Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 7971
Tổng truy cập : 57,998

Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN

Nghiên cứu xây dựng hệ thống các tiêu chí đánh giá xếp hạng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp cảng biển Việt Nam, áp dụng cho các cảng biển trên khu vực Hải Phòng (24/05/2024)

Việt Nam là một nền kinh tế đang có những bước phát triển nhanh với nhiều thành tựu về xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, hệ thống cơ sở hạ tầng, cảng biển, hệ thống logistics… trong những năm gần đây. Trong đó, với chiều dài bờ biển trên 3000 km, các cảng biển Việt Nam đã đóng một vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế đất nước cũng như có một số cảng cửa ngõ có vị trí cao trong khu vực và thế giới. Song song với sự phát triển của luồng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển, cơ sở hạ tầng cảng biển Việt Nam cũng đã thực sự bùng nổ trong khoảng mười năm trở lại đây. Sự gia tăng về nguồn cung dịch vụ cảng biển với số lượng lớn các bến cảng, thu hút nhiều nhà đầu tư khai thác cảng cũng đồng thời đặt ra vấn đề về cạnh tranh giữa các bến cảng trong cùng một địa phương. Cạnh tranh giữa các cảng biển là một đề tài có tính truyền thống trên thế giới với số lượng rất lớn các công trình đã công bố có liên quan. Tuy nhiên, đây cũng là một chủ đề phát sinh nhiều tranh cãi và ý kiến trái chiều đặc biệt về bộ tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh cảng biển.

Thực trạng hệ thống cảng biển Việt Nam hiện nay cũng cho thấy vấn đề về sự phân tán của thị trường các bến cảng với số lượng lớn các bến cảng nhưng không có bến cảng nào có quy mô đủ lớn, chiều dài cầu tàu và diện tích bến cảng đủ lớn để đạt được các lợi thế kinh tế về quy mô, qua đó hấp dẫn được các hãng tàu nước ngoài cũng như có vị thế cao hơn với hãng tàu nước ngoài. Việc triển khai đề tài KH&CN cấp Bộ: Nghiên cứu xây dựng hệ thống các tiêu chí đánh giá xếp hạng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp cảng biển Việt Nam, áp dụng cho các cảng biển trên khu vực Hải Phòngdo đó có vai trò quan trọng, là cơ sở cho các bên liên quan như các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà đầu tư và khách hàng sử dụng dịch vụ cảng xây dựng các kế hoạch và chiến lược riêng cho đơn vị mình. Đề tài do Trường Đại học Hàng hải Việt Nam chủ trì thực hiện, PGS.TS. Đặng Công Xưởng làm chủ nhiệm.

Cảng biển tại Hải Phòng.

Bên cạnh việc hệ thống hóa cơ sở lý luận, phương pháp và các tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh của các bến cảng, để xây dựng được bộ tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh của các cảng biển Việt Nam phù hợp với đặc điểm khai thác và yêu cầu thị trường nước ta, nhóm nghiên cứu áp dụng phương pháp nghiên cứu định tính. Trên cơ sở tổng hợp các lý thuyết và kinh nghiệm quốc tế về nghiên cứu tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh cảng biển, việc sử dụng phương pháp định tính giúp nhóm nghiên cứu có thể khám phá được các tiêu chí cạnh tranh phản ánh được thực tiễn tại Việt Nam.

Nghiên cứu thực hiện xây dựng các tiêu chí để đánh giá và xếp hạng năng lực cạnh tranh của các cảng container, bến cảng tổng hợp, bến cảng hàng rời và bến cảng hàng lỏng. Trong đó, các tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh cảng container được nhóm nghiên cứu xác định, gồm 4 tiêu chí cấp 1 và 15 tiêu chí cấp 2. Cụ thể, tiêu chí 1: Hạ tầng bến cảng container (gồm 7 tiêu chí cấp 2: Số lượng cầu tàu container; Chiều dài cầu tàu container; Độ sâu trước cầu tàu container; Vị trí bến cảng container; Số lượng cần cẩu dàn container; Số lượng RTG/RMG và Diện tích bãi container); tiêu chí 2: Lượng container thông qua cảng (gồm 2 tiêu chí cấp 2: Tổng số TEU thông qua cảng và Tốc độ tăng trưởng container qua cảng); tiêu chí 3: Chi phí (gồm 2 tiêu chí cấp 2: Chi phí xếp dỡ container và Chi phí neo đậu tàu container); tiêu chí 4: Khai thác (gồm 4 tiêu chí cấp 2: Tốc độ xếp dỡ container; Hiệu suất khai thác container; Mức độ an toàn của bến cảng container và Mức độ tin cậy của dịch vụ bến cảng).

