Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 47779 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Thông tin kết quả nhiệm vụ KH&CN
Nghiên cứu xây dựng quy trình nuôi xen canh cá rô phi đơn tính trong ao nuôi tôm thẻ chân trắng tại Hải Phòng (13/09/2024)
Cá rô phi và tôm thẻ chân trắng đã được ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố xác định là một trong những sản phẩm chủ lực của lĩnh vực thủy sản. Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc nuôi xen ghép cá rô phi với tôm sú hoặc tôm thẻ chân trắng đều đem lại hiệu quả kinh tế cao, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Trong vài năm gần đây, ở các nước như Philippin, Ấn Độ, Thái Lan, Ecuado… và các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh, Sóc Trăng đã áp dụng biện pháp sinh học nuôi xen canh, luân canh cá rô phi - tôm thẻ chân trắng cho thấy, tôm nuôi đạt năng suất cao, hạn chế và không sử dụng hoá chất, kháng sinh để xử lý môi trường và phòng trừ dịch bệnh trong quá trình nuôi nhưng môi trường vẫn ổn định, hạn chế dịch bệnh, rủi ro trong nghề nuôi tôm.
Tại Hải Phòng những năm gần đây, diện tích nuôi tôm bị thu hẹp. Có nhiều quy trình công nghệ nuôi được thử nghiệm nhưng mức độ nhân rộng còn hạn chế; hình thức nuôi tôm thẻ chân trắng hiện nay vẫn chủ yếu là nuôi công nghiệp, tuy nhiên nguồn nước nuôi đã bị ô nhiễm, dịch bệnh trên tôm nhiều tiềm ẩn, khó kiểm soát, nhất là bệnh gan tụy, đốm trắng, phân trắng... việc nuôi tôm thẻ chân trắng đang đối mặt với nhiều rủi ro. Trước thực trạng đó, Trung tâm Khuyến nông đã chủ trì thực hiện đề tàii “Nghiên cứu xây dựng quy trình nuôi xen canh cá rô phi đơn tính trong ao nuôi tôm thẻ chân trắng tại Hải Phòng”, ThS. Đặng Thị Thanh làm chủ nhiệm.
Bên cạnh việc nghiên cứu tổng quan các vấn đề liên quan đến nuôi xen canh, luân canh ngắt vụ cá rô phi trong ao nuôi tôm thẻ chân trắng, đề tài đã tiến hành khảo sát, điều tra thực tế tại các địa điểm nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Nghiên cứu cũng dự thảo 02 quy trình nuôi xen canh cá rô phi trong ao nuôi tôm thẻ chân trắng gồm: Quy trình nuôi xen canh cá rô phi trong ao nuôi tôm thẻ chân trắng tại Hải Phòng và Quy trình nuôi luân canh cá rô phi đơn tính ngắt vụ trong ao nuôi tôm thẻ chân trắng tại Hải Phòng và tiến hành thực nghiệm nuôi xen canh cá rô phi đơn tính trong ao nuôi tôm thẻ chân trắng tại Hải Phòng.
Kết quả thực nghiệm vụ 1 được thực hiện trên 02 ao nuôi ao nuôi, trong đó ao nuôi 1 với mật độ 100 con/m2 cho tỷ lệ sống đạt 61%, năng suất đạt 10,665 tấn/ha, hệ số thức ăn 1,3 và lãi ròng đạt 205.089.000 đồng (tương ứng 512.722.000 đồng/ha), tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư đạt 46,02%.Với ao nuôi 2 mật độ 80 con/m2 đạt tỷ lệ sống 65%, năng suất đạt 9,627, hệ số thức ăn 1,28, lãi ròng đạt 250.014.000 đồng (tương ứng với 625.034.000 đồng/ha), tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư đạt 66,52%. Năng suất vụ 1 vượt so với mục tiêu ban đầu từ 7-10 tấn/ha.
Tôm thẻ chân trắng là đối tượng được nuôi trồng chủ yếu trong nghề nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam.
Nghiên cứu thực nghiệm quy trình nuôi luân canh cá rô phi đơn tính ngắt vụ trong ao nuôi tôm thẻ chân trắng vụ 2 tại Hải Phòng cho kết quả: Tỷ lệ sống của cá ở ao 1 và ao 2 lần lượt là 80%, 82%; năng suất đạt 8,435 và 8,628 tấn/ha đạt 185-187% kế hoạch so với mục tiêu (4-4,5 tấn/ha). Lãi ròng của 02 ao 1 và 2 lần lượt là 97.613.000 đồng/ha và 100.981.000 đồng/ha.
