Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 7380
Tổng truy cập : 57,998

Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN

Nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí và đề xuất quy trình xác định khu vực cần lập chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ, áp dụng thí điểm cho một khu vực vùng bờ Hải Phòng (24/04/2024)

Vùng bờ (Coastal Area) là một bộ phận đặ biệt và quan trọng của bề mặt Trái đất, nơi có sự chuyển tiếp dần giữa lục địa và biển, có sự tương tác giữa các quyển: thạch quyển, sinh quyển, thủy quyển, khí quyển của Trái đất.Vùng bờ là nơi có tài nguyên phong phú, tạo ra không gian sống và cung cấp các nguồn tài nguyên phục vụ cho các hoạt động phát triển kính tế - xã hội của con người và có chức năng điều hòa đối với môi trường tự nhiên cũng như môi trường nhân tạo. Tuy nhiên hiện nay, trước sức ép của tốc độ gia tăng dân số ngày càng nhanh, nhu cầu phát triển kinh tế ngày càng cao trong bối cảnh các nguồn tài nguyên đất liền ngày càng cạn kiệt dẫn đến đẩy mạnh khuynh hướng tiến ra biển, khai thác biển, làm giàu từ biển nhưng lại chưa có các phương thức khai thác mang tính bền vững. Các hoạt động khai thác chủ yếu tập trung vào các mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội để đạt được các mong muốn tối đa, trong khi xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường, không có hoặc thiếu những quy hoạch hợp lý, kế hoạch chi tiết, cụ thể cùng với cơ chế quản lý lỏng lẻo làm cho vấn đề khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đang đứng trước nhiều thách thức, nhiều nguồn tài nguyên bị cạn kiệt, môi trường biển ở vùng bờ bị ô nhiễm đến mức báo động.

Để phục vụ cho công tác quản lý tổng hợp vùng bờ một cách đầy đủ, cập nhật, nhanh chóng và hiệu quả cần phải xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu cơ bản về tài nguyên và môi trường vùng bờ và phần mềm quản lý tổng hợp tài nguyên và môi trường vùng bờ tương ứng. Đây là một công cụ có tầm quan trọng đặc biệt và hiệu quả trong công tác quản lý vĩ mô. Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý tổng hợp nhằm chọn ra những nguồn tài nguyên và các yếu tố môi trường có tác động trực tiếp đến quá trình phát triển kinh tế xã hội, bảo tồn thiên nhiên và cải thiện chất lượng môi trường. Phần mềm quản lý tổng hợp vùng bờ dựa trên những tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ thông tin phục vụ cho công tác tra cứu, kiểm tra, kiểm soát quá trình quản lý.

Với mục tiêu hoàn thiện cơ sở khoa học và thực tiễn cho công tác xây dựng và thực hiện các chính sách quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ biển Việt Nam trên quan điểm phát triển bền vững. Xây dựng Bộ tiêu chí và đề xuất nội dung, trình tự xác định khu vực vùng bờ phục vụ lập và thực hiện chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ biển Việt Nam và áp dụng Bộ tiêu chí và nội dung, trình tự đã đề xuất để xác định khu vực vùng bờ Thành phố Hải Phòng cần lập và thực hiện chương trình quản lý tổng hợp. Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ Nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí và đề xuất quy trình xác định khu vực cần lập chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ, áp dụng thí điểm cho một khu vực vùng bờ Hải Phòng, đề tài do TS. Lưu Văn Huyền làm chủ nhiệm, hoàn thành báo cáo kết quả năm 2020. 

Kết quả xây dựng Cơ sở dữ liệu quản lý tổng hợp vùng bờ thành phố Hải Phòng.

Trong phạm vi nghiên cứu vùng bờ biển Hải Phòng, bao gồm: vùng biển đảo Cát Bà - Long Châu; vùng biển và cửa sông hình phễu Bạch Đằng; vùng biển và cửa sông châu thổ Văn Úc – Thái Bình. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành đánh giá tổng quan về công tác quản lý vùng bờ; Nghiên cứu xác định các yếu tố tác động và xu hướng biến đổi lên tài nguyên và môi trường khu vực vùng bờ; Nghiên cứu cơ sở đề xuất bộ tiêu chí xác định khu vực vùng bờ cần lập chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ cho Việt Nam; Nghiên cứu đề xuất quy trình xác định khu vực vùng bờ cần lập và thực hiện chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ ở Việt Nam; Nghiên cứu đề xuất các nội dung và trình tự xây dựng chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ ở Việt Nam; Nghiên cứu thử nghiệm xác định khu vực vùng bờ và đề xuất các khu vực cần xây dựng, thực hiện chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên thành phố Hải Phòng. Qua quá trình nghiên cứu, đề tài đã đạt được kết quả cụ thể như sau:

1. Trên cơ sở các văn bản pháp lý quan trọng liên quan đến quy hoạch phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, đặc biệt là Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quản lý tổng hợp vùng biển Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, căn cứ nhiệm vụ KHCN được giao, nghiên cứu đã trình bày cơ sở lý luận, khoa học và thực tiễn về Quản lý tổng hợp vùng biển. Đã phân tích đánh giá tổng hợp các kết quả khoa học chủ yếu trong và ngoài nước liên quan đến Quản lý tổng hợp vùng biển để xây dựng các mục tiêu, định hướng nội dung và sản phẩm của đề tài. Phương pháp nghiên cứu, cách tiếp cận, kỹ thuật sử dụng và quy trình triển khai đề tài sẽ đảm bảo tính khoa học, hệ thống và logic của các sản phẩm nghiên cứu. Các kết quả và sản phẩm của đề tài có tính mới, mang ý nghĩa khoa học công nghệ và kinh tế - xã hội sâu sắc, đáp ứng yêu cầu Quản lý tổng hợp vùng biển phục vụ phát triển bền vững vùng bờ.

