Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 31631 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN
Nghiên cứu xây dựng bộ công cụ số hóa đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp có hoạt động khoa học và công nghệ ở Việt Nam (23/10/2024)
Thực tế ở nước ta hiện nay, đối với khu vực sản xuất kinh doanh việc sử dụng thuật ngữ “đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp” và “năng lực đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp” không phổ biến ngay cả với các doanh nghiệp có hoạt động khoa học và công nghệ. Bởi vì phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam thuộc loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiềm lực khoa học và công nghệ còn hạn chế, về cơ bản hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ bên trong doanh nghiệp chưa nhiều, quy mô nhỏ. Tuy nhiên, một bộ phận không nhiều các doanh nghiệp, tập đoàn có vốn nhà nước dần dần đẩy mạnh hoạt động khoa học và công nghệ với các phòng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đầu tư tương đối hiện đại. Dựa vào thế mạnh và thực lực của mình, các doanh nghiệp lớn này tham gia vào đổi mới sáng tạo, tiêu biểu như Tập đoàn Viettel, Vinaphone, FPT, Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam, Dầu khí,…
Xác định rõ vai trò quan trọng của đổi mới sáng tạo trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đã khẳng định Việt Nam cần phải “nỗ lực cải cách mạnh mẽ, toàn diện cả về quy mô và cường độ trên tất cả các lĩnh vực”, đổi mới sáng tạo cần phải trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế. Với các doanh Việt Nam nói chung, câu hỏi đặt ra là năng lực đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp đến đâu? Nếu đổi mới sáng tạo thì phải bắt đầu từ đâu? Cơ chế nào để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo có hiệu quả? Đó là những vấn đề lớn đặt ra cho cả doanh nghiệp và các bộ, ngành, địa phương trước sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ hiện nay. Để góp phần trả lời được những câu hỏi đó, yêu cầu về một công cụ để đánh giá được năng lực đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp là hết sức cần thiết.
Hiện nay, trên thế giới tồn tại nhiều phương pháp đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo với các ưu nhược điểm khác nhau. Đề tài Nghiên cứu xây dựng bộ công cụ số hóa đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp có hoạt động khoa học và công nghệ ở Việt Nam do Trung tâm Dịch vụ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện, ThS. Trần Xuân Bách làm chủ nhiệm đã tổng hợp, số hóa được các phương pháp phù hợp với điều kiện Việt Nam, tăng mức độ dễ hiểu, dễ sử dụng đối với mọi đối tượng. Người dùng sẽ nhập các số liệu đầu vào và nhận được kết quả đầu ra mong muốn và có thể so sánh kết quả đó theo nhiều phương pháp đánh giá khác nhau.
Nghiên cứu đã tiến hành tìm kiếm, khảo sát và phân tích các phương pháp đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp.Từ việc nghiên cứu hệ thống i2-Metrix, mô hình đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo của OECD, mô hình đánh giá của Joe Tidd, John Bessant, Keith Pavitt, mô hình đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo theo ISO 56000, nhóm tác giả lựachọn phương pháp, mô hình và thiết kế nội dung cho việc đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp có hoạt động KH&CN tại Việt Nam. Theo đó, mô hình đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo tại các doanh nghiệp có hoạt động khoa học và công nghệ với 5 thành phần chính: (1) Chiến lược và tầm nhìn (gồm 44 chỉ tiêu đánh giá); (2) Tổ chức, văn hóa và nhân sự (gồm 33 chỉ tiêu đánh giá); (3) Công nghệ, sản xuất (gồm 23 chỉ tiêu đánh giá); (4) Tài chính, đầu tư (gồm 19 chỉ tiêu đánh giá); và (5) Marketing, thị trường (gồm 35 chỉ tiêu đánh giá).
Mô hình đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp có hoạt động khoa học và công nghệ.
