Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 8040
Tổng truy cập : 57,998

Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN

Nghiên cứu xây dựng quy trình gạn tách khối tiểu cầu túi ba từ một người cho và đề xuất một số chỉ tiêu chỉ định sử dụng khối tiểu cầu cho bệnh nhân giảm số lượng tiểu cầu tại bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (03/06/2024)

Tiểu cầu là tế bào máu được sinh ra từ các mẫu tiểu cầu ở tuỷ xương. Tiểu cầu có chức năng quan trọng trong đông cầm máu nhờ các tính chất đặc thù như: tập trung thành từng đám dính chặt vào thành mạch nơi bị tổn thương và giải phóng ra yếu tố hoạt hóa đông máu. Tiểu cầu có vai trò quan trọng trong quá trình cầm máu và bảo vệ thành mạch. Thiếu tiểu cầu gây nên những bệnh cảnh chảy máu rất đa dạng. 

Cấu trúc tiểu cầu dưới kính hiển vi điện tử.

Việc sản xuất khối tiểu cầu ngày nay được cải tiến liên tục nhằm làm giảm thiểu các phản ứng phụ, nâng cao chất lượng truyền khối tiểu cầu như lọc bạch cầu, khối tiểu cầu bổ sung dung dịch bảo quản. Ngoài khối tiểu cầu được sản xuất từ máu toàn phần, việc sản xuất khối tiểu cầu bằng gạn tách từ một người hiến máu là một thành tựu lớn mở đầu cho thời kỳ điều chế thành phần máu bằng gạn tách với các thiết bị tự động hiện đại. Truyền khối tiểu cầu từ một người cho bằng máy tách tế bào tự động đã được chỉ định cho người bệnh có giảm tiểu cầu một cách thường xuyên hơn trong những năm gần đây.

Tại Hải Phòng, Trung tâm Huyết học - Truyền máu Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp đã thực hiện kỹ thuật gạn tách tiểu cầu từ một người cho bằng máy tách tế bào máu tự động từ năm 2010, nhưng chỉ thực hiện gạn tách khối tiểu cầu túi đôi chưa thực hiện gạn tách tiểu cầu túi ba. Với nhu cầu sử dụng khối tiểu cầu máy của thành phố ngày càng tăng việc cung cấp gặp nhiều khó khăn. Với mục tiêu đáp ứng số lượng khối tiểu cầu gạn tách cho người bệnh và đề xuất một số tiêu chí chỉ định sử dụng khối tiểu cầu gạn tách vừa tiết kiệm vừa hiệu quả, giúp cho công tác cấp cứu và điều trị người bệnh tốt hơn, đặc biệt giảm tối đa các biến chứng do giảm tiểu cầu gây ra. Năm 2020 Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp được phê duyệt triển khai nhiệm vụ KH&CN cấp thành phố: “Nghiên cứu xây dựng quy trình gạn tách khối tiểu cầu túi ba từ một người cho và đề xuất một số chỉ tiêu chỉ định sử dụng khối tiểu cầu cho bệnh nhân giảm số lượng tiểu cầu tại bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp” do TS. Hoàng Văn Phóng làm chủ nhiệm.

Triển khai đề tài, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn 73 người tham gia hiến tiểu cầu túi ba nhằm đánh giá chất lượng, các yếu tố ảnh hưởng, đề xuất quy trình gạn tách khối tiểu cầu túi ba từ một người cho. Người đủ tiêu chuẩn tham gia hiến máu có tuổi từ 24 - 45 tuổi (28,18 ± 5,54 tuổi), cân nặng từ 65 kg trở lên, số lượng tiểu cầu máu ngoại vi: ≥ 250 G/l (294 ± 42 G/l), thể tích trung bình hồng cầu >85fl, (các điều kiện khác đạt tiêu chuẩn người hiến máu toàn phần theo thông tư 26/2013-TT-BYT). Quy trình gạn tách được tiến hành trong 86 phút đến 118 phút (96 ± 10,2 phút), thể tích máu gạn tách 5.128 ± 421 ml, thể tích huyết tương lấy 375 ml + 375 ml dung dịch nuôi dưỡng tiểu cầu (PAS). Chất lượng khối tiểu cầu gạn tách bằng túi ba có thể tích trung bình của khối tiểu cầu từ một người hiến là 250,12 ± 5,62 ml đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam và Châu Âu. Số lượng tiểu cầu trung bình của khối tiểu cầu từ một người hiến gạn tách kits ba bằng máy Amicus là 3,31 ± 0,20 x 10 11 TC/đv, nồng độ tiểu cầu trong khối tiểu cầu 1.285 ± 92 G/l; nồng độ cao nhất 1.487G/l đạt tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam cũng như tiêu chuẩn Châu Âu. Số lượng hồng cầu còn lại trong sản phẩm khối tiểu cầu theo kết quả nghiên cứu rất thấp chỉ 0,04 ± 0,03 x 10 10 HC/đv, với một lượng nhỏ như vậy thì sẽ không ảnh hưởng tới chất lượng khối tiểu cầu trong khi bảo quản. Số lượng bạch cầu trong khối tiểu cầu từ một người hiến gạn tách bằng máy Amicus là 0,031 ± 0,20 x 1010 / đơn vị.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, một số yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng khối tiểu cầu như: Cân nặng của người hiến tiểu cầu, người >70 kg, khối tiểu cầu thu được có số lượng tiểu cầu ở mức độ trung bình là 51,9% và mức độ cao là 75% cao hơn người <70kg. Số lượng tiểu cầu ở máu ngoại vi: người có số lượng tiểu cầu > 250 G/l, khối tiểu cầu thu được có số lượng tiểu cầu ở mức độ trung bình là 65,6% và mức độ cao là 71,4%. Cao hơn người có số lượng tiểu cầu <250 G/l. Số lượng tiểu cầu trong khối tiểu cầu gạn tách túi ba từ một người hiến cũng có ảnh hưởng đến số lượng tiểu cầu trong đơn vị tiểu cầu tiếp nhận.