Để xây dựng bộ tiêu chí đánh giá và xếp hạng năng lực cạnh tranh của các cảng tổng hợp, nhóm nghiên cứu bắt đầu từ việc tổng hợp các nguồn lý thuyết để đưa ra các tiêu chí tiềm năng có thể áp dụng vào bối cảnh và đối tượng của nghiên cứu này. Thông qua các câu hỏi gợi mở và đào sâu dành cho các chuyên gia được phỏng vấn, các tiêu chí tiềm năng này có thể được khẳng định hoặc điều chỉnh cho phù hợp với đối tượng và phạm vi nghiên cứu, đồng thời có thể tìm thấy những tiêu chí đặc thù trong năng lực cạnh tranh của các cảng tổng hợp tại Việt Nam. Bộ tiêu chí đánh giá và xếp hạng năng lực cạnh tranh của các cảng tổng hợp cũng gồm 4 tiêu chí cấp 1, được phân thành 13 tiêu chí cấp 2 gồm: Hạ tầng bến cảng tổng hợp (Số lượng cầu tàu; Chiều dài cầu tàu; Độ sâu trước cầu tàu; Vị trí bến cảng tổng hợp và Số lượng cần trục chân đế); Lượng hàng thông qua cảng (Khối lượng hàng thông qua bến cảng tổng hợp và Tốc độ tăng trưởng hàng thông qua bến cảng tổng hợp); Chi phí (Chi phí xếp dỡ hàng tổng hợp và Chi phí neo đậu tàu hàng).

 Tiêu chí đánh giá và xếp hạng năng lực cạnh tranh của các cảng hàng rời được nhóm nghiên cứu xác định gồm: Hạ tầng cảng hàng rời (Số lượng cầu tàu hàng rời; Chiều dài cầu tàu hàng rời; Độ sâu trước cầu tàu hàng rời; Vị trí bến cảng hàng rời; Số lượng phương tiệp xếp dỡ hàng rời chuyên dụng); Lượng hàng rời thông qua cảng (Khối lượng hàng rời thông qua cảng; Tốc độ tăng trưởng lượng hàng rời thông qua cảng); Chi phí (Chi phí xếp dỡ hàng rời; Chi phí neo đậu tàu hàng rời); Khai thác (Tốc độ xếp dỡ hàng rời; Hiệu suất khai thác hàng rời; Mức độ an toàn và Mức độ tin cậy). 

Với các cảng hàng lỏng, bộ tiêu chí này gồm: Hạ tầng bến cảng hàng lỏng (Số lượng cầu tàu hàng lỏng; Chiều dài cầu tàu hàng lỏng; Độ sâu trước cầu tàu hàng lỏng; Vị trí bến cảng hàng lỏng; Tổng thể tích bồn chứa hàng lỏng); Lượng hàng thông qua cảng (Tổng lượng hàng lỏng thông qua cảng; Tốc độ tăng trưởng lượng hàng lỏng qua cảng); Khai thác (Tốc độ bơm/rút hàng; Hiệu suất khai thác hàng lỏng; Mức độ an toàn của hoạt động bến cảng hàng lỏng; Mức độ tin cậy của dịch vụ bến cảng).

 

Các phương pháp nghiên cứu để đánh giá và xếp hạng năng lực cạnh tranh của các bến cảng.

Để đánh giá và xếp hạng năng lực cạnh tranh của cảng biển Việt Nam, áp dụng cho khu vực Hải Phòng, nghiên cứu sử dụng phương pháp phỏng vấn trực tiếp và phương pháp Fuzzy-AHP. Kết quả khảo sát được nhập vào phần mềm Xếp hạng năng lực cạnh tranh bến cảng. Theo đó, 15 bến cảng container khu vực Hải Phòng được xếp hạng theo thứ tự từ 1 đến 15 gồm: Tân Vũ, VIP Green Port, HICT, Đình Vũ, Nam Hải Đình Vũ, Hải An, Nam Hải, Green Port, Nam Đình Vũ, Chùa Vẽ, PTSC Đình Vũ, Tân Cảng 128, Tân Cảng 189, Đoạn Xá và Transvina. Với các bến cảng tổng hợp tại Hải Phòng, kết quả xếp hạng 10 bến cảng lần lượt là: Vật Cách, Cửa Cấm, Hoàng Diệu, DAP, Nam Ninh, Tiến Mạnh, Quỳnh Cư, Tự Long, TH Hùng Vương và Đông Hải. Với bến cảng rời, kết quả xếp hạng 10 bến cảng theo thứ tự: Vật Cách, DAP, Cửa Cấm, Hoàng Diệu, Nam Ninh, Tiến Mạnh, Quỳnh Cư, Tự Long, TH Hùng Vương và Đông Hải. Với các bến cảng hàng lỏng, kết quả xếp hạng 6 bến cảng gồm: Xăng dầu Đình Vũ (19-9), Gas Đài Hải, Xăng dầu Petec Hải Phòng, Hải Đăng, Total Gas Hải Phòng và Khí hóa lỏng Thăng Long.

Kết quả nghiên cứu của đề tài có thể áp dụng cho những khu vực cảng biển khác và phục vụ cho nhiều đối tượng sử dụng khác nhau. Với bộ tiêu chí đề xuất, đối tượng sử dụng có thể điều chỉnh thay đổi trọng số của các chỉ tiêu và nhập kết quả đánh giá cho các bến cảng khác nhau. Do đó, kết quả và phần mềm nghiên cứu có tính linh hoạt cao, cho phép khả năng tùy biến cho từng trường hợp cụ thể. Ngoài ra, bộ chỉ tiêu và phần mềm tính toán đánh giá xếp hạng năng lực cạnh tranh các bến cảng Việt Nam có thể được ứng dụng bởi các cấp quản lý để làm cơ sở cho việc lập kế hoạch, từng bước giải quyết vấn đề phân tán của thị trường dịch vụ cảng biển, nhiều bến cảng nhưng thiếu bến cảng có quy mô lớn. 

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài tại Trung tâm Thông tin, Thống kê KH&CN Hải Phòng hoặc Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia./.