Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 69031 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Khoa học - Y dược
Nhiều người bị viêm khớp dạng thấp mà không biết (11/10/2017)
Viêm khớp thấp là bệnh lý tự miễn, biểu hiện sưng đau kèm tình trạng cứng khớp kéo dài vào buổi sáng.
Viêm khớp dạng thấp thường gặp ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới. Nhiều người bệnh không phát hiện sớm hoặc bị nhầm lẫn với các bệnh đau cơ xương khớp thông thường.
Đặc điểm nhận dạng của viêm khớp dạng thấp là tình trạng sưng đau nhiều khớp kèm theo cứng khớp vào buổi sáng. Triệu chứng rõ rệt hơn khi thời tiết thay đổi hoặc khí hậu ẩm ướt.
Theo các nghiên cứu y khoa, viêm khớp dạng thấp xảy ra ở tất cả chủng tộc và lứa tuổi. Trong đó, thường gặp nhất với người 30-50 tuổi, chiếm 73 đến 85%. Nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam gấp 2-6 lần. Nam giới thường có xu hướng bệnh nặng hơn nữ.
Trên thực tế, các dấu hiệu của viêm khớp dạng thấp thường bị bỏ qua vì người bệnh cho rằng do phản ứng thông thường của cơ thể do thời tiết hoặc hậu quả của việc lao động quá sức. Bệnh diễn tiến chậm nên càng dễ bị bỏ qua giai đoạn đầu có các triệu chứng đau nhức, khớp sưng nhưng không quá to, người bệnh chủ quan không đi khám ngay. Đến khi bệnh diễn biến nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng hoạt động thường ngày bệnh nhân mới đến viện khám.
Bác sĩ Cao Thanh Ngọc đang thăm khám cho một bệnh nhân bị đau khớp. (Ảnh :TT).
Trước đây, viêm khớp được mệnh danh là "vấn đề của người già". Hiện bệnh được phát hiện ở nhiều người trẻ. Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM vừa tiếp nhận một nữ bệnh nhân 34 tuổi ở quận 2 bị bệnh này. Người phụ nữ thường xuyên làm việc với máy tính hơn tám giờ mỗi ngày. Cách đây nửa năm, các khớp ngón tay phải của chị bắt đầu sưng và đau nhức khi cử động, đến nỗi không thể gõ bàn phím. Thời tiết thay đổi càng đau hơn. Chị mua thuốc giảm đau uống, ban đầu tình trạng đau nhức giảm nhưng khi dừng thuốc, triệu chứng sưng tấy, đau nhức, cứng khớp lại gia tăng.
Bác sĩ Cao Thanh Ngọc, Trưởng Đơn vị Nội cơ xương khớp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, chẩn đoán bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp. Ảnh chụp X-quang cho thấy có hiện tượng hủy khớp. Bác sĩ cảnh báo bệnh nhân nếu không điều trị nay thì nguy cơ dính khớp, biến dạng khớp dẫn đến tàn phế rất cao. Bệnh lý này còn tác động đến toàn thân và làm tổn thương các cơ quan khác trong cơ thể, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Qua trường hợp này, bác sĩ Ngọc khuyến cáo mọi người khi bị đau khớp không nên tự ý mua thuốc giảm đau uống vì không thể trị khỏi căn nguyên của bệnh mà còn làm trì hoãn thời gian và khiến bệnh trở nặng hơn.Theo khảo sát của bác sĩ Ngọc, trong số bệnh nhân đến khám các vấn đề về xương khớp, có khoảng 10% được chẩn đoán là viêm khớp dạng thấp. Đa phần các trường hợp này đã bước vào giai đoạn tiến triển nặng và xuất hiện các hiện tượng hủy khớp, dính khớp, biến dạng khớp. Khi đó việc điều trị trở nên khó khăn và lâu hơn do người bệnh không đáp ứng các loại thuốc kháng thấp thông thường mà cần phải dùng đến thuốc sinh học.
Bác sĩ giải thích thuốc sinh học khác với các loại thuốc kháng thấp tổng hợp ở tác dụng giảm đau, giảm viêm nhanh hơn nhiều mà vẫn an toàn cho sức khỏe. Đây được xem là một bước tiến mới trong y học giúp người bệnh hồi phục nhanh hơn và mau chóng trở về với cuộc sống thường nhật. Tuy nhiên giá thành loại thuốc này tương đối đắt nên việc điều trị sẽ tốn kém hơn.
Bác sĩ Ngọc khuyến cáo, đối với bệnh lý viêm khớp dạng thấp, việc chẩn đoán và điều trị sớm là rất quan trọng bởi các tổn thương phá hủy khớp có thể xuất hiện rất sớm. Vì vậy, người bệnh cần đi khám sớm khi có các dấu hiệu như đau nhức khớp hoặc cứng khớp thường xuyên vào buổi sáng, đau khớp dai dẳng, nặng thêm theo thời gian, khớp sưng, nóng, đau đối xứng, đau khớp, mệt mỏi. Một số bệnh nhân có thể bị sốt, hạn chế vận động. Đặc biệt là tình trạng sưng đau khớp kéo dài trên hai tháng ở phụ nữ trung niên.
Nguồn: Vnexpress.net
- Phát hiện protein đẩy nhanh tốc độ lây lan bệnh Parkinson trong não (18/11/2024)
- Khoảng 40% trường hợp ung thư vú sau mãn kinh có liên quan đến lượng mỡ thừa trong... (12/11/2024)
- Kỹ thuật mới cho thấy được sự cạnh tranh giữa các tế bào khối u để có thể cá nhân... (05/11/2024)
- Tiến sĩ người Việt chế tạo trái tim có thông số như tim người (21/10/2024)
- Protein kinase N là mục tiêu mới để điều trị suy tim (15/10/2024)
- Phát triển công nghệ sàng lọc trẻ mắc chứng khó đọc (07/10/2024)