Thời gian bảo quản khối tiểu cầu với các chỉ số huyết học như sau: Ngày thứ nhất 1.265 ± 86 G/l; ngày thứ 3 là 1.185 ± 92G/l; ngày thứ 5 là 1.024 ± 98G/l. Như vậy số lượng tiểu cầu giảm theo thời gian bảo quản. Thể tích trung bình tiểu cầu (MPV) tăng theo thời gian bảo quản: ngày thứ nhất 7,9 ± 9,2fl; ngày thứ 3 là 9,2 ± 0,8 fl; ngày thứ 5 là 9,8 ± 0,9 fl. Các chỉ số sinh hóa trong quá trình bảo quản nồng độ glucose giảm mạnh ở các ngày bảo quản thứ ba và thứ năm với các giá trị tương ứng là ngày thứ nhất 18,24 ± 2,85 mmol/; là ngày thứ 3 là 9,92 ± 3,85 mmol/l; ngày thứ 5 là 7,12 ± 5,24 mmol/l. Nồng độ lactate tăng mạnh trong thời gian bảo quản, khối tiểu cầu bảo quản có nồng độ lactate tại các thời điểm ngày thứ nhất, ngày thứ ba và ngày thứ năm trong thời gian bảo quản của khối tiểu cầu từ một người hiến tương ứng là 3,18 ± 0,82; 13,08 ± 4,28 và 17,53 ± 6,12 mmol/l.

Ngoài ra nhóm nghiên cứu còn chỉ ra kết quả của pO2,pCO2, Na+, K+ qua 5 ngày bảo quản cho thấy pO2 tăng trong ngày bảo quản thứ 5, ngày thứ nhất 59,73 ± 31,64 mmHg; ngày thứ 3 là 53,47 ± 20,70 mmHg; ngày thứ 5 là 90,83 ± 39,66 mmHg. pCO2 tăng trong ngày bảo quản thứ 3 và giảm trong ngày bảo quản thứ 5: ngày thứ nhất 74,47 ± 14,42 mmHg; ngày thứ 3 là 84,77 ± 19,20 mmHg; ngày thứ 5 là 69,30 ± 18,19 mmHg. Na+ tăng theo thời gian bảo quản: ngày thứ nhất 141,47 ± 1,83 mmol/l; ngày thứ 3 là 142,2 ± 1,78 mmol/l; ngày thứ 5 là 143,63 ± 2,14 mmol/l. K+ tăng theo thời gian bảo quản: ngày thứ nhất 2,83 ± 0,21 mmol/l; ngày thứ 3 là 3,30 ± 0,37 mmol/l; ngày thứ 5 là 3,68 ± 0,57 mmol/l. Kết quả của ngưng tập tiểu cầu với collagen nồng độ 2µg/ml trong nghiên cứu được xem là bình thường vào ngày đầu tiên (73,56 ± 21,91%), nhưng giảm một cách khác biệt vào ngày bảo quản thứ ba (49,77± 27,71%) và thứ năm (10,17±11,90%). Các kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Teresinha JS. (2003). Độ ngưng tập tiểu cầu với ADP nồng độ 10 µM thấp ngay từ ngày đầu tiên của thời gian bảo quản (27,20 ± 9,07%), độ ngưng tập tiếp tục giảm thấp với một sự khác biệt rõ (p<0,05) ở ngày bảo quản thứ 3 là 8,17 ± 6,62%; ngày thứ 5 là 6,93 ± 3,78%. Kết quả nghiên cứu cho thấy độ ngưng tập tiểu cầu với ADP giảm theo thời gian lưu trữ.