Về kết quả nghiên cứu thực nghiệm quy trình nuôi xen canh cá rô phi đơn tính trong ao nuôi tôm thẻ chân trắng vụ 3 tại Hải Phòng cho thấy, ao nuôi mật độ 100 con/m2 tỷ lệ sống 61%, năng suất đạt 11,794 tấn/ha, hệ số thức ăn 1,28, lãi ròng đạt 261.160.000 đồng (tương ứng với 652.913.000 đồng/ha), tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư đạt 55,59%. Ao nuôi mật độ 80 con/m2 cho tỷ lệ sống 65%, năng suất đạt 10,925 tấn/ha, hệ số thức ăn 1,26, lãi ròng đạt 298.250.000 đồng (746.325.000 đồng/ha). Tổng năng suất vụ 3 vượt kế hoạch so với mục tiêu 7-10 tấn/ha, tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư đạt 72,28%.
Kết quả nghiên cứu thực nghiệm trên đã cho thấy, việc áp dụng cùng một quy trình, cùng địa điểm nhưng năng suất, tỷ lệ sống và hiệu quả kinh tế của vụ nuôi Xuân Hè (tháng 4-7) cao hơn vụ nuôi Thu Đông (tháng 8-11) do đặc điểm thời tiết vụ Thu Đông nhiệt độ thấp hơn, tốc độ sinh trưởng và tỷ lệ sống, hệ số thức ăn thấp hơn.
Từ những kết quả nghiên cứu trên, Ban chủ nhiệm đề tài đã đề xuất quy trình nuôi xen canh rô phi đơn tính trong ao nuôi tôm thẻ chân trắng phù hợp với Hải Phòng gồm: Chuẩn bị ao nuôi (khử trùng đáy, bờ ao bằng vôi; lót bạt; bơm nước cao ≥1,2m; bón chế phẩm sinh học); Lắp đặt quạt nước, kiểm tra nước và tiến hành gây màu cho ao; Chuẩn bị thả giống (Kiểm tra các yếu tố môi trường, đạt tiêu chuẩn tiến hành thả giống); Chọn giống và thả giống (Giống sạch 05 virus TSV, WSSD, YHV, YHHNV, MBV; mật độ 80-100 con/m2); Quản lý và chăm sóc ao nuôi gồm: quản lý cho tôm ăn (kiểm tra thức ăn bằng sàng, kiểm tra tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống), quản lý chất lượng nước (kiểm tra các thông số DO, pH, độ kiềm, các dạng nitơ…, kiểm soát ổn định môi trường nước), quản lý dịch bệnh (bổ sung khoáng chất, chế phẩm sinh học xử lý môi trường, chế độ thay nước; định lượng VSV, VK Vibrio, Pseudomonas,WSBV) và Thu hoạch.
Nuôi xen canh cá rô phi trong ao nuôi tôm thẻ chân trắng phù hợp với điều kiện Hải Phòng là giải pháp kỹ thuật hiệu quả nhằm phát triển đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao. Kết quả nghiên cứu của đề tài tạo sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao kim ngạch xuất khẩu, góp phần phát triển nghề nuôi tôm thẻ chân trắng bền vững; đồng thời là giải pháp hiệu quả trong việc giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường ao nuôi, hạn chế dịch bệnh và đảm bảo ổn định sản lượng, năng suất tôm nuôi.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài tại Trung tâm Thông tin, Thống kê KH&CN Hải Phòng./.
- Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế xác lập hệ thống tiêu chí, chỉ số đánh giá, giám sát... (30/10/2024)
- Nghiên cứu thử nghiệm sản xuất giống sò huyết Anadara granosa trong ao (28/10/2024)
- Quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường vùng nuôi trồng thủy sản tại một số tỉnh... (25/10/2024)
- Nghiên cứu xây dựng bộ công cụ số hóa đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo cho doanh... (23/10/2024)
- Một số giải pháp chính sách thực hiện chiến lược kinh tế biển xanh trong xây dựng... (21/10/2024)
- Nghiên cứu phát triển kỹ thuật PCR đa mồi (multiplex PCR) để phát hiện nhanh một... (18/10/2024)