Nghiên cứu đã tiến hành số hóa công cụ đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo của đối tượng doanh nghiệp trên cơ sở thu thập, tổng hợp các nền tảng platform hiện có trên thế giới và Việt Nam trong việc đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp. Theo đó, xác định khung đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp Việt Nam và bộ tiêu chí đánh giá sơ bộ năng lực đổi mới sáng tạo cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam gồm các nội dung về chiến lược và tầm nhìn; tổ chức, văn hóa và nhân sự; công nghệ, sản xuất; tài chính, đầu tư; marketing, thị trường. Nghiên cứu cũng khảo sát sơ bộ trải nghiệm người dùng đối với công cụ đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo của đối tượng doanh nghiệp để hoàn thiện công cụ; phân tích khảo sát chất lượng công cụ đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp với 200 người dùng thuộc 3 đối tượng: đại diện doanh nghiệp (20 phiếu online); người dùng trực tiếp (160 phiếu) và chuyên gia (20 phiếu). Kết quả khảo sát cho thấy, về giao diện của công cụ, có 88% người dùng không hài lòng, 12% người dùng hài lòng, điều này cho thấy cần cải thiện giao diện để thân thiện người dùng hơn. Về tốc độ phản hồi của công cụ, 92% người dùng hài lòng và 8% người dùng không hài lòng, điều này cho thấy tốc độ phản hồi của công cụ đã đáp ứng được cơ bản phần lớn người dùng. Về câu hỏi chung, 20,8% người dùng nghĩ cần bổ sung số lượng câu hỏi; 10,4% người dùng nghĩ cần bổ sung nội dung câu hỏi; 79,2% người dùng nghĩ không cần bổ sung. Về câu hỏi tổ chức, văn hóa và nhân sự, 14,3% người dùng nghĩ cần bổ sung số lượng câu hỏi; 4,1% người dùng nghĩ cần bổ sung nội dung câu hỏi và 85,7 người dùng nghĩ không cần bổ sung. Về câu hỏi tài chính, đầu tư, 20,4% người dùng nghĩ cần bổ sung số lượng câu hỏi; 12,2% người dùng nghĩ cần bổ sung nội dung câu hỏi; 75,5% người dùng nghĩ không cần bổ sung. Về câu hỏi chiến lược, tầm nhìn, 14,3% người dùng nghĩ cần bổ sung số lượng câu hỏi; 4,1% người dùng nghĩ cần bổ sung nội dung câu hỏi và 83,7 người dùng nghĩ không cần bổ sung. Về câu hỏi Marketing, thị trường, 16,3% người dùng nghĩ cần bổ sung số lượng câu hỏi; 8,2% người dùng nghĩ cần bổ sung nội dung câu hỏi; 81,6% người dùng nghĩ không cần bổ sung. Về câu hỏi chiến lược, tầm nhìn, 18,4% người dùng nghĩ cần bổ sung số lượng câu hỏi; 8,2% người dùng nghĩ cần bổ sung nội dung câu hỏi; 79,6% người dùng nghĩ không cần bổ sung.
Nghiên cứu triển khai thử nghiệm thực tế tại một số doanh nghiệp: Công ty cổ phần phát triển công nghệ Cyberlogistics Việt Nam, Công ty cổ phần Môi trường Huy Hoàng Eco, Tổ hợp Công ty cổ phần Gốm Đất Việt, Công ty cơ khí Tân Hiệp Lực, Công ty cổ phần Vật tư thiết bị môi trường 13, từ đó rút kinh nghiệm, hoàn thiện sản phẩm, đánh giá. Kết quả thử nghiệm cho thấy, tại Công ty cổ phần phát triển công nghệ Cyberlogistics Việt Nam, các chỉ tiêu về chiến lược, tầm nhìn đang ở mức tốt, tuy nhiên các chỉ tiêu khác đều ở mức thấp. Điểm số của đánh giá lãnh đạo doanh nghiệp về chiến lược, tài chính ở mức tốt, tuy nhiên về mặt công nghệ ở mức trung bình. Nhân viên của doanh nghiệp này đánh giá về chỉ tiêu tổ chức, văn hóa và nhân sự ở mức rất thấp khoảng 1.5/5, ý kiến chuyên gia đánh giá về mặt công nghệ ở mức 2.5/5. Với Công ty cổ phần Môi trường Huy Hoàng Eco, các chỉ tiêu về Marketing ở mức mức tốt, tuy nhiên các chỉ tiêu khác đều ở mức thấp. Điểm số của đánh giá lãnh đạo doanh nghiệp về tài chính ở mức tốt, tuy nhiên về mặt công nghệ ở mức thấp (0.75/5). Nhân viên của doanh nghiệp này đánh giá về chỉ tiêu tổ chức, văn hóa và nhân sự ở mức trung bình ( 3.2/5). Ý kiến chuyên gia đánh giá về tổ chức văn hóa ở mức thấp (0.75/5). Nhìn chung doanh nghiệp này có chỉ số năng lực đổi mới sáng tạo ở mức trung bình, điểm số trung bình khoảng 3/5. Các yếu tố cần cải thiện nhiều là công nghệ; tổ chức, văn hóa và nhân sự; chiến