2. Nghiên cứu đã chỉ các yếu tố tác động gồm có bão, mưa lớn do bão, nước dâng do bão, nước biển dâng, xâm nhập mặn, sạt lở bờ biển, bờ sông, lũ từ thượng nguồn, hạn hán và suy giảm nguồn nước, … Bên cạnh đó, quá trình phát triển kinh tế xã hội, khai thác tài nguyên thiên nhiên đã gây ra nhiều hệ lụy đáng kể như suy giảm rừng ngập mặn, suy giảm nguồn nước, gây biến đổi bề mặt tự nhiên, xói lở bờ sông, lòng sông, bờ iển… Đồng thời với đó là sự gia tăng ô nhiễm và mất ổn định hệ sinh thái do các hoạt động của con người, cũng gây tác động rất lớn đến tài nguyên thiên nhiên và sự phát triển bền vững của vùng đới bờ.

3. Sản phẩm Bộ tiêu chí xác định khu vực vùng bờ cần lập và thực hiện chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ đã được hoàn thành, đáp ứng được yêu cầu về nội dung cũng như hình thức. Gồm các bộ tiêu chí: Tiêu chí cho tình trạng tài nguyên phi sinh vật và tài nguyên sinh vật; tiêu chí về Áp lực lên tài nguyên tập trung vào sự phân tách/phân mảnh các vùng nước, vùng bờ; biến động về thời tiết, khí hậu và tác nhân đem lại; chất lượng tài nguyên môi trường vùng bờ; áp lực khai thác quá mức, chuyển đổi mục đích sử dụng không theo quy định; vấn đề sử dụng, quản lý đối với từng tỉnh duyên hải; tiêu chí cho các Đáp ứng về tài nguyên và môi trường vùng bờ tập trung vào các chính sách hiện có và hiệu lực các chính sách đã được ban hành, vận dụng; các báo cáo, dự án, đề tài được triển khai liên quan đến biện pháp bảo vệ, bảo tồn cho mục tiêu phát triển bền vững; nguồn nhân lực và trình độ nhận thức, quản lý; bộ tiêu chí cho các vấn đề Lợi ích cần tập trung: Sản lượng khai thác (sinh vật và phi sinh vật); Dịch vụ liên quan (đóng tàu, du lịch, thương mại…); Sinh kế của cộng đồng sống tập trung tại vùng bờ biển từ Bắc – Nam. Từ bộ tiêu chí được xây dựng, đã áp dụng kết quả thử nghiệm trong việc cần lập chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ. Thông qua đó đã xác định khu vực cần thiết lập chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ.

4. Đánh giá thực trạng và quản lý tài nguyên môi trường vùng bờ thành phố Hải Phòng thông qua các thể chế liên quan, các cách quản lý và sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, ngăn ngừa phòng chống thiên tai, ứng phó sự cố môi trường và bảo tồn tự nhiên. Từ đánh giá thực trạng và quản lý tài nguyên môi trường vùng bờ thành phố Hải Phòng, thông qua các dữ liệu khảo sát và kế thừa, nghiên cứu tập trung xây dựng:

- 07 mảnh bản đồ chuyên đề vùng bờ khu vực Hải Phòng tỷ lệ 1:50.000: Bản đồ tài nguyên nước ngầm; bản đồ tài nguyên nước mặt; bản đồ địa mạo; bản đồ phân bố tài nguyên sinh vật biển; bản đồ thảm thực vật; bản đồ phân bố các hệ sinh thái đặc trưng; bản đồ hiện trạng môi trường nước mặt với quy trình kỹ thuật theo quy định.

- Phần mềm quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường vùng bờ Hải Phòng trên sở hệ thống thông tin địa lý, công nghệ xử lý hệ thống thông tin địa lý trên nền web đồng thời hiểu rõ về kiến trúc và công nghệ được áp dụng trong việc xây dựng phần mềm cũng như các thành phần chính của phần mềm như: Hệ thống phần cứng, hệ thống mạng, hệ thống sở dữ liệu… Các giải pháp trong việc lựa chọn một phương án tối ưu để giúp cho quá trình khai thác dữ liệu và bản đồ đạt hiệu quả cao nhất.

- Dự thảo Hướng dẫn trình tự xác định khu vực vùng bờ cần lập và thực hiện chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ được thực hiện hoàn thành. Dự thảo là bước khái lược ban đầu để đảm bảo việc lập và thực hiện chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ. Việc này giúp ích cho các kỹ thuật viên, điều tra viên thực hiện một cách dễ dàng và phù hợp. 

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài tại Trung tâm Thông tin, Thống kê KH&CN Hải Phòng hoặc Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia./.