Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 17853
Tổng truy cập : 57,998

Văn hóa - Xã hội Nông thôn

Người trẻ ngược đãi bản thân (06/09/2017)

            Mới đây, trên một diễn đàn sống trẻ, hình ảnh một thanh niên xăm kín mặt với lời giải thích “sau thất tình” đã thu hút hàng trăm bình luận mọi chiều. Trước đó không lâu, một nữ sinh cũng gây bão mạng vì tung hình ảnh tự cắt cổ tay khi bị suy sụp, áp lực. Đây chỉ là 2 trong số ít các trường hợp cho thấy giới trẻ ngày nay rất dễ rơi vào tình trạng dễ bị kích động do những áp lực trong cuộc sống, hoặc đơn giản là muốn thể hiện mình. Điều đó thực sự nguy hiểm.

Ths.Bs. Lê Công Thiện (Viện sức khỏe Tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: “Trầm cảm có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là từ 18-45 tuổi và đang có nguy cơ trẻ hóa”. Theo bác sĩ Thiện, tất cả những ca trầm cảm chúng ta có thể nhìn thấy, nghe thấy đều chỉ là bề nổi của tảng băng. Không thiếu người âm thầm hành hạ bản thân hoặc tìm đến cái chết mà không có ý định đăng lên facebook hay thông báo cho người thân. Thậm chí lượng bệnh nhân nhập viện hàng ngày để chữa trầm cảm cũng chỉ phản ánh một con số rất nhỏ người thực sự cần chữa trị.

Bác sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Phượng (Bệnh viện tâm thần Mai Hương, Hà Nội) cho biết: “Áp lực học hành, thi trượt, thất tình, mặc cảm giới tính, không tìm thấy ý nghĩa sống, thậm chí “đua đòi”, muốn chứng tỏ mình “ngầu”… khiến nhiều thanh niên rơi vào tình trạng ngược đãi bản thân từ thể nhẹ đến nặng, nhất là ở lứa tuổi teen (từ 13-19 tuổi). Đây là giai đoạn quá độ giữa “thiếu niên” và “trưởng thành”.

Ths.Bs Lê Công Thiện cho biết: “Nhiều bệnh nhân có nguyên nhân phát bệnh rất bất ngờ, ví dụ như: cãi nhau trên facebook, bị người yêu chụp ảnh nude tống tình, thi trượt, đổ vỡ thần tượng … Nếu bình thường, biết cách xử lý thì nó chỉ là một sang chấn tinh thần nho nhỏ. Nhưng nếu người nhà không kịp thời phát hiện và can thiệp, bệnh nhân có thể phải dùng thuốc cả đời hoặc tự vẫn. Đối với tất cả mọi triệu chứng trầm cảm, thời gian phát hiện càng sớm thì khả năng hồi phục càng khả quan”.

Theo kinh nghiệm của bác sĩ Nguyễn Ngọc Phượng, rất nhiều bệnh nhân đã tự “chữa trị” cho mình và chấm dứt tình trạng trầm cảm nhờ vào những liệu pháp khá đơn giản. Đi du lịch, tách mình khỏi môi trường tù túng ngột ngạt là một phương pháp dễ thực hiện và có hiệu quả tương đối cao. Thêm nữa, đi xa một chuyến, có điều kiện cho những căng thẳng lắng lại, sẽ thấy thế giới bên ngoài rất rộng lớn, nhiều người trong số đó sau đó trở thành những người mê du lịch và thường xuyên dùng cách “đi chơi” để giải tỏa căng thẳng. Một cách khác để giải tỏa tâm trạng xấu là tìm một thú vui nào đó mà bản thân say mê để “đánh lạc hướng” cơn trầm cảm. Có thể là chơi nhạc, vẽ, nhảy múa, tập võ, tập nấu ăn, pha chế đồ uống, tập viết văn…

Vai trò của gia đình trong trường hợp này vô cùng quan trọng, các bậc cha mẹ cần nhớ, luôn nên thể hiện sự quan tâm tới con bằng cách cho trẻ thấy chúng có một người bạn luôn sẵn sàng dành thời gian cho chúng, bình tĩnh, kiên nhẫn và chăm chú lắng nghe con. Tuyệt đối tránh thái độ phán xét, đổ lỗi, lên mặt dạy dỗ con, bởi điều đó không giúp ích được gì cho con mà còn đặp áp lực lên con hơn, khiến con càng lo lắng và không muốn tâm sự với cha mẹ vào những lần sau. Sau đó, cha mẹ hãy cùng nói về chuyện con có thể làm gì để cảm thấy dễ chịu hơn. Từ đó có thể giúp con cảm nhận được cha mẹ như những người bạn và có thể chia sẻ mọi lo lắng của mình.

 

Nguồn: Báo Tuổi trẻ