Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 57037
Tổng truy cập : 57,998

Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN

Nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật ứng dụng vạt cuống mạch liền tạo hình khuyết hổng phần mềm bàn ngón tay tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (26/08/2023)

Bàn tay, đặc biệt là các ngón tay là bộ phận tinh tế nhất của hệ vận động, thực hiện chức năng vận động tinh vi và xúc giác tinh tế, tham gia vào hầu hết các hoạt động trong lao động sản xuất và sinh hoạt hàng ngày nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn. Trung những tổn thương bàn ngón tay các vết thương khuyết hổng tổ chức có lộ gân, xương, khớp bắt buộc phải được che phủ bằng vạt tổ chức. Bởi vì các tổn thương này nếu không được che phủ kịp thời sẽ dẫn đến hoại tử thứ phát gân, xương, khớp gây biến dạng hình thái và mất chức năng của bàn ngón tay.

Ở Việt Nam hiện nay chỉ có các trung tâm phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Trung ương quân đội 108, Viện chấn thương chỉnh hình thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Xanh Pôn… mới có khả năng phẫu thuật tạo hình che phủ khuyết hổng phần mềm ngón tay. Vạt cuống liền tại chỗ là kỹ thuật được lựa chọn đầu tiên để tạo hình các khuyết hổng bàn ngón tay do có các ưu điểm bảo tồn được chiều dài, phục hồi nhanh bệnh nhân sớm quay lại với công việc lao động hàng ngày. Ở Hải Phòng, khi bệnh nhân có các khuyết hổng bàn tay thường phải chuyển đến các trung tâm phẫu thuật tạo hình tại Hà Nội. Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp đã có các phẫu thuật viên được đào tạo về chuyên môn ngành phẫu thuật tạo hình và phẫu thuật bàn tay, do vậy đã ứng dụng một số kỹ thuật để tạo hình các khuyết hổng bàn ngón tay. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có một quy trình kỹ thuật thống nhất, do đó cần phải có quy trình kỹ thuật phẫu thuật tạo hình và chăm sóc cho các vết thương khuyết hổng phần mềm bàn ngón tay để nâng cao chất lượng và hiệu quả điều trị. Để giải quyết thực tế trên, năm 2019 Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp đã triển khai thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp thành phố: “Nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật ứng dụng vạt cuống mạch liền tạo hình khuyết hổng phần mềm bàn ngón tay tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp”, do TS. Phạm Văn Trung – Trưởng khoa phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ làm chủ nhiệm.

Trên cơ sở nghiên cứu xây dựng quy trình ứng dụng vạt cuống mạch liền tạo hình khuyết hổng cho 50 bệnh nhân có khuyết hổng bàn ngón tay được tạo hình che phủ bằng 50 vạt cuống mạch liền tại khoa phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, nhóm nghiên cứu đánh giá, hình thái tổn thương là yếu tố quyết định đến việc lựa chọn loại cuống liền che phủ khuyết hổng phần mềm. Kết quả cho thấy đa số bệnh nhân đang trong độ tuổi lao động, đây là lực lượng chính sản xuất của cải vật chất cho xã hội, phân bố đều ở các nhóm tuổi từ 20-39 tuổi, bệnh nhân trong độ tuổi từ 20-60 tuổi chiếm 92%. Bệnh nhân là công nhân chiếm 54%, tiếp theo là lao động tự do 26%. Nguyên nhân gây khuyết hổng phần mềm bàn tay do tai nạn lao động là cao nhất 72%, tiếp theo là tai nạn sinh hoạt 18%. Trong tất cả các hướng của vết thương thì vết thương chéo mặt gan tay chiếm tỷ lệ cao nhất 52%, tiếp theo là vết thương ngang ngón tay là 34%, vết thương chéo mặt bên trên chiếm tỷ lệ thấp nhất 4,0%. Sau mổ 100% bệnh nhân không có biến chứng chảy máu tại vạt và nơi cho vạt. Giữa tình trạng vết thương và mức độ sống của vạt không có liên quan với P = 0,712, trong số 41 ca phẫu thuật có bờ vết thương nham nhở, có tới 33 ca vạt sống hoàn toàn, chỉ có 2 ca da hoại tử ≥ 1/3 diện tích, tất cả vạt có kích thướng dưới 2cm đều sống hoàn toàn. Kết quả xa sau mổ ở mức độ tốt là 90%, mức độ khá là 10%, không có bệnh nhân nào mức độ xấu. Đối với các khuyết hổng phần mềm bàn ngón tay có diện tích nhỏ dưới 1cm2 ở ngón tay, dưới 5cm2 ở bàn tay, sử dụng quy trình kỹ thuật ứng dụng vạt cuống mạch liền dạng ngẫu nhiên; đối với các khuyết hổng phần mềm bàn ngón tay có diện tích trên 1cm2 ở ngón tay, trên 5cm2 ở bàn tay sử dụng quy trình kỹ thuật ứng dụng vạt cuống mạch liền dạng trục mạch.

