Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 2816
Tổng truy cập : 57,998

Văn hóa - Xã hội Nông thôn

Nguồn gốc và ý nghĩa của Tết Trung thu Việt Nam (25/09/2020)

            Tết Trung thu là Tết đoàn viên, là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam, được tổ chức vào ngày Rằm tháng Tám. Từ xưa, đây được xem là ngày lành, tháng tốt để tiên đoán mùa màng và cũng là dịp Tết vui chơi của trẻ nhỏ.

Theo các nhà khảo cổ học, Tết Trung thu ở Việt Nam có từ thời xa xưa, đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Theo văn bia chùa Đọi năm 1121 thì từ đời nhà Lý, Tết Trung thu đã được chính thức tổ chức ở kinh thành Thăng Long với các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn. Và có nhiều tài liệu ghi chép lại rằng, Tết trung thu được tổ chức dưới thời nhà Lý tại kinh thành Thăng Long là dịp mà vua Lý muốn tạ ơn thần Rồng đã mang mưa tới cho mùa màng bội thu, cho con dân ấm no.  Đến đời Lê - Trịnh, Tết Trung thu đã được tổ chức cực kỳ xa hoa trong phủ Chúa. Và cũng có rất nhiều những truyền thuyết được lưu truyền trong dân gian về nguồn gốc ra đời của ngày Tết Trung thu như: Chuyện nhà vua dạo chơi cung trăng vào Rằm tháng Tám, sự tích chị Hằng Nga, sự tích chú Cuội, sự tích Thỏ Ngọc…

Vào dịp trung thu, mỗi gia đình Việt đều bày cỗ với đầy đủ nào là bánh trung thu, kẹo, mía, thị, bưởi, dưa hấu… Mâm cỗ trung thu là tượng trưng cầu mong cuộc sống tốt lành, mùa màng bội thu và sự đoàn viên trong gia đình. Tùy vào từng gia đình mà cỗ được trang trí khác nhau. Khi ánh trăng lên tới đỉnh đầu chính là lúc mà mọi người cùng nhau phá cỗ và thưởng thức hương vị của Tết trung thu.

Ở Việt Nam, trăng có một ý nghĩa rất to lớn, trăng tròn là biểu tượng của sự sum họp. Ngày rằm tháng Tám là lúc cảnh trời đất đẹp nhất, khí hậu mát mẻ, ánh trăng sáng soi rõ từng cảnh vật về đêm. Thời điểm này cũng là lúc việc nông nhàn nhất, mọi người khi đó có thể thảnh thơi ngắm cảnh thưởng nguyệt mà hòa mình vào đất trời. Sau khi quây quần cùng nhau phá cỗ, các gia đình sẽ sum vầy trên ban công hay tìm chỗ trên cao để cùng nhau ngắm ánh trăng rằm. Dưới ánh trăng sáng các ông bố bà mẹ cũng thường kể về giai thoại chú Cuội ngồi gốc đa cho con mình nghe.

Tết trung thu không thể thiếu đi hình ảnh chiếc đèn lồng nhiều màu sắc sáng rực rỡ dưới ánh trăng vàng. Đèn lồng trung thu được làm cho trẻ em chơi trung thu là chính. Những chiếc đèn với vô số hình dáng từ bông hóa, cá, gấu…vô cùng xinh đẹp sáng rực đêm trung thu. Đèn lồng Việt Nam làm thủ công từ tre và giấy gió, tô vẽ bên ngoài đèn là những nét vẽ đường thêu vô cùng đặc sắc. Đèn lồng của người Việt Nam là sự biểu hiện của ấm no và hạnh phúc gia đình. Một số lại được làm thành dạng đèn hoa đăng, sau khi ghi những ước nguyện vào thì thả trôi bờ sông mang lời cầu nguyện đi xa.

Dường như bánh trung thu đã trở thành một thức bánh chỉ có vào dịp Tết trung thu và không thể thiếu của mọi nhà. Được làm từ bột mì nhân hạt sen và bột đường, bánh trung thu biểu tượng cho sự đoàn tụ và hòa thuận của gia đình. Bánh trung thu sẽ được cắt bằng với đúng số thành viên trong gia đình. Miếng bánh càng đều thì gia đình càng hạnh phúc hòa thuận.

Người Việt múa Lân vào dịp Tết trung thu. Thường múa Lân sẽ được tổ chức vào đêm 14 và đêm 15. Đội múa Lân gồm có một người đội chiếc đầu lân và chỉ huy cả đội múa những điệu bộ của con vật này theo nhịp trống. Con Lân tượng trưng cho điềm lành vì vậy múa Lân đêm trung thu là ước mong cho những điềm lành đến với mọi nhà./.

PV tổng hợp