Để đánh giá hiệu quả truyền khối tiểu cầu cho bệnh nhân giảm số lượng tiểu cầu, nhóm nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu trên 90 bệnh nhân đang điều trị tại khoa Huyết học lâm sàng, với chẩn đoán xuất huyết giảm tiểu cầu, rối loạn sinh tủy và lơ xê mi cấp. Kết quả cho thấy, đối với bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu là bệnh lý cơ quan tạo máu số lượng tiểu cầu trung bình sau truyền tăng khá cao 48,67 ± 21,95 G/l, CCI sau 1 giờ truyền trung bình là 16,92 ± 8,58, hiệu quả truyền tiểu cầu cho người bệnh ngay sau truyền tăng khá cao. Tuy nhiên, sau 12 giờ truyền tiểu cầu CCI giảm mạnh 11,47 ± 6,47, đặc biệt 24 giờ sau truyền CCI chỉ còn 4,85 ± 3,55. Có 05 trường hợp truyền tiểu cầu không hiệu quả chiếm 16,7 %. Trong 05 trường hợp truyền không hiệu quả có 4 trường hợp có kháng thể kháng tiểu cầu chiếm 16,7%; Đối với bệnh rối loạn sinh tủy là bệnh lý cơ quan tạo máu, điều trị phải dùng hóa chất nên giảm khả năng sinh tiểu cầu trong tủy xương, chính vì vậy người bệnh thường xuyên được truyền khối tiểu cầu khi số lượng tiểu cầu của họ giảm nặng. Sau truyền một giờ hiệu quả truyền cao nhất sau giảm dần đến 24 giờ sau truyền cụ thể CCI ngay sau truyền là 53,50 ± 23,95; sau truyền 01 giờ là 16,71 ± 7,82; sau truyền 12 giờ là 11,26 ± 6,78 và sau truyền 24 giờ là 4,60 ± 3,1. Ngoài ra, Có 06 trường hợp truyền tiểu cầu không hiệu quả với lần truyền thứ nhất, sau truyền 2 hoặc 3 khối tiểu cầu, số bệnh nhân truyền tiểu cầu không hiệu quả còn 3 bệnh nhân chiếm 10,0% .Trong 06 trường hợp truyền không hiệu quả có 3 trường hợp có kháng thể kháng tiểu cầu chiếm 10,0%.

Trong ba nhóm bệnh lý cơ quan tạo máu nhóm nghiên cứu gặp nhiều hơn là lơ xê mi cấp. Sau truyền một giờ hiệu quả truyền cao nhất sau giảm dần đến 24 giờ sau truyền cụ thể CCI ngay sau truyền là 51,23 ± 22,40; số lượng tiểu cầu của người bệnh sau truyền tăng lên 51,23 ± 22,4 G/l. Tuy nhiên, ở nhóm bệnh này, theo dõi CCI tại thời điểm 1 giờ sau truyền trung bình là 12,46 ± 7,41. Tại thời điểm 12 giờ sau truyền tiểu cầu, CCI trung bình đã giảm khá nhanh chỉ còn là 7,55 ± 4,44. Đặc biệt tại thời điểm 24 giờ sau truyền khối tiểu cầu, chỉ số CCI trung bình chỉ còn 4,03 ± 3,54. Có 08 trường hợp truyền tiểu cầu không hiệu quả với lần truyền thứ nhất, sau truyền lần 2 và lần 3 số bệnh nhân truyền tiểu cầu không hiệu quả còn 3 bệnh nhân chiếm 10,0%. Trong 08 trường hợp truyền không hiệu quả có 3 trường hợp có kháng thể kháng tiểu cầu chiếm 10,0%.

Kết quả đề tài cho thấy việc áp dụng gạn tách tiểu cầu túi ba vào làm thường quy tại các Trung tâm Huyết học Truyền máu sẽ tăng số lượng khối tiểu cầu và hạ giá thành cho cấp cứu điều trị người bệnh. Chỉ định truyền khối tiểu cầu đúng và số lượng hợp lý nhằm mang lại hiệu quả cho người bệnh tránh lãng phí và xuất hiện kháng thể kháng tiểu cầu cho người bệnh. 

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu dự án tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ./.