Bên cạnh đó, đề tài đã xây dựng được 2 quy trình kỹ thuật phẫu thuật vạt cuống mạch liền tạo hình khuyết hổng bàn ngón tay bằng vạt ngẫu nhiên và vạt trục mạch, thông qua các bước đầu giống nhau như: Khám lâm sàng để đánh giá mức độ tổn thương khuyết hổng phần mềm và các tổn thương phối hợp; làm các xét nghiệm cận lâm sàng; cắt lọc làm sạch tổn khuyết; kiểm tra đánh giá lại vạt sau mổ hàng ngày và đánh giá kết quả xa sau mổ sau ba tháng bằng việc khám lâm sàng. Tuy nhiên, đối với việc phẫu thuật vạt ngẫu nhiên, cần phải phẫu tích vạt cuống mạch liền theo thiết kế, di chuyển vạt theo kiểu dồn đẩy V-Y, dạng xoay, chuyển tạo hình khuyết hổng. Đối với các vạt trục mạch cần phải cắt lọc làm sạch tổn khuyết siêu âm dopller xác định trục mạch cấp máu cho vạt; thiết kế vạt theo vị trí trục mạch và đặt điểm tổn khuyết; phẫu tích vạt cuống mạch liền theo thiết kế, di chuyển vạt theo hai hình thức xuôi dòng hoặc ngược dòng…

Nhóm nghiên cứu đưa ra khuyến nghị khi điều trị các vết thương khuyết hổng phần mềm bàn ngón tay cần được sở cứu đúng, kịp thời và chuyển bệnh nhân đến cơ sở có khả năng phẫu thuật tạo hình khuyết hổng phần mềm. Các bệnh viện tuyến dưới cần được tập huấn về cách sơ cứu ban đầu bệnh nhân có khuyết hổng phần mềm bàn ngón tay, chuẩn bị cơ sở vật chất, nguồn nhân lực để có thể nhận giao quy trình kỹ thuật ứng dụng vạt cuống mạch liền tạo hình các khuyết hổng phần mềm bàn ngón tay có kích thước nhỏ vằng ccs vạt ngẫu nhiên. Đề tài được Hội đồng Khoa học đánh giá xuất sắc, có tính mới, tính thời sự và ý nghĩa thực tiễn lớn; có khả năng ứng dụng tại các cơ sở y tế có trang bị cơ sở vật chất - kỹ thuật tương đồng và có khả năng chuyển giao công nghệ và đào tạo./.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài tại Trung tâm Thông tin, Thống kê khoa học và công nghệ Hải Phòng. 

Đơn vị có nhu cầu chuyển giao công nghệ sản xuất xin liên hệ Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, số 01 đường Nhà Thương, phường Cát Dài, quận Lê Chân, Hải Phòng./.