiến hành nghiên cứu tổng quan các phương pháp nghiên cứu định tính và phương pháp nghiên cứu định lượng để phân tích dữ liệu. Nghiên cứu định lượng thường trái ngược với nghiên cứu định tính, vốn có mục đích tập trung nhiều hơn vào việc khám phá những ý nghĩa và mô hình cơ bản của các mối quan hệ, bao gồm phân loại các loại hiện tượng và thực thể, theo cách không liên quan đến các mô hình toán học. Mặc dù chúng ta thường phân biệt giữa khía cạnh định tính và định lượng của nghiên cứu khoa học, nhưng thực tế cả hai khía cạnh này luôn đi đôi với nhau. Nghiên cứu định tính thường được sử dụng để đạt được cảm nhận chung về các hiện tượng và hình thành các lý thuyết có thể được kiểm tra bằng cách sử dụng nghiên cứu định lượng sâu hơn. Các bài toán nghiên cứu tùy yêu cầu, tình hình thực tế, khả năng thu thập số liệu, mô phỏng mô hình lý thuyết để lựa chọn phương pháp nghiên cứu định tính hoặc định lượng. Hai phương pháp nghiên cứu này không mâu thuẫn hay triệt tiêu nhau mà đóng vai trò bổ trợ, tương hỗ lẫn nhau trong thực tế.

Sáu trụ cột khung chính phủ số của OECD.

Đề tài đã thực hiện nghiên cứu các bộ chỉ số đo lường về chuyển đổi số trên thế giới. Trong đó, nội dung nghiên cứu tập trung vào các bộ chỉ số có uy tín cao như DGI của OECD, GovTech Maturity Index (GTMI) của World Bank, bộ chỉ số chính phủ điện tử EGDI của Liên hợp quốc, bộ chỉ số Kinh tế số và Xã hội số (DESI - Digital Economy and Society Index) của Châu Âu và một số phương thức đo lường đánh giá chuyển đổi số của Châu Âu, Châu Á và các tổ chức khác. Qua nội dung nghiên cứu có thể thấy, trên thế giới có nhiều chỉ số đo lường về chuyển đổi số, liên quan đến chuyển đổi số với quy mô, phạm vi khác nhau nhưng đều hướng tới mục đích là cung cấp cho các nhà quản lý, lãnh đạo của tổ chức các thông tin về hiện trạng chuyển đổi số của tổ chức và từ đó có thể xác định được điểm mạnh cần phát huy và điểm yếu cần khắc phục trong quá trình chuyển đổi số. 

Nghiên cứu đánh giá phương pháp đo lường và đánh giá sử dụng bộ chỉ số DTI của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành là cơ sở để Ban chủ nhiệm đề tài đánh giá kết quả chuyển đổi số của các Bộ, ngành địa phương ở Việt Nam thời gian qua. Đề tài cũng đã trình bày các kết quả nổi bật, đóng góp chính của bộ chỉ số DTI và mô tả một số điểm hạn chế của bộ chỉ số xếp hạng chuyển đổi số DTI của Bộ Thông tin và Truyền thông đang thực hiện trong những năm qua. Trên cơ sở các bài học kinh nghiệm quốc tế và kết quả nghiên cứu các bộ chỉ số đo lường mức độ chuyển đổi số của quốc tế (như bộ chỉ số DGI của OECD, bộ chỉ số GMTI của World Bank, bộ chỉ số EGDI của Liên hợp quốc, bộ chỉ số DXMI của Arab Saudi,...), đề tài phân tích và đề xuất một số sửa đổi nhỏ cho bộ chỉ số DTI Việt Nam và đề xuất giải pháp nâng cao thứ tự xếp hạng chuyển đổi số DTI cho một số Bộ, ngành, địa phương. Bộ chỉ số DTI là cơ sở pháp lý để các bộ, ngành, địa phương tham khảo, vận dụng, thực hiện đánh giá trong các cơ quan, đơn vị trực thuộc và để giúp người đứng đầu tại các bộ, ngành, địa phương có một bức tranh tổng thể và xác định các thế mạnh, các thách thức về chuyển đổi số để từ đó đưa ra các chính sách thúc đẩy kịp thời và chiến lược phù hợp. Kết quả nghiên cứu cho thấy các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện đánh giá các hoạt động chuyển đổi số bằng các phương pháp lượng hóa để từ đó có cách nhìn nhận toàn diện và có giải pháp phù hợp với đặc thù của Bộ, ngành, địa phương. Bộ chỉ số DTI là cơ sở pháp lý để các bộ, ngành, địa phương tham khảo, vận dụng, thực hiện đánh giá trong các cơ quan, đơn vị trực thuộc và để giúp người đứng đầu tại các bộ, ngành, địa phương có một bức tranh tổng thể và xác định các thế mạnh, các thách thức về chuyển đổi số để từ đó đưa ra các chính sách thúc đẩy kịp thời và chiến lược phù hợp.

Cấu trúc DTI cấp tỉnh.

Hướng phát triển tiếp theo của đề tài là cụ thể hóa các nội dung đề xuất, dựa trên kinh nghiệm quốc tế và đưa vào các chỉ tiêu sửa đổi cụ thể của bộ chỉ số DTI Việt Nam. Đồng thời tiến hành khảo sát, thu thập số liệu một cách toàn diện của 63 tỉnh thành phố và các bộ ngành địa phương. Trên cơ sở đó, đưa ra bảng xếp hạng tổng thể, cập nhật, mang tính khoa học và có tính minh bạch cao trong xếp hạng thứ tự mức độ chuyển đổi số giữa 63 tỉnh thành phố và giữa các Bộ, ngành, địa phương. 

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu nhiệm vụ tại Trung tâm Thông tin, Thống kê khoa học và công nghệ Hải Phòng hoặc Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia./.