lược, tầm nhìn. Các chỉ tiêu chung và chỉ tiêu về tài chính; Marketing ở mức khá hơn. Với Tổ hợp Công ty cổ phần Gốm Đất Việt, các chỉ tiêu về Marketing ở mức mức tốt, tuy nhiên các chỉ tiêu khác đều ở mức thấp. Điểm số của đánh giá lãnh đạo doanh nghiệp về tài chính ở mức thấp (0.75/5), tuy nhiên về mặt công nghệ, marketing ở mức cao. Nhân viên của doanh nghiệp này đánh giá về chỉ tiêu tổ chức, văn hóa và nhân sự ở mức thấp (1/5), ý kiến chuyên gia đánh giá về tổ chức văn hóa ở mức thấp (1/5). Kết quả chỉ số năng lực đổi mới sáng tạo ở mức khá tốt, điểm số trung bình khoảng 3.5/5. Các yếu tố cần cải thiện nhiều là tài chính; tổ chức, văn hóa và nhân sự. Các chỉ tiêu chung và chỉ tiêu về công nghệ; Marketing ở mức tốt. Công ty cơ khí Tân Hiệp Lực có các chỉ tiêu về Marketing; tài chính; công nghệ ở mức mức tốt, tuy nhiên các chỉ tiêu khác đều ở mức trung bình. Điểm số của đánh giá chiến lược; tổ chức, văn hóa khá thấp (2/5), tuy nhiên về mặt công nghệ, marketing ở mức cao. Nhân viên của doanh nghiệp này đánh giá về chỉ tiêu tổ chức, văn hóa và nhân sự ở mức thấp (2.1/5), ý kiến chuyên gia đánh giá về các chỉ tiêu ở mức khá tốt (trên 3 điểm). Doanh nghiệp này có các chỉ số chiến lược, tổ chức ở mức dưới trung bình; các chỉ số marketing, tài chính hay công nghệ ở mức khá tốt. Với Công ty cổ phần Vật tư thiết bị môi trường 13, các chỉ tiêu về Marketing; tài chính; công nghệ ở mức mức tốt, đặc biệt chỉ tiêu về tổ chức, văn hóa và nhân sự. Điểm số của đánh giá chiến lược ở mức khá (3.5/5). Nhân viên của doanh nghiệp này đánh giá về chỉ tiêu tổ chức, văn hóa và nhân sự ở mức cao (4.5/5), ý kiến chuyên gia đánh giá về các chỉ tiêu ở mức khá tốt (trên 3 điểm). Từ nghiên cứu thử nghiệm, Ban chủ nhiệm đưa ra khuyến nghị để hoàn thiện công cụ về giao diện, dữ liệu và tiến hành phân tích, đánh giá kết quả thu được để đưa ra các giải pháp phù hợp đối với từng doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo; đồng thời đề xuất sơ bộ các gói dịch vụ đánh giá và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho đối tượng doanh nghiệp gồm: đánh giá tổng quan, phân tích dữ liệu đã công bố, khảo sát thực tế hoạt động doanh nghiệp, phỏng vấn người đứng đầu. Các dịch vụ nâng cao bao gồm: (1) Tăng cường liên kết, hợp tác của các tổ chức khoa học và công nghệ với việc quảng bá truyền thông để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với thị trường và có phương pháp tổ chức sản xuất hợp lý; (2) Tăng cường hoạt động truyền thông, quảng bá cho hoạt động khoa học và công nghệ, trong đó có truyền thông cho đổ mới sáng tạo của doanh nghiệp; (3) Nhân lực là nguồn lực then chốt cho đổi mới sáng tạo, do đó cần chú trọng nhiều tới chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghệ trong doanh nghiệp; (4) Tăng cường triển khai thu hút và tổ chức đào tạo để có đội ngũ nhân lực KH&CN chất lượng cao, có trình độ, chuyên môn phù hợp thuộc các ngành, lĩnh vực trọng điểm, chủ lực của tỉnh; (5) Đẩy mạnh việc kết nối cung - cầu về công nghệ như xây dựng chợ công nghệ, dịch vụ môi giới, tư vấn công nghệ, kiểm định, đánh giá công nghệ nhằm thiết lập trật tự thị trường. Ngoài ra, cần gắn kết tốt hơn nghiên cứu công với các ưu tiên kinh tế xã hội và đẩy mạnh vai trò điều phối ở cấp độ chiến lược.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài tại Trung tâm Thông tin, Thống kê KH&CN Hải Phòng./.
- Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế xác lập hệ thống tiêu chí, chỉ số đánh giá, giám sát... (30/10/2024)
- Nghiên cứu thử nghiệm sản xuất giống sò huyết Anadara granosa trong ao (28/10/2024)
- Quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường vùng nuôi trồng thủy sản tại một số tỉnh... (25/10/2024)
- Một số giải pháp chính sách thực hiện chiến lược kinh tế biển xanh trong xây dựng... (21/10/2024)
- Nghiên cứu phát triển kỹ thuật PCR đa mồi (multiplex PCR) để phát hiện nhanh một... (18/10/2024)